Một nước Việt tương lai cần có những con người thay đổi cái nhìn về địa vị xã hội.
Thông thường chúng ta đánh giá con người qua địa vị xã hội và đây là một sai lầm trong cuộc sống. Địa vị của cá nhân trong xã hội, hoặc quá khứ của cá nhân đó hoàn toàn không nói lên được con người hiện tại của cá nhân đó ra sao.
Địa vị xã hội thường hay dễ thấy qua chức vụ nghề nghiệp hay qua sự giàu có của cá nhân đó. Một người giữ chức vụ bộ trưởng hay một người giàu có nổi tiếng, nếu cả hai đều tận lực góp sức giúp xã hội cùng tiến lên thì sẽ được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Nhưng một người khác, bác nông dân chẳng hạn, cũng tận lực góp sức trong việc xây dựng xã hội và thành quả không thua gì anh bộ trưởng hay người giàu có thì có mấy ai biết đến.
Cũng với thí dụ bên trên, nếu anh bộ trưởng lợi dụng vị thế cầm quyền của mình, ngoài việc giúp xã hội anh ta tìm cách thủ lợi về tài chính bằng cách những hợp đồng của chính phủ cho đề án nào đó, anh ta tìm cách đưa cho người thân trong gia đình mình lấy những hợp đồng đó hầu tạo quyền lợi tài chính cho bản thân và gia đình. Nếu anh giàu có, bóc lột (hoặc lợi dụng) những người tiêu thụ để tạo ra sự giàu có cho mình và anh ta bỏ một số tiền to lớn để giúp xã hội như xây dựng một cơ sở trường học để tạo tiếng tốt cho mình. Hành động của hai người trên có hai kết quả khác nhau (vừa làm tốt nhưng vừa làm xấu để giàu có) cần phải đánh giá ra sao nếu chỉ nhìn qua mặt bề ngoài của địa vị xã hội?
Thói thường của con người, không cần biết thuộc giống dân nào, đều đánh giá con người qua địa vị xã hội. Rất ít người nhìn con người vào việc làm, lời nói, cách ứng xử với người khác trong xã hội và cái kết quả của ứng xử đó ra sao.
Hãy nhìn qua quan niệm ứng xử của nhân viên hãng máy bay Southwest. Chủ nhân hãng máy bay Southwest, ông Herbert Kelleher, nói “chức vụ và chức danh không mang ý nghĩa gì. Những thứ đó chỉ là đồ trang điểm. Nó không nói lên được bản chất của bất cứ cá nhân nào. Tất cả mọi người, tất cả mọi công việc đều có giá trị như bất cứ người nào hay công việc nào”. Nhân viên lo việc sắp xếp người vào máy bay nói “dù bạn có bằng đại học hay chỉ là chứng chỉ trung học chẳng có gì khác biệt. Công ty Southwest không xem địa vị quan trọng mà là bạn làm việc có hiệu quả và tích cực hay không. Không ai xem công việc của người khác là điều hiển nhiên. Người lấy hành lý của khách hàng đưa vào máy bay cũng quan trọng như người phi công”.
Những câu nói trên cho thấy hãng máy bay Southwest, từ người chủ nhân cho đến nhân viên, đánh giá con người qua việc làm chứ không qua chức vụ, địa vị trong xã hội. Điều này ít xảy ra ở những công ty khác mà họ luôn xem trọng những người có địa vị, chức vụ cao và xem thường những người không có chức vụ trong công ty.
Trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng như trong nước, những người sinh hoạt trong cộng đồng, những người đã từng là tù nhân lương tâm thường hay được đánh giá qua quá khứ, chức vụ trong cộng đồng, hoặc những việc làm mang tính chất bất vụ lợi nhưng ít ai thắc mắc về hiệu quả của những công việc đó ra sao hoặc nhân cách ứng xử của những người đó ra sao.
Có một ít cựu tù nhân lương tâm, trong quá khứ họ đấu tranh dân chủ cho Việt Nam để bị đi tù. Đây là hình ảnh đẹp của quá khứ. Nhưng hình ảnh này không nói lên được bản chất hiện tại của họ ra sao khi chính những người này sẵn sàng tung tin giả, nói những điều không có thật thì cái quá khứ đó sẽ không có giá trị gì ở hiện tại khi chính bản thân họ tung tin giả cho rằng bầu cử năm 2020 tại Mỹ là có gian lận mà không cần biết có chứng cớ hay không chứng cớ. Đây là lối ứng xử chụp mũ (nói những điều không có, không đúng sự thật) như lối ứng xử của người cộng sản. Đấu tranh chống cộng sản mà dùng phương pháp giống cộng sản thì phải chăng cần phải đánh giá lại về những con người đấu tranh trên?
Cái lối suy nghĩ để đánh giá về một Con Người của người Việt từ lâu thường hay dựa vào địa vị xã hội, sự giàu có, bằng cấp, hay quá khứ đấu tranh cần phải thay đổi và loại bỏ lối suy nghĩ cũ, hoàn toàn sai lầm. Tất cả những thứ trên hoàn toàn không nói lên được nhân cách, tư cách con người hiện tại của cá nhân đó.
Sự khác biệt giữa hai cá nhân A và B không phải ở cái địa vị xã hội hay quá khứ làm việc mà là ở nhân cách và tư cách hiện tại của chính bản thân của mỗi người. Đấy chính là thước đo để đánh giá mỗi con người trong đời sống xã hội trong cái thời điểm hiện tại.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)
Nguồn: https://nganlau.com/2023/02/24/tu-duong-thang-nhan-dia-vi-xa-hoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét