Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2025

Đảng Cách Mạng

Trong quá khứ chúng ta nghe nhiều về các đảng nhưng tất cả các đảng có bao giờ tự hỏi: đảng mình là đảng chính trị hay là đảng cách mạng? Bài viết này sẽ tập trung vào đảng cách mạng. Bài nói về đảng chính trị sẽ trình bày trong tuần tới.

Mục đích của cách mạng là thay đổi toàn diện và triệt để; nhưng không vì mục đích đó để xem thường mạng sống của Con Người, cho dù đó là mạng sống của đối thủ của mình.

Các cuộc cách mạng trên thế giới từ Ai Cập đến Tunisia kết quả ra sao? Hai đất nước này vẫn nằm ở vị trí “độc tài” dưới nhãn hiệu dân chủ. Tại sao thế? Câu trả lời có lẽ là cuộc cách mạng ở hai nước này không khởi đầu từ cái gốc mà chỉ bộc phát ở cái ngọn cho nên cuối cùng trở lại nền độc tài mới.

Để có một đảng cách mạng trước tiên phải có con người làm được cách mạng bản thân. Cuộc cách mạng bản thân để tự chính mình rèn luyện mình, kiềm hãm những cái Thâm-Sân-Si bởi ba cái này tạo ra hỗn loạn xã hội. Nói đơn giản khởi đầu của đảng cách mạng phải bắt đầu từ chính bản thân để chính mình kiện toàn tu dưỡng bản thân -- hầu tạo ra một nền tảng căn bản của đạo đức (lối ứng xử của Người) làm người.

Khi có nhiều con người có tu dưỡng, ngồi lại để thảo luận, tìm ra một tư tưởng làm nền tảng sinh hoạt của bản thân, của đảng cách mạng. Tư tưởng đó phải đặt Con Người làm gốc, dựa vào tương quan của Con Người để triển khai tư tưởng vào trong thực tế.

Những con người có du dưỡng đem những thảo luận về tư tưởng để tương tác với nhau hầu đánh giá thực-giả, khả năng, ý chí, cách làm việc -- để từ đó sắp xếp công việc cho phù hợp. Đây là tiến trình thử thách với nhau để đánh giá với nhau, tìm hiểu nhau, và xác định cái tư tưởng lựa chọn đó đúng hay sai, cần phải điều chỉnh ra sao.

Những con người có tu dưỡng tự chính bản thân phải lo được đời sống cho mình và gia đình. Nếu có khả năng làm ăn thương mại thì tạo ra công ty để giúp những cá nhân khác, giúp những người hàng xóm có công ăn việc làm. Đây là điểm chính của một đảng cách mạng. Không giải quyết được chuyện mưu sinh cho bản thân, cho những người đồng hành, cho những người hàng xóm gần gũi với mình thì đừng nói đến chuyện cách mạng.

Đảng cách mạng phải có một sơ đồ của một hệ thống chính quyền nhằm kiểm soát lẫn nhau. Nói tam quyền phân lập thì phải hình dung cái tam quyền phân lập đó ra sao, cái lổ hổng của tam quyền phân lập ra sao để kiện toàn nếu chọn tam quyền phân lập. Phải đặt câu hỏi, nếu tam quyền phân lập hợp tác để trở thành tam độc tài thì người dân dựa vào đâu để giải quyết chuyện đó? Nói chung dùng từ tam quyền phân lập không đủ để thuyết phục người khác khi mà không có một khung sườn để giải quyết vấn đề người xấu vào trong cơ chế tam quyền phân lập, và chính những người xấu hợp tác để trở thành một “độc tài” dưới danh nghĩa tam quyền phân lập.

Đảng cách mạng phải có một sơ đồ với hệ thống chính quyền ra sao, trách nhiệm của mỗi cơ năng như thế nào, thời gian phục vụ ra sao, người dân có cơ năng nào để xét lại những sai lầm của cơ cấu chính quyền đưa ra.

Đảng cách mạng nhìn vấn đề kinh tế ra sao? Một nền kinh tế tư bản hoang dã hay một nền kinh tế tư bản nhân bản? Một nền kinh tế xem thường thiên nhiên hay một nền kinh tế bảo quản thiên nhiên? Một nền kinh tế các công ty có trách nhiệm với sản phẩm trở thành phế thải hay một nền kinh tế cho các công ty tạo ra phế thải và xã hội phải gánh hậu quả của vật phế thải sau một thời gian sử dụng? Một nền kinh tế biết đủ hay vô đáy để tiếp tục thu vét từ xã hội cho cái giàu của chính bản thân?

Đảng cách mạng nhìn vấn đề giáo dục ra sao? Mục đích của giáo dục là gì?

Đảng cách mạng suy nghĩ gì về chuyện Tiền và Nhân sự? Có phương cách nào để đào tạo cán bộ trở thành những con người cách mạng luôn luôn quan tâm đến sự tu dưỡng bản thân? Làm sao tạo ra tiền và tìm người có khả năng? Có tiền và có người thì sẽ làm gì? Chương trình ngắn hạn, dài hạn ra sao? Có tiền nhưng biết sử dụng tiền cho hợp lý, bảo quản tiền bạc không bị lạm dụng hay biển thủ? Có người nhưng biết sử dụng người cho đúng khả năng, đúng công việc, và tôn trọng người hợp tác?

Đảng cách mạng thấy được sự tương quan giữa Triết Học, Sử Học, và Khoa Học? Đảng cách mạng làm việc trên tinh thần khoa học hay làm việc trên tinh thần nước đến chân mới nhảy?

Đảng cách mạng không cần phải phô trương và những cán bộ cách mạng sống, hòa hợp với đáy tầng, giúp đỡ đáy tầng chuyện cơ bản nhất là kinh tế, là giáo dục (hiểu ở một nghĩa rộng lớn chứ không phải là trường sở) mà không ai biết đó là cán bộ cách mạng.

Đây là bước chuẩn bị lâu dài, có thể 30 năm trước khi chính thức tuyên bố thành lập đảng cách mạng với cương lĩnh và chương trình hành động. Bước chuẩn bị này để xây dựng lực lượng gốc, xây dựng nền tảng trong công việc chuẩn bị cuộc cách mạng toàn diện và triệt để; cũng như xây dựng nền tảng để xây dựng lại hệ thống xã hội băng hoại, thất nhân thành một xã hội có trách nhiệm, có nhân tâm, nhân đức, nhân đạo, nhân tri, nhân trí, nhân lực, và nhân chủ.

Cách mạng không phải chỉ là trình bày qua vài trang giấy, cuốn sách, mớ nguyên lý hỗn độn, mơ hồ, ảo tưởng vì nếu cách mạng chỉ xảy ra đúng tại A mà không thành ở B thì phải xét lại. Cách mạng là sản phẩm của con người. Con người có suy nghĩ (tư tưởng) để biết đúng, sai. Con người cũng sống nhờ vật chất và hoạt động để tiến hóa. Vậy con người cách mạng phải có tu dưỡng qua suy nghĩ, lý luận. Cao điểm của lý luận là triết học.

Triết học Duy Vật thất bại vì gian dối, một chiều, che giấu khuyết điểm, tranh thắng bằng cách tiêu diệt đối lập. Cách mạng là thay đổi. Thay đổi như thế nào? Đi về đâu cần phải có lý luận, thử thách, ứng biến với hoàn cảnh; không phải độc tài, độc đảng (đóng) mà qua nguyên tắc (mở) để mọi người tham dự, góp ý thì đó là dân chủ. Và nếu là trách nhiệm chung để thay đổi tốt hơn thì không thể tiêu diệt lẫn nhau để sống. Cách mạng phải phân biệt Chính và Trị. Cách mạng cũng là kiến thiết (kinh tế). Khi thế giới chỉ có một môi trường sống thì tranh giành đất đai (lãnh thổ) hay tài nguyên vốn giới hạn không phải là chính sách kinh tế đúng đắn của một lý thuyết cách mạng.

Vài ý tưởng gợi ý cho một đảng cách mạng ở tương lai xây dựng tại Việt Nam, do chính những người sống tại Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của chính mình, gia đình mình, xã hội mình, đất nước mình, dân tộc mình. Người Việt ở ngoài Việt Nam chỉ đóng vai trò phụ, giúp đỡ ý kiến và vận động chính quyền sở tại nhằm đáp ứng nhu cầu mà đảng cách mạng trong nước cần để đẩy cuộc cách mạng đi đến thành công.

“Đảng cách mạng dùng phương tiện đấu tranh bí mật và từ dưới quần chúng đi lên…. Đảng cách mạng chủ đích lấy quần chúng, giác ngộ quần chúng cùng đứng lên sửa đổi và xây dựng xã hội với mình” (Lý Đông A)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 10 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2025/03/07/dang-cach-mang/

 

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Dân Chủ Là Gì?

Hình như người Việt chưa bao giờ tìm hiểu về sự thật của Dân Chủ là gì. Mọi người cứ nghĩ rằng dân chủ là chấp nhận đa đảng, người dân bỏ phiếu, đa số thắng thiểu số. Tất cả những vấn đề trên đúng nhưng chỉ là ngọn. Nếu chỉ nhắm vào ngọn mà không nhìn vào gốc thì nền “dân chủ” đó rất là nguy hiểm hoặc nền độc tài mới dưới cây dù “dân chủ”.

Có đa đảng chưa chắc đã dân chủ. Người độc tài sẽ dựng ra nhiều đảng khác nhau để gọi là đa đảng thì phải chăng đó cũng là dân chủ?

Người dân đi bỏ phiếu thì phải chăng ở những nước độc tài người dân cũng đi bỏ phiếu? Ở những nước tự do như Mỹ, ở Texas, những người cử tri độc lập không có quyền tham dự vào cuộc bầu cử sơ bộ (primary) nếu họ không chọn đảng, mà đã là độc lập thì tại sao phải chọn đảng? Phải chăng đây là cuộc chơi thiếu dân chủ bởi người cử tri độc lập không có quyền lựa chọn ông A (thuộc đảng X) cho chức vụ Thượng Viện và bà B (thuộc đảng Y) cho chức vụ Hạ Viện trong cuộc tranh cử sơ bộ?

Nếu cho rằng đa số thắng thiểu số thì dân tộc Kinh (đa số người Việt là dân tộc Kinh) bỏ phiếu chà đạp quyền sống của dân tộc Thượng tại Việt Nam thì phải chăng đó là dân chủ? Nếu các nước trên thế giới, dựng chuyện giả tạo để mục đích tôn tính một nước khác, qua Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bỏ phiếu đánh nước A với sự đồng ý 70% của thành viên Liên Hiệp Quốc thì phải chăng đó cũng là dân chủ?

Nếu cho rằng đa số thắng thiểu số, một cá nhân (thiếu nhân cách, nhân đạo, nhân sinh, sẵn sàng nói dối để đạt mục đích) chủ trương ma đạo và một cá nhân (có nhân cách, nhân đạo, nhân sinh, nói thật dù sự thật đau lòng) chủ trương nhân đạo được chọn ra tranh cử. Nhưng người chủ trương ma đạo, vì mục đích bất chấp thủ đoạn, vận động hành lang bằng những hứa hẹn quyền lực, tiền bạc, quyền lợi cho những người có thể bỏ phiếu trước cuộc bầu cử, kêu gọi những người cùng phe mình là số đông, bỏ phiếu để chọn mình và kết quả của sự vận động hành lang đó, người ma đạo thắng cử lãnh đạo tổ chức. Vậy thì đây có phải là hình ảnh của sinh hoạt dân chủ?

Nếu trong một đất nước chỉ có 66% số người (34% còn lại quyết định tẩy chay, không đi bầu) đi bỏ phiếu để tham dự cuộc bầu cử và người thắng cử đạt con số 40% trong số 66% thì phải chăng đây là sự lựa chọn của đa số trong tổng số 100%?

Đây là những câu hỏi đặt ra để người Việt quan tâm đến nền dân chủ ở tương lai cần phải thảo luận cho tận gốc của vấn đề. Tuy nhiên trước khi thảo luận với những câu hỏi đặt ra, mọi người phải tìm câu trả lời, Dân Chủ Dựa Trên Nền Tảng Nào?

Lý Đông A vào thời điểm 1940 đã nhận định “Dân Chủ phải lấy cái gốc Nhân Chủ”. Mà Nhân Chủ là sự Tự Giác để tự bản thân mình biết lối hành xử dựa vào nền tảng của Nhân Đạo, Nhân Sinh, Nhân Tâm, Nhân Trí, Nhân Tri, Nhân Cách, và Nhân Phẩm. Sự Tự Giác đó đòi hỏi tự bản thân phải biết Tu Dưỡng để thắng Tham-Sân-Si của chính bản thân thay vì để Tham-Sân-Si làm chủ Con Người của mình; để biến bản thân mình thành con Ma Tiền, Ma Quyền, Ma Danh, Ma Dâm. Ma của người chết không hại xã hội nhưng Ma của người sống làm hại đến xã hội.

Vậy thì trước khi thảo luận Dân Chủ thì người Việt cần thảo luận Nhân Chủ. Không đồng ý trên cái gốc của nền tảng Nhân thì tất cả những thảo luận về Dân Chủ chỉ là ngọn, sẽ không bao giờ giải đáp được bài toán của xã hội.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2025/01/01/dan-chu-la-gi/

 

 

Nhân Chủ Là Gì?

Nhân là Người. Chủ là mình làm chủ Con Người của chính mình.

Nhân Chủ được hiểu ở một nghĩa rộng lớn là sự tự giác, giác ngộ. Chưa có trường sở nào dạy sự tự giác hay giác ngộ. Cho nên Nhân Chủ là một sự cố gắng từ bản thân, khi nhận diện ra những Tham-Sân-Si có sẵn trong Con Người của mình; và thấy rằng những Tham-Sân-Si đó, nếu không kiềm chế sẽ tạo ra rối loạn cho bản thân và xã hội.

Tự giác để biết điều chỉnh bản thân hằng ngày, hằng giờ hầu có lối ứng xử với Người, với xã hội cho hài hòa thay vì là kích động của ham muốn, của bạo lực.

Muốn đạt được Nhân Chủ, cá nhân phải có sự tu dưỡng ở bản thân. Sự tu dưỡng đó để thấy rằng, một cá nhân, dù tài giỏi cách mấy, vẫn không làm được gì nếu không có sự giúp đỡ từ xã hội. Cá nhân nhờ vào xã hội để sống và tồn tại. Ngược lại xã hội nhờ cá nhân để mọi người trong xã hội cùng tiến.

Cá nhân và xã hội là hai thực thể luôn luôn có những xung khắc. Tuy nhiên xung khắc không có nghĩa là phải triệt tiêu lẫn nhau. Trái lại khi nhìn ra được sự xung khắc đó, mỗi cá nhân sống trong xã hội phải tự tìm ra giải pháp để giảm bớt sự xung khắc đó. Có những lúc quyền lợi cá nhân phải đặt dưới quyền lợi xã hội và ngược lại quyền lợi xã hội vẫn phải tôn trọng quyền lợi của cá nhân.

Thí dụ 1: Vì nhu cầu cuộc sống, cá nhân sản xuất một sản phẩm mà sản phẩm đó có hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong trường hợp này, nếu là một cá nhân có sự tự chủ, tự giác, sẽ không làm ra sản phẩm này mà tìm ra một sản phẩm khác để phục vụ xã hội và cuộc sống của chính mình.

Thí dụ 2: Vì nhu cầu của xã hội phát triển đường xá, một phần đất của tư nhân phải được mua lại để tạo ra phương tiện lưu thông. Nhưng không vì lợi ích của xã hội mà sự mua lại miếng đất từ tư nhân với giá rẻ mạt.

Tu dưỡng bản thân để thấy được sự nguy hiểm của mạng xã hội, từ đó không chia sẻ những hình ảnh, tin tức mà chính mình chưa kiểm chứng; hoặc chia sẻ những hình ảnh vì cảm tính thay vì là khách quan. Thời đại của AI (thông minh nhân tạo), một đoạn thu hình có thể là giả tạo chứ đừng nói đến một tấm hình. Một đoạn thu âm cũng có thể là giả tạo do AI dựng lên.

Tu dưỡng bản thân để không tôn sùng lãnh tụ, những người có bằng cấp, có tiền, có địa vị cao trong xã hội. Tất cả những hình ảnh trên chỉ là ngọn, là bề ngoài. Bên trong những Con Người đó mới là quan trọng. Họ có Nhân Tính, Nhân Cách, Nhân Phẩm, Nhân Tri, Nhân Tâm, Nhân Trí hay không mới là cái quan trọng của một Con Người. Một bác nông dân bình thường đôi khi có phẩm chất Người cao hơn vị bác sĩ vì ham tiền để lạm dụng chương trình phúc lợi xã hội cho người nghèo.

Tu dưỡng bản thân để biết được khả năng của chính mình, từ đó đặt mình vào đúng vị trí của xã hội. Ham muốn ai cũng có nhưng ham muốn mà không có khả năng, nếu không có sự tu dưỡng, sự ham muốn đó sẽ biến Con Người dùng ma đạo để đạt ham muốn đó. Chưa kể nếu có khả năng thì cái ham muốn đó mục đích để phục vụ ai? Xã hội hay chính bản thân mà thôi? Nếu phục vụ cho bản thân thì xã hội có bị thiệt hại hay không?

Tu dưỡng bản thân để biết sống thực, sống biết, sống đúng, và sống thiện. Đừng để bản thân ”sống’’ nhưng thực tế là sống giả, sống sai, sống ác, sống gian dối, sống làm nô tài.

Nhân Chủ là đều ai cũng có thể làm được qua sự tu dưỡng bản thân. Chủ đề tu dưỡng bản thân rộng lớn và dễ làm chứ không khó. Các bạn có thể vào đường link để tìm hiểu thêm. Chỉ khi nào hiểu được Nhân Chủ và đạt được tự giác -- thì lúc đó thực hiện dân chủ trên nền tảng Nhân Chủ sẽ đạt kết quả tốt hơn. Sẽ không có một lãnh đạo nào thiếu chữ Nhân được chọn vào vị thế lãnh đạo bởi người dân tự làm chủ được chính bản thân mình thì những trò tâm lý, mị dân, khẩu hiệu không lấy được lá phiếu của người dân.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2025/01/07/nhan-chu-la-gi/

 

 

 

Tự Do Là Gì?

Tự do là một vũ khí nguy hiểm, nếu không biết sử dụng thì sẽ làm hại đến xã hội.

Tự do trong suy nghĩ và hành động đã có từ thời nguyên thủy của loài người. Khác chăng là tự do thời nguyên thủy không có giới hạn trong khi tự do thời đại của thế kỷ 21 luôn luôn có giới hạn trong phạm vi của luật pháp cho phép. Luật pháp không thể nào đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường của loài người mà trong đó có quyền tự do.

Phải nhìn tự do là một vũ khí nguy hiểm để khi chính bạn sử dụng nó, bạn phải tự hỏi cái mình đang làm (suy nghĩ, hành động) có hại đến xã hội hay không và nếu hại thì mức độ nguy hiểm đó ra sao so với lợi ích của nó?

Tự do phải đi kèm với trách nhiệm. Tự do không đi kèm với trách nhiệm là một tự do thời nguyên thủy loài người, một tự do mà mọi người (thời nguyên thủy và hiện tại) thấy rằng nguy hiểm, cần phải loại bỏ. Từ đó loài người chấp nhận tự do đi kèm với trách nhiệm.

Tự do không cho phép bất cứ cá nhân nào nói dối, chia sẻ những sự kiện không có thật, hình ảnh không có thật qua mạng xã hội. Cái không thật đó sẽ hại đến nhiều người trong xã hội. Đây là hành động lạm dụng tự do, phá hoại xã hội chứ không phải thực hiện tự do.

Tự do ngoài trách nhiệm còn phải mang tính Nhân Bản, Nhân Sinh, Nhân Tâm, Nhân Đạo, Nhân Phẩm, Nhân Cách, Nhân Tri, Nhân Trí, Nhân Chủ. Những Nhân này là nền tảng của bất cứ tự do nào. Không có nền tảng này thì tự do là một nguy hiểm cho xã hội.

Thực hiện tự do với trách nhiệm và nền tảng Nhân luôn luôn có giá trả -- bởi tự do luôn luôn bị thách thức từ những nhà cầm quyền độc tài, giả dân chủ, lạm dụng dân chủ -- từ đó họ luôn luôn tìm đủ mọi cách đàn áp những ai thực hiện tự do.

Không ai, không một cơ chế nào có thể lấy quyền tự do của chính bạn. Tuy nhiên bạn có thực hiện quyền tự do của chính bạn hay không, trên nền tảng nào, với trách nhiệm nào là ở quyết định của bạn.

Tự do là tranh đấu từng ngày, từng giờ ở chính mình để tự mình có thể tự do hành xử hài hòa trong sinh hoạt của xã hội. Dùng Ma Đạo trong xã hội thì không thể nào gọi là thực hiện tự do bởi Ma Đạo sẽ tạo ra bất ổn cho xã hội.

Tự do đầu tiên và cuối cùng ở chính bạn.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2024 (Việt lịch 4903)

https://nganlau.com/2025/01/15/tu-do-la-gi/

 

 

Đảng Cách Mạng

Trong quá khứ chúng ta nghe nhiều về các đảng nhưng tất cả các đảng có bao giờ tự hỏi: đảng mình là đảng chính trị hay là đảng cách mạng? Bà...