Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Đường Sống Việt Trước Ngưỡng Cửa Thế Kỷ 21: Nhận Diện Thực Tế Của Con Người Việt Hôm Nay

 

Nói đến đường sống Việt trước trong thế kỷ thứ 21 này thì không thể nào quên được những căn bệnh của người Việt mà cụ Phan Chu Trinh đã nói hơn 80 năm trước. Đến giờ phút này, những căn bệnh đó càng ngày càng trầm trọng và người Việt, dù có học hay không có học, không nhận diện ra được căn bệnh đó hoặc cố tình cho rằng dân tộc không có căn bệnh đó. Mà cho dù một thiểu số nhìn ra, thiểu số đó vẫn tiếp tục chọn nếp sống nô lệ để sống cho chính mình mà không quan tâm đến sự tồn vong của Việt tộc với hơn bốn ngàn năm lịch sử.

10 căn bệnh đó đã được nói trên trang mạng này (https://nganlau.com/2019/05/15/di-tim-mot-nuoc-viet-moi-2/) và ngày nào chúng ta tiếp tục chối bỏ những căn bệnh trên thì càng ngày, con bệnh sẽ gia tăng và Việt tộc sẽ bị Hán hóa trong một thời gian rất gần. Chẳng lẽ cha ông ta, hơn 1000 năm Bắc thuộc không bị Hán hóa mà chỉ dưới 100 năm cộng sản, dân tộc Việt bị Hán hóa?

Người Việt chỉ thích loại “mì ăn liền”

Sự xuất hiện của các mạng xã hội đã làm cho người Việt nói riêng và toàn thế giới nói chung, thích những tin tức, những nội dung các bài viết thật ngắn. Đây cũng giống như hình thức mì ăn liền, không có giá trị về chiều sâu của nhận thức. Chưa kể khi con người không làm chủ được chính mình thì qua các mạng xã hội sẽ không tiêu hóa được thông tin để rồi bị người khác làm chủ lấy suy tư của chính mình.

Mì ăn liền cũng được hiểu một cách khác là lấy những cái đã có để làm nền tảng cho sinh hoạt của quốc gia. Căn bệnh này do chính chế độ cộng sản tạo ra bởi chính cộng sản đã đem chủ nghĩa Marx vào dân tộc Việt và kết quả đó ra sao chắc không cần phải nói ra, mọi người đã thấy rõ.

Mì ăn liền cũng được hiểu là có một số người quan tâm đến đất nước Việt đang bàn luận về một hiến pháp cho Việt Nam tương lai. Có nhóm chọn hiến pháp nơi quốc gia mình cư ngụ để triển khai vào Việt Nam tương lai. Vậy thì khi cộng sản thoái trào, sẽ có bao nhiêu bản hiến pháp từ các quốc gia, từ các nhóm khác nhau đem vào áp dụng cho Việt Nam? Liệu những áp dụng đó có thích hợp với tình hình thực tế của VN lúc bấy giờ? Liệu những lãnh đạo tương lai của VN nhìn ra được vấn đề hiến pháp chỉ là ngọn mà cái gốc là Con Người? Ở các nước tự do dân chủ cũng có hiến pháp nhưng nền dân chủ đó đang bị khủng hoảng. Vậy những ai đang nghiên cứu hiến pháp có thấy điều đó và liệu đem hiến pháp quốc gia nơi cư ngụ, xào nấu lại nhằm áp dụng cho Việt Nam là chuyện nên làm? Có ai thấy được hiến pháp của hình thức đại nghị đã không còn hợp thời và hình thức đại nghị, người dân hoàn toàn không có tiếng nói trong việc bàn thảo những luật ảnh hưởng đến đời sống của mình? Có ai nhìn thấy sự phân quyền, đặc biệt là ở Mỹ chỉ có giá trị trên mặt giấy tờ chứ thực tế không kiểm soát được chuyện lạm dùng quyền hành mà chính quyền Trump là một thí dụ điển hình?

Không nhìn ra được khả năng của mình

Người xưa có câu “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.  Đa số người Việt không nhìn ra được khả năng của chính mình mà luôn luôn nghĩ rằng mình có “trình độ” nên mình luôn luôn “khá hơn, giỏi hơn” những người khác. Căn bệnh này rất trầm trọng ở những người có bằng cấp cao.

Qua những sinh hoạt của các đoàn thể, qua những sinh hoạt mạng xã hội chúng ta sẽ thấy điều này. Khi ai đó chất vấn một lời nhận định của cá nhân nào đó thì lập tức, cá nhân đó cho rằng người đọc không chịu đọc sách nhiều nên không nhìn ra được vấn đề. Một hình thức xem mình hiểu rộng hơn người khác và khinh thường người khác. Đọc sách nhiều chưa chắc là đã hiểu nhiều bởi đọc sách để trở thành mọt sách thì chỉ là nhai lại, xào nấu lại những chữ của người viết. Cái quan trọng không phải ở đọc sách mà là đọc làm sao, đọc như thế nào; và có hiểu ý, hiểu ngoài lý, và hiểu trên lý của tác giả viết hay không. Cái quan trọng là tư duy ở ngay trong tri thức của mỗi người ra sao, đủ “giác ngộ” để nhìn ra được cái gốc của vấn đề chứ không phải nhìn cái ngọn để rồi bảo đó là cái gốc.

Bằng cấp to, địa vị trong xã hội cao, học xong đại học chẳng có giá trị gì khi cá nhân đó hoàn toàn không có sự tu dưỡng bản thân về nhận thức ngay trong tri thức của chính mình. Một người có tu dưỡng bản thân ở bên trong tri thức của mình sẽ không đem bằng cấp, trình độ của mình ra để so sánh với người khác. Đơn giản người đạt được tu dưỡng bản thân ở tri thức của mình sẽ biết rằng không phải ai cũng đạt được tới mức nhận rõ được vấn đề gốc, ngọn ra sao. Vì thế cá nhân đó sẽ không làm chuyện so sánh để “hạ” người đối diện và “nâng” cao mình lên.

Thiếu tinh thần trách nhiệm

Người có tinh thần trách nhiệm sẽ sẵn sàng lên tiếng để chống lại cái sai trái và không hợp tác với cá nhân, đảng phái, tổ chức, hay chính quyền để làm những chuyện sai trái hầu phục vụ đời sống vật chất, tiền bạc và quyền hành của cá nhân.

Người có tinh thần trách nhiệm khi làm một điều nào đó sai trái thì sẵn sàng nhận lỗi và sẵn sàng đi tù nếu vi phạm luật chứ không phải nhờ vào những đoàn luật sư (tại Mỹ là thí dụ) để tìm kẽ hở của luật nhằm mục đích che lấp tội lỗi của mình.

Người có tinh thần trách nhiệm tôn trọng sự thật và sẵn sàng nói lên sự thật cho dù sự thật đó ảnh hưởng đến an ninh cá nhân của bản thân về vật chất lẫn tinh thần.

Người có tinh thần trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ do ai giao phó sẽ hoàn thành trong khả năng của mình và không lợi dụng sự giao phó đó để tiếm dụng quyền hành nhằm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân hay đem quan điểm cá nhân để áp đặt vào số đông bởi ở vị thế lãnh đạo.

Nếu đạt được ba điều đơn giản trên thì dân tộc Việt sẽ khá, sẽ không bị Hán hóa. Nhưng để làm được ba điều trên thì sự tu dưỡng bản thân (Tu Dưỡng Thắng Nhân) cần phải nhìn lại và bàn thảo sâu hơn, chi tiết hơn. Người viết sẽ mổ xẻ đề tài Tu Dưỡng Bản Thân ở những bài viết trong tương lai.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 đen 2020 (Việt Lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/04/24/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-nhan-dien-thuc-te-cua-con-nguoi-viet-hom-nay/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...