Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Nhân Bản Cương Thường: Quyền Im Lặng & Tự Do Ngôn Luận

 

Quyền im lặng

Quyền im lặng được hình thành và được công nhận khi mà tất cả những tranh chấp được giải quyết qua hệ thống pháp luật. Một người giết người đứng trước quan tòa, cá nhân này có quyền không lên tiếng nói của chính mình trước vụ án. Cá nhân này có quyền không trả lời những câu hỏi của cơ quan điều tra hoặc luật sư nếu những câu hỏi đó không có lợi cho chính mình bởi mình không hiểu rõ luật, từ đó câu trả lời đôi khi vô tình trở thành một cớ để cơ quan điều tra buộc tội chính mình.

Quyền im lặng là quyền của một công dân khi công dân đó bị cơ quan điều tra của bộ máy cầm quyền đưa ra tòa thì cá nhân đó có quyền từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của cơ quan điều tra dính dáng đến cá nhân bị kết tội. Cơ quan điều tra muốn kết tội bất cứ cá nhân nào thì phải tìm bằng chứng, lời nói từ những cá nhân khác chứ không thể bắt buộc cá nhân bị cáo trả lời những câu hỏi mà những câu hỏi đó có thể làm hại đến bản thân của bị cáo vì không hiểu rõ luật.

Trong những cuộc lựa chọn bồi thẩm đoàn cho vụ kiện hình sự, luật sư của cả hai bên và luôn cả vị thẩm phán luôn luôn nhắc nhớ các bồi thẩm đoàn tương lai là bị cáo có quyền im lặng và cái quyền im lặng đó không có nghĩa là bị cáo có tội -- mà là vì một lý do nào đó, bị cáo không muốn đứng trước tòa để luật sư chất vấn trước mặt các bồi thẩm đoàn vì sự trả lời của bị cáo có thể dùng để kết tội chính đương sự.

Quyền im lặng chỉ áp dụng cho những người bị kết tội nhưng những người không bị kết tội hay còn gọi là nhân chứng thì không có quyền này. Là một công dân phải có trách nhiệm trong việc hợp tác với cơ quan điều tra hầu tìm ra sự thật trong việc điều tra những tội ác xảy ra trong xã hội. Chính quyền sẽ không hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự hợp tác từ người dân, đặc biệt là nhân chứng cho những vụ phạm pháp. Nhân chứng cho vụ án cần phải được luật pháp bảo đảm để không bị hành hung từ bị cáo thì lúc đó nhân chứng mới đủ an tâm để hợp tác với cơ quan điều tra.

Nếu nhân chứng cũng là tội phạm trong vụ án mà cơ quan điều tra chưa biết thì nhân chứng có quyền sử dụng Quyền Im Lặng này. Bất cứ nhân chứng nào sử dụng quyền im lặng thì cơ quan điều tra phải có trách nhiệm điều tra từ những nguồn khác trước khi có đầy đủ bằng chứng để kết tội nhân chứng là tội phạm thứ hai trong vụ án.

Quyền Tự Do Ngôn Luận

Ngay từ thời Con Người xuất hiện trên trái đất này, quyền tự do ngôn luận đã xuất hiện từ đó. Cho dù một người câm không nói được, hoặc Con Người thời nguyên thủy chưa có tiếng nói mà chỉ trao đổi qua dấu hiệu, ký hiệu; sự trao đổi qua ký hiệu này nói lên cái quyền tự do ngôn luận của Con Người đã có ngay thời có sự xuất hiện của Con Người trên trái đất này.

Tự do ngôn luận không nhất thiết là phát biểu ý kiến của chính mình bởi nếu là người câm thì làm sao họ có thể phát biểu ý kiến. Vậy thì quyền tự do ngôn luận phải được hiểu ở một dạng rộng, tổng thể -- nghĩa là bất cứ cá nhân nào sống trên trái đất này đều có quyền tự do ngôn luận bằng phát biểu ý kiến qua lời nói, chữ viết, hoặc hành động biểu tình để bày tỏ quan điểm của mình cho một vấn đề nào đó mình quan tâm trong đời sống của xã hội. Chính quyền tự do ngôn luận này đã làm thay đổi xã hội Con Người ngày càng được tiến hóa hơn, hướng thượng hơn.

Chính quyền tự do ngôn luận này, xã hội loài người thấy những cái bất công trong cuộc sống; những phong tục, tập quán bất công từ cha ông để lại và từ đó xã hội hiện tại đòi hỏi thay đổi để tạo ra một xã hội công bằng hơn, hướng thiện hơn.

Hãy lấy thí dụ câu nói “trai năm thê bảy thiếp, gái vỏn vẹn một chồng”. Chính cái quyền tự do ngôn luận mà Con Người của thời đại 2023 cho rằng câu nói trên đã không còn hợp thời; câu nói trên đã đi ngược lại cái đạo lý một vợ, một chồng. Chính quyền tự do ngôn luận này đã tạo ra những cuộc thảo luận để tìm hiểu và làm sáng tỏ những vấn đề mà thời đại trước đó đã chưa hiểu rõ -- để rồi những luật lệ, phong tục đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường của Con Người cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tế của thời đại.

Vậy thì bộ luật 258 của nhà cầm quyền Việt Nam để giam những người bất đồng chính kiến là đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Câu hỏi được đặt ra là thế nào gọi là lợi dụng quyền tự do ngôn luận?

Để trả lời câu hỏi này cần phải nhìn vào thực tế cá nhân phát biểu những điều gì. Nếu cá nhân nào nói lên sự thật của xã hội, nói lên cách làm việc vô trách nhiệm của bộ máy cầm quyền và kêu gọi mọi người cùng lên tiếng thì cá nhân đó đã sử dụng quyền tự do ngôn luận đúng chỗ chứ không phải vi phạm quyền tự do ngôn luận. Khi cá nhân phát biểu ý kiến để xây dựng một xã hội lành mạnh, dựa vào thực tế thối nát của xã hội hiện tại để kêu gọi mọi người cùng lên tiếng thay đổi -- thì không thể nào gọi là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Trái lại chính nhà cầm quyền VN đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi họ ra bộ luật 258; chính tòa án tại VN đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi chính họ dựa vào luật đó để bỏ tù những cá nhân sử dụng quyền tự do ngôn luận đã có từ thời nguyên thủy của loài người.

Bất cứ cá nhân nào nằm trong vị trí cầm quyền thì cá nhân đó phải chịu sự phán xét, phê bình của người dân trên cái trách nhiệm mà cá nhân đó nhận lãnh. Sự phán xét, phê bình có thể diễn tả qua nhiều hình thức như là biểu tình trước trụ sở làm việc; hoặc dựa vào câu nói, việc làm của cá nhân cầm quyền để diễu cợt làm cho mọi người cười; hoặc tố cáo những hành động tham nhũng của từng cá nhân trong bộ máy cầm quyền. Đây không phải là vi phạm quyền tự do ngôn luận mà là sử dụng quyền tự do ngôn luận để xã hội có một bộ máy cầm quyền làm việc rõ ràng, minh bạch, chịu trách nhiệm trước dân chúng.

Những ai sử dụng quyền tự do ngôn luận để nói láo, vu khống, xuyên tạc, bôi xấu người khác mà không có chứng cớ thì đã đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận. Trong trường hợp này, cá nhân bị bôi xấu có quyền thưa kiện người bôi xấu mình nếu sự bôi xấu đó có ảnh hưởng đến sự sinh hoạt kinh tế trong đời sống của chính mình. Còn như nếu sự bôi xấu không ảnh hưởng đến kinh tế của chính mình thì cá nhân bị bôi xấu sử dụng quyền tự do ngôn luận thanh minh những điều không thật về mình cho mọi người hiểu rõ.

Những ai sử dụng quyền tự do để kêu gọi người khác hãm hại cá nhân khác, cướp tài sản của người khác, hoặc gây khích động từ những cá nhân khác tức là những cá nhân đó đã vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Tự do ngôn luận để trao đổi, học hỏi, làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, thăng tiến hơn. Những khích động để tạo ra bất ổn trong xã hội là điều không thể chấp nhận. Cần phải phân tích rõ sự bất ổn trong xã hội là gì. Khi một bộ máy cầm quyền độc tài, đàn áp dân chúng, giết người giữa ban ngày tại đồn công an và người dân biểu tình đòi hỏi sự minh bạch, có trách nhiệm của bộ máy cầm quyền thì người dân hoàn toàn không hề tạo sự bất an cho xã hội, trái lại người dân đóng góp tiếng nói của mình vào việc xây dựng một xã hội, một bộ máy cầm quyền có trách nhiệm hơn.

Cần phải xác định rõ là hiến pháp của Hoa Kỳ công nhận quyền tự do ngôn luận và chính quyền không có quyền đưa ra luật để cấm quyền này. Tuy nhiên nếu là công ty thì công ty có quyền giới hạn quyền tự do ngôn luận này vì nhiều lý do. Cho nên khi các mạng xã hội ngăn cấm Trump và một số nhân vật khác sử dụng mạng xã hội thì đây hoàn toàn không hề vi phạm hiến pháp. Ai đó sử dụng mạng xã hội do tư nhân lập ra thì phải theo đúng luật lệ họ đặt ra.

Quyền tự do ngôn luận của các nhân vật thuộc dạng quần chúng (những cá nhân lớn nằm trong bộ máy cầm quyền, những cá nhân có danh tiếng trong xã hội hay ảnh hưởng đến mạng xã hội, những cá nhân làm công việc truyền thông, hay những cá nhân gọi là chuyên nghiệp v.v…)  cũng cần phải xét lại bởi nếu một cá nhân, trong phạm vi của một buổi tiệc, có thể nói một điều nào đó sai sự thật thì kết quả có thể không thiệt hại nhiều. Nhưng một cá nhân của quần chúng, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để nói những điều không thật (biết là không thật hoặc không có bằng chứng để xác nhận là sự thật) thì sẽ tạo ra nguy hiểm rất lớn cho xã hội.

Hình ảnh bạo loạn tại căn nhà Quốc Hội, với mục đích lật đổ kết quả bầu cử năm 2020 bởi những lời tuyên truyền của Trump là bầu cử có gian lận -- là thí dụ điển hình của nhân vật dạng quần chúng sử dụng quyền tự do ngôn luận qua sự nói dối, nói sai sự thật đã tạo ra sự bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng đến sinh mạng và nền dân chủ của quốc gia. Cần phải có bộ luật để trừng phạt những cá nhân lạm dụng quyền tự do ngôn luận để tạo ra sự bất ổn trong xã hội.

Qua sự kiện bạo loạn ngày 6 tháng 1 năm 2021, cơ quan điều tra đặc biệt của Bộ Tư Pháp đã truy tố Trump về tội lật đổ cơ chế dân chủ đã được hình thành trên 200 năm -- không phải qua lời nói dối của kết quả bầu cử của Trump mà qua hành động để thay đổi kết quả bầu cử với sự hợp tác của vài cá nhân thân cận với Trump để làm áp lực các tiểu bang và Mike Pence, hầu thay đổi kết quả bầu cử 2020. Đến giờ phút này Trump vẫn cho rằng bầu cử năm 2020 là gian lận mà chính trong thâm tâm của Trump biết rằng điều ông nói với công chúng là giả dối nhưng ông vẫn nói bởi đấy là con người thật của Trump: lợi dụng kẽ hở của luật pháp để đạt quyền lợi cá nhân, sẵn sàng gian dối để chạy trốn tội khi vi phạm và bị bắt quả tang trong việc lưu trữ tài liệu mật sau khi rời khỏi chức vụ Tổng Thống.

Một Việt Nam tương lai cần phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận nhưng đồng thời có những luật lệ để tránh các vị đại diện dân cử, các vị có chức quyền và tiếng tâm trong xã hội nói dối, làm hại đến xã hội thì trường hợp này là lạm dụng quyền tự do ngôn luận, sẽ bị trừng phạt thật nặng để làm tấm gương cho người khác.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/04/01/nhan-ban-cuong-thuong-quyen-im-lang-tu-do-ngon-luan/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...