Công bằng về tài "sản" hay "sản" xuất?
Mỗi cá nhân có nên sở hữu tài sản nhiều hơn nhu cầu bản thân, gia đình về thực phẩm, cư trú, việc làm .... Có thể nào ngăn cấm cá nhân có nhiều con để có nhu cầu một căn nhà lớn. Hay có nhiều vợ để có nhiều nhà? Hay làm nhiều việc, nhiều giờ để có nhiều tiền?
Khi làm ra nhiều tiền thì cá nhân có thể mua món hàng A thật nhiều, đầu cơ tích trữ để làm giàu hơn nữa? Luật pháp không thể ngăn cấm người dân làm giàu nhưng làm sao tránh được các tệ nạn kể trên.
Thí dụ về nhà cửa: người có tiền mua nhà, xây chung cư cho thuê mướn. Tiền thuê sẽ tăng tới mức người dân nghèo chịu không nổi phải dời ra xa thành phố. Các cơ sở thương mại, dịch vụ không có nhân công phục vụ vì di chuyển quá xa, tốn kém cho người lao động. Những khu nhà giàu cần người lao động. Dân lao động cần việc làm nhưng không thể di chuyển từ ngoại ô vào thành phố. Thầy giáo, cảnh sát, viên chức chính quyền là những người địa phương thì mới phục vụ hữu hiệu cho công chúng. Như vậy nhân quyền với quyền lợi kinh tế sẽ đối xử như thế nào?
Kinh tế là "Cung" và "Cầu" nhưng có thực như vậy chăng? Nhà sản xuất hay trung gian có thể vận dụng quảng cáo (tự do ngôn luận) để đánh vào thị hiếu quần chúng cảm thấy sản phẩm X là "cần" có và trở thành nhu cầu. Đó là lý do để sản xuất nhiều hơn.
Ở một góc cạnh khác, công ty A làm ra sản phẩm X được quần chúng ưa chuộng vì ích lợi, bền, đẹp. Công ty B muốn cạnh tranh nên cũng tạo ra sản phẩm X’ tương tự với giá rẻ vì phẩm chất kém hơn nhưng hy vọng với giá rẻ thì sẽ bán được nhiều hơn. Và như vậy xã hội có những nhu cầu giả tạo của những sản phẩm không thực dụng mà kết quả chỉ là đem lại rác nhiều hơn mà hậu quả về môi sinh nặng hơn là ích lợi phục vụ quần chúng.
Mặt khác, nước Pháp ra luật làm bánh mì thủ công (artisan) không được kỹ nghệ hoá (mass production) cho nên bánh mì luôn tươi, ngon và không bị bỏ phí vì dư thừa (mỗi thợ chỉ có thể làm một số bánh cố định mỗi ngày cho phù hợp với số dân địa phương). Người thợ làm việc vừa đủ sống, không thể làm quá (cho dù muốn hay có khả năng) và ngăn chặn phí phạm thực phẩm.
Cũng như khi xưa chưa có kỹ nghệ đóng hộp hay đông lạnh thì con người làm khô (thịt, cá) để dự trữ lúc tai biến. Ngày nay, kỹ thuật bảo quản thực phẩm giúp dự trữ, chuyên chở, phân phối thực phẩm khắp nơi nhưng con người vẫn cố công đánh bắt thủy sản, làm khô, đóng hộp, đông lạnh... tuy rằng nhu cầu không như trước vì lẽ tự nhiên là mọi người sẽ chọn sản phẩm tươi hơn là khô, hộp hay đông lạnh. Sự cạnh tranh trên biển khiến thủy sản cạn kiệt, tuyệt chủng và đó là thất bại chung cho nhân loại chứ không riêng gì quốc gia giàu, nghèo.
Hãy thử quan sát một cá nhân có thặng dư tài sản thì hắn sẽ làm gì với khối tài sản đó? Như chúng ta thấy ở Mỹ các nhà tỷ phú nếu không tiếp tục đầu tư như một thú vui (Warren Buffett) thì cho từ thiện (Bill Gate) hay du lịch bằng thuyền (Bezo) hay thám hiểm không gian (Elon Musk) hay tạo kỹ thuật ảo tưởng Megaverse (Zuckerberg) hay lạm dụng tình dục (Epstein).
Vậy để giàu có, tài sản thặng dư mà không hưởng thụ là ngu? Mà hưởng thụ khi đồng loại đau khổ thì không phải là người. Như vậy sự chiếm đoạt, sở hữu tài sản thặng dư có ý nghĩa gì trong thời đại hôm nay?
Cho dù bạn khôn ngoan hơn người thì chẳng lẽ bạn dùng sự khôn ngoan đó để trách móc kẻ hèn kém hơn thay vì giúp đỡ?
Chính trị kiểm soát kinh tế (chủ nghĩa cộng sản) hay chính trị bị chi phối bởi kinh tế (chủ nghĩa tư bản).
Con người bước vào (hay thành lập) xã hội. Xã hội (hay chính quyền) quy định sinh hoạt chung. Luật pháp được đặt ra để giải quyết các xung đột trong xã hội.
Tuy nhân quyền của con người giống nhau nhưng tâm trí khác nhau, có người khôn kẻ ngu. Kẻ khôn ngoan sẽ lợi dụng kẽ hở của luật pháp, xã hội để nắm quyền lực và thay đổi cơ chế sinh hoạt quốc gia dẫn đến độc tài.
Các nước dân chủ Tây Phương đang bị các thế lực tài phiệt (kinh tế) lôi cuốn theo khuynh hướng kiểm soát chính quyền (chính trị) để chống lại đòi hỏi của dân chúng về môi sinh, khí hậu, an sinh xã hội. Trong khi các quốc gia độc tài nắm chính quyền (chính trị) điều hành sinh hoạt (kinh tế) có lợi cho giới cầm quyền bất kể điều kiện thay đổi của xã hội, thiên nhiên.
Một đảng nắm cả quyền (chính trị) và lợi (kinh tế) thì tầng lớp cai trị tìm mọi cách ngăn chặn sự thay đổi đe dọa quyền lợi của họ. Trên mặt nhân quyền thì họ không phủ nhận được nhưng tìm cách trì hoãn. Trên mặt kinh tế thì họ dùng các thủ đoạn tung tin giả, xuyên tạc các sự kiện khoa học, gây xáo trộn xã hội giữa các nhóm hoạt động để duy trì vai trò chính trị (chỉ có tôi mới giải quyết được vấn đề của quý vị. Hãy bầu cho tôi). Một cách khác là làm giàu và lo lót, vận động chính quyền để làm giàu hơn.
Lợi dụng sự sợ hãi và lòng tham để lôi cuốn các tầng lớp dân ủng hộ chính sách cai trị thì nhân quyền trở nên lạc lõng. Nhưng khi giàu - nghèo còn gia tăng, cách biệt thì đấu tranh (hay chiến tranh) vẫn còn và tìm kiếm hòa bình trở nên xa vời.
Để chấm dứt những lợi dụng kinh tế hay chính trị không phải vì lợi thế địa lý mà là tâm lý con người. Tâm lý xấu khiến con người lợi dụng chính trị, kinh tế để bóc lột, khai thác kẻ yếu kém. Lật ngược lại, khi tâm lý ý thức sự ưu việt của cá nhân để giúp đỡ những ai thua kém sẽ có đời sống khả quan hơn dựa theo sự công bằng. Hợp tác của xã hội đặt ra trên căn bản mọi người dân phải tham dự sinh hoạt chính trị vì khi bạn không có tiếng nói thì không có quyền lợi trên căn bản "toại kỳ sở nhu" với "tận kỳ sở năng" để đạt tới "chính kỳ sở mệnh" và không than trách, đổ lỗi cho ai cả. Cũng như những người đi đấu tranh cho quyền lợi của họ phải nghĩ đến sự công bằng hợp lý trên toàn bộ xã hội. Cho dù là nghiệp đoàn, công đoàn, sinh viên, giáo chức... thì quyền lợi của họ phải nằm trong hoàn cảnh kinh tế, địa lý của quốc gia. Nhà nghèo không thể đòi ăn sang được.
Riêng về chế độ dân chủ, bạn đồng ý trên hiến pháp, bầu cử chọn chính quyền, 3 ngành phân lập không dựa trên đạo đức mà dựa trên tinh thần "làm được việc" (pragmatic) vì thế ứng cử viên tha hồ nói láo để đắc cử, làm luật để bảo vệ ngôi vị, quyền lợi (kinh tế) của họ thay vì cho dân. Cử tri không thể làm gì được một khi họ đã đắc cử. Sự lường gạt hiến pháp cho tới ngày nay dưới hình thức chọn lựa (your choice, option) tự do ngôn luận, lời thề, chúng ta tin vào thượng đế... chỉ là một nền dân chủ giả tạo.
Các luật lệ, tục lệ (norm) và các cơ chế bảo vệ dân chủ đều do dân tham dự nhưng tại sao dân cần súng để tự vệ? Chống ai? Bạn không tin cảnh sát, tòa án, quân đội, pháp luật... thì chẳng lẽ dân chủ "giấy giả"? Hay vì chính bạn đã chọn lầm "chính quyền" nên cần súng để phòng khi lật đổ chính quyền "dỏm" do chính bạn chọn lựa và bầu lên? Rồi chính quyền nào sẽ quy định nhân quyền cho bạn?
Tương quan chính trị với kinh tế: Thuế
Khi có xã hội thì cần người điều hành xã hội. Đó là việc công. Thay vì làm việc riêng tư để kiếm sống, kiếm lợi thì ai đó phải hy sinh làm việc công. Thời xưa thì việc sưu dịch là dân phải thay nhau làm công tác xã hội. Ngày nay thì đặt ra thuế để nhà nước có tiền trả cho nhân sự làm việc công. Khi mọi người chống thuế thì lại muốn chính quyền phục dịch đủ mặt trong đời sống kể cả thiên tai, tai nạn do cá nhân, công ty gây ra. Không thấy các nhà chính trị chống thuế giải thích và chính bạn cũng không đặt câu hỏi như vậy? Phải chăng chúng ta cùng gian lận với lương tâm, xã hội đang sống?
Chuyện tranh chấp khuynh Tả (Socialism) hay khuynh Hữu (Capitalism) chỉ là thủ thuật chính trị để gạt dân vì các nước Bắc Âu (xã hội chủ nghĩa) hoặc như Nhật vẫn có tư bản, tư nhân thành lập các công ty lớn cạnh tranh, đầu tư với thế giới trong khi chính quyền đánh thuế rất nặng. Chính trị vẫn là đa đảng thì không phải độc tài hay cộng sản. Có tầng lớp tư bản (nhà giàu) mà vẫn xây dựng được hệ thống an sinh xã hội chu đáo thì trò chơi Tả-Hữu sẽ chấm dứt.
Bạn có thể nào ăn no thừa mứa (như thi đua ăn hot dog, all you can eat) để rồi nhìn cảnh trẻ em chết đói vì thiên tai và rao giảng nhân quyền. Nạn nhân không có nhân quyền hay bạn lạm dụng nhân quyền?
Bạn là chủ hãng, nhà đầu tư với tiền bạc, tài sản dư thừa. Bạn bỏ tiền ra vận động Quốc Hội ra luật có lợi cho công ty, kỹ nghệ của bạn hay bỏ tiền yểm trợ ứng cử viên của bạn ra cầm quyền để giúp bạn tiếp tục làm giàu, trốn thuế. Nhưng nếu kẻ khác kêu gọi tăng thuế giúp an sinh xã hội, y tế, tăng lương giới lao động, cứu trợ nước nghèo thì bạn chống đối vì ABC, vì cho rằng kẻ khác đã không cố gắng như bạn đã trải qua.v.v…
Công lý (tòa án)
Thế nào là công bằng xã hội (nhân quyền)? Công bằng kinh tế? Cán cân công lý quyết định bởi tòa án. Nhưng ông Tòa (chánh án, thẩm phán) cũng là người?
Con người gia nhập xã hội tạo nên hiến pháp, luật lệ để duy trì sinh hoạt. Bất công về chính trị sinh ra bất công về kinh tế dẫn đến chiến tranh. Hiến pháp được viết ra thời điểm X với dân số Y. Sau 30 (hay 50 năm), thời điểm Z với dân số W thì xã hội thay đổi mà tài nguyên thiên nhiên vẫn chỉ có vậy hay ít đi, nếu số người của thời điểm X nắm hết tài nguyên thì dân số W sẽ có tỷ lệ giàu nghèo quá cách biệt. Vậy đâu là công lý?
Nếu không sửa đổi hiến pháp thì không hợp lòng dân. Muốn sửa đổi thì dân số ở thời điểm X sẽ không muốn vì sợ mất quyền lợi, viện cớ hiến pháp X đã giúp họ thành công thì cũng có thể giúp W thành công như họ, thất bại là do không cố gắng chứ không phải tại hiến pháp X.
Nếu các luật gia không hình thấy tương quan giữa cũ (bảo thủ) và mới (cấp tiến) để tìm lối thoát thì sẽ mắc kẹt trong thế lưỡng nan (catch 22). Và công lý của một xã hội dân chủ sẽ là do số đông (đa số) quyết định. Tầng lớp ưu tú của xã hội luôn luôn là số ít. Bạn sẽ thuyết phục người dân như thế nào?
Luật pháp dựa trên lý luận. Lý luận không phải tranh thắng mà để tìm ra sự thực. Đó cũng là nhiệm vụ của triết học. Triết học nào sẽ giải quyết mọi vấn đề của xã hội con người?
Đừng đem tôn giáo vào chính trị, lý luận vì chỉ tạo thêm rắc rối, xung đột. Nhưng triết học là giáo dục. Giáo dục con người để hiểu ý nghĩa cuộc sống: "sống biết, sống đúng, sống thực" không phải là dễ dàng như soạn thảo hiến pháp. Bạn có ý kiến nào khác hơn không?
Kết
Khi sống trong xã hội hỗn loạn, các biến cố tác động đến bản thân khiến bạn phải phản ứng. Nhưng để tìm ra giải pháp thì trước tiên bạn phải hiểu mình. Tất cả rối loạn bên ngoài phối hợp với rối loạn bên trong. Rối loạn bên trong con người bạn chỉ có thể giải quyết qua sự tự kỷ, tự giác để thay đổi nhưng bạn lại quay ra ngoài để tìm lý do bào chữa và đó là tất cả khổ đau, vô vọng của chúng ta ngày nay khởi đi từ vô minh: giáo dục sai lầm.
Vậy nhìn lại vai trò của bạn trong cuộc sống tại thế giới này là gì? Làm giàu và để lại cho con cháu tiếp tục làm giàu hay phá hoại xã hội? Có xã hội mới có nhân quyền. Nếu bạn sống một mình thì không cần nhân quyền. Nếu bạn tin vào tình thương và công lý (công bằng) thì kinh tế qua nhân quyền sẽ như thế nào (hay ngược lại)?
Trần Công Lân
Tháng 7 năm 2023 (Việt lịch 4902)
Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/15/kinh-te-binh-san-hay-nhan-ban-p6/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét