1. ĐỘC LẬP THỰC TẠI
“Độc Lập nghĩa là tự mình sống, tự mình làm, tự mình thu xếp, đặt định lấy bước đi cho đúng nơi ăn chốn ở của mình, tự mình theo trí nghĩ của mình mà làm, tự có hướng sống mà mình vạch sẵn. Độc Lập như thế nghĩa là không để ai can thiệp, không dúng vào được những hành vi cử động của mình; và nhất là không một ai có thể dự vào mà tìm cách làm sai lạc nguy hại cho đời sống của mình. Độc lập theo đúng ý nghĩa ấy mới thật là độc lập hẳn hoi, Độc Lập Thực Tại”.
Trước khi có độc lập Dân Tộc thì mỗi cá nhân của tập thể dân tộc phải có ý thức tự chủ. Nếu đời sống hàng ngày của bạn còn nương tựa vào những ham muốn, đòi hỏi xa hoa… mà khả năng của bạn không thực hiện được, có nghĩa phải nương nhờ kẻ khác hay thờ ơ với đời sống, không biết phải làm gì. Đó là bạn đã mất độc lập rồi đó. Khi mỗi cá nhân đã tự đánh mất sự độc lập, tự chủ của mình thì cả dân tộc sẽ không còn khả năng tự quyết sinh mệnh của tập thể dân tộc và quốc gia sẽ suy vong.
2.
ĐỘC LẬP CĂN BẢN
“Độc lập phải có cỗi gốc tự dân chúng. Phải do dân chúng toàn thể tự mình gây lấy nền độc lập ấy. Dân chúng tự mình xét xử lấy đời sống của mình. Cái gì quy định, đặt rõ lấy quy mô mẫu mực, cách thức cho đời sống của dân chúng, đó là chính thể là hình vẽ của nền chính trị. Cái chính thể ấy phải tự dân chúng tự quyết lấy, thì nền Độc Lập mới gọi là có Căn Bản được”.
Tinh thần độc lập phải được chia xẻ cùng mọi người trong tập thể, trong xã hội trên tinh thần bình đẳng, không ép buộc, dọa dẫm, mua chuộc hay khủng bố. Tính chất công bằng, bác ái phải được thực hiện giữa con người với nhau trước khi bất kỳ một luật lệ hay Hiến Pháp nào xen vào. Nếu con người không đối xử với nhau qua tình người (nhân đạo) thì cho dù luật lệ nghiêm khắc, chu đáo đến đâu cũng không đem lại hòa bình, hạnh phúc cho xã hội. Đã có tư tưởng độc lập thì không thể bị đe dọa, mua chuộc hay khuất phục bởi thế lực quốc tế bên ngoài.
3.
ĐỘC LẬP CHÂN CHÍNH
“Nền độc lập ấy phải có giá trị
đối với các nòi giống dân tộc khác, phải bằng sự tranh đấu mà đạt tới làm cho
được công nhận, hoặc phải bằng sự khôi phục cái cốt cách sẵn có khiến toàn thế
giới đồng tình mà kết nạp. Quốc tế phải chân thành mà công nhận trên ba điều
là:
a. Dân tộc tự mình có năng lực
tự quyết lấy sự sống còn.
b. Dân tộc tự mình có quyền lợi
ngang hàng.
c. Dân tộc tự mình có một
danh dự của quốc dân đối với các quốc dân khác.
Điều quan trọng là nơi quốc tế
công nhận cái chủ quyền của nhân dân trên lãnh thổ mình đang sống.
Độc lập như vậy mới là độc lập chân thực, chính cốt, Độc Lập Chân Chính”.
Hiện
nay trên thế giới có nhiều quốc gia mới xuất hiện đòi độc lập. Chuyện khác biệt
chính kiến, ngôn ngữ ,văn hóa, tôn giáo... chỉ là lý do của các nhà chính trị
đưa ra để mê hoặc, khích động quần chúng. Liệu người dân có đủ khả năng để nhận
diện một nền độc lập chân chính hay không?
Hãy
nhìn các nước Phi Châu (Yemen, Sudan, Somalia, Libya..) và các nước Trung Mỹ (El-salvador, Honduras, Guatemala...) khi
chính quyền không điều hành nổi quốc gia khiến dân chúng phải bỏ đi vì thiếu an
ninh, việc làm ... thì "độc lập" để làm gì nếu chính quyền không đứng
vững nổi? Hay vẫn làm chủ nhưng không thể làm gì khác cho dân?
Vậy khi đòi độc lập thì người dân, đảng có ý thức khả năng quản trị đất nước sẽ như thế nào hay chỉ là “đi ăn mày” như CSVN hiện nay?
4.
ĐỘC LẬP SIÊU NHIÊN
“Độc lập không phải chỉ có đất
đai, đời sống bình thường và những công nhận chủ quyền trên quốc tế. Độc lập
còn phải tính đến cả việc không bị lệ thuộc vào văn hoá ngoại lai. Đời sống
tinh thần phải được hoàn toàn từ trí nghĩ, từ suy tưởng của mình, đặt định xây
dựng trên cái cốt cách của mình; và như thế vạch một chính nghĩa xứng đáng,
thích hợp đưa dẫn đời sống.
Độc lập như thế là linh hồn được giải phóng, quốc hồn được cởi mở, và tự mình đào tạo lấy văn minh độc đặc của mình, nắm giữ và vận dụng được. Đó là nền độc lập cao cả nhất, bao trùm hết. Một nền Độc Lập Siêu Nhiên”.
Thế
nào là siêu nhiên?
Khi
con người Tu Dưỡng vượt qua mức độ của vật chất của Hình Nhi Hạ (đất đai, tài sản,
ăn uống bình thường, những quyền, luật thông thưởng của xã hội) để nhìn vào thế
giới quan của Hình Nhi Thượng để thấy những gì thực sự cần thiết và thăng hoa
cuộc sống con người trong mọi mặt của đời sống.
Thí
dụ như ăn uống:
Con người ăn để sống nhưng khi thực phẩm dư thừa, con người bắt đầu đi vào phung phí với những món ăn cầu kỳ. Và khi giao thông và sự bảo quản thức ăn phát triển, các món ăn của các quốc gia được phổ biến rộng rãi đã khuyến khích con người tiêu phí năng lực vào kỹ nghệ thực phẩm thay vì dành thì giờ cho Tu Dưỡng.
Thí
dụ về giải trí:
Mỗi xã hội có nền văn hóa riêng: nghệ thuật, ca nhạc, hội họa, điêu khắc, giải trí…. Nhưng nếu con người nghệ sĩ thiếu Tu Dưỡng thì có những sáng tác chỉ thuần vay mượn, cóp nhặt để làm tiền, gây tiếng vang hơn là thực chất sáng tạo, giáo dục… Kỹ thuật truyền thanh, truyền hình giúp cho các sản phẩm phổ biến nhanh hơn, hấp dẫn hơn nhưng không thay đổi bản chất của sản phẩm trong việc giúp con người “sống biết, sống đúng, sống thực”.
Thí
dụ về kinh tế:
Chủ
nghĩa tư bản dựa vào phát triển kinh tế đem lại đời sống thịnh vượng cho người
dân. Khởi đi từ việc chiếm thuộc địa, nguyên liệu… cho đến gây ảnh hưởng chính
trị để chiếm thị trường. Nền dân chủ suy vong khi các nước nhỏ, tuy độc lập,
dân chủ nhưng bị kiềm chế về mặt kinh tế, tài chánh. Một khi cấu trúc kinh tế
theo mô hình tư bản (như là thị trường chứng khoán) thì mọi ảnh hưởng về phát
triển (growth) lãi suất (rate) trái phiếu (bond)… quyết định sinh tồn của một
chính quyền. Khi chính quyền liên tiếp thất bại vì kinh tế thì đất nước rối loạn.
Ngày nay, hàng năm, các nhà lãnh đạo thế giới về kinh tế, tài chánh, xã hội…họp
tại Davos, Thụy Sĩ, để tìm cách giải quyết những vấn đề của thế giới? Giải quyết
như thế nào khi lòng tham của con người vô tận?
Chỉ khi nào linh hồn con người, cá nhân, được giải phóng khỏi vướng mắc của đời sống vật chất và xã hội vượt lên trên các tranh chấp về tài nguyên, lãnh thổ, để bảo tồn thiên nhiên và giúp thế giới sống hòa bình thì con người mới an tâm với hiện tại hiện tiền. Tiến trình này đòi hỏi từng bước một để mỗi cá nhân ý thức và thử nghiệm trong cuộc sống của chính mình: những gì chính đáng, cần thiết (toại kỳ sở nhu) cho đời sống con người và xã hội. Rồi con người có thực lòng (tận kỳ sở năng) để tìm hiểu vấn đề gây trở ngại cho sự sinh tồn của nhân loại. Từ đó mỗi cá nhân mới ý thức vai trò bản thân (chính kỳ sở mệnh) không còn trong giới hạn quốc gia mà là phạm vi quốc tế, nhân loại.
Tinh thần độc lập của mỗi con người, xã hội, quốc gia vẫn còn nhưng đã vượt lên chi phối của thiên nhiên. Đó là siêu nhiên.
Trần Công Lân
Tháng
2 năm 2019 (Việt Lịch 4898)
Ghi chú: Những chữ trong mặc kép trích từ tài liệu
Đường Sống Việt của Lý Đông A
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/duongsongviet-versionlayoutednov2016.pdf
Nguồn:
https://nganlau.com/2019/06/01/duong-song-viet-doc-lap/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét