"Duy Dân" là vì dân nhưng dân là một tập thể ô hợp, phức tạp với hoàn cảnh xã hội, chính trị, kinh tế ... có nhiều khác biệt, chênh lệch. Vậy thì phải hiểu Duy Dân là chỉ tiêu của người đi làm cách mạng. Mà muốn thực hiện cách mạng xã hội thì phải thực hiện cách mạng bản thân trước. Vậy bạn đã làm cuộc cách mạng bản thân chưa? Như thế nào?
Giả sử bạn (tình cờ) trải qua giai đoạn "gột rửa" để ý thức về cách mạng thì phải hiểu đó là sự góp sức, kết hợp của một tập thể chứ không phải chỉ một người. Để kết hợp một số người để thành lập nhóm nòng cốt (core group) thì bạn phải xác định những yếu tố cần và đủ của lý thuyết, lãnh đạo và tổ chức.
Lý thuyết
Không phải dễ có hay tìm được một lý thuyết cách mạng. Có thể mất nhiều thế hệ, công sức để xây dựng được lý thuyết cách mạng nếu không nói phải là thiên tài. Lý thuyết không phải chỉ là chính sách, quan điểm, sách lược, cẩm nang... mà là triết học, kiến trúc cơ cấu quốc gia, chính thể, nền tảng kinh tế dựa trên giáo dục, môi sinh, địa lý thiên nhiên dựa trên lịch sử, khoa học với thời gian và không gian.
Trở ngại là người lập thuyết không thể là người thực hiện vì thời gian để lập thuyết có thể nhiều năm và người lập thuyết không thể đi vào chi tiết để trả lời những câu hỏi cho người muốn tham dự hay nghi ngờ. Khi người lập thuyết đi vào quá khứ thì lý thuyết bỏ ngỏ cho lớp người sau. Ai có thể thực hiện được?
Muốn thực hiện phải hiểu tâm trạng của tác giả. Phải có sự giáo dục, đào tạo như thế nào để hội ý được những gì tiềm ẩn trong lý thuyết không phải dễ.
Lý thuyết không phải bí kíp võ lâm để giữ bí mật. Mọi người có thể đọc nhưng ai có thể hiểu, hiểu như thế nào?
Duy Dân là vì Dân. Dân là đáy tầng xã hội, là nền tảng quốc gia. Nhưng không phải mọi người dân phải học tập "lý thuyết" mà chỉ cần biết mục tiêu mà lý thuyết muốn đem lại lợi ích trong cuộc sống. Vậy lý thuyết là để những ai muốn thực hiện cuộc cách mạng cho dân phải học tập, tìm hiểu và tùy theo vai trò, trình độ, mức độ, lãnh vực giúp người dân hiểu biết để tham dự.
Đó là vai trò của lãnh đạo.
Lãnh đạo là lớp người tiên phong trong việc tìm hiểu lý thuyết và thực hiện. Tư cách cá nhân của lớp lãnh đạo là yếu tố quan trọng để thu hút các nhân sự cộng tác. Lý thuyết và nhân sự là 2 vế của phương trình cách mạng mà lãnh đạo phải cân bằng: có nhân sự mà không có lý thuyết thì sẽ làm gì? Có lý thuyết mà không tìm được nhân sự có khả năng thực hiện thì sao? Thử thách về lý thuyết và nhân sự để đánh giá đúng mức cũng là khó khăn mà lớp lãnh đạo phải giải quyết.
Lãnh đạo cũng chịu trách nhiệm tổ chức để hoạt động. Chọn người, phân công, huấn luyện vì không phải ai cũng sẽ nắm lý thuyết từ A đến Z. Khai triển từng giai đoạn, thời điểm đòi hỏi khả năng lãnh đạo.
Sinh hoạt chính trị đòi hỏi phương thức dân chủ dựa trên một số quy luật chính trị (hiến pháp, phân quyền...) và không thể dung thứ sự vi phạm luật, gian trá, giả dối vì xâm phạm nền tảng hiến pháp là quy định chung mà mọi người chấp nhận khi tham dự từ đầu (lập hiến).
Trong khi cách mạng là hoạt động thay đổi thể chế hiện tại để đi theo đường hướng mới. Thảo luận về đường lối, lý thuyết cách mạng là sinh hoạt mở để mọi người quan tâm đóng góp. Nhưng khi hình thành tổ chức cách mạng, tức là đã đồng ý chấp nhận mọi khó khăn, hiểm nguy để thực hiện lý thuyết đã vạch ra thì không còn là sinh hoạt dân chủ mở ra cho mọi người mà là hạn chế theo hoàn cảnh, thời điểm.
Biết Duy Dân không phải để nói (thuyết) mà là áp dụng. Tùy theo trình độ mỗi người mà dẫn chứng Duy Dân là con đường để mọi người dân tham dự nhằm xây dựng bản thân và xã hội.
Nền tảng xã hội là đáy tầng: người dân. Nhưng người dân nghèo nàn, khốn khổ, bần cùng thì có thể làm gì để có thể vươn lên khi chính bản thân họ không đủ khả năng, hoàn cảnh eo hẹp, xã hội bất công...? Để thay đổi xã hội đòi hỏi cách mạng. Ai là người có khả năng thực hiện nếu không trải qua tu dưỡng. Một khi những ai tìm ra hướng đi tất có trách nhiệm thực hiện vì khả năng hơn người khác -- không phải để bóc lột như chế độ tư bản hay cộng sản vì coi đó là điều tất nhiên mà lòng Tham hay tính Ác làm chủ con người.
Do đó hiểu Duy Dân là hiểu người dân, hiểu xã hội và tu dưỡng bản thân để thay đổi xã hội chứ không phải học thuộc lòng từng chữ trong tài liệu Lý Đông A. Đó cũng là vì sao nhiều người đọc tài liệu Duy Dân không hiểu vì mù mờ, bao la, chơi vơi, huyền hoặc chỉ vì thiếu tu dưỡng.
Vì khởi đi từ tu dưỡng bản thân, tìm hiểu tương quan giữa cá nhân, thiên nhiên và xã hội qua khoa học, sử học, triết học để có sự đối tác giữa người và người (2 chiều hỗ tương) trong cùng một hướng đi (đối lập thống nhất), trong sinh hoạt chính trị dân chủ để xây dựng cơ cấu chính quyền với mục đích thiết kế nhân sinh (kinh tế nhân bản hay bình sản). Có thông qua sinh hoạt như vậy thì các thành viên mới ý thức cuộc cách mạng Duy Dân như thế nào, để làm gì và đi về đâu.
Một khi đã chấp nhận hy sinh đời sống bản thân để phục vụ dân tộc thì phải bỏ Tham-Sân-Si. Muốn bỏ thì phải biết lý luận để tìm ra giải pháp chứ không phải nghe theo lời người khác. Có như vậy mới tiến lên để hướng dẫn người khác.
Tổ chức
Lãnh đạo phải biết tổ chức trước và sau khi có bộ máy cán bộ được huấn luyện về lý thuyết. Khi chưa có lực (nhân lực, tài lực) thì phải vận động, liên kết, kết hợp để thử thách nhân sự qua các sinh hoạt. Trong tiến trình sinh hoạt cũng là tiến trình huấn luyện, tu dưỡng vì không có nhân sự nào hiểu 100% Duy Dân là gì. Đó là tiến trình sắp xếp những quân cờ trên một bàn cờ trước khi ra quân (cơ năng & bản vị). Từ thế yếu, chúng ta phải biết những bàn cờ cần thiết để chuẩn bị đối phó với kẻ thù.
Kẻ thù đa diện thì chúng ta phải có nhiều bàn cờ để đối phó. Ưu thế của chúng ta là chính nghĩa, là đường dài, là sự thật, là sự tiến hóa của loài người. Sự tồn tại của cộng sản Việt Nam là cơ hội cho chúng ta học tập, huấn luyện và kết hợp. Khi cán cân thay đổi là cơ hội đến. Lâu hay mau là tùy nơi chúng ta thực hiện được những gì. Sự kiện Võ văn Thưởng là con bài đang lên của cộng sản Việt Nam cho thấy "thế hệ mới" sẽ phải gánh trách nhiệm gồng mình đối phó với Bạn và Thù: Trung Cộng hay Mỹ. Nhưng Việt Nam không phải chờ thay đổi theo Trung Cộng vì kinh tế và chính trị Việt Nam không phải là Trung Cộng. Cộng sản Việt Nam không thể thay đổi vì thay đổi là thua, vì không có mô hình nào khác ngoài chế độ cộng sản. Nhìn người thì nghĩ đến ta: chúng ta có gì để thay thế? Duy Dân.
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2023 (Việt lịch 4902)
Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/24/nen-tang-can-ban-duy-dan-duy-nhan/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét