Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đi Tìm Kinh Tế Nhân Bản (P7)

VI. Yếu tố chi phối sinh hoạt kinh tế và chính trị

Triết gia là người suy nghĩ xa xôi, đôi khi không thực tế vì triết gia không phải người hành động. Chính trị gia là người nói và phải hành động nhưng nhiều khi lời nói và hành động không đi đôi với nhau.

Nếu nói là tư tưởng thì ai cũng có nhưng tư tưởng cách mạng thì không dễ có. Và không phải bất cứ nhà chính trị nào cũng có thể nắm tư tưởng cách mạng. Khi tư tưởng của người thường chỉ là Thiện-Ác thì tư tưởng cách mạng phức tạp hơn nhiều. Thường thì người nghĩ ra được thì cũng đã hết cuộc đời và người đời sau có muốn nắm bắt cũng phải trải qua một số điều kiện của Thời-Không. Những ai đưa chủ trương đi sống phải là "Chân-Thiện-Mỹ" là một sự lường gạt khéo léo. (xem bài Chân Thiện Mỹ hay Chân Thiện Nhẫn). Vì yếu tố "Mỹ" là sự lừa dối con người. Cái Đẹp có thực sự cứu chuộc loài người hay đưa loài người vào sự tranh chấp bất tận?

Nếu nói về tư tưởng để lãnh đạo thì chính trị gia phải nhìn xa, trông rộng để nói cho dân biết hướng đi tương lai. Còn nếu nhà chính trị được chọn để dân muốn gì thì chiều ý dân và gọi đó là "dân chủ" thì đó là mỵ dân vì dân chỉ muốn cơm no, áo ấm (an cư lạc nghiệp) mà chờ mãi không có nên mới đòi hỏi, đấu tranh. Trong khi các nhà chính trị không có tư tưởng, kế hoạch -- chỉ chạy theo mùa tranh cử, vuốt ve ý muốn của dân để cầm quyền. Một khi gọi là "dân chủ" mà dân cứ phải đấu tranh thì đó là dấu hiệu của một chế độ sai lầm về lãnh đạo.

Một dấu hiệu thất bại của hệ thống (chính sách và cơ chế) chính trị hiện thời là giáo dục. Các nước Tây phương vẫn tiếp tục các chương trình huấn luyện, đào tạo các tầng lớp lãnh đạo (leadership) nhưng chỉ là loại lãnh đạo tiếp tục những gì đã có. Sự cải thiện bên ngoài không thay đổi được những cơ cấu nền tảng sai lầm từ hiến pháp quốc gia cho đến hiến chương Liên Hiệp Quốc mà mới đây tổng thống Zelensky (Ukraine) đã cho rằng Liên Hiệp Quốc là vô dụng.

a. Tài năng

Một lý do bào chữa của giới tư bản tài phiệt là các giám đốc điều hành (CEO) có tài năng hiếm nên phải được trả lương cao (gấp trăm lần nhân viên, hoặc một năm lương bằng mấy đời lương của một cá nhân suốt cuộc đời của họ). Ở đây chúng ta phải phân biệt tài năng (skills) và sáng kiến (inventions). Tài năng có nhiều loại. Có loại bạn có thể tự thực hiện, có loại phải có người cộng tác. Tài năng không phải độc nhất mà có thể những người khác có suy nghĩ, kiến thức, khéo léo... nếu đặt vào vị trí đó cũng có thể thực hiện được. Trong khi sáng kiến thì khó hơn vì tùy người. Có người nghĩ ra ngay, có người nghĩ hoài cũng không ra gì. Vậy tài năng, sáng kiến là để đóng góp cho xã hội vì nếu không có xã hội thì tài năng và sáng kiến đó sẽ đi về đâu?

Vậy đâu là trách nhiệm của người có tài năng, sáng kiến?

Nếu thành công thì được thưởng. Nhưng nếu hậu quả về lâu dài hóa ra gây hại cho xã hội thì sao? Không ai cấm làm giàu bằng đồng lương do chính sức lực bỏ ra. Nhưng cho dù có tài năng, sự thành công của tài năng đó vẫn lệ thuộc vào những người khác trong toàn bộ công ty. Cho nên khi đồng lương được trả trong thời gian một năm mà bằng đồng lương của mấy đời người tạo ra trong suốt cuộc đời của họ thì đã giành phần của người khác bằng cách cắt (hay không tăng lương) lương người khác hoặc giá cả của sản phẩm được tăng lên để bồi đp cho đồng lương quá to lớn của một giám đốc.

Điều kiện này đưa đến tâm lý bảo thủ (Conservative) và tiến bộ (Liberal, Progressive) như xã hội Mỹ hiện nay.

b. Nên hay không Nên (to Be or not to Be)?

Bảo thủ: là khuynh hướng duy trì tình trạng đã có vì nếu (vật, cơ chế, sự kiện...) đang tốt đẹp, hay vận hành trôi chảy thì tại sao phải thay đổi? Nhất là khi sự thay đổi không bảo đảm trật tự, an toàn cho con người, xã hội.... Giả sử mục đích cuộc sống là mưu cầu hạnh phúc (vật chất, tinh thần) và những người bảo thủ đã có "hạnh phúc" và không muốn thay đổi. Nhưng xã hội "hạnh phúc" đó vẫn bị thay đổi vì thiên nhiên (thiên tai) hay con người phát triển về văn hóa, chính trị, tôn giáo, kinh tế (khi các quốc gia khác có thay đổi). Làm sao một xã hội (quốc gia) giàu có, thịnh vượng có thể giúp các khu vực nghèo khó hơn có được "hạnh phúc" thì sẽ tránh được chiến tranh, di dân... đưa đến sự mất "hạnh phúc" đã có?

Tiến bộ: là khuynh hướng tiến lên, tìm cái mới, khai phá, mạo hiểm vì trí tò mò là bản chất con người. Con người hơn loài vật là ở chỗ có suy nghĩ tìm tòi, thí nghiệm nên xã hội con người mới được như ngày nay. Sự chấp nhận hy sinh bản thân để đem lại lợi ích chung cũng là cách bảo vệ xã hội tồn tại trước thiên nhiên, bệnh tật. "Thời gian với tiến hóa là đối lập thống nhất"(xem bài đối lập chính trị). Con người từ ngàn xưa đã quan sát thiên nhiên để tìm cách phát triển đời sống tốt đẹp hơn. Ngăn chận sự thay đổi từ con người là hủy diệt văn hóa, tư tưởng phát xuất từ bộ óc con người đã khiến loài người khác loài vật.

c . Tương quan kinh tế và chính trị

Chính trị có cân bằng (yên ổn) thì kinh tế mới phát triển và ngược lại. Quan niệm về dân chủ, tự do, độc lập, hạnh phúc... là yếu tố "cần" nhưng kinh tế có đem lại no ấm cho người dân hay không thì đó mới là yếu t "đủ". Và để đi từ "cần" tới "đủ" thì phải có công bằng xã hội trong kinh tế cũng như chính trị. Đó là điều mà nền Kinh Tế Nhân Bản phải thực hiện công thức đó. Như vậy quan điểm chính trị đặt cân bằng trên "bảo thủ" và "tiến bộ" là sai lầm mà chỉ có những nhà chính trị mỵ dân mới sử dụng để đánh lạc hướng sinh hoạt dân chủ.

Nhưng chủ trương đó không thể là của đảng chính trị để dụ dân chúng, dẫn đến xung đột qua lập luận nếu không ủng hộ "bảo thủ" tức là theo "tiến bộ" hay ngược lại. Các chính trị gia đã bóp méo sinh hoạt chính trị qua ý nghĩa đối lập. Đối lập khác đường lối thực hiện nhưng cùng mục đích. Đối lập không thể là triệt hạ đối phương để duy trì sự độc tôn (my way or highway). Sinh hoạt dân chủ giữa đa số và thiểu số là tranh luận về đường lối thực hiện chứ không phải thiểu số chống đối mà không đưa ra giải pháp hay đa số cứ làm tới mà không cho phe thiểu số có cơ hội lên tiếng tranh luận.

Hãy trở lại thuở ban đầu của xã hội loài người: Chọn lãnh đạo trong một gia tộc, làng, bộ lạc là yếu tố chính trị hay kinh tế? Phải chăng nếu không có lãnh đạo (chính trị) thì con người vẫn phải kiếm ăn (kinh tế) hàng ngày.

Như vậy cho dù chưa đạt được tiến bộ về kinh tế thì mọi người phải có sự đồng thuận về sự chọn lựa người lãnh đạo (yếu tố chính trị). Cho dù ai đó biện luận kinh tế là yếu tố chính thì cũng chẳng có ai trong xã hội có thể ăn nhiều hơn người khác (hay không ăn mà chiếm tài vật nhiều). Khi một cá nhân sở hữu thặng dư quá to lớn là đầu mối của tranh chấp xã hội.

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/24/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p7/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...