Ghi Chú NL: Đây là một bài viết mà những ai quan tâm về Con Người và Xã Hội cần phải đọc và đọc trong một tinh thần cởi mở để thấy được cái gốc của vấn đề. Tác giả nhắc đến Cương Thường và một sự tình cờ, trang mạng Ngàn Lau sẽ đăng loạt bài nói về Nhân Bản Cương Thường trong đầu năm 2024 và những tháng tới.
Dân tộc, như đã nói, hình thành từ một
cộng đồng trải qua bề dày lịch sử, có chung nguồn gốc chủng tộc, văn hóa, ngôn
ngữ, chữ viết và tập trung ở một lãnh thổ nhất định, những cá thể sống trong
cộng đồng đó gọi chung là dân tộc, từ đó cũng hình thành nên quốc gia.
Trước khi con người có khái niệm về
luật pháp, về bộ máy sử dụng luật pháp để duy trì ổn định xã hội thì con người
dùng cái gì để duy trì trật tự xã hội?
Con người sinh ra đều có bản tính và ý
thức bẩm sinh. Bản tính bẩm sinh là sự kết hợp nam nữ để duy trì nòi giống, kết
nối với nhau thành cộng đồng, cùng nhau tìm ra sinh kế để duy trì sự sống. Ý
thức bẩm sinh là nguyên tắc, đạo lý dựa vào sự hòa hợp với tự nhiên và trong
quá trình sống. Luật tắc và đạo lý cơ bản này được con người nhìn nhận và dùng
nó áp dụng vào cộng đồng để duy trì sự ổn định về sinh kế và phát triển nòi
giống, ta gọi đó là cương thường, là cái gốc của cái gọi là luật pháp của người
văn minh sau này. Nói như vậy để thấy rằng, luật pháp là cái ngọn của cương
thường, một dân tộc và nói chung là thế giới loài người, muốn duy trì một hệ
thống luật pháp có hiệu quả và để bảo vệ được sự sống con người thì phải hiểu
cương thường là gì, cái gốc của luật pháp dựa vào đặc định gì và tại sao phải
duy trì luật pháp. (Cương thường ở đây không phải tam cương, ngũ thường của Nho
giáo, mà nó là cái gốc nguyên tắc tự nhiên của loài người).
Dân sinh, là các điều kiện dùng để
phát triển sự sống và duy trì ổn định nòi giống con người, bao gồm lãnh thổ
quốc gia được phân định rạch ròi và được quốc tế công nhận. Các điều kiện về
kinh tế, giáo dục, điều kiện về tự nhiên và tất nhiên thành phần quan trọng
nhất là công dân trong quốc gia với trí tuệ và nhận thức cùng nhau phát triển
đất nước.
Dân đạo, là đạo lý được con người thấu
hiểu từ cương thường, từ sự giáo dục nhân cách, con người đi dần từng bước
trong nhận thức, từ sự nhìn nhận sơ khai, đến sửa chữa, chuyển hóa dần rồi thẩm
thấu được đạo lý dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc từ đó có ý thức rõ ràng về
dân tộc và mong muốn giữ gìn nó.
Nhân quyền là sự thấu hiểu từ đạo lý.
Hiểu được tính đặc định bẩm sinh của loài người, từ đó mới hiểu được nhân quyền
là đạo lý của con người đối với chính mình, của người đối với người và của con
người đối với vạn vật. Nếu không hiểu được rõ ràng, thì nhân quyền chỉ được nói
và thực thi trên vỏ bọc khi nó đã không còn đạo lý, luật tắc tự nhiên.
Một quốc gia với chủ nghĩa chân chính
sẽ làm nền tảng cho một thế giới chân chính và sáng suốt, ngược lại, một thế
giới với hệ thống luật tắc chân chính sẽ làm nền tảng cho các quốc gia phát
triển bền vững.
Khi quốc gia khống chế luật tắc quốc
tế thì xảy ra chiến tranh xâm lược. Trong một quốc gia, khi giai cấp khống chế
quốc gia thì xảy ra tình trạng giai cấp thống trị, khi gia tộc khống chế quốc
gia thì trở thành chế độ quân chủ, khi đảng phái khống chế quốc gia thì trở
thành độc tài, đảng trị. Tất cả các vấn nạn này đều do bất chấp đạo lý và luật
tắc mà gây nên vậy.
Dân tộc, dân sinh, dân đạo sẽ như một
vòng tròn kết nối, cùng sinh, cùng diệt với nhau. Thiếu một trong ba yếu tố
này, sẽ không còn quốc gia. Dân tộc là tinh thần, dân sinh, dân đạo là
"khí", là năng lượng cung cấp cho lực lượng tinh thần đó duy trì và
phát triển, và quan trọng là phát triển theo con đường chân chính sáng suốt,
không chỉ cho quốc gia, mà cũng là nền tảng phát triển của loài người nói
chung.
Ngày nay, có khái niệm "hòa giải
dân tộc", xin thưa rằng, không có khái niệm đó, vì dân tộc vốn đã cùng một
thể của một quốc gia mà sinh ra, vậy thì trong một quốc gia, lấy dân tộc nào
hòa giải với dân tộc nào? Nói cho chính xác, chỉ có chăng là có khái niệm
"hòa giải giữa các đảng phái" hoặc giữa "nhân dân và bộ máy cầm
quyền" chứ không nên dùng từ dân tộc, nó sai về bản chất. Dân tộc là quốc
gia, không có đảng phái nào có thể nhân danh cả dân tộc để gây bất hòa hay hòa
giải cả, đó là điên rồ, là phá hoại trật tự kỷ cương của quốc gia. Mà đã là
khái niệm đảng phái, thì cũng không gọi là hòa giải, đảng phái nào không làm
được việc cho đất nước thì sẽ bị giải thể, thay thế và cạnh tranh với đảng phái
khác mà thôi, đó là tính đa nguyên trong bộ máy vận hành đất nước.
Thiện và ác, chiến tranh hay hòa bình
cũng chỉ là thuộc tính của vòng tròn Dân tộc - Dân sinh - Dân đạo mà ra. Việc
thông hiểu và điều hướng cái gốc này vô cùng quan trọng cho sự phát triển của
quốc gia và con người.
HUỲNH THỊ TỐ NGA
Dec 22, 2023
Nguồn 1: Facebook của cô Huỳnh Thị Tố
Nga
Nguồn 2: https://nganlau.com/2024/01/07/dan-toc-dan-sinh-dan-dao/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét