Ghi Chú NL: Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bình đẳng. Bài viết đã đạt được cái nhìn nhiều góc cạnh và tổng thể. Cuối bài nói đến một cơ chế chính trị. Thực ra rất nhiều người hiểu lầm về ý nghĩa Chính Trị. Với nhà tư tưởng Lý Đông A thì ông nhìn “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Nhưng để làm được chuyện đó cần phải có những Con Người biết tự làm chủ lấy con người của chính mình. Khi tự mình làm chủ được mình thì sẽ hiểu rõ bình đẳng là gì, ra sao, làm cách nào để thực hiện bình đẳng ở chính bản thân trước khi áp dụng vào xã hội.
Một khái niệm tưởng chừng như đơn
giản nhưng thật sự lại rất phức tạp, vì rất khó để có thể phân tích rạch ròi về
nó, nó phụ thuộc vào sự nhận thức của con người qua từng thời đại, qua kiến
thức được giáo dục đúng đắn hoặc bị nhồi nhét một cách sai lệch. Nó cũng phụ
thuộc vào phẩm chất cá nhân, và yếu tố này quan trọng nhất, bởi vì con người
trong một xã hội không có tính nhân văn, không loại bỏ hoặc giảm bớt tính tham
muốn thì họ sẽ luôn mong muốn mọi thứ tốt đẹp cho bản thân, mặc kệ những cá thể
khác ngoài bản thân họ.
Tham muốn là vấn đề cơ bản làm mất
đi sự bình đẳng, tham muốn sẽ làm cho con người muốn tước đoạt của người khác,
điều này có thể thấy được ở một cá nhân, ở một vài cá nhân, ở một tập thể, một
xã hội, hoặc cũng có thể xảy ra cho cả một quốc gia.
Bình đẳng là sự ngang hàng nhau về
mọi mặt giữa mọi cá thể đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại. Còn ngang hàng
nhau về cái gì thì phải xét nó theo từng thời đại, không gian và thời gian. Tùy
theo nhu cầu của các cá thể đó là gì? Có thể là về vật chất, tinh thần, quyền
lực, địa vị, về tín ngưỡng,...Vấn đề đặt ra, như thế nào mới thật sự là bình
đẳng?
Bình đẳng vốn là một quy luật khách
quan trong trời đất. Nó không phụ thuộc vào việc con người và vạn vật sinh ra
hay chết đi, nó vẫn tồn tại nhất như. Chỉ có con người không nhận thức rõ, hoặc
có nhận thức được thì lại không làm được chỉ vì tham lợi cá nhân.
Bình đẳng chính là chân lý trong
thiên địa.
Con người thực tại, hay những sinh
vật nhỏ bé đều cần sự bình đẳng để mà tồn tại. Cho đến cây cỏ cũng như vậy. Bởi
thế mà xã hội loài người từ khi xuất hiện trên trái đất này, họ luôn tìm kiếm
sự bình đẳng. Bởi thế mà các tôn giáo, với giáo lý có trăm nghìn kinh thánh,
trăm nghìn pháp môn nhưng mục đích cuối cùng tất cả cũng chỉ có một, đó là làm
sao chỉ rõ cho chúng sinh nhìn thấy bản chất thật, một bản nguyên nhất như để
chứng minh được một điều duy nhất, là tất cả chúng sinh có đồng bản chất, và đó
chính là sự bình đẳng tối thượng. Cũng cần hiểu rõ, bình đẳng là mỗi cá thể
được tạo các điều kiện ban đầu cơ bản như nhau, có các quyền đặc định cơ bản
như nhau, còn phát triển thế nào tùy vào năng lực mỗi cá nhân, chứ không phải
"làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" là một lý thuyết dùng để u mê
con người, vì con người ai cũng có lòng tham.
Xã hội đa nguyên tự nhiên là kiến
trúc xã hội phân tầng cơ bản, ở đây không đề cập đến phân chia giai cấp theo
"định kiến áp đặt xã hội". Đa nguyên tự nhiên là sự khác nhau giữa
mỗi cá thể về mọi mặt trong xã hội, nó xảy ra cho cả vũ trụ chứ không chỉ riêng
với con người.
Hai vấn đề khác nhau như vậy. Chính
vì vậy, một thể chế chính trị phải hiểu rõ thế nào là đa nguyên tự nhiên và thế
nào là bình đẳng để áp dụng cho đúng, không nhập nhằng để rồi tạo ra bất công
giữa người với người.
Con người từ khi xuất hiện đã tìm
kiếm sự bình đẳng như là một nhu cầu cấp thiết. Bằng các hình thức xã hội khác
nhau, họ lập nên một xã hội có pháp quyền để quản lý lẫn nhau, nhằm tạo ra sự
công bằng xã hội. Vậy nên bình đẳng là một sự tìm kiếm xuyên thời gian. Đã có
bao nhiêu cao nhân đã thiết lập khái niệm về nó, cố gắng trao truyền sự nhận
thức của họ đến với tầng lớp còn tăm tối nhằm khai sáng, tạo dựng một xã hội
công bằng.
Trang Tử (369 - 298 TCN), một triết
gia của Đạo giáo, người kế tục của Lão Tử, ông đã từng thiết lập khái niệm về
sự bình đẳng rất rộng lớn, sánh tầm Thánh nhân:
"Ta và trời đất cùng sinh
Ta và muôn vật sự tình chẳng
hai"(*)
Thấy khái niệm này, sẽ không ít
trong chúng ta cảm thấy chấn động vì nó, một sự so sánh ngang thiên địa, nhưng
nếu có thể cảm nhận, ta hiểu được khái niệm này hoàn toàn bình thường, vì vốn
sự bình đẳng nó phải như thế.
Trở lên thời cận đại, ở thế kỷ 18,
với bối cảnh một nước Nhật còn ở chế độ phong kiến, phân chia giai cấp quyền
quý và nô lệ thì xuất hiện một bậc "Khai quốc công thần'', một
"Voltaire của Nhật Bản" - Fukuzawa Yukichi. Vốn xuất thân trong một
gia đình võ sĩ thấp kém, và cũng chính vì nhận thấy được bình đẳng là điều tất
yếu, phải áp dụng nó vào xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ thì mới cứu rỗi được dân
tộc. Cho nên, cả đời của Fukuzawa Yukichi, đi đến bao nhiêu đất nước bên trời
Tây để học hỏi kiến thức, làm bao nhiêu việc thần kỳ cho đất nước Nhật Bản cũng
chỉ là tựu trung vào việc khai sáng sự học để gầy dựng sự bình đẳng trong xã
hội.
"Trời không tạo ra người đứng
trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người."
Chỉ với câu nói này thôi, Fukuzawa
Yukichi đã làm chấn động, bàng hoàng bao nhiêu con dân Nhật Bản lúc bấy giờ,
làm thức tỉnh cả một dân tộc, và sau đó là một xã hội Nhật Bản hiện đại hình
thành và phát triển vượt bậc.
Chỉ với câu nói này thôi, mà cuốn
"Khuyến học" của ông đã trở thành cuốn sách gối đầu của người dân
Nhật lúc bấy giờ. Ta không luận bàn đến quan điểm về "nguồn gốc" của
con người mà ông đưa ra đúng hay chưa, nhưng quan trọng nhất là ông đưa ra khái
niệm "bình đẳng" để khai sáng, vậy là đủ. Và ông lại tự hỏi rằng, vậy
điều gì tạo ra sự khác biệt đó? Điều gì tạo ra sự bất bình đẳng đó? Và câu trả
lời, đó chính là "HỌC VẤN VÀ TRI THỨC". Chính sự học đã tạo nên sự
cách biệt, con người ngu dốt sẽ dẫn đến nghèo hèn, thấp kém.
Từ sự dẫn dắt đó của ông, người dân
Nhật Bản thời bấy giờ bắt đầu nhận thức được quyền lợi của họ về giai cấp. Họ
nhận thấy rằng tại sao họ cũng là con người, họ lại phải chịu đựng kiếp sống
thấp kém, nai lưng làm công cho giai cấp thống trị hưởng thụ đặc quyền đặc lợi.
Và họ nhận thức được vấn đề, chính là mỗi người phải tự nâng cao tri thức, và
Fukuzawa Yukichi đã hướng dẫn cho họ học những gì, học những kiến thức gì để có
thể tái thiết xã hội Nhật Bản, song song đó, ông vẫn luôn xem trọng đạo đức. Ông
dạy họ thực hiện sự bình đẳng, nhưng bình đẳng phải đảm bảo không phương hại
đến quyền lợi của người khác:
"Mọi ham muốn không làm ảnh
hưởng đến người khác đều là thiện"
"Dân ngu tự chuốc lấy chính
sách bạo tàn".
"Có người dân nào lại mong
muốn một chế độ chính trị tàn bạo?
Có người dân nào lại mong muốn cho
đất nước kém phát triển?
Có người dân nào lại mong cho nước
mình bị ngoại bang khinh miệt?".
Đất nước Nhật Bản đã phát triển như
chúng ta đã thấy, nói về vị trí địa lý, về tài nguyên thiên nhiên, về chỉ số
dân số trẻ (dân số vàng), Nhật Bản đều thua xa Việt Nam chúng ta, không chỉ
Nhật Bản, mà các quốc gia lân cận Việt Nam, về các chỉ số trên, cũng đều không
thuận lợi như Việt Nam, vậy tại sao họ lại có xã hội với nền kinh tế, giáo dục
phát triển và tự do tôn giáo được như vậy? Tựu chung, lại cũng chính vì cơ chế
CHÍNH TRỊ.
Chính trị là bộ máy vận hành các cơ
chế, chính sách để ổn định xã hội và phát triển quốc gia. Nếu cơ chế vận hành
sai mục đích do nhận thức kém, hoặc những người cầm trịch cố tình lèo lái để
nắm lấy quyền lực vì lợi ích cá nhân, thì sẽ đưa đến hậu quả lớn nhất là người
dân trở thành nô lệ cho bộ máy cầm quyền này, mọi lợi ích chung đáng lẽ mỗi
công dân sẽ được hưởng trở thành lợi ích nhóm hoặc cá nhân.
Vì vậy, cơ chế chính trị quyết định
tất cả. Thiết chế một cơ chế chính trị vì dân tộc, vì lợi ích quốc gia và có
thể tồn tại, hòa nhập với văn minh thế giới là mục tiêu cơ bản. Ngoài ra, nó
phải thể hiện được đặc trưng mỗi dân tộc, dựa vào nguồn gốc lịch sử, văn hóa,
chủng tộc của mỗi tộc người. Nhân bản, hướng thượng, xã hội bình-hòa, giữ được
căn cốt của tổ tiên là mục tiêu cốt lõi. Hai mục tiêu căn bản và cốt lõi này
phải hòa quyện được với nhau thì mới kiến thiết được một đất nước hưng thịnh.
Chú thích(*): Trang Tử - Nam Hoa
Kinh - Nội Thiên - Tề Vật Luận.
HUỲNH THỊ TỐ NGA
Mar 27, 2024
Nguồn: https://nganlau.com/2024/04/24/binh-dang-2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét