Làm người nói chung đã khó lại phải phân chia nam, nữ lại càng khó hơn. Thế nào là một người đàn ông đúng nghĩa "đàn ông"? Và thế nào là một người đàn bà đúng vai trò "đàn bà" (no offense)? Ngoài thể chất thì tinh thần sẽ quyết định giá trị của con người không cứ gì nam hay nữ. Có những nền văn hóa đặt người đàn bà quan trọng hơn. Trong lịch sử loài người cũng đã có bộ lạc, quốc gia đặt người nữ lên trên, quyết định việc gia đình, đất nước. Không có thống kê chính xác về sự lãnh đạo của người nữ tránh được chiến tranh vì những lý do thường thấy như khi nam giới lãnh đạo. Không có tài liệu nào xác định những nền văn minh bị tiêu diệt là do nam hay nữ lãnh đạo. Nhưng nền văn minh hiện đại cho thấy đa số lãnh đạo quốc gia, chính trị hay tôn giáo, do nam giới nắm giữ.
Chúng ta thấy Hồi giáo giam giữ người đàn bà trong phòng kín, ra đường phải có thân nhân hộ tống kẻo có cá nhân mất dạy bắt cóc. Vậy thì tôn giáo có nhân quyền hay không? Nếu không thì đấng sáng lập tôn giáo là hạng người gì? Nếu có mà lãnh đạo tôn giáo ngày nay coi phụ nữ như nô lệ là vì sao? Phải chăng tôn giáo là "trò chơi" của đàn ông?
Nhưng tại các nước theo tôn giáo khác thì người đàn bà làm được rất nhiều việc hơn đàn ông. Vậy ai cần ai trong cuộc sống? Trong quá trình trưởng thành thì sự kết hợp phải có sự thỏa thuận đôi bên nhưng chính tôn giáo đã không làm được việc đó mà (lãnh đạo tôn giáo) chỉ nhắm đến mục đích có thêm tín đồ (không phải mục đích của người sáng lập) cho nên mới có chuyện trọng nam, khinh nữ. Để rồi tới tuổi lập gia đình thì nam thừa nữ thiếu. Nếu không đi gây chiến, cướp đoạt phụ nữ nơi khác thì cũng là bạo hành hay ra luật chèn ép phụ nữ trong đời sống gia đình, xã hội. Không nói đến kiểu chủ nhân-nô lệ nhưng trong cuộc sống gia đình, cả hai phải chia sẻ trách nhiệm. Vậy thì cả hai có nhận thức được ưu-khuyết điểm của nhau chưa? Nếu cả hai cùng trình độ thì chia sẻ ra sao? Nếu người nam có suy nghĩ, quyết định chính chắn hơn thì người nữ sẽ đóng vai trò gì (và ngược lại)?
Cái khổ là tự ái của người đàn ông thường "vĩ đại", dù có ngu, đần, dở, dốt thì cũng đem cái vũ phu ra cai trị, dùng cái ác, hung dữ, tàn bạo để vượt lên nắm quyền. Và đó là mầm mống chiến tranh ngay từ trong mỗi cá nhân, gia đình chứ đừng trách móc xã hội vì không có luật lệ nào ngăn cản nổi sự bạo hành trong gia đình.
Bản chất của giống đực là thú tính. Tôn giáo dùng thượng đế, thiên đàng (hay niết bàn), địa ngục... để kềm hãm thú tính nơi đàn ông. Lịch sử loài người cho thấy các tôn giáo đã không thành công như mục đích đặt ra ban đầu. Nếu người nam khắc phục được thú tính nơi bản thân thì đã là một thành công lớn. Hiểu bản thân còn phải hiểu người. Hiểu phái nữ còn khó gấp bội. Nếu chiếm đoạt người nữ như một đồ vật thì khác, nhưng nếu là chọn bạn đường thì phải nói duyên phận.
Tìm nguyên những nguyên tắc, lý tắc, quy luật, định luật của con người trong cuộc sống rất khó. Biết và thực hành được thì thành thầy tu mất rồi, con đường đi không trở lại.
Trưởng thành là đầy đủ, đúng mức. Học tập (hay tự giáo dục) như thế nào để thoát khỏi những cạm bẫy của cuộc đời, biết người nhưng không hại người khi biết rằng đời sống khởi đi từ vô minh và để thoát khỏi vô minh thì đó là cuộc chiến đấu khôn cùng của mỗi cá nhân mà sự thành công trong xã hội, địa vị, chức tước, danh vọng đều không giúp ích gì mà chỉ gây trở ngại.
Vì người đàn ông là cột trụ gia đình mà người đàn ông không trưởng thành thì gia đình không ra gì và xã hội hỗn loạn. Sự thông minh, sáng tạo của con người xây dựng nền văn minh hiện tại vẫn chưa đào tạo được những con người trưởng thành. Nhưng cũng có người sống đến cuối đời cũng vẫn không học được gì cho dù có là tiến sĩ kiêm kỹ sư tức bác sĩ vốn là giáo sư luật đồng thời làm nhà nghiên cứu khoa học cho lầu năm góc.
Đó là lý do tại sao cách mạng không thành vì con người không đủ tu dưỡng để nhận diện tư tưởng cách mạng. Muốn thực hiện cách mạng phải có con người cách mạng. Thường là người sáng tạo, xây dựng lý thuyết sẽ không có thời gian để thực hiện. Người đời sau khi gặp lý thuyết thì thường là quá trễ để tu dưỡng. Người có tu dưỡng mà tình cờ gặp được lý thuyết đã là hiếm. Nhưng để hiểu thì cũng hết đời người mà nếu có truyền nhân thì để thực hiện cũng không phải "mì ăn liền" mà sẽ có thất bại vì "thời cơ", vì không phải lúc nào xã hội cũng có người trưởng thành để gánh vác việc chung. Một cuộc cách mạng đúng nghĩa có thể trải qua nhiều thế hệ. Cách mạng vì con người thì nhân quyền phải thông qua trước. Không phải mỗi quốc gia xác định nhân quyền khác nhau rồi đem vào Liên Hiệp Quốc tranh luận?
Mà hiện nay có bao nhiêu người trưởng thành nắm giữ vận mệnh quốc gia? Một người ăn cướp lãnh đạo quốc gia thì cũng như một người hề lên ngôi thủ tướng có rất nhiều. Cứ xem nước Mỹ với 300 năm dân chủ mà nay có Trump làm tổng thống. Người trưởng thành sẽ hiểu vì sao. Có hiểu thì mới đi tìm dân chủ cho VN, còn nếu chỉ là "Thoát Trung" thì làm sao "thoát Mỹ" trong tương lai?
Tháng 7 năm 2023 (Việt lịch 4902)
Nguồn: https://nganlau.com/2023/11/07/con-nguoi-va-su-truong-thanh-p2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét