Nhu cầu phát triển nòi giống
Khi đã có đủ ăn, đủ mặc, chỗ ở để khỏi bị lạnh thì Con Người có một nhu cầu
khác là phát triển giống nòi. Từ một cá nhân hợp tác với những cá nhân khác để
giải quyết cái ăn, cái mặc, chỗ ở thì nhu cầu kế đến là một cá nhân Nữ hợp tác
với một cá nhân Nam để giữ nòi giống không bị diệt chủng. Đây cũng chính là sự
tự tính (thiên tính) nhằm mục đích phát triển nòi giống. Gia đình được hình
thành bởi do nhu cầu phát triển giống nòi.
Trong tiến trình phát triển nòi giống này, chữ Trinh trong cuộc sống gia
đình được nhà tư tưởng Lý Đông A nhắc đến. Trinh ở đây phải hiểu là một vợ, một
chồng. Trinh ở đây là chuyện phát triển nòi giống không phải bạ đâu phát triển
đó mà là sự phối hợp duy nhất giữa một người Nam với một người Nữ để sinh con đẻ
cái; chỉ làm chuyện phát triển giống nòi với người vợ, người chồng của mình
thôi chứ không phải làm chuyện này với tất cả mọi người. Trinh ở đây được hiểu là có cùng huyết thống
thì không thể làm chuyện phát triển giống nòi như anh lấy em, cha lấy con, mẹ lấy
con, hoặc họ hàng có quan hệ huyết thống lấy với nhau.
Con Người khác loài thú là ở chỗ Trinh này. Loài thú thì đực-cái cứ mặc sức
làm chuyện truyền giống mà không cần biết sự quan hệ máu mũ ra sao, hoặc làm
chuyện truyền giống với bất cứ con vật đồng loại khác phái bởi loài thú không
có tri thức để hiểu chuyện truyền giống này cần phải có tính Trinh.
Sự phức tạp của xã hội hiện đại đã làm cho Con Người không đặt nặng nhu yếu
phát triển giống nòi để cuối cùng tạo ra sự lão hóa mà các xã hội tân tiến như
Nhật, Âu Châu đang gặp phải. Lực lượng lao động tại Nhật không có đủ người để
cung cấp cho nhu cầu việc làm của các cơ sở thương mại. Theo số thống kê của
năm 2021, số người trên 65 tuổi ở Nhật là 36.21 triệu (29.8% tổng số dân) và số
người dưới 14 tuổi là 14.78 triệu (11.8% tổng số dân). Cho nên nhu cầu này cần có sự tác động của
người lãnh đạo trong việc giới hạn giờ lao động để mỗi Con Người ở tuổi trưởng
thành có thời gian dành cho chính bản thân và gia đình -- hầu tạo điều kiện
phát triển giống nòi không bị lão hóa như ở các nước tân tiến hiện nay. Cần phải
có chính sách cho vấn đề phát triển giống nòi để dân số không đi quá đà và đồng
thời cân bằng lực lượng lao động với lực lượng không còn sức lao động để tránh
tình trạng lão hóa như các nước tân tiến đang đối diện.
Gia đình là nền tảng của xã hội cho nên sinh hoạt của gia đình cần phải được
nghiên cứu để có chính sách ưu đãi hầu tạo điều kiện cho mọi người -- ngoài
chuyện làm kinh tế để sống thì có thời gian để tạo ra nền tảng gia đình cho
chính bản thân, hầu đóng góp trong tiến trình tránh lão hóa ở những quốc gia
phát triển kinh tế quá cao. Chuyện này có thể thực hiện được nếu có hệ thống
giáo dục nhân bản, mục đích để đào tạo ra Con Người thay vì đào tạo ra nhân tài
nhưng thiếu nhân bản, nhân tính, nhân sinh, nhân cách, nhân chủ.
Những gì đi ngược lại tự nhiên cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng đặc biệt
trong hệ thống gia đình. Chuyện dùng khoa học kỹ thuật để tạo ra đứa bé trong
phòng thí nghiệm là chuyện đi ngược lại sự tự nhiên của Con Người cho nên cần
phải ngăn cấm. Ngay cả dùng khoa học kỹ thuật để tạo ra bào thai trong bụng phụ
nữ cũng cần phải có luật pháp quy định rõ ràng về tuổi tác của người phụ nữ bởi
không thể nào thực hiện chuyện này với người phụ nữ trên 60 tuổi, cái tuổi mà hệ
thống kinh nguyệt đã hết và nhu cầu sinh đẻ không còn phù hợp ở lứa tuổi này.
Sự phát triển nhân số của loài người phải phù hợp với thiên nhiên và xã hội.
Bất cứ quốc gia, văn hóa, tôn giáo nào chủ trương phát triển qua sự đàn áp,
tiêu diệt dân tộc khác hay chiếm hữu tài nguyên để hủy diệt dân tộc khác là đi
ngược lại tinh thần Nhân Bản Cương Thường.
Nhu Cầu Hợp Tác Xã
Hội
Phần cuối cùng của nhu yếu là nhu cầu hợp tác xã hội. Đây là nhu cầu cần
thiết của những cá nhân sống trong xã hội đó. Tương quan (hỗ tương) giữa cá
nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội là tương quan cần thiết để tạo cho cá
nhân được thăng tiến trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Tương quan này sẽ
tạo ra những tổ chức xã hội dân sự tự giúp đỡ những thành phần trong xã hội (có
những điểm tương đồng giống nhau) hầu giúp chính cá nhân và chính tổ chức xã hội
lớn mạnh để tạo ra một xã hội nhân bản hơn, kiện toàn hơn, an ninh hơn.
Các tổ chức xã hội dân sự ngoài việc giúp đỡ các thành phần cần sự giúp đỡ,
các tổ chức xã hội dân sự đóng góp một công sức rất lớn vào việc xây dựng một
cơ chế quản trị chính trị không đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Với nhiều tổ
chức xã hội dân sự với những nghề nghiệp khác nhau, kinh nghiệm khác nhau sẽ
nâng đỡ lẫn nhau trong hệ thống sinh hoạt của toàn xã hội trên toàn quốc nhằm mục
đích tạo sự thống nhất, đồng nhất.
Sự sinh hoạt các tổ chức xã hội dân sự tạo căn bản cho sự học hỏi trong xã
hội giáo dục. Cách làm việc của các tổ chức xã hội dân sự với ý thức trách nhiệm
cao, với tinh thần phục vụ xã hội, với mục đích để nâng đỡ thành viên và các
thành phần khác trong xã hội cùng nhau thăng tiến sẽ tạo ra một xã hội nhân bản,
nhân tính, và nhân chủ.
Nếu gia đình đóng yếu tố chính trong việc hình thành xã hội tốt hay xấu thì
các tổ chức xã hội dân sự là yếu tố thứ hai trong tiến trình xây dựng một xã hội
mà mọi người cùng tiến, cùng nhận lãnh trách nhiệm trong hệ thống chính trị được
hiểu theo nghĩa là “thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Không ai hiểu rõ đời sống
của người dân bằng các tổ chức xã hội dân sự, được hình thành từ những cá nhân
quan tâm về con người và xã hội, bám sát vào đời sống thực tế của người dân.
Các tổ chức xã hội dân sự sẽ làm giảm gánh nặng của cơ cấu chính quyền trong việc
điều hành sự sinh hoạt của quốc gia, đặc biệt dính dáng đến đời sống của người
dân.
Cho nên sự hợp tác xã hội qua hình thức của các tổ chức xã hội là nhu cầu
nhu yếu của xã hội mà một chính quyền nhân bản cần phải tạo đủ mọi điều kiện
cho các tổ chức xã hội dân sự hình thành, hoạt động hữu hiệu với luật pháp bảo
đảm hầu tránh tình trạng những tổ chức xã hội dân sự giả mà đãng (cố ý viết sai
dấu) cộng sản Việt Nam hình thành để đánh đồng giữa các tổ chức xã hội dân sự độc
lập và tổ chức xã hội dân sự do đãng chỉ đạo.
Nhu cầu nhu yếu của Con Người được trình bày bên trên có thể thay đổi theo
thời gian bởi ở mỗi thời điểm của lịch sử, nhu yếu của Con Người luôn luôn thay
đổi. Trong tinh thần của tư tưởng Duy Dân, chúng ta phải biết thay đổi theo nhu
cầu của thực tế chứ không thể cứng nhắc trong những nhu yếu của Con Người.
Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống
nòi (gia đình), an ninh, tinh thần, giáo dục, y tế, hợp tác xã hội (tương quan
giữa cá nhân với xã hội và ngược lại) để làm cho cuộc sống của Con Người thăng
tiến hơn trong chiều hướng hướng thượng.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)
Nguồn: https://nganlau.com/2024/02/15/nhan-ban-cuong-thuong-noi-giong-hop-tac/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét