Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Hợp Tác

 Thế giới của hôm nay là thế giới mở. Gánh nặng ô nhiễm môi trường không những ảnh hưởng đến quốc gia giàu mà gồm cả những quốc gia nghèo, những thổ dân sống trong rừng núi của Amazon. Bệnh dịch COVID-19 xảy ra ở Trung Quốc để rồi ảnh hưởng đến toàn thế giới càng chứng tỏ thế giới của hôm nay là thế giới mở, không phải đóng kín. Mạng xã hội kết nối mọi người ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Một thế giới mở thì tạo ra nhu cầu hợp tác bởi chỉ có sự hợp tác thì mới tạo ra sự cảm thông -- từ đó có những chính sách phù hợp với mỗi quốc gia, mỗi cá nhân để cùng nhau chung sống hầu giảm thiểu chiến tranh, giảm thiểu những bất loạn của xã hội.

Sự hợp tác có những điều kiện để bảo đảm sự hợp tác đạt tính hiệu quả lâu dài thay vì là ngắn hạn. Điều kiện của bất cứ sự hợp tác nào, tùy theo dạng cá nhân hay tập thể, có thể khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh nhưng không thể nào thiếu sự tôn trọng và thành thật của các đối tượng hợp tác.

Tôn trọng đối tượng hợp tác để tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Tôn trọng để không lợi dụng thế nước lớn hầu áp đặt chủ trương, chính sách vào đối tượng hợp tác; hoặc đặt nước nhỏ trong vị thế phải chịu sức ép để chấp nhận vì không có con đường nào khác. Tôn trọng để lắng nghe hầu tìm ra giải pháp tốt đẹp để sự hợp tác hai bên cùng có lợi.

Có những sự hợp tác mà không cần đòi hỏi quyền lợi vì đối tượng hợp tác không có khả năng để đáp ứng quyền lợi của phía kia. Thí dụ khi thiên tai (bệnh dịch) xảy ra ngoài khả năng của một cơ cấu chính quyền thì sự hợp tác từ các quốc gia khác giúp quốc gia đang bị thiên tai (bệnh dịch) là sự hợp tác tự nguyện, vô điều kiện hầu giải quyết những khó khăn mà quốc gia sở tại đang gặp phải.

Có những sự hợp tác đòi hỏi điều kiện để cải thiện một khía cạnh nào đó trong xã hội trước khi sự hợp tác được thực hiện. Thí dụ một chính quyền không tôn trọng quyền sống của người dân thì quốc gia hợp tác đặt điều kiện chính quyền sở tại phải thực hiện nhu cầu tự do trước khi sự hợp tác xảy ra. Điều kiện này không phải tạo quyền lợi riêng tư của quốc gia hợp tác mà là tạo quyền lợi cho tập thể của quốc gia sở tại. Thực tế thì trong sự hợp tác của các quốc gia hiện giờ để đạt lợi ích của mỗi quốc gia và quốc gia giàu có thường không quan tâm đến chuyện Nhân Bản Cương Thường cho nên sẵn sàng hợp tác với các chính quyền độc tài. Một nước Việt tương lai cần phải nhìn vấn đề hợp tác ở dạng rộng lớn, cởi mở, mang lợi ích không những cho quốc gia khác mà gồm cả đời sống của người dân ở quốc gia sở tại đó.

Nếu Nhân Bản Cương Thường là nền tảng sinh hoạt của một cơ cấu chính quyền thì Nhân Bản Cương Thường cũng là nền tảng của sự hợp tác giữa các quốc gia để tạo sự hài hòa, cùng tiến của mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới này.

Lời cuối

Trong tài liệu Duy Dân của Lý Đông A cho rằng sinh hoạt của chính quyền qua Cơ Năng Hiến Pháp phải đặt trên nền tảng của Duy Nhân Cương Thường. Duy Nhân Cương Thường có thể hiểu một nghĩa khác đó là Nhân Bản Cương Thường, những nền tảng căn bản của đời sống người mà không cần biết cá nhân đó thuộc sắc tộc nào, quốc gia nào đều có những nhu cầu giống nhau mà những nhu cầu này, một số không ít, đã có từ thời nguyên thủy của con người xuất hiện trên quả địa cầu này.

Hệ thống chính trị của quốc gia không phải là để cầm quyền, lãnh đạo, phân quyền mà hệ thống chính trị của quốc gia mục đích chính là thiết kế và chấp hành nhân sinh. Mà để thực hiện mục đích trên thì phải dựa vào nền tảng Nhân Bản Cương Thường. Hiến pháp của một quốc gia cũng phải dựa vào nền tảng Nhân Bản Cương Thường và sinh hoạt của hệ thống chính quyền phải dựa vào Cơ Năng Hiến Pháp (xin xem bài Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn).

Nhân Bản Cương Thường nằm ở vị trí cao hơn Nhân Quyền bởi Nhân Bản Cương Thường đi từ cái gốc của loài người nguyên thủy khi chưa có sự xuất hiện của bất cứ chính quyền nào. Nhân Bản Cương Thường được thay đổi theo sự tiến hóa của xã hội nhưng cái gốc của vấn đề không thay đổi. Con Người có thêm nhiều nhu cầu bởi do sự nhận thức gia tăng theo trình độ tri thức hiểu biết của Con Người. Nhu cầu ăn, ngủ, cư trú, tự chủ, hạnh phúc; bảo đảm an ninh về mặt tinh thần lẫn thể xác; bổn phận và trách nhiệm với xã hội, môi trường sống là nhu cầu căn bản của Con Người sống trên toàn thế giới này.

Người viết bài này cố gắng trong khả năng nhận thức vào đời sống thực tế để đưa ra một cái nhìn mới vượt lên cái gọi là Nhân Quyền bởi cái gọi là Nhân Quyền chỉ là một phần nhỏ của Nhân Bản Cương Thường và phần nhỏ đó không giải quyết được toàn bộ vấn đề mà thế giới đang đối diện của đầu thế kỷ thứ 21.

Là Con Người thì không ai hoàn hảo cho nên bài viết này nếu có phần thiếu sót, mong sự đóng góp của thế hệ sau đó bởi chính thế hệ hiện tại đó, ở tương lai, nhìn vấn đề thực tế hơn, rõ ràng hơn trong cái hoàn cảnh của tương lai.

Ít nhất đây là bài viết xây dựng nền tảng suy nghĩ về mặt đời sống của người để người Việt ở hiện tại cũng như tương lai có cái nhìn tổng thể (toàn vẹn) hầu có thể xây dựng hệ thống xã hội, chính quyền trên nền tảng này. Có thể nền tảng này không hoàn hảo lắm nhưng ít nhất nó nói lên toàn bộ vấn đề mà cái gọi là tuyên ngôn quốc tế nhân quyền chưa nói đến.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/06/01/nhan-ban-cuong-thuong-nhu-cau-hop-tac/

 

 

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Cải Tạo và Bảo Quản Thiên Nhiên (P2)

 

Thiên Nhiên Trong Con Người

Chúng ta sinh ra với bộ óc, với trái tim. Sự khác biệt giữa Con Người với loài vật là ở bộ óc và trái tim của chính chúng ta. Tại sao có những người có trái tim rộng lớn, biết lo cho người khác và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể? Tại sao có những người hy sinh quyền lợi tập thể để lo cho quyền lợi của cá nhân? Hai hình ảnh khác biệt này là ở chính bộ óc của hai cá nhân được cải tạo một cách khác nhau để hai cá nhân có sự chọn lựa cuộc sống khác nhau. Một bên vì quyền lợi chung, một bên chỉ nghỉ đến quyền lợi của chính mình.

Nếu ai cũng nghĩ đến quyền lợi của chính mình thì phải chẳng thế giới này trở lại thời kỳ nguyên thủy loài người, mạnh được yếu thua mà không quan tâm đến quyền lợi của những Con Người khác trong xã hội? Đây chính là hướng tiến đi ngược lại đường sống của lịch sử Con Người.

Sự cải tạo thiên nhiên trong mỗi Con Người chúng ta trước hết là cho chính bản thân chúng ta. Cha mẹ sinh ta ra với bộ óc, trái tim, tính tình sẵn có. Cha mẹ và xã hội nuôi dưỡng chúng ta lớn lên và chính trong chúng ta phải phát triển bộ óc của chính mình để tự mình làm chủ lấy mình chứ không để bất cứ ai làm chủ bản thân của mình.  Sự tự giác trong mỗi chúng ta là do sự rèn luyện từ tri thức bên trong bộ óc của chính mình. Chẳng ai dạy và chỉ cho chúng ta tìm được sự tự giác mà sự tự giác từ chính trong tri thức tìm ẩn trong bộ não của chúng ta, do chính chúng ta cải tạo và làm sống dậy cái tri thức đó để thấy được thế nào gọi là tự giác.

Giáo dục ở trường học hoặc ngoài xã hội chỉ giúp chúng ta một phần trong tiến trình tìm kiếm tự giác trong bản thân của chúng ta. Chỉ có sự tự giác thì chúng ta mới nhìn được vấn đề rõ ràng hơn, ở dạng tổng thể (toàn diện) chứ không phải ở dạng phiến diện. Chỉ có sự tự giác chúng ta mới có thể làm chủ lấy mình và điều chỉnh cuộc sống của mình, tính tình của mình cho phù hợp với đời sống của xã hội Con Người, đồng thời đóng góp công sức để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Cải tạo thiên nhiên trong Con Người của chúng ta gồm cả thái độ ăn uống hằng ngày, cuộc sống hằng ngày. Một Con Người ăn uống cẩu thả, không đều độ, chỉ ăn nhậu, chỉ nghĩ đến dâm dục, vật chất mà không nghĩ đến những chuyện khác thì thử hỏi Con Người đó sẽ đóng góp được gì cho xã hội? Một Con Người khác biết chọn thức ăn, biết tập thể dục hằng ngày, tránh rượu chè, cờ bạc và tập trung vào việc tu dưỡng bản thân để giúp người khác cùng tu dưỡng bản thân, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn thì chính Con Người này đã biết cải tạo cái tri thức (tự nhiên) của chính mình.

Cải tạo cái tự nhiên trong chính Con Người phải khởi đầu bằng chính bản thân đặc biệt là ở Việt Nam, một môi trường xã hội đã biến Con Người thành những Con Vật, để người khác nắm sinh mệnh của chính mình thay vì tự chính mình nắm lấy sinh mệnh của mình. Cái môi trường xã hội ở Việt Nam là một môi trường hoàn toàn hư hỏng và là môi trường đào tạo ra những con vật đội lốp Người. Đây chính là xã hội của thời nguyên thủy mà cuộc sống của Con Người luôn luôn bị đe dọa. Vậy thì người Việt hôm nay phải tự mình nhìn lại chính mình, cải tạo ngay chính tri thức bên trong của mình, loại bỏ những quyền lợi ngắn hạn để chọn thái độ tự chủ cho chính mình và dân tộc mình. Chỉ khi nào chính chúng ta làm chủ được bản thân thì lúc đó mới có một nền hòa bình thực sự, một nền dân chủ thực sự, một xã hội nhân bản.

Nói đến người Việt trong nước mà không nói đến người Việt tại hải ngoại thì là một sự thiếu sót trầm trọng. Người Việt tại hải ngoại tuy khá hơn người Việt trong nước bởi được sống ở môi trường tự do nhưng số đông vẫn sống cho có sống chứ không hề nghĩ đến chuyện cải tạo thiên nhiên ở chính mình để tự mình làm chủ lấy mình.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người Việt nói riêng và loài người nói chung, đã mất tính tự chủ. Họ để khoa học kỹ thuật làm chủ bản thân của chính họ. Từ những cái điện thoại thông minh, đến các mạng xã hội và những thông minh nhân tạo đã biến con người trở thành nô lệ cho khoa học kỹ thuật thay vì sử dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao đời sống của bản thân và xã hội.

Đời sống vật chất cao của thời đại hôm nay đã làm con người theo đuổi dục vọng (tiền, dâm, danh, quyền) thay vì tự chính mình chọn cuộc sống đơn giản, an bình và dồn thời gian, tiền bạc còn lại cho những lợi ích chung cho xã hội. 

Nếu cải tạo thiên nhiên bên ngoài đã khó thì cải tạo thiên nhiên ở chính bên trong của mỗi người càng khó hơn. Nó đòi hỏi ý chí, một ý chí mãnh liệt và nếu có ý chí mãnh liệt đó, ai cũng có thể làm được. Hình ảnh anh Nick Vujicic, cụt hai tay, hai chân nhưng vẫn sống như mọi người, có vợ, có con, vui vẻ với cuộc sống và đi khắp nơi trên thế giới để nói chuyện hầu khuyến khích mọi người đừng bỏ cuộc cho dù nhiều điều xảy ra cho cơ thể không như ý muốn của mình.

Chính ý chí mãnh liệt đã làm cho nhiều người sinh ra không chân, không tay vẫn có thể sống như một người có đầy đủ chân tay. Anh Nick Vujicic chỉ là một trong nhiều người bất hạnh lúc sinh ra là người tàn tật. Nhưng không vì sự tàn tật đó làm cho họ sống nhờ vã người khác, trái lại ý chí mãnh liệt đã làm họ vượt lên trở ngại tàn tật để sống và làm việc như mọi người. Đó chính là hình ảnh cải tạo thiên nhiên ở bên trong của chính mình.

Cải tạo thiên nhiên bên trong chính mình để tự mình hiểu mình, sửa đổi những cái xấu, bồi đấp những cái tốt để đóng góp cho xã hội, cho những người chung quanh cùng nhau đồng tiến thay vì chỉ quan tâm đến bản thân và gia đình của mình thôi.

Quan niệm của y học Đông phương về Âm Dương Ngũ Hành bên ngoài thiên nhiên cũng như bên trong cơ thể con người về lục phủ ngũ tạng, điều hòa khí huyết vẫn là những bài học cần thiết cho đời sống con người. Cũng như cây cỏ trong thiên nhiên là vị thuốc chữa trị bệnh tật cho con người cho thấy liên quan giữa thiên nhiên và loài người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/06/01/nhan-ban-cuong-thuong-nhu-cau-cai-tao-va-bao-quan-thien-nhien-p2/

 

 

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...