Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Đường Sống Việt Trước Ngưỡng Cửa Thế Kỷ 21: Con Người

Trên 1000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ, người Việt không bị đồng hóa chỉ bởi vì Việt tộc có văn hóa Việt. Nhưng nếu có văn hóa Việt mà không có Con Người Việt thì cái văn hóa đó sẽ chẳng giúp Việt tộc thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc.

Cần phải nhìn rõ vấn đề văn hóa và con người. Văn hóa là những sinh hoạt trong cuộc sống của con người để rồi trở thành những câu ca dao, tục ngữ truyền đến đời sau. Những câu ca dao, tục ngữ tuy rất bình thường nhưng nó nói lên cái Nhân Đạo (đường sống của Con Người) của Việt tộc. Đường sống của Con Người là gì? Hãy nhìn vào lịch sử Việt để thấy cha ông ta đã chọn cho chính mình một đường sống chứ không chấp nhận làm nô lệ. Chính những con người ở thời đại bị đô hộ thấy rằng mình phải giành lại quyền tự chủ cho chính mình và dân tộc mình, chứ không thể cúi đầu để cho giặc phương Bắc muốn làm gì thì làm.

Những con người đó đứng lên phất cờ khởi nghĩa, có thể vì tư thù cá nhân như trường hợp của hai bà Trưng. Tuy nhiên tư thù cá nhân chỉ là một trong nhiều nguyên do để hai bà Trưng đứng lên kêu gọi mọi người tham gia khởi nghĩa, giành lại quyền tự quyết cho Việt tộc. Tất cả các cuộc khởi nghĩa chống lại giặc phương Bắc đều bắt đầu từ những con người nhìn ra được sự thật là không ai yêu thương dân tộc mình bằng chính dân tộc mình và với tinh thần văn hóa Việt, chết vinh hơn sống nhục, tất cả các anh hùng của các thời kỳ Bắc thuộc đã liên kết với những con người khác hầu thực hiện chuyện đuổi giặc phương Bắc ra khỏi lãnh thổ Việt.

Những Con Người Việt này, sẵn sàng từ bỏ vinh quang phú quý (ta thà làm quỹ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc, Trần Bình Trọng), sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân, gia đình để đặt tiền đồ tổ quốc, tiền đồ của dân tộc lên trên cá nhân của chính mình (nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đây chính là những con người nhìn vấn đề ở dạng tổng thể (toàn vẹn, dài hạn) chứ không nhìn vấn đề ngắn hạn, chỉ lo cho bản thân của mình.

Hội Nghị Diên Hồng diễn ra dưới triều đại của Lê Thánh Tông để thấy các bô lão, tuy già yếu, nhưng khi hỏi nên hòa hay nên chiến với giặc Nguyên thì toàn thể bô lão lên tiếng là chiến. Vâng! Hòa để trở thành một tỉnh thành của Nguyên, hòa để Nguyên bắt triều cống thì đâu còn có sự độc lập. Hơn nữa, trong một tinh thần Nhân Chủ, mỗi người Việt phải làm chủ lấy chính mình trước mọi vấn đề. Chính vì cái tinh thần Nhân Chủ này mà các bô lão đã đồng thanh lên tiếng chiến thay vì là hòa. Trong cái Hội Nghị Diên Hồng của năm 1285 đã thể hiện được tinh thần Nhân Chủ Dân Chủ. Có nghĩa là khi mỗi con người Việt tự làm chủ được chính mình trong mọi tình huống mà không sợ bất cứ áp lực đàn áp nào thì lúc đó cái dân chủ trong Hội Nghị Diên Hồng diễn ra rất hợp với lòng dân, với đường sống của dân tộc Việt.

Chính những con người nhân chủ này mà Hịch Tướng Sĩ ra đời -- kêu gọi những tướng, lính, dân vẫn còn tham sống, sợ chết; vẫn còn đam mê những vật chất hiện tại mà không quan tâm đến đất nước -- để chỉ cho những con người này nhìn rõ được bản chất tàn bạo của giặc là những cái chúng ta hiện có sẽ mất khi đất nước không còn, khi quân Nguyên vào thì vợ con của ta sẽ là vợ con của giặc. Hịch Tướng Sĩ là phát súng bắn vào tri thức, tâm thức của những con người Việt vào thời đại đó, tham sống sợ chết; bắn vào tri thức, tâm thức của những người Việt để mọi người thức tỉnh, cùng nhau hợp lực chống lại giặc Nguyên, không khiếp nhược trước sức mạnh gấp vạn lần của giặc. Lại một lần nữa, giặc phương Bắc thất bại trước dã tâm xâm lăng nước Việt.

Con người Việt, từ những người lãnh đạo cuộc chống giặc phương Bắc đến những người không nằm trong vị thế lãnh đạo, tất cả là những con người Việt thấy rõ thân phận của chính mình và dân tộc mình. Những con người Việt thời đó thấy rằng im lặng không phải là giải pháp tốt trước sự đô hộ của giặc phương Bắc. Những con người Việt thời đó dù giàu có cách mấy cũng thấy rằng cái giàu có đó sẽ bị mất đi trước dã tâm xâm lăng của giặc phương Bắc. Những con người Việt thời đó dù không có học, chỉ là người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng quyết tâm chết vinh hơn sống nhục để rồi những con người đó tham gia vào cuộc chiến chống lại quân xâm lược phương Bắc.

Văn hóa Việt tạo ra hồn sử Việt. Hồn sử Việt tạo ra những con người Việt của thời kỳ Bắc thuộc để rồi chính văn hóa và con người Việt bật dậy cùng toàn dân giành lại quyền tự quyết cho chính mình và dân tộc mình. Vậy thì con người Việt của thế kỷ 21 này ra sao?

Hiện tại thì con người Việt đã hoàn toàn biến mất. Biến mất bởi vì khi văn hóa không còn là Việt mà là văn hóa ngoại vọng thì sẽ tạo ra những con người Việt ngoại vọng. Cái ngoại vọng đó đã đưa đến đất nước Việt đang đứng trước một hiểm họa bị đồng hóa rất nhanh, rất lẹ. Cái tinh thần ngoại vọng đó không những ở trong nước mà gồm cả người Việt ngoài nước. Cái tinh thần ngoại vọng đó không những xảy ra ở những người không có sự hiểu biết mà xảy ra ở những người có bằng cấp, có suy tư cao. Chính sự ngoại vọng đó mà chúng ta không nhìn lại chính mình, tự đánh giá chính mình và quên đi cái văn hóa Việt, cái đẹp của Việt, cái thâm túy của Việt là tại sao hơn 1000 năm Bắc thuộc, dân tộc vẫn không bị đồng hóa. Chính cái tinh thần ngoại vọng mà chúng ta không tham gia cuộc biểu tình mà chờ đợi người khác thực hiện biểu tình cho chính mình thay vì chính mình cùng mọi người thực hiện quyền biểu tình đã ghi rõ trong bản hiến pháp, trong bản công ước nhân quyền. Chỉ khi nào chúng ta sống với cái văn hóa Việt ở trong chúng ta, qua hồn sử Việt thì lúc đó chúng ta mới tạo được một con người Việt trong chúng ta, một con người Việt luôn luôn tự chủ bên trong tâm thức của mình và tự chủ trước mọi hoàn cảnh bên ngoài, không để hoàn cảnh biến chúng ta thành con người nô lệ, không sợ hãi bất cứ sự đàn áp nào mà dứt khoát sẵn sàng hy sinh bản thân cho thế hệ con cháu sau này.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta quên đi những con người Việt thật sự đang ở trong tù bởi những bản án bất công mà quốc tế gọi là tù nhân lương tâm. Nói thế không có nghĩa là chúng ta quên đi những người Việt đang sống trong nước nhưng luôn luôn tự mình làm chủ với chính mình mà không bị bộ máy tuyên truyền biến những con người Việt này thành nô lệ cho chế độ, cho đồng tiền, cho bộ máy cầm quyền. Những con người Việt này đã vượt lên trên được cái bản ngã của chính họ, không còn sợ hãi và giác ngộ với chính họ để họ sẵn sàng lên tiếng trước những bất công và nhận lãnh những trận đòn chí tử có thể mất cả mạng người. Đây chính là những con người Việt chọn thái độ chết vinh hơn sống nhục. Đây chính là những con người Việt của thời đại Lý-Trần-Lê, biểu tượng cho vết dầu loang để tinh thần Việt được lan rộng; để văn hóa Việt được phục hồi và lúc đó - một thế hệ mới với văn hóa Việt, con người Việt cùng nhau phục hồi lại đạo đức, xây dựng lại đất nước Việt trong một tinh thần Việt, kiến tạo một đất nước Việt Nhân Chủ Dân Chủ.  

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Dallas, TX

Tháng 8 năm 2017 (Việt lịch 4897)

Nguồn: https://nganlau.com/2018/09/15/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-con-nguoi/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...