Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Bàn Về Dân Chủ (P2)

6. Dân chủ, con người và xã hội

Con người sống cần xã hội và xã hội xuất hiện là do con người. Khi con người ý thức về bản thân (tự kỷ) cần có sự kết hợp để nương tựa lẫn nhau (ỷ tha) và nhu cầu gia đình, làng xã... dẫn đến (động tha) xã hội, dân tộc, quốc gia.

Mỗi người có ý kiến, tư tưởng riêng. Xã hội là nơi quy tụ các ý kiến của mọi người để thành lập quốc gia, chính quyền. Thời đại quân chủ là giao trách nhiệm cho một người (vua). Thời kỳ dân chủ là dân chọn người đại điện điều hành sinh hoạt xã hội.

Sự phát triển của khoa học đòi hỏi giáo dục chuyên môn. Người dân chạy theo việc làm thì cần có kiến thức chuyên môn. Khoa chính trị học (political science) và ngành luật phát triển vì luật pháp chi phối mọi ngõ ngách đời sống con người. Nhưng chính trị liên quan đến mọi mặt sinh hoạt xã hội và luật pháp một khi ban hành thì không còn thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Cơ cấu tam quyền phân lập không còn hữu hiệu nữa khi hiến pháp của Mỹ 300 năm trước không còn thích hợp với tình trạng xã hội hiện tại. Hành pháp và lập pháp rơi vào tranh chấp lưỡng đảng. Hệ thống tòa án không theo kịp tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, địa lý chính trị, dân số thay đổi. 

Chính quyền do các đảng chính trị thay nhau điều hành nhưng không tránh khỏi những kẻ bất tài, tham vọng đã khuynh đảo xung đột xã hội về chủng tộc, kinh tế, tôn giáo, văn hóa để thủ lợi và làm nền dân chủ suy thoái. Khi căn bản của sinh hoạt dân chủ là lợi nhuận kinh tế thì cuối cùng dẫn con người chạy theo lợi mà quên các nguyên tắc (luật lệ) sinh hoạt chính trị để duy trì trật tự xã hội.

Khi cường quốc như Mỹ rơi vào hỗn loạn thì thế giới chịu ảnh hưởng chung. Mỹ có sức mạnh về địa lý, tập hợp nhiều sắc dân, chủng tộc nhưng khi giới tư bản thao túng chính quyền qua bầu cử thì không còn là dân chủ thực sự nữa. Cử tri chọn lầm đại diện thì vô phương cứu chữa, phải chờ đến kỳ bầu cử và cứ thế dân bị lừa dối trong sinh hoạt dân chủ không lối thoát.

Để bảo vệ dân chủ là quân đội do mọi người dân tham dự (tình nguyện hay quân dịch) nhưng nếu dân làm tròn nghĩa vụ quân sự để bảo vệ sinh hoạt dân chủ thì các chính trị gia, luật gia lại tìm cách luồn lọt các nguyên tắc dân chủ để trục lợi. Khi giới truyền thông còn độc lập thì còn có thể điều tra các sai lầm của  chính quyền nhưng khi mạng xã hội xuất hiện làm giới truyền thông suy yếu và bị tư bản thống trị thì sinh hoạt dân chủ dần dần bị thiên vị theo ý chủ nhân. 

Nền dân chủ rạn nứt khi ý kiến của đa số dân không được chính quyền nâng đỡ mà chính quyền chạy theo thiểu số có thế lực. Xã hội thành hình với cơ cấu chính quyền để hoạt động là do người dân đóng thuế. Nhưng theo thời gian thì các nhà chính trị tìm cách vượt qua sự kiểm soát của dân để trở nên bất khả xâm phạm (above the law) khi biết rằng sự kiện cáo, tranh tụng mất nhiều thời giờ và tốn kém (chỉ có dân giàu mới kham nổi) thì giới ưu tú (elite) xuất hiện dưới nhiều dạng để đóng kịch "dân chủ" che mắt dân qua bầu cử. Có thể nào gọi là "dân chủ" khi chính quyền chịu ảnh hưởng, chi phối của giới nhà giàu. Khi người dân biết chính quyền thiên vị mà không có người lãnh đạo, không có lối thoát thì dù có nổi loạn thì chính quyền mới cũng đi vào con đường cũ (Ai Cập, Nicaragua, Venezuela, Algeria, Tunisia).

Vậy có đường lối, chính sách, lý thuyết nào giúp người dân thực hiện dân chủ theo đúng ý nghĩa "dân làm chủ"?

7. Con người tự chủ

Thế nào là con người tự chủ?

Là người tự biết mình (tự kỷ), biết vai trò của mình trong xã hội và xã hội đối với cá nhân (tự kỷ-động tha-ỷ tha). Vì mỗi cá nhân không thể tham dự mọi vai trò trong xã hội nên phải chọn đại diện. Nhưng tương quan giữa người dân (cử tri) và đại diện phải là tương quan hai chiều (đối lập thống nhất) và bình đẳng vì một khi đại diện đắc cử và trở thành "bất khả xâm phạm" thì khi họ phản bội cử tri (đổi đảng, chạy theo các đại công ty) thì người dân bất lực.

Khi một cá nhân chọn một vai trò, vị trí trong xã hội (việc làm) thì phải có trách nhiệm đối với bản thân và đối với xã hội (tập thể) và ngược lại, tập thể (cơ quan, hội đoàn, tổ chức, hãng, xưởng, công ty ...) cũng vậy. "Cá nhân và tập thể đối lập thống nhất" ở hai vị thế khác nhau nhưng phải hướng về cùng một mục đích chung (hỗ tương nguyên nhân). Đó là nguyên tắc nhưng cũng cần có cơ phận X để kiểm soát khi một trong hai vi phạm nguyên tắc. Cơ phận X có thể là cơ chế "đan quyền"?

8. Xã hội dân chủ

Nền kinh tế thị trường (tư bản) có khuynh hướng nâng đỡ những kẻ có khả năng làm giàu ngụy danh dưới chiêu bài dân chủ, tự do lựa chọn nhưng không nói đến những người nghèo, thiếu khả năng (tinh thần hay vật chất) cạnh tranh bị đào thải hay tuột dốc trong xã hội và cho rằng họ đã không chịu khó, siêng năng làm việc. Khi chính quyền có khuynh hướng giúp đỡ lớp người này thì bị gán khuynh hướng xã hội chủ nghĩa (socialist) vì biện pháp tăng thuế. Xã hội chủ nghĩa thường bị đồng hóa với cộng sản chủ nghĩa (độc tài chuyên chính) là khi chính quyền bao thầu mọi sinh hoạt xã hội kể cả đời sống của cá nhân. Trong khi xã hội chủ nghĩa (đa đảng) chỉ là trường hợp chính phủ đánh thuế nặng trên các công ty, lương cao để chi phí cho các dịch vụ xã hội và dân nghèo trong khi giới tư bản vẫn được kinh doanh làm giàu theo kinh tế thị trường.

Sự xuyên tạc (hay cố tình tạo nhầm lẫn) giữa xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là do giới truyền thông cố ý không giải thích sự khác biệt vì lợi nhuận của họ đến từ các công ty trả tiền quảng cáo. Nếu dân chúng ủng hộ xã hội chủ nghĩa thì các công ty sẽ bị đánh thuế nặng và giới truyền thông bị thiệt hại. Như vậy tự do ngôn luận, tự do báo chí đã góp phần "phản bội" sinh hoạt dân chủ.

Nếu người dân có trách nhiệm góp phần xây dựng chính quyền hàng dọc (từ địa phương đến trung ương) thì xã hội có nhiệm vụ củng cố hàng ngang theo ngành nghề chuyên môn (cơ năng bản vị). Sự kết cấu Tung (hàng dọc) Hợp (hàng ngang) tạo nên màng lưới sinh hoạt được điều khiển bởi chính quyền.

Xã hội cần có luật pháp được thành hình bởi 3 mặt: làm luật (lập pháp), thi hành luật (hành pháp) và phân xử hay giải thích luật (tòa án). Nền dân chủ Mỹ suy thoái bởi (1) cá nhân thiếu tự kỷ, (2) tập thể (đảng, công ty, giới truyền thông, công đoàn, tôn giáo) thiếu đối lập thống nhất, (3) tương quan cá nhân và tập thể (hỗ tương nguyên nhân).

Ý niệm hay cơ chế "đan quyền" các đơn vị (bản vị) đoàn thể quy tụ dân chúng các cấp địa phương (tỉnh, quận, xã) góp ý giải quyết vấn đề mà các cơ quan chính quyền (do dân bầu) không thực hiện đúng ý dân.

Đan quyền không dựa vào hiến pháp mà dựa vào ý dân trực tiếp giải quyết bất đồng xã hội. Để thực hiện đan quyền thì cơ cấu hành pháp kiêm luôn lập pháp (viết luật) nhưng quyết định phê chuẩn là do toàn dân phê chuẩn với sự giúp đỡ của 2 cơ quan: Hành Chính Viện đề nghị các luật cần thiết và Phê Phán Viện có nhiệm vụ phân tích, phê bình các dự luật. Hai viện này là cơ quan độc lập không chịu ảnh hưởng của Tổng Thống hay Quốc Hội và tránh được sự mua chuộc của giới vận động từ các công ty, kỹ nghệ muốn khuynh đảo luật pháp.

9. Công bằng xã hội

Khi công lý không được thực hiện thì cân bằng xã hội không có và dẫn đến hỗn loạn. Nền dân chủ Mỹ dựa vào bộ Tư Pháp và hệ thống tòa án nhưng cả hai đều không kiểm soát được nhau (hỗ tương nguyên nhân) và thiếu biện pháp can thiệp khi một bên đi qua trớn mà giới Lập Pháp (Quốc Hội) và dân không thể làm gì được.

Người dân là đáy tầng của mọi sinh hoạt xã hội. Xã hội càng phức tạp thì cần càng nhiều cơ quan phụ trách. Khi được điều khiển bởi các chuyên gia (xã hội, y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị...) thì lại thiếu hiểu biết về các các tương quan liên hệ (hỗ tương nguyên nhân). Do đó người dân chịu đựng các bất công xã hội sẽ không được đáp ứng bởi chính quyền thiếu khả năng thích ứng với các biến chuyển xã hội vì guồng máy hành chính quen với thủ tục (red tape).

Khi một ông Tòa ở quận A xử kẻ giết người với án treo trong khi ở quận B ông tòa khác xử 3 đời tù chung thân thì người dân và gia đình nạn nhân nghĩ sao?

Đó không phải là công bằng xã hội.

10. Hiến pháp

Luật pháp giả sử là đem lại công bằng, công lý nhưng cũng chính là đầu mối bất công xã hội. Khởi đi là từ hiến pháp (Mỹ) khi thành lập quốc gia thì dựa trên hoàn cảnh đang có 1778 với những khái niệm, quan niệm về dân chủ của xã hội lúc bấy giờ. Sau 300 năm thì con người và xã hội thay đổi nhưng các nhà làm luật (Quốc Hội) và xử luật (tòa án) vẫn dựa vào hiến pháp đã lỗi thời. Trong khi kinh tế (thị trường) đòi hỏi các công ty phải thích ứng với nhu cầu quần chúng nếu không sẽ bị các công ty mới đào thải. Về mặt khoa học kỹ thuật cũng vậy. Đặc biệt về xã hội, vốn là quốc gia tập hợp các người di dân với các nền văn hóa, tôn giáo, chủng tộc khác biệt đòi hỏi sự thay đổi nhưng nếu tầng lớp cai trị (chính quyền) vẫn giữ thái độ cũ dựa theo hiến pháp 300 năm trước thì xung đột xảy ra là điều tất yếu.

Như vậy hiến pháp cần thay đổi (thí dụ: 30 hay 40 năm) và nhiệm kỳ của các nhà làm luật cũng cần thay đổi (giới hạn) vì lớp người già của lớp tuổi 80s không thể đại diện cho lớp tuổi 30/40. Phải chăng quy luật "phép vua thua lệ làng" vẫn còn ứng dụng?

Mục đích của hiến pháp là quy tụ mọi người chấp nhận sống với nhau (quốc gia) trên nền tảng hiến pháp quy định. Khi bất công xã hội xảy ra khiến nguy cơ rối loạn có thể làm tan vỡ quốc gia thì hiến pháp cần phải được cải tổ. Quan niệm bảo thủ chỉ đúng khi gìn giữ cái tốt. Một khi hiến pháp cũ không còn dùng được thì tìm hiến pháp mới thay thế. Sự đổi mới có bất trắc nhưng không vì thế mà con người chối bỏ sự tiến bộ. Tinh thần sáng kiến, phát minh và mạo hiểm phát xuất từ tư tưởng loài người. Cũng từ tư tưởng, con người tạo ra triết học để truy cứu mọi ngõ ngách đời sống dẫn đến toán học và khoa học. Khi đảng chính trị lợi dụng tâm lý quần chúng để cầm quyền thì đó là Tà trị vì tâm lý là xung động nhất thời của con người.

Khi chính trị lưỡng đảng của Mỹ khai thác yếu tố tâm lý để duy trì quyền lực chính trị (thay nhau cầm quyền) vì qua bầu cử thì dân chỉ có thể chọn 1 trong 2 đại diện đảng nhưng chỉ có giá trị khi có sự hợp tác (compromise) nhưng đó không phải là "đối lập thống nhất" hay "hỗ tương nguyên nhân" mà chỉ là quyền lợi đảng tranh núp dưới chiêu bài dân chủ. Khi tranh cử thì đảng nào cũng kêu gọi tạo việc làm, cắt thuế, giảm nợ (debt ceiling)...  nhưng khi cầm quyền thì ai cũng xài xả láng vì tiền thuế là tiền chùa (vay nợ) xài trước, nợ để kẻ đi sau phải lo. Khi việc làm cho dân nghèo chỉ là nhất thời, giảm thuế nhà giàu là vĩnh viễn, chi phí quốc phòng là bất khả xâm phạm và khoảng cách giàu-nghèo ngày càng tăng thì nền dân chủ đó có được dân chúng ủng hộ hay không? Khi các nhà làm luật tự ý tăng lương cho mình hay thay đổi thủ tục chọn Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện để có lợi cho phe đảng thì người dân có thể làm gì được?

Làm sao xây dựng dân chủ khi hiến pháp cho phép "tự do ngôn luận" cũng là tự do nói láo, xuyên tạc, gian lận, lừa gạt, dùng mọi thủ đoạn để cầm quyền qua bầu cử. Như vậy phải chăng "bầu cử" chỉ là hình thức dân chủ mà những kẻ khôn ngoan lợi dụng để cầm quyền và bóc lột người khác? Khi hai người có nhận định khác nhau về giá trị Nhân Bản của con người trong xã hội thì không thể nói chuyện dân chủ. Phải chăng giới chính trị Mỹ đã lợi dụng xã hội di dân, đa chủng để mỗi khi có xung đột chủng tộc, văn hóa, tôn giáo... thì đó là cơ hội để họ vận dụng tâm lý đám đông và đắc cử? Cũng vì lý do đó mà Nhân Quyền được chính quyền Mỹ sử dụng tùy lúc chứ không phải là yếu tố hàng đầu.

Chỉ vì hiến pháp không quy định nên các chính trị gia (Hành Pháp, Lập Pháp, Tòa Án) đều lạm dụng chức vụ để qua mặt luật pháp vì họ biết luật, biết kẽ hở (loop hole). Sẽ không bao giờ có một hiến pháp toàn vẹn vì sự giới hạn của chữ và nghĩa. Nếu gọi là hiến pháp Dân Chủ thì phải trả lại quyền làm chủ cho dân khi người dân có suy nghĩ (ý kiến) khác kẻ cầm quyền. Quyền can thiệp trực tiếp vào bất cứ vấn đề gì từ phía người dân sẽ khiến giới chức cầm quyền phải cẩn thận khi hành động.

Có ai thắc mắc khẩu hiệu "hiến pháp vì dân, do dân, bởi người dân" nhưng khi dân muốn thay đổi hiến pháp thì đại diện dân cãi chầy, cãi cối để rơi vào bế tắc và không thi hành. Đó không phải là "hiến pháp dân chủ" mà dân cũng không phải là "chủ” hiến pháp. Phải chăng hiến pháp chỉ là món hàng lừa gạt dân?

Muốn được như vậy thì mỗi cá nhân phải tự giáo dục (tự kỷ) để có suy nghĩ, lý luận cân bằng (fair). Khi hai người tiếp xúc, đối xử với nhau không công bằng thì xã hội sẽ không có sự công bằng. Nếu mỗi cá nhân không thực hiện được Nhân bản (nhân đạo), Nhân tính (nhân sinh), Nhân chủ (nhân cách) thì sẽ không có xã hội dân chủ. Nếu loài người không thực hiện được Nhân Loại Bản Vị như là một cương thường chung cho thế giới thì vai trò của Liên Hiệp Quốc đem lại hòa bình, nhân quyền sẽ không có kết quả.

Khuynh hướng giảm thiểu vai trò của chính quyền và xóa bỏ thuế xem ra có vẻ "tự do, dân chủ" nhưng không ai nói đến vai trò của chính phủ khi người dân cần đến: thiên tai, bệnh dịch, điện nước, giao thông .... Nếu nói rằng chính quyền tạo ra thủ tục hành chánh làm cản trở sự phát triển kinh tế mà không ai nhắc tới khi chính quyền vắng mặt thì những kẻ khôn ngoan, mạnh bạo ức hiếp người khác để chiếm đoạt tài nguyên thì ai sẽ can thiệp?

Kết

Nói đến mặt trái mà không nói đến mặt phải là không cân bằng. Bạn có thể duy trì cân bằng trong đời sống hàng ngày cho chính bản thân và người xung quanh chăng? 

Bạn cần phải cân bằng (suy nghĩ trái-phải, thuận-nghịch, trên-dưới, trong-ngoài) cho bản thân, trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn không công bằng với chính bạn thì làm sao bạn có thể công bằng với người khác trong xã hội?

Công bằng phải chăng là nền tảng của dân chủ? Khi cá nhân từ bỏ đời sống đơn độc trong thiên nhiên để gia nhập xã hội (làng, xã, quốc gia) thì họ tin rằng sẽ được đối xử như nhau (bình đẳng, công bằng) về quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu vậy thì tại sao nền dân chủ hôm nay vẫn còn người giàu, kẻ nghèo, chiến tranh và xung đột? Dân chủ mà không có công bằng thì không còn là dân chủ. Bạn có ý kiến nào khác hơn không?

Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/06/15/ban-ve-dan-chu-p2/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...