Trước khi tìm hiểu Kinh Tế Nhân Bản thì phải đi ngược lại nguồn gốc của kinh tế, chính trị, xã hội của loài người để nhìn ra những điểm biến thái đã đưa đến hậu qua ngày hôm nay về tình trạng phân cực giàu nghèo trên thế giới, sự phí phạm tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi sinh.
I. Xã hội hàng ngang
Khi con người kết thành bộ lạc, sống bằng săn bắn thì không có tài sản. Có gì ăn nấy, không lưu giữ được. Từ khi biết chăn nuôi thì bắt đầu có tài sản (bầy thú) và phải di chuyển theo nhu cầu (du mục). Hoặc là biết trồng trọt thì biết chiếm giữ đất, sông để tạo ra sản phẩm. Vì đời sống thô sơ, con người không thể làm ra được tất cả những sản phẩm cần thiết cho đời sống nên có nhu cầu trao đổi sản phẩm (thương mại, mậu dịch). Dần dần với phương tiện di chuyển (thuyền buồm, ngựa, lạc đà, bánh xe) con người đi xa hơn và sự trao đổi hàng hóa đem về lợi nhuận nhiều hơn.
Khi chính quyền trung ương chưa có chính sách kinh tế và luật lệ thì tại địa phương, người dân trao đổi kinh tế tùy theo nhu cầu và điều kiện sẵn có nên lạm quyền và tham nhũng chưa xảy ra.
Nhưng không phải lúc nào sự giao tiếp cũng êm đẹp. Xung đột xảy ra đưa đến chiến tranh giữa các bộ lạc, quốc gia và dẫn đến phong trào đi chiếm nô lệ, thuộc địa, xung đột tôn giáo.
Nhưng mỗi quốc gia là một thí dụ cho sự thực hiện một kiểu mẫu về sinh hoạt của một dân tộc với các yếu tố trên (chính trị, kinh tế, tôn giáo...).
II. Xã hội hàng dọc
Trong nội bộ mỗi quốc gia, khi con người đi từ chăn nuôi sang nông trại thì bắt đầu có tài sản. Để bảo vệ tài sản con người cần nhân sự và vũ khí. Xã hội thành hình khi các cơ cấu điều hành về sinh hoạt chính trị, kinh tế được xác định. Các quy luật sinh hoạt cũng được đặt ra theo địa phương và giai cấp. Nhưng khi những người có thẩm quyền nhận ra rằng vai trò (chính trị) điều hành sinh hoạt xã hội, kinh tế có thể đem lại lợi nhuận nhiều hơn là làm trại chủ, nông dân hay thương gia thì con người bắt đầu nghĩ đến việc xâm chiếm các vùng đất khác để tăng gia quyền lợi nhanh hơn là lao động. Con người cũng bắt đầu dựa vào tôn giáo (lúc đầu chỉ có mục đích quy tụ con người sống với nhau) để củng cố sự lệ thuộc của cá nhân vào xã hội. Nhà cửa, tài sản (những tiện nghi trong cuộc sống) trở thành điều kiện trói buộc con người vào hệ thống kinh tế (thương gia), chính trị (vua, chúa). Và vai trò của giới lãnh đạo không còn hướng dẫn, bảo vệ tập thể mà là lợi dụng tập thể cho ý đồ riêng. Vì giới cầm quyền theo mô hình kim tự tháp, càng lên cao thì càng ít người trách nhiệm nên phương thức kiểm soát sự lạm quyền cực kỳ khó khăn trong chế độ sinh hoạt "dân chủ".
Đồng thời tầng lớp lãnh đạo tự cho mình là quan trọng nên phải hưởng nhiều bổng lộc hơn. Lạm quyền đưa đến tham nhũng.
Đó là lý do Lý Đông A đưa ra cơ chế Đan Quyền để kiểm soát chính trị và Kinh Tế Nhân Bản để ổn định sinh hoạt kinh tế. Duy Dân không thể thiếu một trong hai cột trụ này và chúng phải phát xuất từ chung một gốc: Tu dưỡng.
III. Yếu tố khác biệt căn bản
Từ thời ăn lông ở lỗ cho đến nay thì thân thể và nội tạng con người không thay đổi. Mỗi người cần ngủ 8 tiếng và với dạ dày chứa 2 lít tối đa. Đó là điều kiện tối thiểu để con người sống qua ngày. Nếu phải lao động (nông nghiệp, chăn nuôi) thì cơ thể sẽ đòi hỏi nhiều thức ăn (3 bữa) nhưng nếu gặp hoàn cảnh khó khăn thì cũng có thể chịu đựng sự thiếu thốn thực phẩm trong thời gian ngắn (ngày một bữa) hay nhịn đói vài ngày (nhưng không thể thiếu nước uống). Ở những vùng đất (hay hoàn cảnh) khó khăn (lạnh quá hay nóng quá) thì con người vẫn có thể sống với một vài loại thực phẩm cố định. Vậy thì thay đổi thực phẩm hay ăn ngon không phải là nhu cầu cần thiết.
Nhưng khi con người kết thành quốc gia, có thủ đô và có các cơ quan chính quyền hoạt động đưa đến sự tụ họp của số đông dân để phục vụ chính quyền kèm theo các sinh hoạt kinh tế. Sự cạnh tranh trong kinh tế đưa đến lòng tham của con người. Vì tham con người muốn có nhiều hơn nhu cầu căn bản hàng ngày, hàng năm và đời người.
Trong khi đời sống xã hội tạo con người có địa vị, chức vụ, trách nhiệm và như vậy con người đòi hỏi quyền lợi. Từ khi có hệ thống chính trị đặt quyền lực trong tay thiểu số thì nhóm người này (A) nghĩ rằng họ có thẩm quyền nắm giữ các nguồn lợi của xã hội. Trong khi lãnh vực kinh tế tạo nên nhóm người (B) có khả năng thương mại và với khả năng tài chánh liên hệ nhiều lãnh vực, địa phương, quốc gia, văn hóa...họ nghĩ rằng họ có thể làm được nhiều hơn nữa nếu có sự trợ giúp của nhóm A (chính trị).
Trần Công Lân
Tháng 12 năm 2022 (Việt Lịch 4901)
Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/01/di-tim-kinh-te-nhan-ban-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét