II. Những căn bản nguyên lý
1. "Cái gắng sức duy nhất của xã hội thời đại, văn hóa và lịch sử là theo đuổi để đạt tới sự phát triển phạm trù con người, tạo tựu con người điển hình đến sự chung cầu lý tưởng con người."
Theo Lý Đông A thì nguyên lý (1) vạch mục tiêu của xã hội, văn hóa và lịch sử là phát triển con người (hướng thượng), đi tìm một khuôn mẫu về con người mà mọi người có thể chấp nhận (chung cầu) là lý tưởng theo đuổi. Đó phải chăng là mục tiêu của con người và xã hội: tự tìm kiếm và xây dựng một mẫu người sống trong xã hội và được xã hội chấp nhận. Một xã hội có văn hóa phải chăng là một xã hội mà trong đó cá nhân biết xử sự, sống một cách thích hợp cho mình, và hòa đồng được với xã hội. Đây là cái Lý Đông A gọi là chân ý nghĩa của nhân sinh đồng thời là căn bản luật tắc trong cuộc sống con người về lịch sử (tiến trình đã qua) và mục đích của cuộc sống: công năng và hiệu lực. Căn bản luật tắc chỉ là công thức tổng quát mà bạn có thể tự điều chỉnh (input) cho mình qua giáo dục trong cuộc sống và được đánh giá bởi hiệu năng (sự cố gắng của bản thân và kết quả (output)). Bạn không thể làm qua loa và khi không có kết quả thì đổ thừa tại xã hội, nhà trường, hay chính quyền.
2. “Cái gắng sức duy nhất của con người là hoàn thành trên căn bản thân mình một sinh mệnh chủ thể rất sáng suốt và mạnh mẽ, một sinh mệnh hệ thống rất thông đạt và nhiều tầng, nhiều cách biểu hiện với phát huy một sinh mệnh cơ cấu rất linh hoạt” .
Nguyên lý thứ (2) dựa vào nguyên lý (1) khi con người đi tìm một khuôn mẫu cho mình thì Lý Đông A đòi hỏi chính thân mình một căn bản mà ông gọi là "sinh mệnh chủ thể" để đánh động ý thức cá nhân là bạn có làm chủ bản thân bạn chưa? Nó có tỉnh táo và mạnh mẽ để tự chủ những gì bản thân bạn sẽ làm trong cuộc sống hay không? Nó có biết cuộc sống trước mắt là một hệ thống mà Lý Đông A gọi là "sinh mệnh hệ thống" vì nó có nhiều tầng, nhiều cách biểu hiện để phát huy những cơ cấu (sinh mệnh cơ cấu) rất linh hoạt, bén nhạy. Nếu bạn chỉ biết là bạn có một thân xác (chủ thể) mà bạn không biết nó được thành hình như thế nào, hoạt động ra sao, có những đặc tính gì thì làm sao bạn tận dụng các cơ cấu đó trong hệ thống của cuộc sống và kết quả đời sống bạn sẽ không được tốt đẹp như bạn mơ tưởng. Như một người có thân xác và trí óc mà không biết ăn, ngủ, làm việc như thế nào vì không biết các cơ phận trong thân thể hoạt động ra sao. Đó là tại sao Lý Đông A đòi hỏi "tinh thần và thể xác phải đối lập thống nhất". Về thể xác thì con người giống nhau. Tâm (tinh thần) và Thân (vật chất, thể xác) phải thống (hợp) nhất nếu không thì sẽ là người mê sảng, điên loạn. Vậy Sinh Mệnh Chủ Thể, Hệ Thống và Cơ Cấu là thuộc phần Thân thì rõ ràng nhưng về Tâm thì hơi mơ hồ. Nếu muốn tìm hiểu Tâm quả có một chủ thể, hệ thống và cơ cấu thì có lẽ bạn phải tìm vào Phật học mới hiểu rõ hơn về những trạng thái của Tâm.
Trong phần này có đoạn "...chủ ngã hợp lý, tối cao và thống nhất, một chủ ngã viên mãn và siêu nhiên..." có thể là diễn dịch (hay thêm vào) hơi quá của người sau. Lý do:
Chủ ngã hợp lý và thống nhất với bản thể thì chấp nhận được. Nhưng tối cao là thế nào? Phải chăng vì muốn đi xa hơn tối đa nên là tối cao. Tối cao, viên mãn, siêu nhiên là những từ ngữ dùng trong tôn giáo để ám chỉ vị lãnh đạo tôn giáo, của đấng giác ngộ. Trong khi đó, Lý Đông A (trong tài liệu này, Sinh Mệnh Tâm Lý) mới chỉ đề cập tới nguyên tắc thứ hai mà đã đòi hỏi cá thể phải đạt mức độ "Tối cao, viên mãn, siêu nhiên" là của các bậc lãnh đạo tôn giáo chứ không phải là của kẻ đang cầu học để làm chủ bản thân. Mà nếu mỗi cá nhân chỉ mới hoàn thành "sinh mệnh chủ thể" đã phải đạt đến trình độ như vậy thì ai sẽ nghe ai? Vì ai cũng là "thánh nhân" hết cả rồi?
Nếu cho là của Lý Đông A thì làm sao để hiểu biết về một "...chủ ngã hợp lý, tối cao và thống nhất, một chủ ngã viên mãn và siêu nhiên..." nếu không biết về Tử Vi? Vì biết về Tử Vi mới hiểu chủ thể (bản thân) hợp ngã (cái tôi đang có) được diễn tả qua 12 cung Tử Vi một cách hợp lý (dĩ nhiên bạn phải biết và trải qua mới thấy hợp lý). Còn "tối cao và thống nhất" thì có lẽ bạn phải tới tuổi 60 mới tri thiên mệnh về lá số và cuộc đời của bạn (nếu ngày sinh, giờ sinh của bạn không sai lạc). Phần "viên mãn và siêu nhiên" thì xin để ai đã viên mãn và thấy, hiểu siêu nhiên là gì sẽ giải thích (liệu có cần giải thích không khi bạn không đạt/hiểu thì có nói cũng bằng không vì đó là kinh nghiệm bản thân).
Vậy thì Sinh Mệnh Chủ Thể chỉ có thể là làm chủ thân của mình trước qua sinh mệnh hệ thống: cơ thể có những hệ thống (hô hấp, tuần hoàn...) và sinh mệnh cơ cấu (cơ cấu các hệ thống đó) ra sao. Có hiểu chúng sinh hoạt ra sao thì mới có vấn đề tìm hiểu tâm lý để kiểm soát và điều động chúng.
3. “Căn nguyên duy nhất của vũ trụ, xã hội và sinh mệnh là Âm với Dương hỗ tương nguyên nhân, hoàn thành tất cả nội dung của đại hóa" .
Đây có thể là nguyên văn của Lý Đông A. Vậy Lý Đông A biết luật Âm Dương và những biến hóa của nó. Và Lý Đông A chỉ nói có vậy. Ai biết Âm -Dương thì tự hiểu, không phải giải thích nhiều. Nhưng Lý Đông A đã đi xa hơn để giải thích "những sinh mệnh cơ cấu và duyên trường" trong nguyên tắc (4).
4. Hiện tượng quán triệt trời đất, vạn vật có Âm Dương, chia và hợp (sinh khắc) mà thành hết thảy sinh mệnh.
a. Thiên tính thứ nhất của loài người là phồn chủng (tình yêu, sex).
Con người đi đến tranh chấp, chiến tranh cũng vì tình dục. Tôn giáo được đặt ra cũng là để kiềm chế tham vọng của con người. Con người có thể ăn uống kham khổ nhưng không thể thiếu tình dục. Nếu xã hội không điều hòa (giáo dục, luật lệ, phong tục...) con người về mặt tình dục sẽ gây rối loạn. Sự kiện các nước tân tiến ngày nay rơi vào tình trạng lão hóa vì dân mãi lo làm ăn, áp lực xã hội và kinh tế quá nặng gây trở ngại cho tuổi trẻ muốn lập gia đình. Mặt khác các nước nghèo không kiểm soát về dân số nên đã không đủ ăn lại còn bị nhân mãn. Thêm vào đó tôn giáo khuyến khích sinh đẻ và cấm ngừa thai cũng góp phần vào khủng hoảng tâm lý con người và xã hội. Nếu quả như Lý Đông A nói phồn chủng là Thiên tính của loài người thì nguy cơ diệt vong của loài người không phải là tỷ lệ sinh thấp mà là chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai.... Con người có thể chống lại thiên tai, bệnh dịch nhưng chính con người tạo ra chiến tranh. Chu kỳ hoàn tất. Bạn có lời giải đáp chăng?
b. Cái thiên tính phụ đới là ý thức kinh tế.
Chính vì có gia đình, con cái nên con người phải lo ăn nhiều hơn là một cá thể (cá nhân bạn có thể nhịn đói, khát nhưng bạn không thể bắt con cái bạn nhịn đói khát). Do đó ý thức kinh tế phát sinh nhu cầu con người phải lo xa hơn nữa về sự phát triển (khoáng trương) và gìn giữ lâu dài (duyên trường). Nhưng khi tài nguyên có giới hạn thì sự chiếm hữu tài nguyên vượt quá nhu cầu bản thân, gia đình thì sở hữu đó trở thành vũ khí tiêu diệt những người kém may mắn, khả năng trong xã hội, hay dân tộc khác. Một khi xã hội rơi vào chiến tranh thì tài sản của bạn có được bảo đảm hay không?
c. Một khi đã xã hội hóa thì các điều kiện hợp tác, công vệ (lấn tới để tìm kiếm thêm) và tự vệ (bảo vệ những gì đã có) dẫn tới sự sáng tạo, cải thiện để thăng tiến xã hội. Lý Đông A đã nói tới tính chuyển dời, tác dụng thay đổi và thăng hoa đã tạo ra sự xã hội hóa. Vì nếu nhu cầu hợp tác của mỗi người đối với nhau đòi hỏi sự chuyển dời (từ thôn quê lên thành thị), làm thay đổi lối sống và nếu đã thay đổi thì tất nhiên phải tốt đẹp hơn (thăng hoa).
Khi Lý Đông A nói đến thiên tính là tính trời (tạo hóa, tự nhiên) ban cho loài người. Vì con người có suy nghĩ nên kết thành xã hội, nên di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác mà họ nghĩ rằng sẽ tốt cho cuộc sống, nếu thất bại họ sẽ sửa đổi, cố gắng hơn. Nếu thành công thì họ sẽ tiếp tục trao truyền cho người đời sau qua giáo dục vì đó là tâm lý con người.
5. Căn nguyên sinh mệnh là sự kinh qua các hình trạng và tác dụng phát triển mà đi đến thăng hoa tác dụng.
Cuộc sống là kết tụ của những gì đã học hỏi trong đời sống hàng ngày. Từ những hoạt động đó phát sinh điều kiện tâm lý cho mỗi cá nhân: cùng là một sự kiện xảy ra nhưng có thể tạo ảnh hưởng tâm lý khác biệt cho mỗi người. Con người phải trải qua các kinh nghiệm trong cuộc sống để biết thế nào là tốt, xấu. Khi đã có kinh nghiệm thì con người sẽ chọn lựa cái tốt, cái đẹp. Đó là thăng hoa.
a. Khí với huyết ngưng thành tinh, tinh với khí hợp thành thần (?)
Câu này đã được thấy trong các tài liệu nói về tu theo đạo tiên (Âm Dương của Lão Tử) và trong các phái Thiền (Phật gia) cũng như các phái Yoga (Ấn Độ). Câu hỏi đặt ra là có phải đến từ Lý Đông A hay không? Tu luyện có thần để làm gì? Người đi tu thì không màng việc đời. Người lo việc đời thì không thể tu được. Lý Đông A là người hiểu và biết thì không thể chỉ bảo người sau làm chuyện ba phải như vậy được. Ở đây chúng ta thấy yếu tố 3* (Phật học) xuất hiện. Mong rằng các bạn sẽ có ý kiến khác.
Nếu quả là Lý Đông A viết ra thì tại sao không thấy giải thích luyện thần để làm gì? Đạt đến siêu nhiên chăng? Hay được gán ép vào bởi người đời sau cho thêm phần nặng ký? Nhưng vì cóp nhặt nên họ cũng chẳng giải thích vì họ có đạt đến trình độ đó đâu để mà giải thích? Và nếu có giải thích (theo quan niệm của Phật học) thì các tôn giáo khác có chấp nhận không? Đi vào tranh luận để thắng chứ không phải để thấy sự thực là điều mà các triết gia Đông-Tây đã vấp phải và Lý Đông A không muốn theo vết xe đổ.
b. Sinh lý, tâm lý với xã hội sinh hoạt kiến thiết thành một chủ thể nội tại. Chủ thể có tác dụng: Chí, Tính, Ý. Chủ yếu của ý chí là suy động, phát huy các công năng khác của sinh mệnh.
Khi sống trong xã hội thì yếu tố sinh lý, tâm lý của một cá thể đối với xã hội sẽ khác, nó tạo thành một chủ thể nội tại để nhìn ra bên ngoài xã hội qua Chí (có quyết tâm), Tính (sự phát động không suy nghĩ) và Ý (hành động có suy nghĩ). Từ đó các sinh hoạt (công năng) của cá thể trở thành sinh mệnh (cuộc sống).
c. Phần này lại rơi vào tình trạng giống như phần a ở trên: Vật chất tầng, Tinh thần tầng, Tinh tú tầng... vía, phách và đạt ma (tối cao và viên mãn) có phải từ Lý Đông A viết ra hay không? Tại sao Lý Đông A muốn người đời sau phải đạt tới mức độ của những người đi tu (xuất thế gian)? Nếu đạt tới mức độ đó thì họ có còn ý định thực hiện cách mạng hay không? Hay trở thành nhà truyền đạo? Muốn hiểu thì phải tìm đến Phật học. Bạn có thể chấp nhận ý kiến, lý luận mà không rơi vào tranh chấp tôn giáo hay không? Nếu tu mà tới trình độ như vậy thì có còn thiên kiến hay không? Nếu quả thực Lý Đông A đề nghị như vậy, tất nhiên Lý Đông A phải biết hậu quả.
Chúng tôi không có câu trả lời.
Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải(P4)
Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)
Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/07/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p3/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét