Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Cơ Chế Đan Quyền (P1)

 

Hiện nay chúng ta đang thấy sự suy thoái dân chủ của cơ chế Tam Quyền Phân Lập. Con người lập ra hiến pháp quy định cơ chế công quyền. Tuy có ý thức sửa đổi, bổ túc qua các tu chính án (amendment) nhưng theo thời đại, con người suy thoái. Hoặc là dân hay giới ưu tú (elite) lãnh đạo thay nhau củng cố nền dân chủ. Nhưng khi cả hai (dân, lãnh đạo) suy thoái thì cơ chế tam quyền phân lập trở thành tam quyền phân tán. Điển hình là sự chi phối của tôn giáo vào hệ thống tòa án. Một khi Tối Cao Pháp Viện (TCPV) dựa vào thành kiến tôn giáo để quyết định án lệ, rồi cũng chính TCPV phá án lệ của tiền nhân nhưng lại trả về các tiểu bang quyết định. Đây là hành động vô trách nhiệm của Tòa Liên Bang phán quyết để duy trì "hợp chủng quốc" thì lại trả về tiểu bang để mỗi tiểu bang có quyết định trái ngược nhau thì căn bản nhân quyền của hợp chủng quốc bị phá vỡ. Nhưng vì đặc quyền tại chức suốt đời (lifetime) nên dân không thể thay đổi cơ chế lẫn nhân sự.

Về mặt lập pháp, cơ chế lưỡng đảng tưởng chừng bền vững nhưng khi sắc dân thay đổi, các nhóm thiểu số dần dần trở thành đa số đe dọa sự chọn lựa ứng cử viên thì thành phần đa số (đang trở thành thiểu số) tìm cách duy trì thế lực chính trị bằng mọi thủ đoạn. Các khuynh hướng chính trị (kỳ thị, quá khích, cô lập) đã từng xuất hiện trước thế chiến II nay tái xuất để khủng bố các nhóm đối lập. Từ hạ tầng cơ sở, sự phân chia bản đồ bầu cử để chèn ép các nhóm thiểu số lan rộng dẫn đến xung đột, hỗn loạn, bất lực trong các cơ chế soạn luật từ tiểu bang đến liên bang. Các thế lực tôn giáo, kinh tế, ngoại bang âm thầm can thiệp vào các tiến trình bầu cử, soạn luật địa phương trên toàn quốc. Một mặt họ kêu gọi dân lo hưởng thụ, làm giàu, lơ là các sinh hoạt chính trị. Mặt khác lớp lãnh đạo lo củng cố địa vị, quyền lợi bản thân và phe đảng bằng cách o bế các nhà tài phiệt, tạo khó khăn cho dân nghèo có cơ hội bỏ phiếu thì nền dân chủ tất phải suy thoái. Khi người dân chạy theo kẻ mỵ dân, thiếu đạo đức, trách nhiệm thì sẽ nhắm mắt chọn kẻ mạnh, hứa hẹn đem lại tương lai tốt đẹp thì đó là con đường dẫn đến độc tài.

Ung thối từ cấp quận, hạt, tiểu bang lên tới cấp liên bang; cũng như từ các nhà lập pháp đến hành pháp; và cuối cùng là tòa án. Khi nhân tài không có thì sự tranh thắng để cầm quyền trở thành đảng tranh với tất cả thủ đoạn đen tối, dơ bẩn, thiếu đạo đức. Người dân không còn quan tâm đến quyền lợi quốc gia mà sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng cử viên hứa hẹn đúng nhu cầu cá nhân, phe nhóm. Ngay cả tầng lớp lãnh đạo tôn giáo cũng quên vai trò đạo đức để ủng hộ ứng viên mất tư cách miễn là giáo điều được đề cao.

Sự tranh luận về chính kiến không còn nữa khi nói láo trở một sự thật khác (alternative truth) và ngụy danh như là "tự do ngôn luận". Cũng như thủ thuật tung tin giả, chụp mũ, vu cáo bất kể bằng chứng tới mức độ cuồng tín, quá khích, đe dọa bạo động bất chấp hình phạt vì hệ thống tòa án bị ngộp bởi các vụ kiện, kháng cáo, điều tra kéo dài. Đó là chưa kể sự phá hoại của kẻ thù từ các quốc gia độc tài. Tất cả phát sinh từ hiến pháp thiết lập cơ cấu chính quyền không cân bằng. Tuy nói là do dân, vì dân, bởi dân nhưng đã giới hạn dân quyền qua bầu cử. Sau khi dân bỏ lá phiếu vào thùng phiếu là hết quyền. Tu chính án đầu tiên 1791 xác nhận quyền "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tụ họp và tín ngưỡng" nhưng chưa phải là Nhân quyền vì chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại. Và sự bạc đãi, đàn áp, bất công với người di dân, dân thiểu số vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc xác nhận 1948 nhưng hàng rào đã có từ mỗi quốc gia và Liên Hiệp Quốc không có lực để ép các nước tôn trọng nhân quyền. Khi quyền làm người bị bóp méo thì dân là tập hợp của người sẽ xây dựng xã hội, quốc gia như thế nào? (học thuyết bản vị).

Như vậy chúng ta thấy nền dân chủ Tây phương xây dựng trên một nền tảng từ trên xuống. Giai cấp ưu tú của xã hội sáng tạo "dân chủ" như trường hợp cách mạng Pháp 1789. Khi nền quân chủ thối nát, dân nghèo bất mãn kết hợp với giới trí thức nổi loạn lật đổ vương quyền nhưng cơ chế dân chủ chưa thành hình và xung đột xảy ra giữa các nhóm (đảng) tham dự cách mạng. Cuối cùng Nã Phá Luân đưa Pháp trở lại chế độ quân chủ. Đa số các cuộc cách mạng chỉ là lật đổ chế độ mà không chuẩn bị cái gì sẽ thay thế. Nếu thành công như cách mạng Mỹ 1775 thì sau đó nền dân chủ thành lập từng bước như một cuộc thí nghiệm với tinh thần thực nghiệm dựa trên Tâm Lý học hơn là Triết Học. Khi phân biệt giáo quyền với chính quyền, các nhà sáng lập nước Mỹ nghĩ rằng sẽ tránh được xung đột như đã xảy ra tại Âu Châu giữa Giáo hoàng và vua các nước. Tuy nhiên chính quyền vẫn phải dựa vào giáo hội về mặt đạo đức và xã hội. Khi chọn khẩu hiệu "tin vào thượng đế" hay tuyên thệ nhậm chức trên thánh kinh là yếu điểm của nền dân chủ Mỹ.

Phân quyền tưởng chừng canh chừng được nhau đã trở thành con quái vật bất khả xâm phạm khi tầng lớp lãnh đạo (đảng chính trị) từ từ đổi màu như loài tắc kè (chameleon) theo thời cuộc. Lớp người có đạo đức bị thay thế bởi kẻ mỵ dân chủ và lưỡng đảng thay vì đối lập thống nhất đã trở thành đảng tranh. Cùng với sự xuất hiện của mạng xã hội đưa con người vào mê trận của tin giả, trong khi giới truyền thống mất tiếng nói vì bị các nhà tài phiệt mua và khống chế. Sự tranh giành quyền lợi của các tập đoàn tư bản cấu kết với chính trị gia bất tài mà tham vọng đã tạo sự chia rẽ trong quần chúng để thủ lợi. Sự bổ nhiệm các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã bị lũng đoạn khi các Thượng Nghị Sĩ không tôn trọng tiền lệ để chọn nhân tài. Cán cân công lý đã nghiêng ngả. Đã đến lúc phải tìm một cơ chế mới cho sinh hoạt dân chủ.

Khi tam quyền phân lập trở thành ba vua nắm quyền 3 mặt bất kể lẽ phải khi dựa vào tôn giáo để diễn dịch Hiến Pháp theo ý riêng. Trong lúc đó giới truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình) bị tràn ngập với tin giả từ mạng xã hội và mắc kẹt về tài chính (qua quảng cáo của các công ty, kỹ nghệ) dẫn đến sự lệ thuộc vào các tập đoàn tư bản khiến tự do báo chí trở thành công cụ của giới tư bản đè bẹp tiếng nói từ người dân. Sự tranh luận, thảo luận, lý luận để tìm sự thật không còn nữa khi chính giới lãnh đạo chính trị các cấp dựa vào tin giả để biện minh, lấp liếm sự thật. Phê bình là ranh giới của cương thường (trật tự) để bảo vệ sinh hoạt dân chủ vì hỗn loạn thì nền dân chủ sẽ bị tiêu diệt. Tâm lý học đã được sử dụng tối đa để lôi kéo người dân chú ý mặt kinh tế trong khi sinh hoạt chính trị được giới lãnh đạo hứa hẹn thỏa mãn bất kỳ nhu cầu nào quan trọng với cử tri để lấy phiếu mà không hề có giải pháp cho quốc gia. Sự chia rẽ càng sâu đậm thì quyền lực của giai cấp lãnh đạo càng mạnh. Đó là lý do chúng ta cần Đan Quyền.

Đan Quyền là hệ thống xen kẽ giữa giữa lớp lãnh đạo và đáy tầng (quốc dân, công dân). Phác họa sơ đồ về Đan Quyền khá phức tạp, cho đến nay chưa có sơ đồ nào khả dĩ diễn tả sự liên hệ trong Đan Quyền. Sự trình bày qua bài viết còn khó khăn hơn tuy nhiên vẫn phải cố gắng.

Hệ thống Đan Quyền thể hiện qua Cơ Năng Hiến Pháp, có thể thay đổi 10, 30 năm và được tu chỉnh với nhiều thành phần tham dự, kiểm soát lẫn nhau, không có tuyệt đối ưu thế hay tại vị suốt đời. Các bộ phận, viện có lãnh đạo do Quốc Trưởng chọn và Trung Tâm Hội Nghị (TTHN) phê chuẩn. Các viện, bộ làm việc cho cả phía Quốc Trưởng (lãnh đạo) lẫn Trung Tâm Hội Nghị (dân). Phần hành chính độc lập (cung cấp dịch vụ) với cả Quốc Trưởng lẫn Trung Tâm Hội Nghị.

Cơ Chế Đan Quyền (P2)

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

Cơ Chế Đan Quyền (P2)

 

Đan quyền chia chính quyền làm 4 phần                                                                                                         

-Giáp (Chính trị tổng cơ)

 

A.Tối cao quốc thể (Tổng Thống hay Quốc Trưởng =T1)

-do Quốc Dân hội nghị chọn = QD1.

-Kiểm soát bởi Phê Phán viện = PP1 và Kê Sát Viện= KS1.

 

B. Tối cao lập pháp (Quốc Hội =D1):

-Do Quốc Dân đoàn tuyển công dân tầng cử Trung Tâm Hội Nghị = QD1

-Phê chuẩn T1, bộ trưởng

-Tổ chức Quốc Dân đoàn (xã, hạt, huyện, tỉnh)

-Tham dự & tu chỉnh kế hoạch quốc gia.

-Phê chuẩn luật do Lập Pháp Viện đề ra.

 

C.Phê Phán Công Đường

-Do D1+ KS1

-Kiểm soát Trung Tâm Hội Nghị ,QD1 & T1

-Đề nghị tu chính Hiến Pháp nhưng không quyết định

 

D. Chính trị phù bật

-Chỉnh lý cơ +T1

-Tham quân cơ + T1

 

-Ất (Hành chính tổng cơ)  

 

A. Nghiên Cứu Bộ:

-Nghiên Cứu Viện (tự tuyển)

-Lập Pháp Viện  (T1 + D1)

 

B.Chấp Hành Bộ:

-Hành Chính Viện (T1 +D1)

-Quan Chính Viện (T1 chọn)

 

C. Khảo hạch bộ

-Tư Pháp Viện (Dân-Quân-Hình luật)

-Kê Sát Viện (+QD1)

 

-Bính (Hành chính phụ cơ)

 

A.Khu vực quốc phòng

 

B.Tỉnh: tỉnh trưởng+T1

-Trung Tâm Hội Nghị (tỉnh) tham chính.

 

C.Huyện:

-Trung Tâm Hội Nghị (Huyện) nắm quyền

-Dân cử Huyện trưởng+ T1

 

D.Hạt

-Trung Tâm Hội Nghị (Hạt) nắm quyền

-Huyện trưởng cử Hạt trưởng+ T1

 

E.Xã

-Trung Tâm Hội Nghị (Xã) nắm quyền

-Xã trưởng do dân cử, Huyện trưởng giám sát+ T1

-Đinh (Chính trị nguyên cơ)

 

-Công dân đoàn tổ chức Trung Tâm Hội Nghị hành xử quyền Lập Pháp.

 

-Các Trung Tâm Hội Nghị chịu mệnh từ Công Dân đoàn.

 

-Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị là toàn quốc dân.

 

-Xã chính dân đoàn là ý chí & quyết nghị sau cùng việc nước, quốc phòng.

 

-Quốc dân Trung Tâm Hội Nghị soạn thảo, Quốc dân Công đoàn quyết định thi hành.

 

Nhìn vào tổ chức của Đan Quyền, chúng ta thấy có 4 cột trụ: Giáp-Ất-Bính-Đinh. Tương tự như hệ thống chính trị Tây phương: Giáp (Chính Trị tổng cơ) là hoạt động có tính chính trị. Trong khi Ất (Hành Chính tổng cơ) là những bộ phận lo về hành chính, chuyên môn mà nhân sự do T1 (tổng thống, quốc trưởng) chọn với sự chấp nhận, phê chuẩn của D1 (quốc dân Trung Tâm Hội Nghị). Sự khác biệt là D1 phục vụ cho cả hai phía giới lãnh đạo chính trị (đảng chính trị) và D1 (các tầng lớp Trung Tâm Hội Nghị các cấp do dân tham dự). Như vậy kiến thức chuyên môn không còn là độc quyền của giới ưu tú để áp đảo dân đen. Cả T1 và D1 đều tham dự từng bước và vì thế mà gọi là Đan quyền.

Đồng thời sự hiện diện của Phê Phán Công Đường (như là bộ phận kiểm soát Chính Trị Tổng Cơ cũng như những án lệnh được Tối Cao Pháp Viện bên Tư Pháp Viện phán xét nhưng sai trái cần phải nhìn lại) do dân chọn được thay đổi nhân sự thường xuyên, kiểm soát cả T1 lẫn D1 và luật pháp. Phê Phán Công Đường có trách nhiệm như toà án (phán xét, phê bình) lẫn với giới truyền thông để phân xử và minh bạch mọi sinh hoạt trong nước. Bính là Hành Chính phụ cơ rải theo trung ương đến địa phương. Khu vực quốc phòng để riêng. Tỉnh và huyện do T1 và D1 phối hợp: Tỉnh (huyện) trưởng do T1 chọn điều hành, Trung Tâm Hội Nghị nắm quyền (như Lập Pháp của Tây phương nhưng lại không làm luật mà bộ phận làm luật là Lập Pháp Viện, từ bên Hành Chính Tổng Cơ). Nhưng cấp Hạt lại do Huyện trưởng đề cử qua Trung Tâm Hội Nghị địa phương. Đến cấp Xã thì lại do dân cử (phải chăng đây là lý do "đáy tầng"?).

Căn nguyên chính trị là "Đinh". Người dân từ Xã tham dự Xã chính dân đoàn. Nếu hiểu "Quốc dân là mọi người. Công dân là những người có tiêu chuẩn tham gia chính trị" thì mọi người dân đều tham gia việc nước (cá nhân có quyết tâm là chuyện khác). Cấp cao nhất là Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị làm việc ngang hàng với Quốc Trưởng. Quốc Trưởng có thể là đảng viên đảng ABC nhưng dân thì không. Quy chế thay đổi và tham dự Trung Tâm Hội Nghị không cho phép dân (nếu là đảng viên) có thể thao túng các quyết định của Trung Tâm Hội Nghị từ cấp dưới (xã) lên trên (toàn quốc). Lập Pháp Viện cũng là bộ phận làm luật do T1 chỉ đạo và D1 phê chuẩn tránh được tình trạng Quốc Hội làm luật trói tay Hành Pháp hay Hành Pháp yêu cầu mà Quốc Hội không làm. Tương tự như vậy, Hành Chính Viện phụ trách các nhu cầu pháp luật, chính sách quốc gia, không lệ thuộc T1 hay D1. Các bộ phận chính quyền theo Đan Quyền không bị áp lực chính trị của đảng cầm quyền chi phối cho dù là Hành Pháp hay Lập Pháp.

Như chúng ta thấy "Chính Trị Tổng Cơ" (lãnh đạo) là chính nhưng kèm theo là "Chính Trị Nguyên Cơ" (nhân dân). "Hành Chính Tổng Cơ" (trung ương) là các bộ phận chuyên môn được kèm theo bởi "Hành Chính Phụ Cơ" (các cấp địa phương). Nguyên tắc "tung hợp" được áp dụng để từng bước sinh hoạt của chính quyền các cấp, lãnh vực đều có sự tham dự của giới lãnh đạo, chuyên gia và nhân dân.

Khuyết điểm của Đan Quyền vẫn là dân. Mọi người dân có chấp nhận Duy Nhân Cương Thường (Nhân Bản Cương Thường) hay không? Người dân có tích cực tham gia từ cấp xã lên tới quận, hạt, huyện, tỉnh với nhu cầu tham dự sinh hoạt nghị hội các cấp thường xuyên -- có thể là trở ngại cho sinh kế cá nhân, gia đình. Công dân có chấp nhận nền giáo dưỡng nhân bản để đào tạo các nhân vật lãnh đạo có tu dưỡng và điều hành quốc gia theo hướng "Bình Sản Kinh Tế"

Đan quyền phối hợp sự kiểm soát, kềm chế lẫn nhau giữa Quốc Trưởng, Trung Tâm Hội Nghị và Phê Phán Công Đường (cũng do từ Công Dân đoàn cử ra). Quốc trưởng bổ nhiệm các Bộ, viện trưởng (nội các) nhưng do Trung Tâm Hội Nghị đồng ý. Cả quốc trưởng lẫn Trung Tâm Hội Nghị chịu sự phê phán từ Phê Phán Công Đường. Phê Phán Công Đường thành viên do Trung Tâm Hội Nghị và Kê Sát Viện chủ tuyển. Đan quyền đặt Lập Pháp Viện (làm luật) là cơ quan chuyên môn (làm luật) và được Trung Tâm Hội Nghị phê chuẩn. Do đó các "đại diện nhân dân" trong Trung Tâm Hội Nghị (cho dù thay đổi thường xuyên) cũng không thể ra luật với lỗ hổng (loophole) hay có lợi cho các nhóm vận động (lobby). Và các nhà "lập pháp" (quốc hội) không có chuyện trì hoãn việc soạn, ban hành luật khi cần thiết hay uy hiếp Hành Pháp về ngân sách vì Phê Phán Công Đường kiểm soát các đạo luật. Soạn luật với kẽ hở (loophole) và cập nhật hóa các đạo luật lỗi thời là hai khuyết điểm của Quốc Hội trong hệ thống tam quyền. Lơ là việc soạn luật để chạy theo lợi ích cá nhân (xuất ngoại, vận động tài chính ...) là sự lạm quyền mà cử tri bất lực nếu muốn ngăn chận. Lập pháp viện của đan quyền trở thành nhiệm vụ hành chính: làm vì nhu cầu (giữa T1 đề nghị và D1 chấp thuận với sự phê bình của Phê Phán Công Đường) không vì phe nhóm (đảng).

Trong khi đó Tư Pháp Viện (tòa án) coi cả dân, quân và hình luật, độc lập với Quốc Trưởng. Kê Sát Viện (thanh tra) làm việc với Trung Tâm Hội Nghị và độc lập với Quốc Trưởng. Kê Sát Viện làm việc giám sát, thẩm định, cũng như luận tội về luật pháp, các nhân viên ở các cấp hầu tránh sự lũng đoạn trên mặt nhân sự cũng như chính sách.  Tuy rằng Quốc Trưởng chung quyết các án Tư Pháp, Kê Sát Viện nhưng nếu Quốc Trưởng không đồng ý điểm ABC mà Phê Phán Công Đường không bác bỏ và Trung Tâm Hội Nghị vẫn chấp nhận thì mới chứng tỏ "dân"làm chủ (có thực quyền quyết định). Như vậy cơ quan thi hành (giám sát, xử) luật xét cả dân sự lẫn quân sự sẽ tránh được sự kiện tòa án quân sự xử khác tòa dân sự vì XYZ (khi nhân quyền như nhau). Sức mạnh quân đội vẫn do dân kiểm soát (tránh việc Quốc Trưởng dùng quân đội đảo chính chính quyền dân cử). Tư pháp trong Đan Quyền tránh được xung đột giữa Tòa và bộ Tư Pháp (hành pháp). Khi sự phê bình (Phê Phán Công Đường) đến từ dân (những tiếng nói từ bên ngoài để Phê Phán Công Đường xét lại bản án hoặc chính sách của quốc gia). Cơ quan thanh tra (Kê Sát Viện) và xử án (Tư Pháp Viện) làm việc với dân (Trung Tâm Hội Nghị) là sự phối hợp giữa ý dân và chuyên gia. Sự giám sát (thanh tra) trở thành bộ phận riêng không còn là thuộc từng bộ. Như vậy tránh được tình trạng vị Bộ Trưởng áp chế việc thanh tra trong nội bộ để che giấu các hành vi phạm pháp. Khi Tư Pháp Viện hoạt động như bộ phận hành chính độc lập thì Hành Pháp (T1) không can thiệp được. Sự kiện bộ quốc phòng tiêu xài ngân sách không có hồ sơ (trường hợp quân đội Mỹ tại Iraq) mà Quốc Hội truy xét không có kết quả. Trong Đan Quyền thì Kê Sát Viện và Trung Tâm Hội Nghị có khả năng ngăn chận những xung đột đảng phái, hướng chính trị trong chính quyền thường làm tê liệt chính quyền, cản trở việc thi hành luật pháp. Khi thành viên Trung Tâm Hội Nghị có nhiệm kỳ giới hạn (2 lần tiên nhiệm, mỗi nhiệm kỳ là 4 năm, tổng cộng ba nhiệm kỳ là 12 năm) bị kiểm soát bởi Phê Phán Công Đường, không dính vào doanh nghiệp, không làm luật mà chỉ được phê chuẩn sẽ tránh bị mua chuộc bởi bên ngoài.

Bộ phận Quan Chính Viện để đưa ra những tiêu chuẩn tuyển chọn người vào vị trí lãnh đạo quốc gia, phải có đủ những tiêu chuẩn tài, đức chứ không như cơ chế tam quyền của Mỹ không đặt nặng tài và đức để rồi khi được bầu vào cơ chế thì mặc sức phá tan nền dân chủ đã từng có trên 200 năm.

Bất kỳ cá nhân nào nắm giữ quyền hành (càng cao và càng lâu) dễ có khuynh hướng lạm quyền. Bị hủ hóa (biến chất) lâu hay mau tùy trình độ tu dưỡng của mỗi cá nhân. Mục đích của Đan Quyền là kiểm soát từng bước thi hành quyền hạn mọi lãnh vực từ người chủ xướng (lãnh đạo) đến dân (Trung Tâm Hội Nghị) qua giới chuyên gia (các viện, bộ) dưới sự kiểm soát, phê bình (Phê Phán Công Đường và Kê Sát Viện). Khi "quyền" bị giới hạn thì "lợi" cũng giảm theo. Có như vậy tài nguyên thiên nhiên không bị khai thác quá đáng, phí phạm và gây ô nhiễm. Sự phát triển có thể chậm nhưng so sánh giữa "nhanh" để rồi di hại về sau khi các công ty khai thác kiếm lời rồi bỏ chạy để lại gánh nặng cho địa phương và chính quyền. Không "lợi" quá đáng thì kẻ xấu không nhảy vào chính quyền để lũng đoạn. Kinh tế thị trường không "tự do" để kiếm lời (thịnh vượng) và lũng đoạn chính quyền. Phải chăng đó là mục đích của Bình Sản Kinh Tế?

Một khi "quyền" (chính trị ) được kiểm soát bởi đáy tầng (người dân) thì "lợi" (kinh tế) sẽ như thế nào? Đó là mục đích của Bình Sản Kinh Tế. Để có thể chấp nhận Bình Sản Kinh Tế thì phải đi qua Tu Dưỡng, qua Sinh Mệnh Tâm Lý, Duy Nhân Cương Thường (Nhân Bản Cương Thường), Cơ Năng Hiến Pháp... và sẽ được thảo luận trong bài viết khác.

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

 

Cá Thể và Toàn Thể Đối Lập Thống Nhất (P1)

PBS: A brief history of future.

Đầu thế kỷ 21, khi nhân loại phát triển toàn cầu với các phương tiện khoa học kỹ thuật mới giúp con người di chuyển, truyền thông, trao đổi kinh tế... nhanh hơn; tưởng chừng sẽ cải thiện đời sống nhân loại tốt hơn nhưng cùng lúc trở ngại cũng phát sinh nhanh hơn, rộng hơn và phức tạp hơn. Tầng lớp trí thức ưu tư về tương lai nhân loại đã và đang tiến hành các phương thức giải quyết vấn đề đa diện và phức tạp mà chính họ cũng không biết sẽ tìm hiểu như thế nào. Tại Pháp, các nhóm người có trình độ kiến thức khác nhau đã họp thành Công Dân Nghị Hội (Citizen Convention) toàn quốc. Nếu so với Lý Đông A (cơ năng hiến pháp) thì Lý Đông A để nghị Quốc Dân Đại Hội (Quốc dân đoàn) và Công dân tầng chế độ (Trung Tâm Hội Nghị các cấp tỉnh, huyện, xã).

Tại Mỹ thì nhiều nơi, nhiều nhóm tụ họp các thành phần trong xã hội để trao đổi ý kiến, tìm hiểu nhau, giải quyết bế tắc  và hướng về tương lai. Tuy có mục đích tốt: đi tìm sự hòa đồng, thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng nhau, đối xử với lòng từ bi (compassion), bảo vệ thiên nhiên... nhưng đem mọi người quan tâm đến với nhau một cách tức thì (ad hoc) không dựa trên một khung sườn (framework) hay các nguyên tắc cần thiết thì dễ lạc đường vì quá rộng và mơ hồ. Trong khi các cá nhân tham dự cần được sắp xếp hợp lý để đến với nhau (thảo luận) có kết quả hơn. Khi các phức tạp của con người gặp sự phức tạp của hoàn cảnh, địa lý thiên nhiên, xã hội... thì sự đi tìm đầu mối giải quyết thật mông lung, mờ ảo. Gom mọi người đến với nhau trong cùng một không gian không có nghĩa là sự xung động sẽ đưa đến kết quả dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là sự cầu may.

Nếu nói về nguồn gốc và hướng đi thì "phong trào" đi tìm "lịch sử tương lai" (trình bày bên trên) có vẻ giống như những gì Lý Đông A vạch ra cho thế hệ 2000s. Tuy rằng Lý Đông A không nhìn thấy tình trạng hiện nay của thế giới nhưng nền tảng căn bản Duy Dân mà Lý Đông A đưa ra đã dựa trên những nguyên tắc rất vững chắc, có liên hệ chặt chẽ, cân bằng với lý luận triết học theo từng bước qua các công thức (phương trình) cân bằng (đối lập, hỗ tương) mà chúng ta không thấy xuất hiện hay được nhắc tới trong "lịch sử tương lai".

Tuy rằng những người tham dự có nhắc tới những yếu tố tốt đẹp nhưng đó chỉ là ngọn không phải là gốc (là những nguyên tắc căn bản). Khi "thí nghiệm" về xã hội Mỹ (melting pot) gần 237 năm không dẫn đến hòa bình thế giới mà tạo thêm phức tạp xáo trộn hơn với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Khi tội ác tại Mỹ bị "chụp mũ" là bệnh tâm thần cho thấy giới trí thức Mỹ không muốn nhìn vào Tâm & Thân của con người để giải quyết xung đột giữa cá nhân và tập thể như là sự "đối lập thống nhất". Một mặt thả lỏng tự do cá nhân tối đa, mặt khác dùng áp lực xã hội (giàu có, thịnh vượng, sung túc...với nhanh, mạnh, khôn ngoan, mạo hiểm...) để thúc đẩy con người (trẻ) lao vào cuộc chạy đua mà không suy nghĩ về mục đích, hậu quả.

Khi “Cùng” đường để “Tắc biến”, các nhà tư tưởng (tương lai học) hy vọng phép lạ xảy ra bằng cách đem mọi người đến với nhau qua một hình thức sinh hoạt (convention, group discussion, camping) với hy vọng sẽ tìm ra giải pháp. Họ nghĩ rằng sự đe dọa của các hiểm họa trước mắt (thiên tai, chiến tranh, bệnh dịch) sẽ giúp mọi người quên khác biệt nhỏ để tìm giải pháp cho toàn bộ nhân loại. Lối giải quyết này giống như cho phép "tự do" sử dụng cần sa (marijuana) để giải trí (recreation): phải chăng vì không xác định được tác dụng xấu tốt của loại cây này nên (khoa học & chính trị gia) đồng ý thả cho dân xài (với lý do mơ hồ) để che giấu ý định của họ khi sự mạo hiểm của người dân sử dụng cần sa muôn mặt sẽ tình cờ khám phá ra tác dụng bí mật của loại cây này mà các viện bào chế thuốc khỏi mất công đầu tư tìm kiếm. Và đó là cách nhà giàu làm ra tiền qua thí nghiệm nơi người dân.

Lối giải quyết của Tây phương là thực tiễn, là có kết quả ngay và không muốn suy nghĩ lâu: xây nhà bằng máy in 3 chiều (3D printer) để giải quyết nạn khan hiếm nhà. Nhưng liên hệ "người-công việc-đất (môi trường)-di chuyển" gắn liền với nhau như một hỗn hợp phải cân bằng mới ra thành sản phẩm hữu dụng. Cũng như thực phẩm không thiếu nhưng sử dụng hoang phí. Nếu kẻ có tâm cứu chữa mối họa của nhân loại trong khi kẻ tham vẫn quyết tâm làm giàu đủ mọi cách kể cả phá hoại thiên nhiên.

Khi công thức căn bản "Nhiên-Nhân-Dân" không được tôn trọng thì tương lai nhân loại là gì? Khi chữ "Nhân" không được đặt hàng đầu mà lại dùng "Dân" để kêu gọi "thế giới hòa bình" thì sự kỳ thị, xung đột tất phải xảy ra. Lập lại những lời kêu gọi hòa bình, thông cảm của các nhà tu không đem lại tác dụng gì cả nếu trong từ mỗi cá nhân không có sự chuyển hóa. Mà muốn chuyển hóa con người thì phải chuyển hóa Tâm thức.

Tâm có "thức" (ghi nhận) mới tạo thành cá tính, cá nhân. Tiến trình ghi nhận "thức" (cái tôi biết) đi qua ngũ quan, ngũ giác được tổng hợp (thức thứ 6) sắp xếp (thức thứ 7) để tồn trữ trong tâm (thức thứ 8) khiến mỗi người cùng thấy sự kiện nhưng suy nghĩ, kết luận khác nhau. Từ thu thập tin tức từ bên ngoài qua Thân được lựa lọc, ghi nhận và tồn trữ tại Tâm. Đó là "hàng ngang".

"Hàng dọc" là từ thuở nhỏ, chưa có trí tuệ để  hiểu biết (vô minh) nên làm bừa (Hành), khi làm thì tiếp nhận (thức) về tên gọi (danh) và màu (sắc) qua các cơ quan của Thân (ngũ giác, ý thức) với tiếp xúc (thọ) sinh ra yêu thích (ái), rồi lưu giữ (thủ) thành cái tôi có (hữu) cho đó là sống (sinh) và khi tất cả không còn tụ hợp thành cái "tôi" và tan rã (chết).

Cá thể và tập thể (nhiều cá thể) có căn bản giống nhau nhưng vì tiến trình phát triển (ngang-dọc) khác nhau nên có "tôi" và "anh", nam và nữ... gây tranh chấp, xung đột. Nhưng nếu cá nhân có ý thức tu dưỡng để quan sát "Tâm" đang "thức" (ghi nhận tin tức bên ngoài vào) để cảnh giác sự yêu, thích, ham muốn sẽ tạo tư tưởng lưu giữ ABC trong đầu để trở thành cái "tôi" này xung đột với cái "tôi" khác về "sống" và "chết". Nếu sống chết như nhau thì còn gì để xung đột? Cái gì sẽ còn lại khi sự sợ hãi biến mất, khi lòng tham không còn?

Nhưng hiện nay, các nhà tương lai học vẫn nhìn về phía trước, bên ngoài để chạy đua với thời gian (chỉ là ngọn) mà không nhìn vào bên trong con người để tìm hiểu "Tâm và Thân" (là gốc). Sự mong mỏi được tham dự vào tiến trình thay đổi tương lai trở thành yếu tố hấp dẫn lôi kéo mọi người vào cuộc chơi cũng chỉ là trò chơi cút bắt với ảo ảnh "hạnh phúc, tự do,thịnh vượng...". Nhưng khi bạn dừng lại, đứng sang một bên đường để nhìn lại thì nó có khác gì một "tôn giáo" mới đang rao giảng nhìn về tương lai tốt đẹp để dấn thân?

Họ (các nhà tương lai học) hy vọng gạt bỏ tức thì những bế tắc hôm nay để mở con đường mới lên "cung trăng". Họ nói về thiên nhiên, gạt bỏ thành kiến, quá khứ... nhưng vẫn chấp nhận mọi "người". Họ muốn nối kết người dân toàn thế giới với nhau qua họp mặt, ăn uống, thảo luận.... Nhưng nếu đã không hiểu con người (Nhân) từ trong Tâm ra ngoài Thân (đối lập thống nhất) sống trong môi trường nhị nguyên (Âm-Dương, Trời-Đất) thì khi nào phải cân bằng để tồn tại và khi nào chuyển hóa (ngũ hành) để vươn lên.

Nhân loại không thể tiếp tục thí nghiệm: một người giỏi (thiên tài) cứu triệu người hèn kém mà không nói đến một kẻ ác có thể thiêu hủy cả thế giới. Lối nhìn một chiều về cái Hay, Đẹp chỉ dẫn đến tranh chấp (đẹp nhất, giỏi nhất), bất lương thiện, giả dối. Thay vì chữ Nhẫn để giữ sự lương thiện, tìm ra Chân lý. Tuy nhận diện vấn đề của nhân loại là do con người và chỉ có con người mới giải quyết được nhưng thay vì đi tìm nhiều cách, phương pháp để giải quyết các nhu cầu của con người thì vẫn chỉ là ngọn, bên ngoài.

Nếu bạn tìm được cái A tốt thì cái xấu của nó ở đâu? Và vòng tròn tái diễn. Tây phương vẫn không nhìn cái gốc từ bên trong con người: Tâm khởi. Chạy theo cái Tâm khởi thì sẽ không bao giờ hết. Muốn có công bằng xã hội thì phải có công bằng trong Tâm mỗi người.

Cá Thể và Toàn Thể Đối Lập Thống Nhất (P2)

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Cá Thể và Toàn Thể Đối Lập Thống Nhất (P2)

Ô nhiễm môi sinh vì con người xả rác. Sẽ có bao nhiêu phát minh, nỗ lực để dọn sạch rác trên biển? Bao lâu? Thay vì mỗi cá nhân hạn chế thực phẩm tiêu thụ, rác do mình phế thải. Nếu nhìn về tương lai để tìm 100 cái mới (tốt) thì trong lúc đó con người vẫn tiếp tục 1000 cái xấu, và cái xấu tự nó tăng cấp số nhân. Cuộc chạy đua vô tận và con người trước khi tìm được cái tốt đã chết ngộp vì không ngăn chận được cái xấu nhanh hơn với sự tiếp tay của cái Ác.

Tựu chung căn bản vẫn là vấn đề cá thể đối với tập thể cần đối lập thống nhất khi đi tìm một phương thức hướng dẫn mọi người nhìn về tương lai (đầu mối quy tụ tìm sự thống nhất) là mục đích của tập tài liệu do PBS thực hiện. Nhưng theo Lý Đông A thì đó là một trong 3 nguyên lý cơ bản của "Bản vị học thuyết" (Nhân loại bản vị, Dân tộc bản vị và Trung tâm bản vị: quốc gia). Phim tài liệu của PBS chỉ đạt nguyên lý: "xã hội với tự nhiên đối lập thống nhất" (khi nạn ô nhiễm môi sinh xảy ra) và "thời gian và tiến hóa đối lập thống nhất" khi nhìn về tương lai với tiến triển khoa học và bảo vệ môi trường sống nhưng trên nền tảng nào thì không nói tới.

Nhóm thực hiện tài liệu nghĩ rằng khi đồng ý mục tiêu thì mọi người sẽ xóa bỏ dị biệt. Nhưng quá khứ lịch sử Hoa Kỳ đã cho thấy khi các nhóm di dân đồng ý về một quốc gia mới khác Âu Châu thì dị biệt vẫn còn và dẫn tới nạn kỳ thị hôm nay mà hiến chương Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc không giải quyết được. Khi nền văn minh Tây phương vẫn không tìm được "đối lập thống nhất" hay "hỗ tương nguyên nhân" để cân bằng phương trình suy nghĩ và hành động trong đời sống tương tự như nguyên tắc Âm Dương, Ngũ hành hay "tiền đề-phản đề-tổng hợp đề" trong triết học. Nếu "phương trình" Tiền đề và phản đề không đúng (hay cân xứng) thì sẽ không đưa ra kết quả đúng (tổng hợp đề).

Bạn có thật lòng giải quyết vấn nạn trước mắt (trong đời sống) hay giả vờ? (đó là tự kỷ nguyên nhân cũng là hỗ tương nguyên nhân) Dân chủ đáy tầng không phải như dân chủ Tây phương nổi loạn lật chính quyền gọi là cách mạng rồi không biết đi về đâu. Dân chủ đáy tầng đòi hỏi cá nhân tu dưỡng, nắm vững tiền đề, nền tảng các nguyên tắc suy nghĩ, lý luận, hành động (căn bản Nghĩa, Học, Luận, Quan) để mọi người cùng bước theo nhịp dân chủ mà không do đảng phái nào chế ngự.

Cuối cùng của tập tài liệu là người thuyết trình xác nhận sự hiện hữu quan trọng hơn cả (những gì đang làm, quyết định) những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Lời nói có vẻ "hiện sinh" nhưng lập lại lời nói của cổ nhân nhưng chưa (hay không) sống như cố nhân thì vô nghĩa. Biết (giác) và gặp (ngộ) để ăn uống, trao đổi ý kiến không thể nói là hiểu nhau để giải quyết vấn đề chung khi mỗi cá nhân vẫn chưa hiểu mình. Dân chủ Tây phương cho phép con người tìm hiểu để cải thiện đời sống. Sự thành công về vật chất không giải quyết được bế tắc về tinh thần (tội ác và bệnh tâm thần) vì gốc (nền tảng) của cá nhân và xã hội đã không được xác định trên những nguyên tắc của triết học chứ không phải đến từ tôn giáo hay tâm lý học.

Lối giải quyết của các nhà tương lai học vẫn nằm trong chiều hướng của thế lực lãnh đạo chính trị khi nhìn thấy bế tắc trong hiện tại, khi lỗi lầm của quá khứ chồng chất, biến hóa và họ không chấp nhận sai lầm bằng cách thú nhận hay phủ nhận mà giải quyết bằng cách mở con đường mới qua tầm nhìn của "tương lai học" để lôi kéo loài người vào một mê trận mới. Vẫn là vận dụng Tâm lý học để đánh lạc hướng những ai muốn giải quyết vấn đề của nhân loại hôm nay.

Cho tới khi nào các nhà lãnh đạo chính trị chấm dứt trò chơi "dân chủ" bằng cách mượn vai trò "đại diện" dân để hại dân và khi dân phản đối (biểu tình) thì tạo lực chống đối và họ nhân danh vai trò lãnh đạo chính trị để tiếp nối sự hòa giải mọi xung đột xã hội và dùng tâm lý để vận động tranh cử. Cứ như vậy vòng luẩn quẩn tái diễn. Mọi câu hỏi trước tòa (hay điều trần Quốc Hội) sẽ đưa đến trả lời "có" hay "không" (Yes - No) của người dân chứ không đến từ giới lãnh đạo. Khi tương quan giữa cá thể và toàn thể không đối lập thống nhất thì sinh hoạt dân chủ chỉ là trò chơi lừa bịp bằng ngôn ngữ của luật pháp.

Như vậy không có nghĩa là nền dân chủ Tây phương đi vào ngõ cụt. Tất cả do con người. Vẫn còn có người cố gắng đi tìm sự thật, tìm lối thoát cho nhân loại nhưng mọi sự cố gắng nếu không bắt trúng mạch (biện chứng triết học) để giải quyết mọi vấn đề trong xã hội loài người. Mơ ước đó không thể giao phó cho thông minh nhân tạo (AI) hay một số chuyên gia các ngành ngồi lại như tài liệu của PBS cho thấy (vì vẫn đi vào chiều hướng cũ). Đi tìm cái mới có thể là không mới nếu nhìn lại các tôn giáo muốn phục vụ nhân loại đã kêu gọi tình thương, bác ái, đơn giản, hòa đồng... nhưng tại sao kết quả không đến? Phải chăng vì con người đã bóp méo sự thật vì lý do X nào đó. Nếu không nhận diện lý do X đó mà vẫn chạy theo "tương lai" (khác gì những lời rao giảng trong tôn giáo) để rồi lại gặp X tái diễn?

Nhìn lại nền dân chủ Mỹ phải chăng đã và đang âm thầm đề cao cái Ác, mạnh bạo nhưng sự tiếp nối của các nhà tiên phong xây dựng nước Mỹ qua sự tiêu diệt dân địa phương (da đỏ), khai thác nô lệ và áp bức, bóc lột di dân (hợp pháp lẫn bất hợp pháp). Luật pháp và trật tự chỉ áp dụng cho kẻ yếu, nghèo, ngoan ngoãn chờ đợi công lý phân xử. Còn kẻ mạnh bạo, ác vẫn tung hoành để làm giàu, bóc lột (hợp pháp lẫn bất hợp pháp) và dùng tiền bạc mua chuộc bất cứ người, vật có thể mua chuộc được (kể cả công lý, dân chủ).

Nếu nói theo tâm lý học thì kẻ Ác, đã khởi tâm Ác, thì sẽ và tiếp tục làm ác. Tù tội, hình phạt, bệnh viện tâm thần chỉ là trò chơi gạt dân đen. Khi trò chơi dân chủ mượn sự chọn lựa (choice, option) mà không đi với sự giáo dục, sự cân bằng hai chiều (hỗ tương nguyên nhân) cũng như trách nhiệm đôi bên (chủ-thợ, người sản xuất- người tiêu thụ). Phải chăng nước Mỹ và thế giới tự do, dân chủ đang cần một cuộc cách mạng thực sự.

Cuộc cách mạng dựa trên triết học nhân bản để thực hiện nhân quyền cho loài người chứ không phải chỉ là cuộc nổi loạn của dân chống chính quyền đương thời mà chính tầng lớp lãnh đạo cách mạng cũng không biết đi về đâu hay sẽ làm gì sau khi cách mạng thành công. Phải chăng Tây phương chuộng thực dụng mà không biết đến Mệnh lý (sinh mệnh tâm lý). Tại sao đã biết Tâm lý mà lại không biết Mệnh? Hay đó là sự mất cân bằng vì giấu diếm hay không có câu trả lời.

Cái Ác dễ làm nên kẻ hèn và ngu bị lôi cuốn bởi kết quả -- nhưng mọi người quên đi đời sống con người là tìm hiểu sự thật. Bạn có thể bị lôi cuốn bởi cảnh bên đường nhưng cuối cùng bạn vẫn phải trở lại con đường đi tìm sự thật. Mà muốn tìm đến sự thật (Chân) thì bạn phải Thật lòng (Thiện) vì giả dối chỉ dẫn bạn đi đến với giả dối. Muốn sống Thiện thì bạn phải kiên nhẫn (Nhẫn) với thời cuộc, với lòng người thay trắng đổi đen.

Cách mạng không phải chỉ là lật đổ chế độ đương thời mà là kiến thiết sau đó. Kiến thiết cái gì, như thế nào, sẽ đi về đâu? Đó không phải chỉ là thực dụng hay biết đến đâu làm đến đó. Kiến thiết là kế hoạch. Kiến thiết phải có nền tảng vật chất và tinh thần. Là sự kết tụ sức mạnh tinh thần và vật chất của dân tộc và văn hóa, dựa trên khoa học và triết học để tránh những sai lầm lịch sử. Cách mạng đòi hỏi kiên nhẫn để học tập và chuẩn bị. Cách mạng không phải là cuộc chạy đua để tới đích trước tranh phần thắng, giành ăn. Cách mạng khởi đi từ cá nhân đến tập thể. Ý kiến có thể khác biết nhưng phải đối lập thống nhất trên cùng một mục tiêu: xây dựng xã hội, đất nước và nhân loại.

Lý Đông A nói đến cách mạng gốc, cuộc cách mạng thực hiện bởi "đáy tầng", bởi những con người có tu dưỡng để thực hiện một chế độ giáo dưỡng với Cơ Năng Hiến Pháp cùng với một nền kinh tế nhân bản. Có ai muốn tìm hiểu Lý Đông A đã nói gì không?

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...