Tìm hiểu về Lý Đông A (LĐA) không phải chỉ là đi tìm ngày tháng năm sinh hay tiểu sử, cha mẹ, sinh quán...Tìm hiểu LĐA vì ông là một thiên tài của VN trong một thời gian quá ngắn 1920-1945 nhưng những gì ông để lại quả là vô lường. Loài người có những thiên tài về âm nhạc, toán học, khoa học, triết học.. nhưng ít có ai nắm được hơn một lãnh vực. LĐA là một trong những người như vậy.
Tư tưởng (hay chủ nghĩa Duy Dân) của LĐA bao
gồm Khoa (học)-Triết (học)-Sử (học). Tài liệu ông để lại
ngắn gọn, súc tích. Có
thể vì ông không có thì giờ để diễn giải trong giai đoạn chiến tranh. Có thể vì
ông biết VN chưa đủ cơ hội để hấp thụ những gì ông suy nghĩ mà phải là thời đại
2000s (thời đại Internet?). Mà
cũng có thể ông chỉ là người mơ mộng quá đáng tuy rằng những gì ông biết và viết
vẫn là trong giòng lịch sử của loài người nhưng
để thực hiện thì không dễ hiểu và dễ làm.
Một trong những trở ngại chính khi tìm hiểu
Duy Dân- LĐA là tài
liệu chép tay để lại. Đâu là thủ bút của LĐA (chính gốc) và đâu là những gì chép lại theo lời
giảng của ông. Tất
cả tài liệu đều ghi phần cuối là XY Thái Dịch
LĐA. Nhưng theo các đảng viên Duy Dân còn lại đến thời 2000 (tại Mỹ) thì đó là ghi lại
chứ chính LĐA không viết. Đúng ra các tài liệu phải ghi là "viết lại theo
lời LĐA". Và phần nào là được thêm vào để giải thích phải ghi rõ. Tiếc
thay từ 1945 đến nay sự kiện này chưa được thực hiện và người sau phải cẩn thận khi tìm hiểu ngôn ngữ của LĐA
và khám phá những gì đã được thêm vào tài liệu sau 1945.
Vì không có thâu băng, ghi chép tay thì chữ
còn chữ mất và người chủ tác cũng không có thì giờ kiểm soát lại (tương tự như
Kinh Thánh, Kinh Phật...đều ghi là Chúa/Phật nói... nhưng mỗi đệ tử ghi lại có
chỗ giống, chỗ khác).
Vậy người đời sau sẽ hiểu LĐA như thế nào?
Tư tưởng LĐA đòi khỏi Khoa học là phải có mạch lạc,
chính xác, thứ tự, đầu đuôi, nguyên tắc, chính phụ... Vào thời điểm 2000s, nói đến khoa học thì
có vẻ ai cũng chấp nhận. Nhưng đối với các nhà chính trị, cách mạng thì sự biện
luận, lý luận quan trọng hơn sự quan tâm về khoa học và mục đích của nó.
Loài người dễ quên là từ Triết học mới có toán học và đi đến
khoa học ngày nay. Triết học không phải chỉ nói nhảm, viển vông mà phải là minh
triết (sự
khôn ngoan, sáng
suốt) để phục vụ con người. LĐA đã nói lấy con người là mục đích. Triết học phải thực dụng để
đi đến Đạo học. Đạo học theo Duy Dân không phải tôn giáo mà là con đường của
loài người. Nhân đạo là đường sống của
loài người: "Sống biết-Sống đúng- Sống thực".
Và để có thể sống được như vậy, con người phải
có Tu Dưỡng Thắng Nhân (Thiết Giáo).
Triết học theo LĐA là cuộc sống hàng ngày, học
hỏi và lý luận để tìm ra hướng đi. Do đó xã
hội biện chứng pháp trong Duy Dân rất quan trọng cho những ai theo đuổi Duy
Dân. Duy Dân không phải để nói về chính trị, cách mạng. Duy Dân là cuộc sống của
mỗi con người trong xã hội với thiên nhiên. Có rất nhiều người nói về Duy Dân
nhưng không phải là Duy Dân
khi nhìn vào đời sống của họ. Đó
là những người xài bạc giả (nói)
trong khi tư tưởng Duy Dân là vàng thực.Tại sao có thể nói như vậy? Chỉ có vàng thực mới biết vàng giả. Chỉ có chân tu mới
biết kẻ tu giả. Chỉ khi biết sự thực mới biết ai nói thực. Chỉ khi "sống
thực" mới biết kẻ sống giả dối chỉ là nói miệng mà thôi.
Nếu là nhà tu thì bạn bỏ đi. Nếu
là người thường, bạn lên tiếng và bị chụp mũ "phá hoại đoàn kết". Vì
kiến thức phải tiêu hóa chứ không phải để "nhai lại".Và khi tiêu hóa
thì thành hành động. Nếu không có hành động phù hợp với "sở mệnh" thì
bạn.... phải hiểu đó là bạc giả.
Triết học không phải thần học. Thần học dẫn đến tôn giáo
và con người tin tuyệt đối vào đấng
thiêng liêng và thường dẫn đến
sự mù quáng, lợi dụng. Còn triết học đòi hỏi con người phải thực tế lý luận,
quan sát các yếu tố, đối tượng, thời gian, không gian…và những khía cạnh liên
quan đến đời sống con người. Do đó LĐA đã vượt lên cả Duy Vật, Duy Tâm, Duy Sinh để đưa ra chủ nghĩa Duy
Dân. Không nắm vững các nguyên tắc của triết học sẽ không hiểu LĐA vì để hiểu
triết học LĐA, bạn còn phải đi qua Triết học "huyền bí" của Đông
phương. Nhiều người cho là vì "huyền bí" nên không đáng tin cậy.
"Huyền bí" chỉ vì chưa có Tu
Dưỡng Thắng Nhân để hiểu. Tu Dưỡng Thắng Nhân thì đòi hỏi thời gian
dài mà những nhà chính trị thường không có bụng dạ nào để đi qua thử thách như
vậy.
Triết học là dùng lý luận để tìm ra sự thực,
là sự suy nghĩ khôn ngoan của trí óc để phục vụ con người và xã hội. Đạo là con
đường. Khi con người không tìm ra lý do để giải thích lý luận của mình thì gán cho Thần Thánh.
LĐA không dựa vào tôn giáo để thuyết phục mọi người. LĐA đã đưa ra sự Tu Dưỡng của cá nhân. Thánh nhân
cũng chỉ là con người biết Tu Dưỡng.
Một khi có tu dưỡng thì sẽ biết phải làm gì, sống như thế nào và đó là đường sống
của con người.
Triết lý vì phải có lý luận. Lý
luận phải có nguyên tắc. Nguyên tắc phải dẫn đến phương pháp. Đó là Biện Chứng
Pháp. Triết lý phát ra từ con người vì để giải quyết những vấn đề của con người
trong cuộc sống xã hội. Từ con người (tự kỷ) đi vào xã hội (động tha) để tác động
đến tha nhân (ỷ tha). Khi mọi người đều như vậy thì mỗi cá nhân (tự kỷ) hành động
(động tha) cũng trở thành tha nhân (ỷ tha): người làm cũng chính là người hưởng.
Và như vậy xã hội mới thích hợp cho mọi người sống. Con người không thể nhân
danh cá nhân để khai thác, hưởng lợi từ xã hội (tư bản) mà cũng không thể nhân
danh tập thể, xã hội, tổ quốc để tha hóa khiến con người vong bản (cộng sản).
Khi con người tàn tạ thì xã hội sẽ còn là gì?
Lý tắc của Duy Dân chỉ là bước đầu
vì theo LĐA thì hiểu nghĩa, rồi đến lý -- nhưng chưa đủ vì còn phải ngoài
"lý" nữa. "Lý" là "cái tôi". Hiểu ngoài
"lý" là không còn cái "tôi" bản thân nữa. Đó là lý vô ngã.
Có bao nhiêu nhà tu đạt được như vậy?
Một trong những đóng góp của con
người cho xã hội là khoa học. Nhưng nếu khoa học chỉ để phục vụ lòng tham, sự
kiêu căng, ích kỷ của con người thì khoa học trở thành mối họa. Sự đam mê phát
triển khoa học đã quên đi sự "tung hợp" và "Trinh-Bình-Hòa"
của xã hội. Khi khoa học tiến nhanh hơn đạo đức, luật pháp và sự điều hòa của xã
hội thì rối loạn xảy ra vì khoa học có giới hạn của nó. Những khám phá của khoa
học thường nhắm vào kết quả trước mắt mà không nhìn thấy hậu quả lâu dài. Thường
thì quá trễ để sửa đổi và đó là những bài học lịch sử.
Vì nhìn lại lịch sử loài người. Chính trị hôm nay là lịch sử ngày mai. Nhân
loại đã từng hưng thịnh và suy vong qua nhiều thời đại chỉ vì quá mê tín hay
quá tôn sùng khoa học, đạo học mà nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt. Lich sử không ngụy tạo, chỉ có con người mới ngụy tạo lịch sử.
Duy Dân khó hiểu và khó thực hiện
vì (a) Duy Dân chủ nghĩa không phải cho bá tánh, ai đọc cũng hiểu và sử dụng được.
Duy Dân là dành cho những ai có "khả năng và tất năng" làm chính trị
& cách mạng. Là những người phải có "tu dưỡng thắng nhân" và
"sinh mệnh tâm lý". Đó là tự học. Không có trường đại học nào dạy như
thế cả. (b) Thông thường con người chỉ theo học một bộ môn: khoa học, triết học
hay sử học. Không ai đi học cả 3 ngành khi chỉ học một cũng đủ mệt và đủ sinh sống
rồi thì học cả 3 để làm gì? (c) Duy Dân không phải chỉ nói suông. Duy Dân cũng
không thể độc diễn hay giả dối được. Hãy hỏi tất cả những nhà hoạt động Duy Dân:
1. Bạn
hiểu Duy Dân như thế nào? (đường
nào đi vào Duy Dân?)
2. Bạn
có đi qua (không
cần phải tốt nghiệp đại học) Triết-Khoa-Sử?
3. Bạn
có thực hành "sinh mệnh tâm lý" và "tu dưỡng thắng nhân"
hay không?
Như vậy bạn sẽ thấy Duy Dân không phải
"mắc dịch" lan tràn tùm lum. Duy Dân rất hạn chế và chỉ dành cho một
số người có cơ duyên mới nắm và thực hiện. Tiếc thay đa số mọi người chỉ chạy theo
số 1 mà quên đi số 3.
Tại sao LĐA lấy hiệu là "Thái Dịch"?
Có thể vì LĐA hiểu tư tưởng Triết
học Đông phương mà nhiều người cho là huyền bí. Vậy Dịch lý, Tử vi, Độn giáp,
Thái ất có đáng tin hay không? Sử dụng như thế nào? Nếu không tin thì tại sao LĐA
"viết" Sinh Mệnh Tâm
Lý, Hình Nhi Thượng, Khả Năng với Tất Năng, Chính Kỳ Sở Mệnh.... Thế nào và làm sao để
"sở mệnh"?
Thực hiện Duy Dân còn xa lắm các bạn.
Tìm hiểu tư tưởng Lý Đông A (P2)
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2019 (Việt Lịch
4898)
Nguồn: https://nganlau.com/2019/12/01/tim-hieu-tu-tuong-ly-dong-a/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét