Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Kinh Tế: Bình Sản hay Nhân Bản (P5)

 

Phần III

Con người đòi hỏi nhân quyền và kinh tế vì sự góp mặt trong xã hội. Vậy xã hội giải quyết ra sao?

Người bóc lột người?

Thí dụ: nhân vật A khôn lanh, thông minh hơn B thì cho dù cả hai đều có 100 đồng hay 1 mẫu đất thì A có thể phát triển thành 1000 hay khai thác đất sinh lợi hơn; trong khi B chỉ làm thiệt hại hơn là gây lợi và như vậy sự giàu nghèo cách biệt xuất hiện. Khi có thặng dư thì A sẽ mua lại tài sản của B và xung đột xuất hiện.

Vậy thì vai trò của chính quyền (điều hành xã hội) và nhân quyền (tham dự xã hội) sẽ như thế nào?

Dĩ nhiên chính quyền chỉ có thể đưa ra kế hoạch, chính sách đại cương (macro); không thể đi vào chi tiết (micro) cho đời sống mỗi người dân.

Mặt khác, nhân quyền xác định các quyền căn bản của mỗi công dân nhưng không thể cấm con người với trí khôn gây lợi nhuận kinh tế. Cũng như chính quyền không thể cấm người dân kém thông minh hay tự hủy hoại đời sống qua ma túy, rượu, cờ bạc…. Đối với người khuyết tật thì sự giúp đỡ của nhà nước để đưa họ đến đời sống xã hội một khi cá nhân đó quyết tâm. Trong khi những kẻ có thân thể lành lặn nhưng tâm trí lười biếng, ưa phá hoại, gây rối thì đó là trách nhiệm của gia đình hay chính quyền (xã hội)?

Khi những người có tài năng lợi dụng ưu điểm để lấn át người khác thì cũng có hạng người ý thức hành động đó và thay vì dùng tài năng thì họ dùng bạo lực để cướp tài sản thay vì làm việc hoặc cướp chính quyền để thu tóm mọi quyền lợi quốc gia về họ.

Người không đóng góp cho xã hội?

Nhưng đa số thiếu tài năng, ý chí, kiên nhẫn để tham dự cuộc sống và tìm cách lợi dụng kẽ hở của xã hội, của người khác để sống qua ngày. Nếu có việc làm thì chỉ làm lấy lệ, có khi còn gây thiệt hại hơn là hoàn thành công việc. Đối với các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy) thì nếu bạn là thành phần ỡm ờ như vậy (nửa nạc nửa mỡ, không thầy, không thợ) thì bạn sẽ được nhà nước cung cấp nhà ở, trợ cấp an sinh, con cái được đi học, được đi nghỉ hè (vacation) để đổi lại bạn không phạm tội ác hay đi làm việc mà thiếu quyết tâm, tích cực.

Nhân quyền là quyền căn bản của con người khi gia nhập xã hội. Cá nhân có thể tiến bộ trong xã hội nhưng không thể vi phạm nhân quyền của người khác. Sự tiến bộ của cá nhân đóng góp vào việc phát triển xã hội nhưng ngược lại cũng có kẻ lợi dụng cơ hội để thao túng xã hội theo sở thích. Loại người này vẫn sống trong xã hội nhưng lợi dụng kẽ hở của luật pháp, chính quyền để bóc lột, lừa gạt hay phá rối người khác như một cách giải trí, thách thức hoàn cảnh. Họ coi hành động đó như là cách để cân bằng đối với những ai tài năng, thành công hơn họ. Chiến tranh, vũ khí được coi như phương tiện để những kẻ muốn chống lại xã hội thi hành công lý của họ bất kể hiến pháp như thế nào.

Renters’ Bill could cause landlords to quit, assessment warns (msn.com)

Sự sáng tạo đối với phát triển kinh tế?

Nước Mỹ tiến bộ nhờ khoa học kỹ thuật. Các phát minh được chứng nhận bởi cơ quan cấp bằng phát minh và thương hiệu (U S Patent & Trademark). Các công ty được thành lập để sản xuất các sản phẩm được phát minh và thu lợi trong vòng 20 năm. Nhưng không phải phát minh nào cũng có ích lợi cho con người và xã hội. Chỉ khi nào người tiêu thụ bị thiệt hại lên tiếng thì chính quyền mới cứu xét, điều tra. Khi có tranh chấp giữa một nhà phát minh đơn độc và một đại công ty thì sẽ dẫn đến thưa kiện và dĩ nhiên công ty có nhiều luật sư giỏi sẽ đè bẹp nhà phát minh đơn độc không có tiền mướn luật sư thường phải bỏ cuộc hay dàn xếp với đại công ty. Đó là lý vì sao các đại công ty như Microsoft, Google, Amazon, Apple ngày càng lớn mạnh.

Kinh tế là phát triển hay tạo bất công xã hội?

Có ý kiến cho rằng sự kiểm soát quá nhiều từ chính quyền sẽ cản trở sự phát minh của người dân (thí dụ: thuế hay luật kiểm soát phát minh khó khăn hơn). Làm giàu chính là động cơ thúc đẩy con người phát minh và giúp nhân loại tiến bộ. Như vậy chính quyền là điểm tựa của cán cân giữa cá nhân và xã hội. Thiên lệch về bên nào cũng gây xáo trộn bất kể dưới danh hiệu kinh tế thị trường, kinh tế chỉ huy hay kinh tế xã hội chủ nghĩa. Giới tư bản thường kêu gọi hãy để các công ty, dịch vụ tự điều chỉnh không cần sự can thiệp của chính quyền. Nhưng thực tế, các đại công ty, kỹ nghệ đã liên tục vận động các nhà làm luật -- làm luật có lợi cho chủ nhân, nhà đầu tư hơn là công nhân. Mặc dù giới tư bản kêu gọi là tạo công ăn việc làm nhưng đó chỉ là giai đoạn mượn sức lao động làm giàu. Một khi không còn lợi nhuận thì công ty đóng cửa, khai phá sản, công nhân thất nghiệp nhưng giới đầu tư được nhà nước cứu (bail out).

Kinh tế là tranh chấp quyền lợi hay phân phối tài nguyên?

Giới nhà giàu thường đổ thừa là dân nghèo không chịu siêng năng làm việc. Nhưng họ không nói rằng siêng năng không đủ khi tất năng không có, kiến thức không có, cơ hội không có. Họ quên rằng nếu không có hạ tầng cơ sở (xã hội) sẵn có để giúp ý kiến, phương tiện, nhân lực, luật lệ cho công ty của họ đi đến thành công thì một mình họ với sáng kiến sẽ đi về đâu? Tuy vậy trách nhiệm của họ với xã hội, quốc gia còn quá ít khi tài sản của họ vượt mức sản xuất của quốc gia và được sử dụng để thâu góp các nguồn tài nguyên trong xã hội bất kể xã hội đó đang suy sụp hay hỗn loạn.

Vậy kinh tế là (A) thi đua (lợi dụng xã hội) làm giàu hay (B) tạo công bằng xã hội? Trở lại nền tảng của giáo dục là ý nghĩa cuộc sống, bạn chọn cách nào? Sống để làm giàu (vì có tài năng) hay để phục vụ xã hội?

Khi quốc gia có tài nguyên (hầm mỏ) thì chính quyền sẽ để tư nhân khai thác. Nhưng ai có thể làm được? Người có khả năng làm sẽ nhận một mức lương khiêm nhường hay ỷ tài để trục lợi. Nếu có thất bại thì nhà nước phải cứu vì muốn duy trì công việc làm cho dân chứ không phạt lỗi ban lãnh đạo.

Vậy tài năng của cá nhân sẽ là yếu tố tranh chấp quyền lợi cá nhân hay để phục vụ xã hội?

Kinh tế là tạo việc làm hay gây ô nhiễm môi sinh?

Con người làm việc để kiếm sống (sinh kế). Khi gia nhập xã hội thì sự phân công thành hình nhưng hợp lý hay không lại là chuyện khác. Vì con người có khả năng và tất năng khác nhau cùng với tình trạng địa lý, dân số, tài nguyên sẽ quyết định các việc làm cần thiết. Không phải ai cũng tìm và kiếm được việc làm phù hợp với khả năng.

Đa số làm việc mà họ không thích nhưng không có khả năng để tìm việc khác (dù có giáo dục, huấn nghệ hay không). Trong khi một số việc cần có người nhưng không tìm được người. Nền kinh tế thị trường cho phép các nhà đầu tư bỏ tiền mở công ty, kỹ nghệ sản xuất sản phẩm theo thị hiếu con người. Với chủ trương là kiếm lợi thì bất cần hậu quả. Qua quảng cáo và vận động hành lang Quốc Hội để dựa vào luật pháp bao che, bênh vực quyền lợi của giới chủ nhân hơn là công nhân hay người tiêu thụ. Hậu quả  của sinh hoạt kinh tế như vậy chỉ gây bất ổn xã hội khi đời sống công nhân bị xáo trộn vì các công ty thất bại hay đổi chủ và sản phẩm rẻ tiền chỉ kết thúc nơi bãi rác. Ô nhiễm môi sinh thì dân nghèo thiệt hại và chính phủ phải giải quyết. Giới chủ nhân, các nhà đầu tư đã ôm tiền bỏ chạy

Con người trong cuộc sống ngoài miếng ăn còn có nhu cầu làm việc (gì đó) vì trí năng thúc đẩy. Làm vì giải trí hay sinh lợi đều cần có miễn là không gây hại hay xáo trộn xã hội. Nhưng vì giáo dục sai lầm nên con người thường chạy theo mê hoặc. Vì đời sống chỉ là 24 giờ; nếu bạn ham coi phim, chơi thể thao, nhậu nhẹt thì sẽ không có thì giờ theo dõi biến chuyển xã hội, chính trị. Một khi bạn chọn vị đi diện dân cử sai lầm thì xã hội sẽ rối loạn và bạn có trách ai cũng quá trễ.

 

 

Kinh Tế: Bình Sản hay Nhân Bản (P6)

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/15/kinh-te-binh-san-hay-nhan-ban-p5/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...