Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Đường Vào Duy Dân: Xóa Bỏ Tư Duy Cũ

Cái khó khăn lớn nhất của Con Người chính là loại bỏ những tư duy cũ đã lỗi thời. Những tư duy cũ đó có thể hình thành từ kinh nghiệm bản thân cộng với cái nhìn chủ quan để rồi chúng ta bám lấy, dứt khoát không bỏ được tư duy đó. Thí dụ: những người đã từng có kinh nghiệm với cộng sản, cho rằng dù Việt Nam có một chế độ dân chủ thì không thể để cho những người cộng sản tham chính bởi bản chất của cộng sản là tham lam, tàn bạo, xảo trá khó mà lường. Thực tế mà nói, những bản chất này đúng là bản chất của người cộng sản. Nhưng chúng ta có khi nào tự hỏi, tại sao họ có bản chất này? Họ có bản chất này bởi cái cơ chế cộng sản đào tạo họ, tạo điều kiện cho họ có bản chất này. Trong khi đó ở một cơ chế dân chủ, những ai có bản chất này sẽ bị loại bỏ ra khỏi cơ chế. Hãy nhìn qua vị lãnh đạo của Đức, bà Angela Merkel, đã từng phục vụ trong cơ chế chính quyền của cộng sản Đông Đức và nay là vị lãnh đạo của một nước Đức thống nhất. Điều này chứng minh cho chúng ta thấy là chính cái cơ chế cộng sản đã đẻ ra và làm phát triển những đặc tính cộng sản, đi ngược lại quyền lợi của Con Người và nhân loại. Và khi cái cơ chế đó sụp đổ, những đặc tính đó sẽ phải thay đổi bởi sẽ không tồn tại dưới một cơ chế dân chủ.

Một thí dụ khác là những người đang mù đãng (cố ý viết dấu ngã cho đúng bản chất), yêu Hồ; dù thế giới thông tin đã thay đổi; dù họ nhận thức là đãng của họ đang đi con đường sai, nhưng nếu ai đó vạch ra cái giả dối của ông Hồ, vạch ra cái giả dối của đãng csvn thì họ sẽ chống lại một cách rất là tích cực, rất bài bản và cho rằng những ai nói xấu (dù đó là sự thật) về ông Hồ thì tức là lực lượng phản động, do thế lực bên ngoài (họ chẳng biết cái thế lực đó là ai, nên vội vàng đem Mỹ ra để cho tiện việc sổ sách tuyên truyền) đánh phá nhà nước Việt Nam. Họ không hề nghĩ rằng chính những điều giả dối họ tin tưởng là cái phản động nguy hiểm nhất đưa đất nước đến thảm cảnh như hiện nay. Và chính vì thế, dù có rất nhiều thông tin, nhưng họ vẫn bị cái cơ chế kềm kẹp, họ không thoát ra được những suy nghĩ mà họ đã được nhồi nhét vào đầu từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành. Nay họ đang được hưởng quyền lợi của cơ chế này, họ càng ra sức để bảo vệ nhằm mục đích tiếp tục hưởng những gì cơ chế này cho họ.

Tư duy phân biệt Bắc – Nam vẫn tiếp tục xảy ra ở cả hai bên. Những người sống dưới chế độ VNCH thì luôn luôn cho rằng người miền Bắc sau 75 là những người không có cảm tính, gian xảo, vô văn hóa. Cái tư duy này không phải chỉ ở những người kém học, thiếu hiểu biết mà là ở những người có bằng đại học, là sĩ quan trong quân đội của Hoa Kỳ. Còn người ở miền Bắc thì lại có thành kiến đối với người Việt hải ngoại, cho rằng những người hải ngoại là thuộc phe VNCH, luôn luôn quá khích. Ngay cả những bài viết đăng trên trang mạng Ngàn Lau này được đánh giá là phản động, cực đoan.

Tại sao trong đầu óc của chúng ta luôn luôn nhìn Con Người qua từ ngữ Cộng Sản, Việt Nam Cộng Hòa mà không nhìn Con Người qua cái nhìn của Dân Tộc? Dĩ nhiên sẽ có người lý luận rằng đây là giới tuyến giữa cộng sản và không cộng sản. Ai dựng ra giới tuyến đó? Chính tư duy của chúng ta đã dựng ra giới tuyến đó và để rồi chúng ta đánh giá Con Người qua giới tuyến đó. Cuối cùng đưa đến kết quả là một đất nước Việt mất truyền thống văn hóa Việt; một dân tộc Việt sống khắp nơi trên thế giới; một thế hệ Việt trong nước trình độ hiểu biết thua những người trẻ mới lớn ở các quốc gia dân chủ trên thế giới; một thế hệ Việt chỉ biết sống cho hiện tại mà không nghĩ đến tương lai; một thế hệ Việt thụ động trước sự ô nhiễm của môi trường, sợ hãi chính trị bởi nghĩ rằng chính trị là một cái gì đó to lớn mà không hề nghĩ rằng chính trị là quyền được tham dự vào quyết định của chính đời sống sinh hoạt của mình (xem ba bài nói về Chính Trị đăng trong tháng 4 năm 2017).

Đừng lầm lẫn giữa loại bỏ tư duy cũ với quên đi quá khứ. Quá khứ là những bài học kinh nghiệm cho chính bản thân cho nên không thể nào quên đi quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta nên đánh giá cái quá khứ bằng tư duy của thời đại, bằng thực tế của xã hội chứ đừng đánh giá quá khứ vào cái niềm tin của chính bản thân mà chưa chắc rằng cái niềm tin đó là sự thật, chưa kể niềm tin đó phục vụ cho ai và niềm tin đó sẽ đóng góp gì cho một Việt Nam mới của thế kỷ 21 này. Ngay cả cái quá khứ lịch sử, đặc biệt là lịch sử của 100 năm trở lại, chúng ta cần phải bình tĩnh để đánh giá lại nó để rút bài học kinh nghiệm cho bản thân và cho đất nước sau này.

Khi nói đến lịch sử thì đây là điều dễ gây ra nhiều ngộ nhận. Chẳng hạn như khi đánh giá gia đình ông Diệm thì người phía miền Nam chia thành hai phe: Phật giáo thì chống Diệm và phe công giáo thì bênh Diệm. Bên chống và bên bênh dựa vào những dẫn chứng của lịch sử để biện minh cho những lý luận của mình. Bên chống, bên bênh luôn luôn bảo vệ quan điểm của mình mà không hề nhìn vấn đề như là một lịch sử đã qua, người hiện tại sẽ không thay đổi được về cái lịch sử đã qua và phải cần đóng lại trang sử đó để cùng nhau vượt lên trên lịch sử và cùng nhau tìm con đường giúp dân tộc thoát khỏi nền nô độ kiểu mới mà Trung Hoa đang thành công áp đặt vào các thái thú thời đại là đãng csvn.

Chúng ta không thể nào quên lịch sử, đặc biệt là lịch sử của hơn 4 ngàn năm của dân tộc Việt. Người cộng sản đã quên lịch sử, đã loại bỏ lịch sử của 4 ngàn năm Việt thay thế vào lịch sử của đãng csvn. Văn hóa của Hồng Bàng, Văn Lang, Trống Đồng đã được thay thế bằng văn hóa ngoại lai Mac-Lenin. Văn hóa Việt đã được văn hóa cs thay thế bằng những giả dối, ngụy biện, tiêu diệt ý chí quật cường, bất khuất của giống nòi Việt để thay thế vào văn hóa thụ động, nô lệ cho tiền và tư tưởng.

Chỉ trong tinh thần loại bỏ tư duy cũ, đặt ra câu hỏi cho sự thật, so sánh với thực tế để đánh giá xem những tư duy hiện tại của chúng ta đã đóng góp gì cho đất nước, hay chính cái tư duy đó làm trì hãm đất nước hiện giờ, làm hư hỏng Con Người Việt hôm nay, và làm cho chúng ta không thể có một cái nhìn đồng thuận về Dân Chủ. Phải loại bỏ tư duy cũ thì chúng ta mới có thể thu nạp tư duy mới và đó là đường chuẩn bị để vào Duy Dân, để hiểu rõ Duy Dân là gì và tại sao phải Duy Dân.

Chấm dứt bài viết này xin được trích một câu nói của Sakya Muni Buddha

“Do not believe in anything simply because you have heard it. Do not believe in anything simply because it is spoken and rumored by many. Do not believe in anything simply because it is found written in your religious books. Do not believe in anything merely on the authority of your teachers and elders. Do not believe in traditions because they have been handed down for many generations. But after observation and analysis, when you find that anything agrees with reason and is conducive to the good and benefit of one and all, then accept it and live up to it.” 

“Đừng tin vào bất cứ điều gì chỉ bởi vì bạn nghe nó. Đừng tin vào bất cứ điều gì chỉ bởi vì điều đó đã được nói và nhiều người đồn. Đừng tin vào bất cứ điều gì chỉ bởi vì những điều đó viết trên sách tôn giáo của bạn. Đừng tin vào bất cứ điều gì bởi chỉ vì người đó là thầy của bạn hoặc là người lớn tuổi. Đừng tin vào những truyền thống bởi những truyền thống đó được đưa xuống từ nhiều thế hệ. Nhưng sau khi quan sát và phân tích, khi bạn thấy rằng bất cứ điều gì bạn đồng ý với lý do và có lợi cho lợi ích của một và tất cả, sau đó chấp nhận nó và sống theo nó

Những tư duy cũ của ta có lợi cho ta và cho mọi người hay không? Nếu chỉ có lợi cho ta mà không có lợi cho mọi người thì tư duy đó chỉ là tư duy cho bản thân, tư duy đó không phù hợp với thời đại.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2017

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2017/05/01/duong-vao-duy-dan-xoa-bo-tu-duy-cu/

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...