Cương Thường là gì? Trong quyển tự điển của Lê Ngọc Trụ không có định nghĩa cho chữ này. Theo tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì định nghĩa là tam cương ngũ thường. Người viết bài này nhìn vấn đề cương thường ở một dạng khác, một dạng mà những con người, tuy đồng ý với nhau trên mục tiêu thành lập một tổ chức, có thể là một tổ chức thiện nguyện, một hội đoàn giao tế, hoặc một đảng phái chính trị thì cái mục tiêu đó vẫn chưa đủ. Có cùng một mục tiêu, một lý tưởng nhưng chúng ta có cùng một cương thường hay chăng? Nếu vì mục đích phục vụ xã hội nhưng lại làm ảnh hưởng đến môi trường sống thì thì phải chăng sẽ có người không muốn tham dự vào tổ chức đó cho dù họ có cùng một mục đích là phục vụ xã hội? Tại sao cùng một mục đích mà lại không thể hợp tác với nhau?
Đấy chính là cương thường của con người, những quan niệm về đối xử, ứng xử giữa những con người và cũng là cái đèn hải đăng hay một bản đồ để dẫn dắt những con người trong tổ chức đó đừng đi lạc đường cho cái mục đích vì con người nhưng dùng hạ sách phản lại cái mục đích vì con người đó. Thí dụ (1) vì muốn có tiền cho sinh hoạt, đi xin tiền và nói dóc những điều mà nhóm chưa hề thực hiện; hoặc (2) một tay lừa gạt nhiều người, cho nhóm một số tiền lớn với điều kiện đánh bóng đạo đức của cá nhân cho tiền mà nhóm biết rằng cá nhân đó là tay gian manh, lừa gạt nhưng vẫn nhận tiền và làm chuyện đánh bóng. Câu “cứu cánh biện minh cho phương tiện” là câu nói vô cương thường và chính vì thế tạo ra sự giết hại (hay hãm hại về uy tín và tài sản) lẫn nhau giữa người cùng tổ chức.
Người Việt khi đồng ý để cùng nhau thành lập một tổ chức (nhóm) chỉ nhắm đến mục đích để làm gì mà lại quên đi cái căn bản, rất quan trọng -- là những người trong nhóm dựa vào cương thường nào để cùng nhau đạt cái mục đích muốn nhắm đến của một tổ chức hay nhóm. Bài viết này sẽ mổ xẻ cương thường với hy vọng giúp cho các bạn trẻ ở tương lai có ít nhiều quan tâm về cương thường trước khi quyết định thành lập một nhóm, một tổ chức hay một liên minh để cùng nhau làm việc.
Con Người là gốc
Mỗi con người là một cá thể trong xã hội. Một cá thể không thể tạo ra được xã hội và một cá thể không làm được gì nếu không có sự tham dự của nhiều cá thể trong xã hội. Nhiều cá thể tạo ra được xã hội để từ đó mọi người cùng đóng góp công sức, khả năng của chính bản thân hầu xây dựng xã hội, một tổ chức, một nhóm có cùng một lý tưởng. Đây là sự hiểu biết giữa tương quan cá thể với tập thể và ngược lại.
Khi một nhóm được hình thành bởi nhiều cá thể, mỗi cá thể trong nhóm đều có giá trị ngang nhau. Đừng nghĩ mình giỏi nên xem thường người khác. Cái giỏi của một cá nhân vô giá trị khi cái giỏi đó không làm được gì nếu không có sự tham dự của người khác. Thí dụ: bạn giỏi và sáng chế ra một sản phẩm tuyệt vời để giúp xã hội. Nhưng cái sản phẩm bạn nghĩ ra, hoặc làm ra, sẽ không sản xuất hàng loạt nếu không có sự tham dự của những người khác hoặc có sự tham dự của những người cung cấp vật liệu cho sản phẩm bạn muốn làm ra.
Sự thành công của một nhóm, một công ty là biết sắp đặt tài năng của mỗi người vào đúng vị trí của nhóm để tạo sự vận hành hiệu quả. Đừng bắt một người không có khả năng viết (hoặc không muốn tham dự) vào ban biên tập; đừng bắt người yếu đuối đi làm việc chân tay nặng nhọc; đừng bắt anh bác sĩ đi làm chuyện trồng lúa ở nông trường. Đây là những thí dụ để biết đặt người vào đúng vị trí và tài năng của mỗi người trong sinh hoạt của tổ chức hay xã hội.
Sự thành công của một nhóm, hay liên minh là sự thành công của tất cả mọi người, mọi tổ chức trong liên minh đó chứ không phải chỉ một nhóm giành credit cho chính mình. Cái tật của người Việt là hay giành credit của người khác cho chính tổ chức mình. Sự hợp tác, liên minh với người khác, với tổ chức khác để làm một chuyện gì đó thì khi thành công hay thất bại là do tất cả những tổ chức, những cá nhân đồng chịu trách nhiệm trong mặt nội bộ. Đối với quần chúng, sự thất bại luôn luôn phải có người đứng mũi nhận lãnh trách nhiệm trước công luận nếu cá nhân đó đứng ở vị trí lãnh đạo của một tổ chức, một dự án ngoài cái toàn thể cũng có phần đóng góp cho sự thất bại đó. Chẳng có gì xấu hổ nhìn nhận sự thất bại của tổ chức, của cá nhân bởi “thất bại là mẹ đẻ của thành công”. Henry Ford thất bại mấy lần mới có thể đạt được sự thành công trong việc sản xuất xe Ford với số lượng nhiều.
Thành thật là cái gốc trong sự tương tác giữa những cá thể trong mọi sinh hoạt của xã hội. Thành thật và tôn trọng sự thật là chuyện không thể nào xem thường và đây chính là cái cần phải có, giá trị hơn tài năng. Có tài năng mà không thành thật, không tôn trọng sự thật thì tài năng đó có thể làm hại đến xã hội, đến những người làm việc chung. Không thể nào hợp tác giữa một người xài bạc giả (nói dối, ngụy biện) với người xài bạc thật (không nói dối). Đừng viện dẫn lý do chuyện riêng tư nên tôi sẽ không nói lên sự thật cho bạn nghe. Nếu chuyện riêng tư ảnh hưởng đến sự sống còn của tổ chức thì chuyện riêng tư đã trở thành chuyện của mọi người. Nếu chuyện riêng tư ảnh hưởng đến tư cách, nhân cách của một con người thì sự riêng tư trở thành chuyện của mọi người. Thí dụ: bạn dùng tiền để ái ân với cô gái dưới 17 tuổi. Đây là chuyện riêng tư của bạn nhưng nếu chuyện này xảy ra, được nhiều người biết đến và những người trong nhóm đặt vấn đề, bạn không thể nào viện lý do là chuyện riêng tư, tôi không thể nào chia sẻ cho mọi người biết điều đó đúng hay sai. Hoặc bạn có gia đình nhưng đi ngoại tình và người trong nhóm đặt vấn đề, bạn phải thành thật xác nhận chuyện đó chứ không thể nào vì chuyện riêng tư, tôi sẽ không xác nhận chuyện đó có hay không có. Người trong nhóm có quyền đuổi bạn ra khỏi sinh hoạt nếu đó là tiêu chuẩn cương thường mà nhóm đặt ra hoặc sự hiện diện của bạn làm ảnh hưởng đến uy tín và sự sống còn của một nhóm hay tổ chức. Điều này áp dụng cho các tổ chức chính trị khi liên minh và ai đó đặt vấn đề của một sự việc nào đó để xác nhận sự thành thật thì đừng vì lý do đây là của nội bộ tổ chức nên không thể nào cho ý kiến chuyện đó xảy ra hay không. Thí dụ tổ chức chính trị A phát cờ cho người Việt trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 và lá cờ đó bay trên căn nhà Quốc Hội trong cuộc tấn công vào cơ chế dân chủ Mỹ, khi ai đó đặt vấn đề và tổ chức A nói là không có -- thì sự thành thật ở tổ chức A cần phải xét lại để quyết định có tiếp tục liên minh hay không.
Lợi dụng nhóm, tổ chức để đem lại quyền lợi tài chính, danh vọng cho chính cá nhân (hay tổ chức của mình) là điều không thể chấp nhận trong sinh hoạt của một tập thể (hay một liên minh). Để tránh chuyện này, nhóm hay tổ chức cần phải có một biện pháp trong vấn đề tài chính hầu tránh sự kiện lạm dụng quyền hành để dùng tài chính cho quyền lợi của cá nhân được bao che với danh nghĩa sinh hoạt của tổ chức. Sự thất bại của nhiều tổ chức đều từ chuyện tài chính mà ra. Để tránh tình trạng lạm dụng tài chính, người giữ sổ sách (accounting) và người ký chi phiếu phải là hai cá nhân khác nhau, không thể nào là người cùng chung một gia đình. Chưa kể mọi chi phí phải được minh bạch, bàn thảo với nhiều người chứ không phải một người tự biên, tự diễn và những người khác chỉ là bù nhìn cho giấy tờ đối sở thuế.
Con người là gốc. Nguồn Gốc của con người khác nhau phát xuất từ trí óc. Cùng một hình hài, với những cơ phận như nhau nhưng có suy nghĩ đưa đến hành động khác nhau chỉ vì "Thức" (suy nghĩ, nhận định, ý thức). Để hiểu về sinh hoạt của bộ óc con người thì khoa Tâm Lý học và Não học (neuroscience) vẫn chưa giải thích được hết mọi vấn đề như Duy Thức học trình bày. Trong xã hội, đời sống con người là giao tiếp với con người. Cương thường là quy luật của sân chơi, của đời sống con người trong xã hội. Và để tìm hiểu nhau thì sự giao tiếp (đối thoại và cư xử) phải có hai chiều vì chúng ta (loài người) đang sống trong thế giới của Nhị nguyên (Âm-Dương).
Vậy khi bạn khởi lên một ý niệm (câu hỏi, vấn đề, hành động...) như một chiều "Đi" thì bạn có nghĩ và chấp nhận sự phản ứng đến từ người khác như chiều "Về" hay không? Nếu bạn trả lời "có" thì cương thường sẽ như thế nào? Và nếu bạn trả lời "không" thì cương thường của bạn sẽ như thế nào?
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)
https://nganlau.com/2021/09/07/cuong-thuong-giua-coi-nhan-sinh-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét