Cụ Phan Bội Châu nói “Dân chúng chẳng duy tâm, chẳng duy vật mà chỉ duy dân”. Cụ Phan là người đầu tiên, trong thực tiễn cách mạng, sáng định ra Duy Dân Chủ Nghĩa. Tuy nhiên, chính cụ Lý Đông A là người triển khai Duy Dân ở dạng tổng thể để áp dụng vào đời sống nhằm mục đích phục vụ con người, phục vụ nhân loại.
Đọc đến đây sẽ có bạn bị dị ứng với chữ “chủ nghĩa” bởi
vì cái chủ nghĩa cộng sản đã làm đất nước tệ hại đến giờ phút này thì có lẽ,
chúng ta không nên đem một chủ nghĩa nào nữa áp dụng vào một đất nước Việt ở
tương lai. Lý luận này thoạt nghe rất là hữu lý những lại hoàn toàn không đúng
sự thật và thực tế của nó.
Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì chủ
nghĩa là “tư tưởng về xã hội, chính trị, tôn giáo …”. Nói một cách đơn giản là
xây dựng xã hội người trên một nền tảng tư tưởng mà người ta gọi là cộng sản,
tư bản, giáo quyền, độc quyền, đảng quyền, phong kiến, v.v…. Tất cả các sinh hoạt
của bất cứ xã hội nào cũng đều dựa trên một lý thuyết, một chủ nghĩa nào đó. Điều
này cũng giống như một con tàu ở giữa biển khơi, mọi người cần biết cái bến phải
đến thì mới có thể lèo lái con tàu theo đúng vị trị và hướng bến bờ đã định sẵn.
Nếu không thì con tàu mãi mãi đi không biết bến bờ hoặc trôi dạt vào nơi nào đó
mà cần phải tránh.
Vậy thì không thể vì sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản
để rồi chúng ta cho rằng không cần một chủ nghĩa nào nữa thì cũng là một sự sai
lầm bởi xã hội luôn luôn được điều hướng bằng một chủ nghĩa, một lý thuyết, hay
một phương cách nào đó với mục đích như thế nào lại là một vấn đề khác. Thành
ra khi nói đến chủ nghĩa Duy Dân, chúng ta hãy tạm hiểu đó là một phương cách,
phương pháp sinh hoạt trong đời sống của loài người nói chung và của dân tộc Việt
nói riêng.
Chủ nghĩa Duy Dân là gì? Theo những tài liệu Duy Dân của
cụ Lý Đông A thì Duy Dân là ý thức tự giác, là bằng nhân đạo phục vụ loài người,
là phương thức cách mạng, là cách mạng nhân chủ, là kiến thiết nhân chủ, là cuộc
tự nguyện, là phụng sự nhân loại, là nền
văn minh nhân chủ, là gồm tất cả các luật nhân loại, là nhân loại pháp. Đây là
những đề tài sẽ được tìm hiểu chi tiết hơn ở những bài viết tương lai. Nói
chung chủ nghĩa Duy Dân là để phục vụ đời sống của con người trong xã hội đó, đồng
thời quan tâm đến đời sống của nhân loại -- bởi nếu phục vụ đời sống của con
người trong một xã hội, trong một quốc gia mà ảnh hưởng đến đời sống của con
người ở những quốc gia khác thì đó không phải là chủ nghĩa Duy Dân mà là chủ
nghĩa Dân Tộc (Trung Hoa là thí dụ điển hình), một chủ nghĩa rất là nguy hiểm
chỉ tạo ra chiến tranh bởi dã tâm thôn tính các nước lân bang.
Con người, qua tiến trình lịch sử, được chứng minh
không những sống nhờ vật chất (duy vật) nhưng cũng sống nhờ vào tinh thần (duy
tâm). Quan hệ giữa con người, xã hội, thiên nhiên là quan hệ luôn luôn xảy ra
không ngừng nghỉ kể từ khi có sự xuất hiện của con người trên thế giới này. Hãy
nhìn về thời đại nguyên thủy, con người dựa vào thiên nhiên để sống (hái quả để
ăn, vào hang núi trú ẩn). Nhưng khi cây quả không còn thì con người phải sống bằng
săn bắn. Mà săn bắn thì đòi hỏi sự kết hợp để cùng săn bắt một con vật mạnh khỏe
hơn người và khi săn được một con vật, cùng nhau chia sẻ con vật đó để không
phí phạm thức ăn. Cũng trong sự kết hợp này, bộ tộc, bộ lạc, làng xã, quốc gia
hình thành từ đấy để bảo vệ lẫn nhau, để phát triển giống nòi. Những tiến trình này, dù ở nguyên thủy hay ở
thế kỷ 21 đều xảy ra tuy mức độ có khác nhau nhưng mục tiêu đều giống nhau: Phục
vụ đời sống người hay con gọi đường sống của người (nhân đạo).
Con người đóng vị trí rất là quan trọng trong Nhân Đạo
(đường sống của người) và dựa vào tiến trình lịch sử đó, Duy Dân lấy Con Người
làm điểm khởi đầu, làm mục tiêu phục vụ. Chính mỗi con người phải tự mình thắng
chính mình mà cụ Lý gọi là Tu Dưỡng. Công việc tu dưỡng là việc làm từ bản thân
và nếu chính mình giác ngộ thì không một nhà chính trị nào, không một bộ máy
tuyên truyền nào, không một công ty nào dùng tâm lý để khuyến dụ mình mua món
hàng mình không cần đến, hoặc bị nhồi sọ mà không còn lý trí để nhìn vấn đề.
Cái tu dưỡng này đã giải thích tại sao, dưới chế độ cộng sản nhồi sọ trẻ từ tuổi
nhỏ, thế nhưng thế hệ sinh sau 1975, vẫn có người vượt lên trên cái nhồi sọ đó
để đi tìm sự thật, đi tranh đấu cho công bằng, lẽ phải. Đó chính là sự tu dưỡng
ở ngay bản thân và nếu chúng ta có những con người Duy Dân thì chúng ta sẽ có một
chính quyền Duy Dân.
Nhìn được vấn đề phức tạp của con người, nhìn được vấn
đề thực tế là rất ít người có thể tự tu dưỡng để giác ngộ, để thắng được bản
ngã của mình -- cụ Lý cho rằng giáo dục rất quan trọng để có thể chuyển tải ý
tưởng Duy Dân vào mỗi con người. Cụ nhận định “giáo dục là khởi điểm và chung
điểm của chính trị”. Đúng vậy, chỉ khi nào có một nền giáo dục Duy Dân thì lúc
đó, người dân biết rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội và thiên nhiên; đồng
thời nhìn rõ trách nhiệm của xã hội, người cầm quyền đối với người dân cũng như
đất nước. Một nền giáo dục nô lệ, ngu dân như nền giáo dục ở VN thì sẽ tạo ra một
cơ chế chính trị nô lệ mà trong đó người bị trị (dân chúng) làm nô lệ cho cơ chế
chính trị. Ngược lại người thống trị làm nô lệ cho đồng tiền, quyền hành và từ
đó dẫn đến làm nô lệ cho ngoại bang mà đảng csvn là một thí dụ điển hình, là
thái thú thời đại của Trung Cộng.
Chỉ khi nào người dân ở đáy tầng thấu hiểu được căn bản
Duy Dân, rất là bình thường, rất là giản dị thì lúc đó người dân mới trực tiếp
tham dự vào tiến trình Nhân Đạo (đường sống) của chính mình và dân tộc mình. Chỉ
khi nào người dân làm chủ được chính mình (Nhân Chủ) thì lúc đó, một chế độ
Nhân Chủ Dân Chủ được hình thành. Dân chủ mà người dân không biết tự mình làm
chủ lấy chính mình thì nền dân chủ đó là dân chủ giả hiệu, bị các nhà chính trị
xoay dân như con rối vào mùa bầu cử. Và khi được thắng cử, họ làm ra luật mà
không cần quan tâm đến cuộc sống của người dân ra sao.
Giáo dục theo Duy Dân không đơn giản là giáo dục đến
trường học mà giáo dục đó là giáo dục từ chính bản thân (tu dưỡng bản thân),
giáo dục trong gia đình, giáo dục trong các đoàn thể, giáo dục ngoài xã hội, và
kế đến là giáo dục ở trường sở. Đây chính là nền giáo dục tổng thể chứ không phải
chỉ dựa vào giáo dục ở nhà trường như câu nói của ông Hồ Ngọc Đại tuyên bố mông
lung là chuyện giáo dục là của thầy cô chứ không phải là của bố mẹ, của xã hội.
Dĩ nhiên, khi có một con người Duy Dân thì tạo ra một
xã hội Duy Dân và sẽ sản sinh ra một chính quyền Duy Dân. Nhưng con người luôn
luôn có những Tham, Sân, Si cho nên một chính quyền Duy Dân vẫn có thể trở
thành một chính quyền đi ngược lại quyền lợi của người dân cho nên cụ Lý đưa ra
một Cơ Năng Hiến Pháp để bảo đảm chính quyền Duy Dân thực hiện theo đúng nguyện
vọng của đáy tầng. Cơ năng hiến pháp được hình thành trên căn bản Duy Nhân
Cương Thường. Cái căn bản Duy Nhân Cương
Thường đó ra sao?
“Duy nhân cương
thường ở cái hiệu lực của nó còn là bản lĩnh của chung cả loài người trong việc
đưa dắt, nắm giữ, vận dụng các thời đại trên các tác dụng tạo mệnh hay cách mệnh.
Cũng như danh giáo (lời dạy thánh hiền), nó là tiêu chuẩn vĩnh
viễn và chính trung nhất của đạo đức, tư tưởng, thái độ, hành vi riêng hay chung,
tinh thần hay vật chất. Mới xem ra, có thể tưởng lầm nó chỉ là một mớ đạo đức.
Nó phải trông theo một ý nghĩa và tác dụng hết sức rộng rãi, nó gồm cả nghĩa vụ,
quyền lợi và cơ hội thống nhất; chính trị, xã hội, kinh tế thống nhất; luân lý,
tôn giáo và pháp luật thống nhất; lịch sử, triết học và khoa học thống nhất. Nó
gọi là CƯƠNG THƯỜNG mà không phải đạo đức nghĩa hẹp, nó là tinh chỉ (ý
tứ tinh tế) của tinh chỉ luật pháp; tinh chỉ của tinh chỉ tập quán; tinh chỉ của
tinh chỉ tự nhiên; tinh chỉ của tinh chỉ luân lý, tất cả hợp nhất lại trên một
mối giềng đưa dắt người sống thực”. (xin xem một loạt bài viết về Duy Nhân
Cương Thường đăng trên Nganlau.com trong phần Lý Đông A).
Với hơn 600 trang
tài liệu về Duy Dân1 mà
tóm lại trong một bài viết như thế này, thành thật mà nói, không đủ. Đây chỉ là
những khái niệm để gửi đến thành phần đáy tầng, tức là thành phần dân chúng
bình thường hiểu sơ về Duy Dân. Duy Dân chẳng có gì là khó khăn mà Duy Dân có
thể khởi đầu từ chính bản thân mình, một đời sống Duy Dân, một quan niệm Duy
Dân, một suy nghĩ Duy Dân. Tất cả những điều này sẽ được mổ xẻ ở tương lai với
những bài viết Duy Dân dành cho những người bình thường tập sống và thực hiện
Duy Dân. Chỉ khi nào chúng ta có những con người Duy Dân thì lúc đó sẽ có một
xã hội Duy Dân. Từ một xã hội Duy Dân dẫn đến một chính quyền Duy Dân.
Để kết thúc bài viết
này với một câu nói của cụ Lý là “Mục tiêu của Duy Dân là cứu nước và giữ nòi”.
Đây là mục tiêu hiện tại. Mục tiêu lâu dài là tạo ra một nước Việt Nhân Chủ Dân
Chủ để hòa nhập vào thời đại 2000.
Vũ Hoàng Anh Bốn
Phương
Dallas, TX
Tháng 9 năm 2018
(Lịch Việt 4897)
Nguồn: https://nganlau.com/2018/10/01/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-duy-dan/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét