Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Cá Thể và Toàn Thể Đối Lập Thống Nhất (P2)

Ô nhiễm môi sinh vì con người xả rác. Sẽ có bao nhiêu phát minh, nỗ lực để dọn sạch rác trên biển? Bao lâu? Thay vì mỗi cá nhân hạn chế thực phẩm tiêu thụ, rác do mình phế thải. Nếu nhìn về tương lai để tìm 100 cái mới (tốt) thì trong lúc đó con người vẫn tiếp tục 1000 cái xấu, và cái xấu tự nó tăng cấp số nhân. Cuộc chạy đua vô tận và con người trước khi tìm được cái tốt đã chết ngộp vì không ngăn chận được cái xấu nhanh hơn với sự tiếp tay của cái Ác.

Tựu chung căn bản vẫn là vấn đề cá thể đối với tập thể cần đối lập thống nhất khi đi tìm một phương thức hướng dẫn mọi người nhìn về tương lai (đầu mối quy tụ tìm sự thống nhất) là mục đích của tập tài liệu do PBS thực hiện. Nhưng theo Lý Đông A thì đó là một trong 3 nguyên lý cơ bản của "Bản vị học thuyết" (Nhân loại bản vị, Dân tộc bản vị và Trung tâm bản vị: quốc gia). Phim tài liệu của PBS chỉ đạt nguyên lý: "xã hội với tự nhiên đối lập thống nhất" (khi nạn ô nhiễm môi sinh xảy ra) và "thời gian và tiến hóa đối lập thống nhất" khi nhìn về tương lai với tiến triển khoa học và bảo vệ môi trường sống nhưng trên nền tảng nào thì không nói tới.

Nhóm thực hiện tài liệu nghĩ rằng khi đồng ý mục tiêu thì mọi người sẽ xóa bỏ dị biệt. Nhưng quá khứ lịch sử Hoa Kỳ đã cho thấy khi các nhóm di dân đồng ý về một quốc gia mới khác Âu Châu thì dị biệt vẫn còn và dẫn tới nạn kỳ thị hôm nay mà hiến chương Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc không giải quyết được. Khi nền văn minh Tây phương vẫn không tìm được "đối lập thống nhất" hay "hỗ tương nguyên nhân" để cân bằng phương trình suy nghĩ và hành động trong đời sống tương tự như nguyên tắc Âm Dương, Ngũ hành hay "tiền đề-phản đề-tổng hợp đề" trong triết học. Nếu "phương trình" Tiền đề và phản đề không đúng (hay cân xứng) thì sẽ không đưa ra kết quả đúng (tổng hợp đề).

Bạn có thật lòng giải quyết vấn nạn trước mắt (trong đời sống) hay giả vờ? (đó là tự kỷ nguyên nhân cũng là hỗ tương nguyên nhân) Dân chủ đáy tầng không phải như dân chủ Tây phương nổi loạn lật chính quyền gọi là cách mạng rồi không biết đi về đâu. Dân chủ đáy tầng đòi hỏi cá nhân tu dưỡng, nắm vững tiền đề, nền tảng các nguyên tắc suy nghĩ, lý luận, hành động (căn bản Nghĩa, Học, Luận, Quan) để mọi người cùng bước theo nhịp dân chủ mà không do đảng phái nào chế ngự.

Cuối cùng của tập tài liệu là người thuyết trình xác nhận sự hiện hữu quan trọng hơn cả (những gì đang làm, quyết định) những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Lời nói có vẻ "hiện sinh" nhưng lập lại lời nói của cổ nhân nhưng chưa (hay không) sống như cố nhân thì vô nghĩa. Biết (giác) và gặp (ngộ) để ăn uống, trao đổi ý kiến không thể nói là hiểu nhau để giải quyết vấn đề chung khi mỗi cá nhân vẫn chưa hiểu mình. Dân chủ Tây phương cho phép con người tìm hiểu để cải thiện đời sống. Sự thành công về vật chất không giải quyết được bế tắc về tinh thần (tội ác và bệnh tâm thần) vì gốc (nền tảng) của cá nhân và xã hội đã không được xác định trên những nguyên tắc của triết học chứ không phải đến từ tôn giáo hay tâm lý học.

Lối giải quyết của các nhà tương lai học vẫn nằm trong chiều hướng của thế lực lãnh đạo chính trị khi nhìn thấy bế tắc trong hiện tại, khi lỗi lầm của quá khứ chồng chất, biến hóa và họ không chấp nhận sai lầm bằng cách thú nhận hay phủ nhận mà giải quyết bằng cách mở con đường mới qua tầm nhìn của "tương lai học" để lôi kéo loài người vào một mê trận mới. Vẫn là vận dụng Tâm lý học để đánh lạc hướng những ai muốn giải quyết vấn đề của nhân loại hôm nay.

Cho tới khi nào các nhà lãnh đạo chính trị chấm dứt trò chơi "dân chủ" bằng cách mượn vai trò "đại diện" dân để hại dân và khi dân phản đối (biểu tình) thì tạo lực chống đối và họ nhân danh vai trò lãnh đạo chính trị để tiếp nối sự hòa giải mọi xung đột xã hội và dùng tâm lý để vận động tranh cử. Cứ như vậy vòng luẩn quẩn tái diễn. Mọi câu hỏi trước tòa (hay điều trần Quốc Hội) sẽ đưa đến trả lời "có" hay "không" (Yes - No) của người dân chứ không đến từ giới lãnh đạo. Khi tương quan giữa cá thể và toàn thể không đối lập thống nhất thì sinh hoạt dân chủ chỉ là trò chơi lừa bịp bằng ngôn ngữ của luật pháp.

Như vậy không có nghĩa là nền dân chủ Tây phương đi vào ngõ cụt. Tất cả do con người. Vẫn còn có người cố gắng đi tìm sự thật, tìm lối thoát cho nhân loại nhưng mọi sự cố gắng nếu không bắt trúng mạch (biện chứng triết học) để giải quyết mọi vấn đề trong xã hội loài người. Mơ ước đó không thể giao phó cho thông minh nhân tạo (AI) hay một số chuyên gia các ngành ngồi lại như tài liệu của PBS cho thấy (vì vẫn đi vào chiều hướng cũ). Đi tìm cái mới có thể là không mới nếu nhìn lại các tôn giáo muốn phục vụ nhân loại đã kêu gọi tình thương, bác ái, đơn giản, hòa đồng... nhưng tại sao kết quả không đến? Phải chăng vì con người đã bóp méo sự thật vì lý do X nào đó. Nếu không nhận diện lý do X đó mà vẫn chạy theo "tương lai" (khác gì những lời rao giảng trong tôn giáo) để rồi lại gặp X tái diễn?

Nhìn lại nền dân chủ Mỹ phải chăng đã và đang âm thầm đề cao cái Ác, mạnh bạo nhưng sự tiếp nối của các nhà tiên phong xây dựng nước Mỹ qua sự tiêu diệt dân địa phương (da đỏ), khai thác nô lệ và áp bức, bóc lột di dân (hợp pháp lẫn bất hợp pháp). Luật pháp và trật tự chỉ áp dụng cho kẻ yếu, nghèo, ngoan ngoãn chờ đợi công lý phân xử. Còn kẻ mạnh bạo, ác vẫn tung hoành để làm giàu, bóc lột (hợp pháp lẫn bất hợp pháp) và dùng tiền bạc mua chuộc bất cứ người, vật có thể mua chuộc được (kể cả công lý, dân chủ).

Nếu nói theo tâm lý học thì kẻ Ác, đã khởi tâm Ác, thì sẽ và tiếp tục làm ác. Tù tội, hình phạt, bệnh viện tâm thần chỉ là trò chơi gạt dân đen. Khi trò chơi dân chủ mượn sự chọn lựa (choice, option) mà không đi với sự giáo dục, sự cân bằng hai chiều (hỗ tương nguyên nhân) cũng như trách nhiệm đôi bên (chủ-thợ, người sản xuất- người tiêu thụ). Phải chăng nước Mỹ và thế giới tự do, dân chủ đang cần một cuộc cách mạng thực sự.

Cuộc cách mạng dựa trên triết học nhân bản để thực hiện nhân quyền cho loài người chứ không phải chỉ là cuộc nổi loạn của dân chống chính quyền đương thời mà chính tầng lớp lãnh đạo cách mạng cũng không biết đi về đâu hay sẽ làm gì sau khi cách mạng thành công. Phải chăng Tây phương chuộng thực dụng mà không biết đến Mệnh lý (sinh mệnh tâm lý). Tại sao đã biết Tâm lý mà lại không biết Mệnh? Hay đó là sự mất cân bằng vì giấu diếm hay không có câu trả lời.

Cái Ác dễ làm nên kẻ hèn và ngu bị lôi cuốn bởi kết quả -- nhưng mọi người quên đi đời sống con người là tìm hiểu sự thật. Bạn có thể bị lôi cuốn bởi cảnh bên đường nhưng cuối cùng bạn vẫn phải trở lại con đường đi tìm sự thật. Mà muốn tìm đến sự thật (Chân) thì bạn phải Thật lòng (Thiện) vì giả dối chỉ dẫn bạn đi đến với giả dối. Muốn sống Thiện thì bạn phải kiên nhẫn (Nhẫn) với thời cuộc, với lòng người thay trắng đổi đen.

Cách mạng không phải chỉ là lật đổ chế độ đương thời mà là kiến thiết sau đó. Kiến thiết cái gì, như thế nào, sẽ đi về đâu? Đó không phải chỉ là thực dụng hay biết đến đâu làm đến đó. Kiến thiết là kế hoạch. Kiến thiết phải có nền tảng vật chất và tinh thần. Là sự kết tụ sức mạnh tinh thần và vật chất của dân tộc và văn hóa, dựa trên khoa học và triết học để tránh những sai lầm lịch sử. Cách mạng đòi hỏi kiên nhẫn để học tập và chuẩn bị. Cách mạng không phải là cuộc chạy đua để tới đích trước tranh phần thắng, giành ăn. Cách mạng khởi đi từ cá nhân đến tập thể. Ý kiến có thể khác biết nhưng phải đối lập thống nhất trên cùng một mục tiêu: xây dựng xã hội, đất nước và nhân loại.

Lý Đông A nói đến cách mạng gốc, cuộc cách mạng thực hiện bởi "đáy tầng", bởi những con người có tu dưỡng để thực hiện một chế độ giáo dưỡng với Cơ Năng Hiến Pháp cùng với một nền kinh tế nhân bản. Có ai muốn tìm hiểu Lý Đông A đã nói gì không?

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...