Nhu Cầu Tinh Thần
Trong cuộc sống của mỗi người ngoài nhu cầu ăn-mặc, cư trú còn một nhu cầu
khác thuộc về mặt tinh thần. Tinh thần phải được hiểu một nghĩa rộng lớn chứ
không đơn thuần là mặt tâm linh.
Khi nói đến tâm linh là nói đến tôn giáo, tín ngưỡng. Tôn giáo, tín ngưỡng
phải tách rời ra khỏi hệ thống cầm quyền. Có nghĩa là chính quyền hoàn toàn
không tham dự vào các đoàn thể tôn giáo, các sinh hoạt trên lãnh vực tâm linh.
Nhiệm vụ của chính quyền là để điều hợp các sinh hoạt của xã hội cho nhịp nhàng
chứ không phải điều hòa tâm linh của mỗi cá nhân trong xã hội. Chuyện tâm linh
là một lãnh vực hoàn toàn khác mà chính quyền không nên tham dự vào. Chính quyền
nào xâm nhập vào tôn giáo để đưa ra chính sách kiểm soát tâm linh tức là đã vi
phạm Nhân Bản Cương Thường. Chính quyền nào ngăn cản sự sinh hoạt của tín ngưỡng,
của tôn giáo tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. Chính quyền nào dựa vào
niềm tin tôn giáo để đưa ra chính sách tức là đã vi phạm nhân bản cương thường
mà chuyện phá thai (sẽ phân tích chi tiếc trong quyền thân thể của con người),
hoặc chuyện bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quân đội mà ông thượng nghĩ sĩ, Tommy Tuberville, đã ngăn cản vì chủ trương của quân đội
giúp đỡ những ai muốn phá thai là thí dụ điển hình.
Tôn giáo phải phục vụ Con Người cho nên bất cứ tín ngưỡng nào kêu gọi sự giết
hại người khác, hoặc làm thiệt hại về mặt tài chính, tinh thần của những cá
nhân khác tức là đã đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Bất cứ cá nhân nào dựa
vào tín ngưỡng của mình để xem những tín ngưỡng khác là “kẻ thù” thì đã đi ngược
lại Nhân Bản Cương Thường. Bất cứ cá nhân nào dựa vào tôn giáo để lạm dụng tiền
bạc, tình dục với các tín đồ tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.
Tinh thần được hiểu sau khi đã đạt được cái ăn-mặc, cư trú thì con người
còn có nhu cầu phục vụ tinh thần qua văn hóa, liên hệ bạn bè, hoặc thưởng ngoạn
cảnh thiên nhiên. Tinh thần và vật chất là hỗ tương nguyên nhân được Lý Đông A
coi như một trong những quy luật nền tảng về nhân bản. Bất cứ cá nhân, đảng
phái, công ty, hoặc cơ cấu chính quyền nào ngăn cản liên hệ bạn bè, văn hóa, hoặc
phá hoại thiên nhiên tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.
Nhu cầu giáo dục
Con Người khác con vật ở sự giáo dục. Giáo dục được hiểu ở một nghĩa rộng gồm
cả tự bản thân giáo dục, gia đình giáo dục, xã hội giáo dục, và trường học giáo
dục. Sự học hỏi của Con Người bắt đầu từ khi lọt lòng mẹ và tiếp tục học hỏi
cho đến khi nằm xuống lòng đất thì mới chấm dứt sự học hỏi. Ai cho rằng sự học
hỏi chấm dứt thì cá nhân đó đã không hiểu rõ học hỏi là gì.
Con Người sinh ra đều có những khả năng riêng biệt cho chính mỗi người. Những
khả năng riêng biệt này ở nhiều trình độ khác nhau. Những khả năng này chỉ được
phát triển khi có cơ hội được giáo dục nhằm mục đích phát hiện, bồi dưỡng khả
năng đã có sẵn trong mỗi người. Đây là điều rất quan trọng bởi nếu sự giáo dục
sai, không phát hiện đúng khả năng của cá nhân để cá nhân làm một công việc
không phù hợp với khả năng của chính mình tức là hệ thống giáo dục đã giết hại
đi những thiên tính (khả năng có sẵn) mà mỗi cá nhân đã có trong chính bản thân
mình.
Gia đình giáo dục là trách nhiệm của cha mẹ. Tuy nhiên không hẳn cha mẹ nào
cũng có trình độ giáo dục cho nên cần phải có một nơi để các cha mẹ học hỏi sự
giáo dục con cái mình từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trẻ trưởng thành. Cần phải
có một tổ chức sinh hoạt trong việc chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm gia đình giáo
dục của các bậc cha mẹ với các cha mẹ khác. Chỉ khi nào cha mẹ hiểu được cái gì
gọi là cương thường của con người (nhân loại) thì lúc đó sự ảnh hưởng của giáo
dục gia đình mới có thể giúp đỡ đứa bé lớn lên hiểu rõ trách nhiệm của chính
mình trong vị trí của cá nhân đối với gia đình, họ hàng, làng xóm, xã hội và quốc
gia.
Cũng cùng thời gian đó, một hệ thống giáo dục từ nhà trường cần phải giúp đỡ
các trẻ từ lớp mẫu giáo cho đến hết đại học. Cần phải có chính sách giáo dục miễn
phí từ lớp mẫu giáo cho đến hết bậc đại học mà bậc đại học chỉ là sự lựa chọn
chứ không phải là bắt buộc. Với kỷ nguyên mới, với những kỹ thuật mới của thế
giới, một cá nhân trong xã hội phải học xong chương trình đại học và bộ máy nhà
nước phải chú tâm vào việc giúp đỡ tất cả thành viên trong xã hội từ 5 tuổi đến
22 tuổi (hoặc người lớn chưa có bằng đại học) hoàn thành chương trình học miễn
phí. Đây chẳng phải là điều mới, trái lại, một số nước ở Âu Châu (Na Uy, Thụy
Điển, Đức, Đan Mạch, Phần Lan) đã thực hiện chuyện này. Giáo dục là đào tạo Con
Người có khả năng sáng tạo -- mà khả năng đó chỉ có dưới một nền giáo dục tự do
để cá nhân đem sáng tạo áp dụng vào thực tế xã hội, giúp đỡ xã hội. Giáo dục là
đào tạo Con Người để con người đó được trang bị tri thức nghề nghiệp hầu tạo cuộc
sống cho bản thân và đóng góp cho xã hội ở tương lai.
Vậy thì giáo dục không phải là những giáo điều do nhà cầm quyền đưa ra như
hệ thống giáo dục của VN hiện giờ. Nền
giáo dục để mỗi cá nhân thấy được bổn phận, trách nhiệm của chính mình trong
tương quan giữa cá nhân với xã hội và xã hội với cá nhân. Nền giáo dục đó không
phải là mục đích để làm giàu cho cá nhân sau này mà là để phục vụ gia đình,
làng xóm, xã hội và quốc gia. Giáo dục nhà trường không thể nào đi ngược lại
Nhân Bản Cương Thường.
Khi đứa trẻ trưởng thành để hòa nhập vào xã hội thì xã hội giáo dục là hình
thức của sự bồi dưỡng những gì đã được dạy dỗ từ gia đình và trường học. Xã hội
giáo dục là bước học hỏi để đưa những gì đã học ở trường, ở nhà vào thực tế của
đời sống xã hội. Xã hội giáo dục xảy ra ở các công sở, công ty, các tổ chức xã
hội dân sự, các tổ chức chuyên ngành v.v…. Khi cá nhân đã được đào tạo trên căn
bản của Nhân Bản Cương Thường thì khi vào cuộc sống xã hội -- sẽ biến xã hội là
một xã hội nhân bản hơn, quan tâm về Con Người nhiều hơn; sẽ tạo ra một cuộc sống
thái bình trong xã hội mình đang sống và có thể lan tỏa ra ở những quốc gia
khác trong cách ứng xử với nhau dựa vào Nhân Bản Cương Thường để hành động.
Nhu cầu giáo dục quan trọng không thua gì nhu cầu ăn-mặc bởi Lý Đông A đã
nói “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” mà “chính trị là thiết
kế và chấp hành nhân sinh”. Để có thể biết cách thiết kế cũng như chấp hành
nhân sinh, Con Người cần phải được giáo dục dựa trên căn bản Nhân Bản Cương Thường.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)
Nguồn:
https://nganlau.com/2024/02/01/nhan-ban-cuong-thuong-tinh-than-giao-duc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét