Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Thay Đổi

Trong đời sống của người, ngay từ bản thân, luôn luôn có sự thay đổi về thể xác lẫn tinh thần mà chính mỗi người trong chúng ta cần phải nhìn ra để tự xét hầu điều chỉnh sự thay đổi đó có lợi cho thân thể và không làm hại đến tập thể.

Sự thay đổi về thể xác luôn luôn xảy ra từng ngày, từng giờ. Những tế bào trong cơ thể của chúng ta chết và được đổi mới mỗi giây phút mà trái tim ta vẫn đập. Điều này có thể chúng ta không thấy nhưng không có nghĩa là chúng không xảy ra.

Cái thay đổi trên lãnh vực thể chất của con người chỉ thấy rõ khi con người ở vào tuổi 50 trở lên. Cao máu, đau khớp chân, mỡ trong máu cao, tiểu đường v.v… là những hệ quả trong tiến trình cơ thể hấp thụ những món ăn trong tuổi thanh niên.

Ở vào cái tuổi thanh xuân có bao giờ người trẻ nghĩ đến những món ăn khoái khẩu, những món uống làm cảm giác đê mê của cơ thể sẽ làm hại đến cơ thể sau này. Dĩ nhiên bất cứ sự ăn uống nào cũng phải có sự điều độ. Ra ngoài sự điều độ đó thì sẽ tạo ra hậu quả không tốt cho cơ thể sau này.

Ngoài sự thay đổi về thể chất thì con người sẽ đối diện với sự thay đổi bên trong tri thức của chính mình. Sự thay đổi này cũng như sự thay đổi về thể chất, ít khi chúng ta nhìn thấy được ngoại trừ chúng ta nhìn lại những quan niệm sống của từng thời kỳ mà cuộc đời trôi qua.

Quan niệm sống khởi đầu từ bên trong tri thức và được tác động bởi ngoại cảnh để tri thức chấp nhận, điều chỉnh quan niệm sống. Tùy theo cá nhân có quan tâm đến sự thay đổi tri thức bên trong của mình hay không, nếu có sự quan tâm, theo dõi thì sự thay đổi đó tiếp tục mà không giới hạn tuổi tác.

Ngược lại nếu cá nhân không hề quan tâm đến những thay đổi tri thức bên trong của mình thì những kinh nghiệm của cuộc đời sẽ biến cá nhân đó trở thành không còn thay đổi được nữa. Điều này giải thích tại sao những người lớn tuổi ít khi thay đổi được suy nghĩ, quan niệm sống với thời đại hiện tại. Nói thế không có nghĩa là quan niệm sống của hiện tại lúc nào cũng đúng. Thí dụ có những người lớn tuổi, tuy sử dụng mạng cho tất cả mọi thứ nhưng họ không tham dự vào mạng xã hội bởi ở nơi đó chỉ là ảo. Mà ảo thì sự nguy hiểm càng cao và nếu bản thân không làm chủ được mình thì sẽ bị mạng xã hội ảo đó làm chủ suy nghĩ của mình.

Thay đổi của tri thức thường dính liền với tiến trình học hỏi. Có người quan niệm rằng sự học hỏi sẽ chấm dứt khi họ đã ở một lứa tuổi nào đó. Từ cái quan niệm đó, tri thức của họ sẽ không bao giờ thay đổi cho dù sự thay đổi của môi trường sống, của xã hội xảy ra nhưng họ vẫn bám giữ cái đã không còn hợp thời. Từ đó dẫn đến thái độ ù lì, nói và làm hoàn toàn khác nhau.

Sự kiện nói và làm khác nhau bởi vì khi nói thì họ nhìn vào sự kiện thực tế nhưng khi làm thì họ dựa vào tri thức bên trong của họ mà cái tri thức đó đã không được điều chỉnh với thực tế bên ngoài, cho nên họ trở thành ông bình vôi. Khi nói đến chuyện ông bình vôi thì không thể nào quên được bài thơ của Lê Đạt trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc, đã từng bị đảng cộng sản Việt Nam trù dập, giết hại.

“Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Ỳ như một chiếc bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại”.

Những con người thuộc dạng ông bình vôi là những con người có tri thức đã bị chai cứng, không thể nào thay đổi bởi họ quan niệm là sự học hỏi đã xong, đã chấm dứt và họ là cái rn của vũ trụ, mọi người phải lắng nghe họ chứ không phải họ lắng nghe người khác để tự xét về mình.

Thực hiện tự xét mình cần phải có thái độ và tri thức mở chứ không phải đóng. Mà tri thức mở tức là luôn luôn quan niệm sự học hỏi tiếp tục xảy ra cho đến khi trái tim ngừng đập. Mà sự học hỏi là trao đổi, tương tác, nói và làm đi cùng. Đó là tiến trình thăng tiến của cá nhân và xã hội từ xưa cho đến nay.

Sự thay đổi tri thức của con người luôn luôn nằm ở hai dạng: tốt và xấu cho xã hội.

Sự thay đổi tốt khi những việc làm, hành động, lời nói mang lại lợi ích cho xã hội và phù hợp với đời sống thực tế. Một điểm quan trọng hơn nữa là sự thay đổi này xảy ra từ bên trong tri thức của cá nhân và chính sự thay đổi từ bên trong tri thức cho nên cá nhân này đặt cái tôi nằm dưới cái lợi ích của xã hội.

Sự thay đổi xấu (hay không thay đổi) làm hại đến xã hội là tri thức của cá nhân chỉ nghĩ đến mình và mình duy nhất. Chính vì thế dù hành động của họ có vẻ như phục vụ xã hội nhưng mục đích chính là vẫn nghĩ đến bản thân mình.

Thí dụ 1: một cá nhân suốt cuộc đời chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu, không quan tâm đến đời sống của xã hội. Nhưng khi về già thì muốn có danh nên thành lập một tổ chức thiện nguyện để làm chuyện “lãnh đạo” với mục đích cho mọi người thấy “lòng tốt” trong việc phục vụ xã hội.

Thí dụ 2: một cá nhân quan tâm về tư tưởng. Viết những bài tư tưởng kêu gọi ứng xử giữa người với người trong một tinh thần tôn trọng. Tuy nhiên thực tế cuộc sống thì cá nhân này ứng xử hoàn toàn ngược lại những điều đã viết. Thái độ viết không phải để muốn xã hội tốt hơn mà muốn người khác biết đến mình, một hình thức khoe tri thức (đã chết). Thái độ viết và không sống với điều mình viết thì giá trị của bài viết sẽ ra sao?

Trong việc tu dưỡng bản thân, mỗi cá nhân muốn thực hiện tu dưỡng cần phải nhìn từng thay đổi của chính bản thân trên mặt thể xác lẫn tinh thần (tri thức) để kịp thời thay đổi lối sống, quan niệm sống nhằm mục đích tiếp tục đóng góp hữu ích cho xã hội.

Khi cuộc sống đã trở thành ông bình vôi thì phải tự lui về một bản vị lợi ích chung như Lý Đông A đã nói trong phần nhận định về thế hệ.

Xin được chấm dứt bài viết bằng một đoạn trích trong quyển sách Huyết Hoa.

Mỗi thế hệ cũ phải biết thời cơ lui về một bản vị có ích chung.

 

Mỗi thế hệ mới phải biết nắm thời cơ tiến lên ngôi báu của thời đại mới mà chỉ huy và làm tròn sứ mệnh mới.

 

Mỗi thế hệ dự bị phải thâu tóm hết những trí tuệ và kinh nghiệm cũ; trau dồi cho mình tất cả những điều kiện cần yếu cho nhiệm vụ tương lai của mình, để sắp sẵn ra nối liền dây tiến hóa.

 

Nhưng mà nếu loài người không biết tự động như thế, đào thải tất đau thảm và ác liệt của tiến hóa tất nhiên, sẽ cũng bó buộc làm như thế. Không ai tránh được luật vô thường; luật vô thường có một phương hướng, một quy tắc với một đường lối rõ rệt của lẽ tiến hóa”.

 

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 1 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/05/24/tu-duong-thang-nhan-thay-doi/

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...