Ghi Chú NL: Đây là một nhận định khá mới đối với nhiều người. Từ ngữ giai cấp thực tế là do sự ép buộc từ những người có ý đồ riêng tư để đem cái giai cấp áp đặt vào từng trường hợp cho lợi ích của chính họ. Xã hội có nhiều thành phần mà như trong bài viết đã nhận định. Mỗi thành phần đóng một vị trí riêng biệt và quan trọng trong đời sống sinh hoạt của xã hội. Tất cả những thành phần này đều nương tựa nhau để cùng tiến hay còn gọi là hữu tương cùng tiến. Cái quan trọng là mỗi thành phần phải tự chính mình hoàn thành nhiệm vụ của mình, không xem mình quan trọng hơn những thành phần khác trong xã hội bởi thực tế, tất cả mọi người, tất cả mọi thành phần trong xã hội đều quan trọng để cùng nhau thiết kế và chấp hành nhân sinh. Ai bảo rằng thành phần bác sĩ quan trọng hơn thành phần nông dân thì vấn đề đặt ngược lại, nếu không có người nông dân thì thành phần bác sĩ lấy gì để ăn trong lúc học để thành bác sĩ?
Có một bạn đọc bình luận vào một trong những bài viết của tôi với câu hỏi: "Làm sao để xóa bỏ giai cấp?".
Tôi có trả lời ngắn gọn, nhưng câu hỏi của bạn có tính chất rộng, nên tôi không thể chuyển tải được nội dung muốn đề cập trong một câu trả lời ngắn. Nhân đây, tôi viết một bài viết ngắn hoàn chỉnh về nội dung này để chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này rõ ràng hơn.
Để trả lời cho câu hỏi này, tôi sẽ phân định bản chất "giai cấp" về các dạng như sau:
1. Giai cấp bản chất thuộc dạng: "Áp đặt do định kiến xã hội". Phân định giai cấp dạng này thường do chính con người đặt ra dựa vào quyền lực và sức mạnh của vật chất (tiền bạc).
Từ thời cổ đại cho đến ngày nay, có các dạng cơ bản:
Chủ nô/Nô lệ; Thống trị/Bị trị; Tư sản/Vô sản.
Các cặp này thuộc phạm trù "Áp đặt do định kiến xã hội", nó tồn tại là do sự cai trị và đàn áp của giai cấp cầm quyền. Trong một thế giới văn minh, khái niệm về quyền con người, quyền công dân được xem là giá trị phổ quát cần phải được thực thi ở mỗi quốc gia và toàn cầu, thì các khái niệm về giai cấp mang tính chất này không còn thích hợp để tồn tại, sự tồn tại của nó chỉ chứng minh cho sự độc tài, bất bình đẳng giữa người và người.
2. Giai cấp thuộc dạng: "Đa nguyên tự nhiên". Phân định giai cấp dạng này dựa vào năng lực và khả năng tiếp nhận tri thức, khả năng làm việc và khả năng hoạt động xã hội của mỗi cá nhân. Đây là đặc tính riêng thuộc về đặc tính tự nhiên của mỗi cá thể. Có các dạng sau:
Nông dân/Công nhân/Trí thức/Nghệ thuật/Tôn giáo,...
Dạng "đa nguyên tự nhiên" này có lẽ chúng ta nên dùng từ "tầng lớp" để gọi, sẽ chính xác hơn là "giai cấp". Ở dạng này, vì là tự tính thuộc về tự nhiên, khả năng bẩm sinh nên tất nhiên không thể xóa bỏ mà nó tồn tại như thuộc tính đa nguyên của kết cấu xã hội.
Cơ bản phải thực thi bình đẳng về quyền và nghĩa vụ ở những tầng lớp này, bình đẳng chứ không phải cào bằng. Các tầng lớp có quyền bình đẳng về mọi phương diện trong đời sống, còn việc sử dụng phương tiện để phát triển thế nào tùy thuộc vào khả năng mỗi cá thể, đây chính là tính đa nguyên trong xã hội.
Trên đây, tôi phân định như vậy để chúng ta có thể phân biệt giai cấp thuộc bản chất nào, từ đó mới đặt vấn đề xóa bỏ giai cấp (hoặc tầng lớp). Chỉ nên xóa bỏ giai cấp thuộc về bản chất thứ nhất, vì nó do con người tự áp đặt mà có, chứ không phải đặc tính tự nhiên.
Và câu hỏi được đặt ra, làm thế nào để xóa bỏ các giai cấp dạng này?
Muốn xóa bỏ giai cấp thuộc dạng "áp đặt do định kiến xã hội", nền chính trị đó phải thực thi triệt để quyền con người, quyền công dân. Cả nhà nước và công dân đều phải hiểu rằng, quyền con người là đặc định một cách tự nhiên, không ai ban cho, cũng không ai có quyền tước đoạt. Quyền con người phải tồn tại như một điều tất nhiên, chứ không phải xin xỏ, van xin mới có được nó, nó cần thiết như không khí cho chúng ta hít thở vậy.
Hệ thống luật pháp phải tuân theo pháp quyền. Hệ thống tư pháp độc lập, công bằng, minh bạch. Hệ thống vận hành chính trị phải theo tôn chỉ phục vụ con người, đưa con người vào vị trí cao nhất, làm chủ được vận mệnh, hòa hợp với tự nhiên và phát triển xã hội, trên nền tảng hiểu được tính nhất nguyên của thế giới loài người và tính đa nguyên ở mỗi cá thể. Trong nhất nguyên có đa nguyên và ngược lại, phối hợp với nhau tạo thành nền tảng chính trị chuẩn mực.
Sẽ không còn tồn tại khái niệm chính trị của bất kỳ giai cấp nào, mà chính trị phải phục vụ cho một đối tượng duy nhất là CON NGƯỜI. Có như vậy mới cơ bản giải quyết được vấn đề về giai cấp.
Một lần nữa, con người nên xác định lại khái niệm về giai cấp. Một xã hội, không phải không có giai cấp (tầng lớp), mà các tầng lớp đó phải tồn tại với bản chất đa nguyên tự nhiên như người viết đã nói ở trên. Mọi người nên phân biệt cho rõ ràng bản chất này.
Khái niệm giai cấp có bản chất "áp đặt do định kiến xã hội" và khái niệm "đại đồng thế giới" nhằm phủ nhận tính đa nguyên trong kết cấu các tầng lớp xã hội, hai khái niệm này đều sai theo quy luật tự nhiên. Chủ thuyết chính trị nào đi theo hai đường lối này sẽ đưa con người vào tăm tối.
[Các khái niệm "Áp đặt do định kiến xã hội" và "Đa nguyên tự nhiên" là do người viết đưa ra].
HUỲNH THỊ TỐ NGA
Nov 16, 2023
Nguồn: Từ facebook của cô Huỳnh Thị Tố Nga
Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/01/giai-cap-xoa-bo-giai-cap/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét