Mọi người dân Việt đứng trước sự thúc bách của thời đại, của chính đời sống mình, phải nhận thức được bổn phận, tìm tòi được đường lối, để quyết định một cử động lớn lao.
Tập Đường Sống Việt nêu lên những công việc cần thiết phải làm, cùng đường lối phải theo, sẽ đưa từng người đến cửa ngõ của giác ngộ Cách Mạng.
Một
Đường Sống Việt cho vững vàng chân thật.
Vấn đề phải quan tâm là Chính Trị và Cách
Mạng
A . “Nói tới Chính Trị và Cách Mạng
là phải nói tới Dân Tộc là vì bản vị bao giờ cũng là Dân tộc. Mà công việc
Chính Trị và Cách Mạng là phải phục vụ cho Dân Tộc. Ta cần biết làm thế nào để
đứng được trên bản vị Dân Tộc đó.
Phục vụ Dân Tộc là đưa Dân Tộc đến cõi gốc Độc Lập, trong tổ chức Dân Chủ, để đặt định Vận Mệnh của quốc dân. Cái ý nghĩa độc lập, vận mệnh và dân chủ phải phân tách cho rõ ràng thấu suốt”.
Dân
tộc là tập thể những người đơn hay đa chủng sống trên cùng lãnh thổ, cùng văn
hóa, lịch sử và chấp nhận những quy luật sống chung qua Hiến Pháp. Nhưng cá nhân (con người) sẽ như thế nào?
Bạn
có quan tâm đến chính trị không?
Làm
sao để mọi người dân ý thức được “chính trị” là sinh hoạt hàng ngày trong đời sống
của con người?
Nhiệm vụ của Duy Dân là đánh thức mỗi con người VN ý thức được “dân chủ” “độc lập”, “quốc phòng”, “kinh tế”… không có gì cao xa, ghê gớm mà đó chính là những gì họ (người dân) phải đối diện hàng ngày để có miếng cơm manh áo. Giúp cho họ hiểu tức là đã đem Duy Dân vào đáy tầng. Một khi đã ý thức, người dân sẽ đặt câu hỏi và tìm câu trả lời. Một khi tầng lớp lãnh đạo không có câu trả lời thích đáng cho người dân thì cơ hội cách mạng sẽ xảy ra.
B . “Nhưng công cuộc phục vụ cho Dân Tộc mà muốn được tiến mạnh, có thúc đẩy đúng đắn, có khung cảnh đường lối vững vàng chắc chắn, phải có một tổ chức theo một lập trường, đó là Đảng”.
Không
phải bất cứ người dân nào cũng thấu suốt những vấn đề của đất nước, dân tộc. Để
giải quyết bế tắc của một dân tộc qua nhiều thế hệ đòi hỏi suy nghĩ thấu suốt,
triệt để qua tầm nhìn, lý luận của triết học để thành một chủ nghĩa và thực hiện
bởi tổ chức (đảng). Vậy nếu có đảng thì đảng viên (con người) sẽ như thế nào?
Đảng
là tập hợp của những con người có quyết tâm, có thiện chí và tinh thần hy sinh,
tu dưỡng cao độ.
Lịch
sử đã cho thấy các cuộc cách mạng trên thế giới xảy ra và rồi suy thoái vì thiếu
nền tảng vững chắc hay xây dựng con người cách mạng đúng nghĩa.
Vì vậy Duy Dân đã đặt trọng tâm vào Tu Dưỡng Thắng Nhân và tuy LĐA đã viết rất chi tiết về Tổ Đảng, chủ trương của Duy Dân không đặt nặng việc nắm quyền.
C . “Nói đến Đảng là nói đến Chủ Trương, Đường Lối phải trái như thế nào, và thế nào là Nhân Vật chân chính”?
Vậy
thế nào là nhân vật (con người) chân chính để chọn chủ trương, đường lối?
Trong
“Tu Dưỡng Thắng Nhân” (TDTN) LĐA không đưa ra chương trình rõ rệt như học đường,
nghĩa là có lớp, thời gian và nếu đã đi qua là coi như thông suốt. TDTN không phải như vậy. Đó là “sống biết, sống
đúng, sống thực” và như vậy nó kéo dài suốt cuộc đời của một con người. Đó là
nhân vật “chính’’ để thực hiện tư tưởng Duy Dân (LĐA). Đó không phải là đảng
trưởng, lãnh tụ… như các đảng chính trị trong quá khứ.
Đảng
chính trị thường dựa vào chính sách (policy) hay chủ trương, đường lối của tầng
lớp ưu tú (elite) và khi không đáp ứng nhu cầu quần chúng, xã hội đòi hỏi -- tầng
lớp ưu tú phản ứng theo thông lệ: khả năng và kiến thức của họ. Yếu tố dân (đáy
tầng) biến mất.
LĐA không đi vào “chủ trương” “đường lối” của đảng mà
chỉ nhấn mạnh đến “Gốc”.
“Tất cả để xây dựng nên một nền
tảng Quốc Phòng và toả ra những Khẩu Hiệu thiết thực”.
Vậy thì "xây dựng một nền tảng quốc
phòng" và "khẩu hiệu" đều do con người thực hiện:
Con người là quan trọng. Vậy người Việt phải biết gì, làm gì?
I. CHÍNH TRỊ
1. CHÍNH TRỊ CÔNG DÂN
“Người là một động vật và hơn các động vật khác là người biết tổ chức đời sống mình, biết tìm cách làm tồn tại giòng giống mình. NGƯỜI, vì thế gọi là chính trị động vật. Chính trị xem đó là cái điểm đặc biệt biểu hiện rõ sự sống và giá trị con người của quốc gia. Làm người, nhất là làm quốc dân, phải đứng dậy phục vụ cho quốc gia, phải tham dự chính trị, vì không thế thì không bảo là hơn loài vật được”.
Vậy
con người sống trong một xã hội, quốc gia, đương nhiên có bổn phận chính trị
trước khi có Hiến Pháp, bất kể sắc tộc, trình độ học vấn, nam hay nữ, khỏe mạnh
hay khuyết tật...
Không
vì một lý do gì con người hưởng quyền lợi do xã hội, quốc gia đem lại mà từ chối
trách nhiệm đóng góp cho xã hội, quốc gia (đóng thuế, quân sự...).
Tuy con người ưu việt hơn các động vật khác nhưng không vì thế tận diệt các loài khác. Khi thiên nhiên nuôi dưỡng muôn loài thì sự bình đẳng giữa muôn loài cần duy trì để bảo vệ sự phát triển của thiên nhiên. Con người không thể dựa vào lòng tham (phát triển khoa học hay kinh tế) để hủy diệt thiên nhiên. Và như vậy con người phải có ý thức chính trị trong cuộc sống hàng ngày.
2. CHÍNH TRỊ HẰNG NGÀY
“Chính trị không phải là công việc cao siêu ghê gớm, lớn lao, khó khăn, xa lạ. Chính trị ở ngay trong đời sống hàng ngày của mình, ở ngay cơm áo. Đói rét mà chịu một bề, nhục nhã mà cúi đầu im lặng, không biết đứng dậy đòi lấy sự sống còn, mà xếp đặt cho quốc gia được no ấm; đó là hại cho mình và hại cả dân chúng, tức là phản mình và phản dân chúng”.
Mọi hoạt động của cá nhân trong đời sống hàng ngày, khi tiếp xúc hay thừa hưởng tài sản vật chất, tinh thần từ người khác, với người khác, nơi khác đến...đó là chính trị, đó là văn hóa. Do đó cá nhân phải ý thức về đối tượng (con người mình tiếp xúc hay sản phẩm mình tiếp nhận) về giá trị, về nhu cầu, về tương quan giữa hai cá thể và tổng thể xã hội.
3. CHÍNH TRỊ PHONG CÁCH
“Chính trị ở ngay sự giữ gìn lấy phong hoá, trình độ sống phải đúng đường của mình. Phải bảo vệ lấy luân lý, cái lẽ sống xứng đáng của con người gọi là Nhân Luân. Cũng cần phải cố lấy lại cái cốt cách, sự cư xử giao thiệp trang trọng của con người, gọi là Nhân Cách, thì mới mở rộng, làm cho ăn sâu được công đức ở nơi quốc dân. Như thế mới mong đạt được mục đích chính trị. Sự sống không có cốt cách con người, nhất là cái Quốc Cách, như thế thì không có gì sáng sủa đẹp đẽ, xứng đáng, không đưa người ta đến đâu, mà trái lại có thể làm hại được nữa; đó cũng là phản dân chúng”.
Con
người sống trong xã hội phải tôn trọng sự tự do, bình đẳng, độc lập của mỗi cá
thể. Tuy có tự do ngôn luận, hội họp... đưa đến khác biệt nhưng phải là "đối
lập thống nhất", còn nếu là để hủy diệt lẫn nhau thì không thể xây dựng
hòa bình và thịnh vượng. Và đó cũng là lý do xã hội có luật pháp, quốc gia có
Hiến Pháp. Và để có luật pháp chung, con người phải tham gia chính trị để thực
hiện hệ thống pháp luật.
Cho nên nếu con người tốt (có nhân cách, nhân luân, nhân bản...) thì cả xã hội, quốc gia sẽ tăng tiến, thịnh vượng và ổn định.
4. CHÍNH TRỊ SINH MỆNH
“Trong thời đại này, tới giờ
phút hiện tại đây, loài người đứng trước ba nền tảng suy nghĩ và bàn luận về sự
sống còn của con người; ba nền triết học tiền tiến nhất là Duy Tâm, Duy Vật,
Duy Sinh. Đó chỉ là những thuyết thiên lệch về sự sống của con người. Thật ra, người
sống người với ý nghĩa rằng tự người, với tất cả mọi điều kiện, với
tổ chức đã thành trong sự kết cấu nên hình thể. Người tự chi phối lấy vận mệnh
mình về đủ mọi phương diện, kể cả Tâm-Sinh-Vật.
Cho nên áp dụng sống theo một
triết học thiên lệch nào là không ăn đúng với tổ chức con người. Đó là đi ngược
lại đường lối chính trị, tức là phản chính trị”.
Khi nhân loại còn sơ khai đã dựa vào tôn giáo và thần
thánh, thượng đế xuất hiện trong đời sống văn hóa con người. Sinh mệnh con người
nằm trong tay thượng đế và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ngày nay loài người tiến
bộ để từ từ thoát khỏi sự kềm tỏa của tôn giáo. Con người đủ khả năng lý luận
triết học để phác họa cuộc sống của nhân loại sẽ như thế nào trong tương lai và
con người tham dự chính trị để thực hiện.
Kinh nghiệm của loài người qua các triết học Duy Vật,
Duy Tâm, Duy Sinh... cho thấy con người cần làm chủ sinh mệnh của mình, cả Tâm
lẫn Vật lẫn Sinh. Mỗi cá nhân phải làm chủ "sinh mệnh tâm lý" vì nếu
không sẽ chỉ là nô lệ (tích cực: hăng say, đam mê nhưng không tự chủ hay tiêu cực: bị lôi cuốn, thụ động, không biết phản kháng
ra sao) cho cá thể khác khai thác và sử dụng. Khi đó quyền lợi chính trị, sinh mạng bản thân
của bạn không còn được bảo đảm sẽ phù hợp với những gì bạn mong muốn.
Một khi mỗi cá nhân lơ là nhiệm vụ chính trị sẽ dẫn đến xã hội bị cai trị bởi chế độ độc
tài. Và để thay đổi, chỉ còn con đường CÁCH MẠNG.
Trần Công Lân
Tháng
2 năm 2019 (Việt Lịch 4898)
Ghi chú: Những chữ trong mặc kép trích từ tài liệu
Đường Sống Việt của Lý Đông A
https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/duongsongviet-versionlayoutednov2016.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét