Cuộc sống của con người như một tấm gương được phản chiếu nhiều hình ảnh khác nhau và đối lập nhau. Khi nói về đối lập thì người cộng sản cho rằng phải triệt hạ bên đối lập để mình được sống còn. Nếu quan niệm như thế thì một đất nước luôn luôn bị hỗn loạn bởi bên nào cũng muốn triệt hạ bên khác biệt với chính mình.
Câu nói “chín người mười ý” của người Việt nói lên sự khác biệt của mỗi người mà với chính bản thân cũng có sự khác biệt đôi khi đi ngược lại cái mình muốn (thực hành) và cái mình suy nghĩ. Những sự khác biệt đó, cho dù ở chính bản thân, sẽ giúp cho mỗi con người có dịp nhìn lại chính bản thân mình, nhìn người khác để rút ra bài học cho bản thân.
Chính sự phức tạp của con người tạo ra nhiều lối ứng xử khác nhau. Từ sự ứng xử khác nhau đó sẽ tạo ra hai hình ảnh khác biệt giữa cái gọi là Thiện và cái gọi là Ác. Thiện-Ác là khái niệm trong suy nghĩ của mỗi người. Tùy theo sự quan tâm về mặt con người và xã hội ra sao, tùy theo tri thức của bản thân và kinh nghiệm cuộc sống; tất cả sự kiện bên trong lẫn bên ngoài của bản thân sẽ tạo ra khái niệm Thiện-Ác của mỗi cá nhân để từ đó cá nhân có lối ứng xử trong xã hội trên phương diện Thiện-Ác.
Sự lừa gạt người khác về tiền bạc, thể xác, tinh thần cho quyền lợi bản thân là hành động không Thiện. Gọi là Ác thì cũng tùy trường hợp. Nếu vì sự lợi dụng đó làm nạn nhân bị tán gia bại sản và đi đến cái chết thì hành động đó, đa số sẽ cho rằng là Ác. Nhưng nếu sự lợi dụng đó đối với người giàu có thì sẽ có người cho rằng không phải là Ác. Cho nên khái niệm Thiện-Ác mang nhiều cảm tính mà cái cảm tính đó dựa vào kinh nghiệm, tri thức bên trong bản thân để hình thành nên khái niệm Thiện-Ác.
Xã hội luôn luôn có hai hình ảnh Thiện-Ác xảy ra cho dù là một xã hội có trình độ giáo dục, tri thức, tính tự giác cao. Sẽ không bao giờ có một xã hội hoàn hảo (tốt-thiện hoàn toàn) hoặc một xã hội không hoàn hảo (xấu-ác hoàn toàn). Đó là thực tế của sinh hoạt xã hội và con người bởi mỗi người đều khác nhau trên nhiều lãnh vực và từ sự khác biệt đó sẽ tạo ra lối ứng xử khác nhau giữa hai ranh giới Thiện-Ác.
Thiện-Ác luôn luôn hiện hữu và sự hiện hữu đó tạo cơ hội cho mỗi con người biết được thế nào gọi là thiện, thế nào gọi là ác. Có những lúc cái ác lấn chiếm cái thiện và ngược lại có những lúc cái thiện lấn chiếm cái ác và không có cái nào sẽ triệt tiêu cái nào. Bởi nếu một trong hai (thiện-ác) bị triệt tiêu thì đến một lúc nào đó, thế hệ nối tiếp sẽ không phân biệt được thế nào gọi là thiện, thế nào gọi là ác bởi không có sự khác biệt để so sánh. Chính sự so sánh để tạo ra khái niệm Thiện-Ác và dựa vào đó mỗi cá nhân trong xã hội có lối ứng xử theo quan niệm thiện-ác của bản thân.
Mục đích của những người làm chính trị là “thiết kế và chấp hành nhân sinh” (Lý Đông A). Trong tiến trình thiết kế cần phải nhìn vấn đề Thiện-Ác ở một góc nhìn Nhân Bản (Nhân Bản Cương Thường) để đưa ra luật và mọi người có thể chấp hành luật lệ nhằm đều hướng nhân sinh cùng tiến, tạo một xã hội nhân bản, hài hòa. Những ai chọn lối ứng xử ác thì sẽ bị luật pháp trừng trị.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 10 năm 2023 (Việt lịch 4902)
Nguồn: https://nganlau.com/2023/11/24/thien-ac-cung-hien-huu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét