Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

TƯ DUY LÀM CHỦ

 

Ghi Chú NL: Những ai quan tâm về tư tưởng Duy Dân thì sẽ thấy được hình ảnh Duy Dân trong bài viết này. Có rất nhiều người tự nhận là Duy Dân nhưng họ không sống thật, không nhận ra được hình ảnh Duy Dân hiện hữu trong đời sống của Con Người và Nhân Chủ đóng một vai trò rất quan trọng. Lý Đông A, người viết ra tư tưởng Duy Dân, cho rằng Dân Chủ phải đặt trên nền tảng Nhân Chủ. Giáo sư Lê Hữu Khóa tại Pháp cũng nói nhiều về Tự Chủ và bài viết dưới đây của cô Huỳnh Thị Tố Nga ở trong nước, cựu tù nhân lương tâm nói về sự Tự Chủ hay còn gọi là Nhân Chủ.

 

Đã thảo luận qua khái niệm giai cấp, chúng ta tiếp tục thảo luận về "tư duy làm chủ", vì hai khái niệm đề này liên quan chặt chẽ với nhau. Có tư duy muốn làm chủ nảy sinh, cho dù xảy ra ở đối tượng nào thì sẽ tạo nên sự phân chia giai cấp theo bản chất "áp đặt do định kiến xã hội", và tất nhiên, nó sẽ có ưu thế cho đối tượng đang nắm thực quyền trong tay. Vậy nên, tư duy làm chủ sẽ nguy hại cho việc xây dựng công bình, bình đẳng xã hội.

 

Chúng ta biết rằng, con người sinh ra vốn bình đẳng về sinh mệnh. Nếu nói về sự làm chủ, đây chính là đặc tính thiết yếu, con người được quyền làm chủ vận mạng của chính mình, làm chủ khả năng của chính mình về trí tuệ và khả năng hoạt động xã hội, làm chủ tất cả những đặc tính thuộc về CÁ NHÂN, với điều kiện, sự làm chủ cá nhân đó không gây hại đến lợi ích và làm tổn thương đến bất kỳ cá thể hay tập thể khác trong xã hội.

 

Vậy thì, sự nảy sinh tư duy muốn làm chủ một cá nhân khác (hay một tập thể) khác, sẽ sai theo quy luật bình đẳng tự nhiên.

Tới đây, có lẽ mọi người sẽ có quan điểm, trong xã hội, luôn có tầng lớp "ông chủ" và "người làm công". Chúng ta sẽ phân tích sự nhìn nhận này để thấy con người đã sai và bất công thế nào.

Xét về sự liên hệ giữa những cá nhân hay giữa cá nhân và tập thể trong xã hội, sẽ nảy sinh vấn đề thuê mướn lao động, và con người mặc nhiên cho rằng, người thuê lao động là "chủ", đối tượng còn lại là "người làm công". Sự áp đặt này đã xảy ra từ thời chiếm hữu nô lệ và đã gây ra bao nhiêu bất công, đàn áp, bóc lột đối với tầng lớp nghèo lao động thuê.

Chúng ta sẽ thấy rằng, quan điểm trên là sự man rợ trong tư duy giữa người và người. Người có doanh nghiệp, bỏ tiền mặt ra thuê người khác làm việc, đây đơn thuần chỉ là sự trao đổi công sức lao động với nhau, và tiền bạc (hay những vật chất đại diện khác: vàng, bạc,...) chỉ là vật đại diện cho sức lao động của con người. Ở đây, người dùng tiền mặt để trả công cho người lao động thuê thì chỉ là gián tiếp lấy sức lao động của chính họ, đổi lấy sức lao động trực tiếp của người làm thuê, vậy thôi. (Tôi có viết bài "Giá trị đồng tiền", nội dung phân tích rõ hơn về sức lao động và tiền bạc, các bạn có thể tham khảo thêm trong trang này). Vậy thì làm gì có việc ai làm chủ ai xảy ra trong mối liên hệ này?! Nó đơn thuần là sự trao đổi bình đẳng, anh bỏ tiền, tôi bỏ sức lao động để cùng nhau đạt được lợi ích cho cả đôi bên, đó là sự tương hỗ cùng nhau tồn tại và phát triển.

 

Không nói riêng cho lao động chân tay, mà cho tất cả các đối tượng, dù là trí thức hay bất kỳ tầng lớp nào, sẽ luôn xảy ra sự trao đổi sức lao động với nhau trong xã hội. Và đặc tính này là tự nhiên, không có sự trao đổi sức lao động, xã hội sẽ không phát triển và không đa dạng về kết cấu phân bố các ngành nghề trong xã hội.

Mà đặc tính nào thuộc về tự nhiên, bản chất nó sẽ là bình đẳng. Nhìn rõ được bản chất như vậy, con người mới không nhân danh vật chất để đàn áp tầng lớp người nghèo khổ.

 

Tiếp theo, chúng ta xét đến mối quan hệ về chính trị giữa người dân và một cơ cấu nhà nước.

Tương tự như mối liên hệ ở trên, ở mối liên hệ này, nó đơn thuần cũng là sự trao đổi công sức lao động, nhưng có nét đặc thù hơn, đó là một tầng lớp thiểu số, được ĐẠI DIỆN NHÂN DÂN, điều hành đất nước thông qua hệ thống pháp luật. (Tôi không đi sâu vào phân tích cơ cấu hệ thống pháp luật như thế nào nữa vì đã có bài viết chi tiết về vấn đề này, bài "Nhân chủ - Dân chủ - Dân quyền", các bạn có thể tham khảo thêm). Ở mối liên hệ này, nhà nước và công dân hoàn toàn bình đẳng về quyền và trách nhiệm. Pháp luật được đặt ra và được thực thi tuân theo pháp quyền, áp dụng cho bất cứ công dân nào. Những người làm trong trong cơ cấu nhà nước, về mặt xã hội, họ cũng là công dân, có quyền và trách nhiệm như bất kỳ một công dân khác, không có gì khác biệt, cho dù ở vị trí nào, chỉ khác nhau về ngành nghề phục vụ xã hội mà thôi. Sẽ không có khái niệm "nhà nước làm chủ nhân dân" hoặc "nhân dân làm chủ nhà nước", nghe rất khập khiễng. Nếu chúng ta cứ bị nhồi nhét tư duy này, chúng ta không bao giờ hiểu và tìm được sự bình đẳng trong sự vận hành chính trị.

Cá nhân chỉ có thể làm chủ vận mạng của chính mình, làm chủ tất cả những đặc tính thuộc về cá nhân từ vật chất lẫn tinh thần (Nhân Chủ).

Nếu cá nhân có tư duy muốn làm chủ người khác, hoặc chấp nhận cá nhân hay tập thể khác làm chủ bản thân mình, là góp phần gây nảy sinh sự bất bình đẳng giữa người với người, gây nên sự hình thành giai cấp với bản chất "áp đặt do định kiến xã hội", làm cho quyền con người bị chà đạp, ngăn trở tâm thức hướng thượng, nhân bản và văn minh.

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Nov 17, 2023

Nguồn: Từ facebook của Huỳnh Thị Tố Nga

Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/07/tu-duy-lam-chu/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...