Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, y tế, và an ninh. Đây là những nhu cầu cần thiết của Con Người trong cuộc sống để nâng đỡ lẫn nhau làm thăng hoa xã hội với mục đích giúp mọi người cùng tiến.
Nhu cầu vật chất ăn – mặc – cư trú
Lịch sử của loài
người đã chứng minh -- Con Người ngồi lại với nhau, tương tác giữa một cá nhân
với một cá nhân, cá nhân với xã hội, xã hội với cá nhân nhằm giải quyết cái căn
bản nhu yếu của Con Người. Cái căn bản nhu yếu này dần dần gia tăng do sự nhận
thức của Tri Thức Con Người và từ đó -- Con Người cũng như Xã Hội phải điều chỉnh
nhu cầu nhu yếu theo từng thời đại của lịch sử.
Nhu cầu đầu tiên của
Con Người là cái ăn, cái mặc. Thời nguyên thủy loài người, để giải quyết vấn đề
này, những Con Người hợp tác với nhau để săn đuổi một con thú hầu cung cấp thức
ăn và cung cấp da thú để bảo vệ thân vào mùa đông. Dĩ nhiên một cá nhân khó mà
có thể săn một con thú lớn và mạnh hơn chính mình. Cho nên vì nhu cầu ăn – mặc,
Con Người thời nguyên thủy đã hợp tác với nhau để tạo ra cái ăn -- không phải
cho chính riêng mình mà cho những người đã hợp tác với chính mình. Đây là nhu cầu
hữu tương, tự tính (tự động do nhu cầu sống còn của Con Người).
Đây là nhu cầu căn
bản của Con Người từ thời nguyên thủy cho đến hôm nay. Từ cái thời chọn lối sống
săn bắn đi hết chỗ này đến chỗ nọ; đến chọn định cư ở một địa phương để dựa vào
sự cải cách đất đai -- trồng trọt những thức ăn để nuôi dưỡng Con Người và toàn
thể cá nhân trong xã hội đó; hoặc chăn nuôi để tạo ra thịt-cá, cộng với ngũ cốc
trồng trọt nhằm nâng cao cuộc sống vật chất, bảo đảm vật chất luôn luôn có đủ
-- thay vì đi săn thì hôm có thú, hôm không có thú.
Cái nhu cầu vật chất
này đã tạo cho loài người hiểu rằng, tất cả mọi người cần phải có ăn để sống, để
đóng góp công sức vào công việc hằng ngày của xã hội. Trẻ nhỏ làm công việc của
trẻ nhỏ, tuy không sản xuất ra sản phẩm nhưng vẫn được nuôi dưỡng với đầy đủ
nhu cầu thức ăn cho cơ thể -- nhằm mục đích học tập từ người lớn để chuẩn bị
tinh thần khi trưởng thành -- vào đời sống xã hội phải biết làm gì, đóng vị trí
thích hợp trong xã hội nhằm mục đích giúp đỡ những cá nhân khác đạt được nhu cầu
vật chất căn bản này.
Người già không
còn nằm trong lực lượng sản xuất nhưng không có nghĩa là người già không có nhu
cầu ăn-mặc. Người già hoàn thành vai trò trong xã hội của chính bản thân mình
lúc sức khỏe cho phép. Cho nên khi về
già, xã hội phải có nhiệm vụ lo cái ăn cho người già chứ không phải bỏ bê như
món đồ phế thải.
Những người bị bệnh
lúc bẩm sinh hay bị tàn tật ở bất cứ thời điểm nào đó của cuộc đời, xã hội có
trách nhiệm bảo đảm nhu cầu căn bản ăn-mặc của những cá nhân này. Đây không phải
là gánh nặng xã hội mà là sự quan tâm của xã hội đối với những thành viên trong
xã hội đã không may mắn trong cuộc sống bình thường của một Con Người.
Quan hệ giữa cá
nhân và xã hội được tương tác lẫn nhau để mọi người trong xã hội có được nhu cầu
đủ ăn và mặc. Cá nhân tương tác với xã hội và xã hội tương tác với cá nhân để cả
hai (cá nhân và tổ chức xã hội) có thể cùng nhau thăng tiến cho nhu cầu vật chất
này. Trong sự tác động này thì xã hội không thể nào có những người đứng ngoài
đường ăn xin cho nhu cầu ăn-mặc của bản thân.
Lịch sử loài người
chứng minh là cũng vì cái ăn mà dân tộc này đi đánh phá dân tộc khác để giành
miếng ăn cho chính dân tộc mình. Đây là lối hành xử đi ngược lại căn bản của
Con Người hay còn gọi là Nhân Bản Cương Thường (Lý Đông A gọi là Duy Nhân Cương
Thường). Bởi mỗi Con Người trên thế giới này, không cần biết thuộc giống dân
nào, có học hay vô học, tất cả những Con Người này đều có nhu cầu ăn-mặc. Khi một
đất nước không có đủ thực phẩm để ăn thì chính những người dân trong xã hội đó
phải tìm cách để giải quyết cái ăn trong chính xã hội mình đang sống. Nếu vẫn
không giải quyết được thì cần kêu gọi sự giúp đỡ của các dân tộc khác trên thế
giới chứ không thể nào đem quân đội để giành cái ăn-mặc của dân tộc khác. Hoặc
dùng phương tiện kỹ thuật hiện đại như súng đạn để hăm dọa một dân tộc khác, bắt
dân tộc khác cung cấp những thứ sản phẩm mà mình muốn, hoặc cướp giựt sản phẩm
của một dân tộc khác.
Cần nên nhớ rằng,
bất cứ cá nhân nào, bất cứ dân tộc nào dùng sức mạnh để cướp lấy tài sản, thức
ăn của bất cứ Con Người nào trên thế giới này tức là đã vi phạm cái Nhân Bản
Cương Thường, đi ngược lại xã hội tự tính bởi Con Người. Con Người ngồi lại với
nhau để giải quyết nhu cầu vật chất qua sự hợp tác chứ không phải để cướp giựt
vật chất của người khác, của dân tộc khác.
Dân tộc mình cần
ăn để sống và dân tộc khác cũng thế. Không thể vì cái ăn của mình để rồi tiêu
diệt một dân tộc khác; một hành động giống như loài thú, thì lối ứng xử này
không phải là lối ứng xử của Con Người và lối ứng xử này đã đi ngược lại Nhân Bản
Cương Thường của lịch sử loài người để rồi chiến tranh tiếp tục xảy ra.
Khi nói về cái ăn
thì không thể quên được cái ăn của hôm nay phải là những thức ăn không làm ảnh
hưởng đến đời sống của Con Người. Ăn để rồi mắc phải bệnh ung thư, chết sớm thì
đó là cái ăn độc hại, cần phải ngăn ngừa, cần phải tìm cách để những thức ăn độc
hại không đưa vào xã hội tiêu thụ. Chính những cá nhân trong xã hội và chính
cái cơ chế xã hội đó phải có trách nhiệm để không cho những thức ăn có hại đến
sức khỏe lưu trữ trong xã hội hoặc đem bán ra ở một quốc gia khác. Không thể vì
thức ăn đó có hại cho dân tộc mình nhưng nếu bán cho dân tộc khác thì không
sao. Làm điều này đã đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường của Con Người. Mình
không dám ăn bởi thức ăn đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình thì tại sao
mình lại đem bán cho người khác, cho dân tộc khác? Người khác, dân tộc khác
cũng là Con Người, đều có nhu cầu ăn để sống chứ không phải ăn để chết. Mình
xem mạng sống của mình quý trọng còn mạng sống của người khác rẻ hơn hay chăng?
Nếu người khác, dân tộc khác làm điều đó với chính bản thân mình, với chính dân
tộc mình thì mình nghĩ sao về hành động trên?
Cái ăn-mặc không
phải đơn giản chỉ là giải quyết cái ăn mà không cần biết hệ quả của cách giải
quyết đó ra sao, có hại đến môi trường ra sao, có hại đến quốc gia khác ra
sao. Đây cũng chính là những vấn đề cần
phải suy tư khi nghĩ đến cái nhu cầu căn bản ăn-mặc của Con Người.
Ngay cả chuyện mặc
cũng cần phải quan tâm để không phung phí tài nguyên thiên nhiên. Ở những quốc
gia giàu có, người ta thấy một người có cả mấy chục đôi giày, mấy trăm bộ áo.
Hình ảnh này cho thấy từ nhu cầu nhu yếu đã trở thành phí phạm những nhu yếu.
Dĩ nhiên không ai ngăn cấm chuyện mua sắm của mỗi người nhưng một người quan
tâm đến xã hội, môi trường sẽ cảm thấy khó chịu khi nhìn hình ảnh phí phạm khi
trên thế giới nhiều người không có giày để mang, không có đủ áo để mặc.
Ngoài nhu cầu ăn mặc
Con Người cần có một chỗ cư trú để tránh mưa nắng, để nghỉ ngơi sau những giờ
làm việc vất vả. Thường mỗi cá nhân trong xã hội cố gắng tạo cho mình một nơi
cư trú nhưng không hẳn là ai cũng có thể đạt được chuyện này. Cho nên những ai
không có nơi cư trú thì xã hội phải có trách nhiệm để giải quyết chuyện này. Một
xã hội nhân bản không thể nào để cho những người vô gia cư sống lây lất trên đường
phố, vỉa hè, hay dưới gầm cầu.
Bất cứ chính quyền
nào làm áp lực với chủ nhà để đuổi những người mướn nhà chỉ bởi vì cá nhân đó
lên tiếng đấu tranh cho công bằng, lẽ phải, tự do dân chủ thì chính quyền vi phạm
nhân bản cương thường mà nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người bất đồng
chính kiến là thí dụ điển hình.
Nhu cầu có chỗ cư
trú của hôm nay bao gồm những điều kiện căn bản trong việc cư trú là điện, nước,
và gas trong việc sưởi ấm vào mùa đông. Cho nên bất cứ ai, bất cứ chính quyền
hay quốc gia nào, phá hủy hệ thống điện, nước, gas -- làm ảnh hưởng đến chỗ cư
trú của người dân tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. Hình ảnh quân đội
Nga bắn phá vào nhà dân, vào hệ thống điện và nước trong mùa đông của đất nước
Ukraine tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. Hình ảnh chính quyền Do Thái
cúp điện nước trong khu vực Gaza tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.
Tóm lại nhu cầu
ăn-mặc-cư trú là nhu cầu của Con Người hay còn gọi là Nhân Bản Cương Thường. Những
nhu cầu này cá nhân có thể tự lo nếu cơ chế tạo ra điều kiện (sẽ nói ở phần
sau) và nếu cá nhân nào không có đủ khả năng để tự túc thực hiện nhu cầu này
thì sẽ được các tổ chức xã hội dân sự cố gắng giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu nhiều cá
nhân cần sự giúp đỡ đi ra ngoài khả năng của các tổ chức xã hội dân sự thì
chính quyền phải có trách nhiệm và bổn phận lo cho những thành phần kém may mắn
này.
Vũ Hoàng Anh Bốn
Phương
Tháng 12 năm 2023
(Việt lịch 4902)
Nguồn: https://nganlau.com/2024/02/01/nhan-ban-cuong-thuong-nhu-cau-vat-chat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét