Học tìm nghĩa không khó, hiểu được Lý mới khó,
hiểu ngoài Lý càng khó hơn nữa (LĐA, Giáo dưỡng học).
Sợ là gì? Nó đến từ đâu? Làm sao chận đứng hay vượt thắng nỗi sợ hãi?
Sợ hãi là một sự kiện, trạng thái tâm lý.
Sợ hãi phát xuất từ sự bất ổn, rơi vào trạng thái, tình trạng chưa hề trải qua hay không muốn về thể chất hay tâm lý: mất mát, đau đớn, thiệt hại, không hài lòng, thù hận…
Sự sợ hãi xuất hiện cùng với một thực thể. Sợ hãi luôn gắn với những sự vật liên hệ, dính líu tới bản thân.
Sự sợ hãi phát xuất từ ý thức với những gì đã quen thuộc. Khi bạn cảm thấy an vui trong một sự kiện nào thì những gì khác lạ sẽ đem đến nỗi sợ hãi về một sự kiện bất trắc nào đó mà con người không biết (uncertainty) hay không muốn khác với kinh nghiệm đã có .
Còn nỗi sợ hãi về sự đau đớn. Đó là phản ứng của hệ thống thần kinh. Khi bị đau vì vết thương, hệ thống thần kinh và bắp thịt phản ứng báo lên tâm não và cơ thể, tâm não tìm cách chận sự đau đớn và hàn gắn vết thương. Khi sự đau đớn quá độ, cơ thể xụp đổ (ngất xỉu hay chết). Nhưng còn sự đau đớn tinh thần, tâm lý khi bản ngã ôm ghì những gì đã đem thỏa mãn tạo thành kinh nghiệm, tích lũy. Ngay chính trong sự tích lũy đã chứa sẵn sự đau đớn. Đau đớn đưa đến sợ hãi. Sự sợ hãi cũng đưa đến sầu muộn và con người dựa vào tín ngưỡng để xua đuổi nỗi đau đớn, sợ hãi. Dựa vào tín ngưỡng là lệ thuộc vào kẻ rao giảng tín ngưỡng. Khi tâm tư chồng chất , tích lũy tín ngưỡng và gây ra mầm mống đau khổ. Như vậy chóng những sự vật dùng để xua đuổi đau đớn lại mang lại sự sợ hãi, đau đớn.
Sự sở hữu đã tạo ra nỗi sợ hãi, và gây nên nỗi đau tâm lý. Để bảo vệ sự sở hữu, con người dựa vào chính quyền để chận xung đột, gây hấn và chính con người đã lợi dụng chính quyền để gây chiến vậy khi không tích lũy thì không còn sự sợ hãi về sự bảo vệ an ninh của tài vật.
Khi bản ngã mong muốn điều gì mà không thực hiện được, sự đau khổ xuất hiện. Khi bản thân muốn theo đuổi một khuôn khổ , mẫu mực nào đó thì chính đường lối ấy là nguồn gốc của sợ hãi.
Con người tìm nhiều cách để thoát ra khỏi nỗi sợ hãi. Thông thường là tìm cách đồng hóa với một ý tưởng, sự kiện nào đó như đất nước, tổ quốc, lý tưởng , chân lý… đó chỉ là chạy trốn tạm thời: chạy trốn chính bản ngã của bạn. Và bản ngã của bạn vẫn là tâm tư quằn quai trong sợ hãi .
Vậy sợ hãi là gì? Đó là lo âu về thực tại. Cái bạn đang có, đang là … sẽ về đâu, ra sao, như thế nào trong tương lai. Từ chối chấp nhận thực tại khiến bạn sợ hãi . Vì muốn được an toàn trong tương lai, chúng ta tìm tới tôn giáo, và những kẻ rao giảng sự tin tưởng vào Thượng Đế, đấng Tối Cao nào đó sẽ bảo vệ, dẫn dắt bạn tới một cõi tuyệt vời nào đó . Giấc mơ đó là thảm họa của loài người vì niềm tin, hy vọng của con người chỉ là đầu mối của lường gạt, giả dối và cuối cùng là chiến tranh.
Để giải phóng hay giải thoát ra khỏi bản ngã khi hiểu được trọn vẹn tiến trình của các sinh hoạt phát xuất từ khát vọng thầm kín của tâm tư, tư tưởng. Khi quan sát tiến trình đó một cách bình thản không ham muốn thì mới có thể phán xét sự vượt thắng trở ngại của bản ngã hay không.
Khi một người tuyên bố: “tôi không sợ hãi” (No Fear) họ có thể tưởng rằng bản thân có thể chống trả sự sợ hãi nhưng một lực lượng, sự kiện bên ngoài tấn công và họ có khả năng ngăn chận như một kinh nghiệm đã từng trải qua. Nhưng sợ hãi là một vấn đề của tâm thức, chìm sâu trong tiềm thức mà những kẻ gọi là dũng cảm, anh hùng vẫn còn ngủ mê, giật mình thức dậy sau những cơn ác mộng. Vậy tiến trình khám phá sợ hãi khởi đi từ sự đơn giản vật chất đến tinh thần. Khi con người không còn gì để mất, để tiếc nuối, ngay cả cuộc sống, mà vui lòng với mọi giây phút của cuộc đời với tâm hồn thanh thản thì trong mọi giấc mơ (khi tâm thức không còn ràng buộc bởi thân thể vật chất: điều kiện của đau đớn, sợ hãi thể chất) tâm thức không còn ham muốn, giận dữ thì sợ hãi sẽ không còn xuất hiện mà chỉ là sự hiểu biết, thông cảm.
Và trong giấc mơ bạn không thể giả dối với chính bạn, những gì xảy ra trong giấc mơ tức thì và liên tục, bạn không còn thể xác hữu hình để trì hoãn hay suy nghĩ đánh lừa chính bạn. Sự sợ hãi hay không sợ hãi xảy ra tức thì, bạn sẽ không có thì giờ để đóng kịch. Vì có Giận và Sợ hay không, trong giấc mơ sẽ cho thấy sự thực trong đáy tiềm thức con người trổi dậy và đó là trong tâm bạn chỉ có bạn tự biết mà thôi. Vậy bạn không thể “No fear” khi trong giấc mơ bạn vẫn chỉ là một bản thể yếu đuối.
Sợ hãi lớn nhất của con người là cái chết. Khi hiểu tiến trình của sự chết, của đời sống (xem giáo dục và ý nghĩa cuộc sống) thì sự sợ hãi không còn nữa. Chính Tham-Sân-Si tạo nên sợ hãi. Thắng được Tham-Sân-Si để trở thành NGƯỜI (viết hoa).
Khi không còn Giận Dữ và Sợ Hãi: Bạn có thể đi vào con đường của Thắng Nhân (Ai Wei Wei , một hoa sĩ Trung Hoa, bất đồng chính kiến với đảng CS TQ, đã nói: khi chống đối một chế độ độc tài, bạn phải coi như đã chết. Pháp luân công bị quyền Trung Cộng đàn áp vì thành viên của PLC chỉ tập thở, sống đơn giản và không sợ chết).
Trần Công Lân
VA
Nguồn: https://nganlau.com/2017/03/01/so-hai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét