Theo thói thường thì số đông những nhận định của chúng ta được thấm nhuần từ những gì chúng ta được giáo dục từ thuở nhỏ, hoặc được học hỏi từ trường, hoặc từ những giao tế trong xã hội tạo cho chúng ta có những nhận định mà chúng ta cho rằng đúng.
Những nhận định của chúng ta cũng được dần dần thay đổi, dù rằng sự thay đổi này rất chậm bởi ai cũng sợ thay đổi, cũng sợ mình sai lầm. Nhưng nếu là một con người muốn học hỏi, có những lý luận và trí tuệ căn bản thì chúng ta không hề sợ thay đổi, trái lại dựa vào trí tuệ sẵn có để quan sát đánh giá một nhận định khác và qua tiến trình đánh giá đó, chúng ta chấp nhận một thay đổi trong cái nhìn của chúng ta trên một vấn đề nào đó.
Để chứng minh những điều nói bên trên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về bản tính của Con Người. Khi nói về bản tính cơ bản (thiện – ác) nguyên thủy của Con Người thì chúng ta có hai cái nhìn hoàn toàn khác nhau. Có người con rằng Con Người từ loài vượn mà thành người cho nên bản tính thú (thú tính luôn luôn ác, mạnh được yếu thua, không biết luân lý là gì) luôn luôn có sẵn trong người, cái ác luôn luôn có sẵn trong người. Tùy theo điều kiện của xã hội, bản thú tính này sẽ gia tăng bởi ngay từ căn bản, Con Người đã có thú tính trong người.
Ở một trường phái khác thì cho rằng Con Người luôn luôn mang bản tính thiện. Nhân chi sơ tính bản thiện của Khổng Tử cho rằng Con Người luôn luôn có cái bản tính thiện sẵn có. Khi Con Người lựa chọn cái ác, chẳng hạn như lừa gạt người khác, đánh đập người khác là sự lựa chọn của cá nhân chứ chẳng phải là do cái bản tính tự nhiên, bản tính thú mà Con Người có.
Cả hai trường phái này khó mà thay đổi được ý kiến của họ. Cá nhân của người viết bài này nằm ở trường phái thứ hai, nghĩa là cho rằng bản tính thiện luôn có sẵn trong mỗi người, cho nên thái độ chọn cái ác để sống là sự lựa chọn của cá nhân chứ không phải xuất phát từ bản tính cơ bản của Con Người.
Ai đúng, ai sai? Có phải thực sự bản tính cơ bản nguyên thủy của loài người là Thú Tính hay là Người Tính? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu rõ về Con Người và phải đem Con Người trở về cái thời đại nguyên thủy, tức là thời mà Con Người sống trong rừng rú, không có ai ở chung quanh mình, chỉ có mình duy nhất trong rừng rú đó.
Người Pháp đã làm một cuốn phim đã được phụ đề tiếng Việt với cái tên là Đứa Bé Hoang Dã (the wild child) (1). Bộ phim này dài hơn một tiếng, là một câu chuyện thật xảy ra vào năm 1798 tại Pháp. Trong bộ phim này, khởi đầu bằng hình ảnh một người phụ nữ đang ở trong cánh rừng lượm trái cây thì phát hiện ra một đứa bé hình hài giống như con thú. Người phụ nữ đó bỏ chạy và về thông báo với người sống trong làng để đi tìm bắt đứa bé. Cuộc rượt bắt cho thấy đứa bé như là một con vật, không đi thẳng mà đi bằng hai chân, hai tay trên mặt đất và đi rất lẹ không thua gì một con thú. Khi mấy con chó của đoàn người đi tìm đứa bé đến gần thì đứa bé leo trên cây cao để trốn, còn chó thì đứng dưới cây sủa và cố nhảy lên. Rồi chẳng mai một nhánh cây bị gãy khi đứa bé định đi sang cây khác và cuối cùng đứa bé rơi xuống đất. Một con chó đến gần đứa bé tấn công đứa bé thì đứa bé dùng răng cắn chết con chó. Cuối cùng thì đoàn người phát hiện đứa bé trốn trong một cái hang nằm dưới đất và họ đốt lửa để khói vào hang. Đứa bé phải chạy ra khỏi hang và bị bắt.
Một vị bác sĩ ở Paris tìm đọc được bản tin về đứa bé và tìm cách đưa đứa bé về Paris để nghiên cứu về trí thông minh của một đứa bé sống ngoài rừng từ lúc nhỏ đến giờ là 12 tuổi, không biết nói. Trong lúc chờ đợi để chuyển đi Paris, một người giữ tù muốn lau chùi đứa bé cho sạch, đỡ hôi. Nhưng cách thức lau chùi của người cảnh sát này không được tử tế, như là một hành động đe dọa đứa bé và đứa bé cắn người cảnh sát này. Một cụ già khác đòi dành làm chuyện này. Cụ già làm trong tư cách của một người lo lắng, không đe dọa đứa bé nên đứa bé để cho cụ già lau mặt mình mà không phản ứng chống cự bằng hành động cắn lại.
Rồi đứa bé được chuyển đến Paris để vào trại dành cho những trẻ câm và điếc. Vị bác sĩ khám nghiệm đứa bé thì sự tăng trưởng của đứa bé cũng giống như những đứa bé khác, có điều đứa bé không có cảm giác và không có phản ứng gì trước những tiếng động. Mọi người nghĩ là đứa bé điếc nhưng người trong làng nói là khi ai đó đập hạt dẽ thì đứa bé lại có phản ứng ngay trước tiếng động này. Trên người của đứa bé có nhiều vết sẹo do thú cắn và vị bác sĩ cho rằng để sống còn, chắc là đứa bé đã cắn giết lại những con thú khác. Ngoài ra vị bác sĩ còn phát hiện là cổ đứa bé bị cắt do vết dao, họ đoán là người sanh đứa bé đã làm chuyện đó và bỏ vào rừng để thú tha đi lúc đứa trẻ 3 hoặc 4 tuổi. Sự câm của đứa trẻ là bởi không có liên lạc với loài người nên đứa trẻ không phát triển được cơ năng nói chính vì thế mà đứa trẻ không nói được. Cuộc sống ở trại dành cho những đứa câm điếc không thích hợp cho cậu bé hoang dã này, người bác sĩ xin đưa đứa bé về nhà của chính mình để nghiên cứu và giáo dục đứa bé.
Cuối cùng đứa bé về nhà của vị bác sĩ, được ông và một người giúp việc phụ nữ lo chăm sóc và dạy dỗ đứa bé. Ban đầu phải tập cho đứa bé cách đứng thẳng khi đi, rồi tập cách ăn bằng chén, muỗng chứ không phải bóc và uống nước như con thú. Qua một thời gian dạy dỗ (giáo dục), đứa bé bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống người. Từ một đứa bé như là một Con Vật Người; không biết thiện – ác là gì; không có cảm giác là gì với mọi vấn đề; ăn thức ăn sống, không mặc quần áo, đi thì như con thú bằng hai chân, hai tay chống dưới đất. Nay đứa bé thành một Con Người; biết diễn tả được điều mình muốn; biết cảm nhận được những cái sai trái, bất công khi mà vị bác sĩ làm một cuộc thử nghiệm, đứa bé làm đúng nhưng vẫn bị phạt thì lập tức đứa bé phản ứng chống lại cái phạt vô lý đó. Có một lần đứa bé bỏ nhà ra đi để trở về lại với thiên nhiên của mình nhưng rồi đứa bé phải trở về lại nhà của vị bác sĩ, bởi có lẽ, đứa bé cảm nhận được tình cảm của Người đối với Người, của gia đình vị bác sĩ đối với chính đứa bé để rồi cuối cùng đứa bé trở về lại với gia đình vị bác sĩ để được giáo dục trở thành một Con Người có thể hòa nhập vào cuộc sống của loài người mà ở nơi đó, cái tình cảm giữa Con Người dành cho đứa bé dồi dào hơn qua hệ của đứa bé với thú rừng hoang dã.
Một câu chuyện khác xảy ra là ở tại Việt Nam. Năm 1973, khi vợ và hai đứa con của ông Hồ Văn Thanh bị chết trong chiến tranh thì ông dẫn đứa con còn nhỏ, Hồ Văn Lang, vào rừng trốn và sống trong đó hơn 40 năm. Đến năm 2013 thì người ta mới tìm ra được hai cha con này, đưa trở về lại sống với một người con của ông mà trong lúc bỏ rừng đi ông quên đem theo đứa con này (2).
Người anh của Lang cho rằng dù Hồ Văn Lang trên 40 tuổi nhưng đầu óc vẫn là một đứa trẻ, không biết trai gái ra sao. Khi người anh kêu Lang đánh mấy đứa trẻ thì Lang đánh rất mạnh tay, không một cảm giác nào trong lúc đánh, không có suy nghĩ là chuyện đánh đó đúng hay sai. Nói chung đứa trẻ lớn trong rừng với người cha, tiếng nói đã bị giới hạn vì không có người để nói chuyện để trao đổi, để hiểu rõ cái gì ác, cái gì thiện; đâu là đúng, đâu là sai.
Trong những bài viết của cụ Lý Đông A, cụ cho rằng Con Người khi sanh ra là Vô Kỷ Tính (4). Có nghĩa là Con Người sinh ra không thiện, cũng không ác. Đây là lý luận khác với những gì mà mỗi cá nhân của chúng ta được nghe, được giáo dục mà trong đó gồm có cả người viết bài viết này. Câu hỏi đặt ra là ai đúng? Những điều chúng ta được giáo dục như Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện hoặc nguồn gốc chúng ta từ loài thú nên thú tích, ác tính vẫn còn trong đó mà nó phát triển là do xã hội tác động?
Để trả lời những câu hỏi trên, trước hết chúng ta phải nhìn lại cuốn phim Đứa Bé Hoang Dã và hình ảnh của người Việt dẫn đứa con còn nhỏ vào rừng 40 năm sau. Cả hai cá nhân này đều bị xa cách với xã hội Con Người và hành động của hai cá nhân này, một người đã 42 tuổi và một người lúc 12 tuổi, đều có một vài điểm tương đồng như sau:
· Cả hai không biết thiện ác là gì.
· Vì không biết phân biệt thiện ác, cả hai đều vô cảm trước mọi vấn đề cho dù là đánh đập một Con Người khác.
Có thể nói rằng khi chúng ta sinh ra, thiện ác hoàn toàn không có trong một đứa bé mới sinh ra. Nhưng khi đứa bé được trưởng thành, được sự giáo dục ở nhà, ở trường học, ở xã hội chung quanh sẽ tạo ra những ấn tượng Thiện – Ác trong cách suy nghĩ và hành động của đứa trẻ.
Điều này càng chứng minh rõ ràng hơn là tại sao người Việt sống tại Việt Nam, có thể thản nhiên nhìn công an ăn hối lố, đánh đập người; hoặc im lặng trước những hiểm họa của môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của mình; hoặc im lặng trước những tước đoạt tài sản của người dân do các quan chức trong nhà cầm quyền thực hiện. Sự vô cảm của người Việt sống trong nước trở thành một chuyện bình thường và mọi người chọn sự vô cảm đó để sống. Cho nên đạo đức xuống cấp bởi do chính sách giáo dục từ gia đình, từ nhà trường, và quan trọng hơn hết là từ xã hội đã biến những Con Người Việt sống vô cảm, chỉ lo cho bản thân của mình mà không quan tâm đến sự sống còn của người khác, của chính dân tộc mình, làng xóm mình.
Người Việt sống tại những quốc gia dân chủ trên thế giới thì khá hơn một chút. Những đứa trẻ Việt sanh ra và lớn lên ở những nước dân chủ, nhờ giáo dục từ gia đình, từ nhà trường, từ xã hội tạo cho những đứa trẻ này biết được trách nhiệm của chính mình đối với gia đình, làng xóm, xã hội, quốc gia mình đang sống. Những đứa trẻ Việt sinh ra tại hải ngoại sẽ tham gia đấu tranh cho những cái gì gọi là bất công mà không hề sợ hãi mình phải mất mác cái gì đó -- bởi những trẻ Việt đó biết rằng nếu không đấu tranh thì sự mất mác ở tương lai sẽ nhiều hơn. Ngay cả những người Việt qua các nước tư bản lúc còn trẻ, nay đã trưởng thành và sống trong xã hội dân chủ đó, họ không bao giờ sợ hãi khi lên tiếng chống lại những bất công xảy ra trong công ty hoặc sự đối xử của người chủ với chính bản thân mình. Có lẽ nhờ sự giáo dục của nhà trường, của xã hội đã tạo ra những người Việt tại hải ngoại biết thiện – ác, bất công hay không bất công và sẵn sàng đấu tranh cho cái lẽ phải, cái Nhân Tính của Con Người.
Vậy thì thuyết Vô Kỷ Tính, có nghĩa là khi một Con Người sinh ra hoàn toàn không thiện, không ác có phần lý luận rất vững chắc hơn bất cứ thuyết nào về bản tính Thiện-Ác của Con Người. Thiện – Ác hình thành khi Con Người đó sống ở hoàn cảnh nào. Ở một hoàn cảnh không có những Con Người khác (xã hội, gia đình) thì đứa trẻ lớn lên sẽ không thấu hiểu được thiện-ác là gì (phim Đứa Bé Hoang Dã là một thí dụ điển hình). Khi một đứa bé sinh ra và lớn trên trong một xã hội tôn trọng sự giả dối, xa lánh cái sự thật và sẵn sàng cướp tài sản của người khác với bất cứ danh nghĩa nào nhằm mục đích phục vụ quyền lợi cho chính bản thân, làm giàu cho chính bản thân và không một cơ chế nào có thể hành xử những vụ vi phạm này thì cái ác, cái vô cảm trở thành cái bình thường của xã hội để kết quả xã hội tại Việt Nam là một xã hội vô cảm. Ai chết mặc ai, chẳng ai quan tâm đến ai. Số người đi biểu tình chống lại những cái bất công chưa tới .01% của dân số. Còn 99.99% còn lại vô cảm với chính mình và chính dân tộc mình.
Xin nhấn mạnh rằng đây là nói cái chung chung về Thiện-Ác của Con Người và xã hội tác động vào cái Thiện-Ác đó ra sao. Bất cứ trường hợp nào cũng có những ngoại lệ. Có nghĩa là có một số người sống tại các quốc gia dân chủ, tuy cùng hưởng một nền giáo dục, một sự giao tế trong xã hội giống nhau nhưng vẫn có người có những tính ác, giết người mà không hề cảm thấy khó chịu. Đây là trường hợp ngoại lệ, thường là những người mắc bệnh tâm thần, hoặc lòng tham của họ quá cao để họ không nhìn rõ Thiện-Ác và hành động tham của mình ảnh hưởng đến ai. Dĩ nhiên những trường hợp này, luật pháp sẽ giải quyết dành cho những thành phần này. Trường hợp ngoại lệ cũng xảy ra ở một môi trường mà cái ác phát triển mạnh như môi trường tại Việt Nam, vẫn có những Con Người không vô cảm, sẵn sàng đấu tranh cho cái Nhân Tính, Nhân Bản, và Nhân Chủ để cuối cùng họ chọn cái chết, chọn tù đày cho chính bản thân mình.
Bạn có đồng ý với dẫn chứng Con Người lúc sinh ra là Vô Kỷ Tính hay không là sự lựa chọn và quyết định của bạn. Cái quan trọng là khi nhận được đầy đủ dữ kiện để chứng minh một lý thuyết khác với suy nghĩ cũ của mình, bạn có can đảm loại bỏ suy nghĩ cũ của mình để chấp nhận một suy nghĩ mới, phù hợp hơn với thực tế của Con Người. Đây là vấn đề bạn phải tự giải quyết. Phải nhìn ra được vấn đề cho chính xác để từ đó chúng ta mới có thể giải quyết căn bệnh của xã hội mà chúng ta trực diện. Nếu chúng ta nhìn vấn đề sai thì giải pháp để giải quyết của vấn đề cũng sai.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 5 năm 2017
St. Paul, MN
1. http://phimconggiao.net/dua-be-hoang-da-the-wild-child-1970_9777a350c.html
3. https://www.youtube.com/watch?v=O27n5_UqzLc
4. https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/05/amthibieu.pdf
Nguồn: https://nganlau.com/2017/06/01/vo-ky-tinh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét