B. Những nguyên lý sống thật của tư tưởng Nhân Chủ
Cơ Năng và Bản Vị
Mỗi cá nhân trong xã hội là một bản vị của chính mình và là cơ năng của xã hội. Phải là bản vị của chính mình trước, thật hoàn hảo của một bản vị, để từ đó mới có thể trở thành một cơ năng trong bộ máy xã hội nhằm giúp mọi người trong xã hội cùng tiến. Một bản vị thật hoàn hảo hiểu theo nghĩa một Con Người có tu dưỡng (cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ) ở mức độ thấp nhất là sống Thiện. Tùy theo cái gốc tu dưỡng của chính bản thân ra sao để dựa vào đó trở thành cơ năng của xã hội.
Phải nhận diện bản vị của chính mình ở mức độ nào qua sự tu dưỡng ở chính bản thân -- để từ đó thấy được khả năng của chính mình hầu đóng góp đúng vào trong bộ máy của xã hội. Mỗi cơ năng trong xã hội đòi hỏi mức tu dưỡng khác nhau. Càng ở vị trí quan trọng trong bộ máy xã hội thì cái gốc tu dưỡng phải cao nếu không sẽ nguy hại đến nhiều người.
Thí dụ bạn sinh ra bị tàn tật. Cái tàn tật đó sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản vị hoàn hảo của chính bạn. Bạn biết mình tàn tật thì bạn sẽ cố gắng dùng ý chí của mình để vượt lên những trở ngại tàn tật đó hầu giúp bạn sống là một con người bình thường. Anh Nick Vujicic, người sinh ra thiếu hai chân, hai tay nhưng anh vẫn sống đời sống bình thường như mọi người; cũng có vợ và bốn con (1). Anh vẫn đi làm như mọi người và công việc làm của anh phù hợp với khả năng của chính anh. Anh đã đóng góp đúng vị trí của mình trong cái cơ năng của xã hội để khuyến khích, ủng hộ tinh thần cho những người trẻ khác; tàn tật hay không tàn tật có đủ ý chí vươn lên trong cuộc sống. Sự tàn tật về mặt thể xác không cản trở anh Nick thành một bản vị hoàn hảo của chính anh trong cuộc sống của Người và trở thành một cơ năng trong bộ máy xã hội để giúp những người khác trong việc vượt lên những trở ngại trong cuộc sống, để sống một tinh thần tự chủ.
Cơ Năng và Bản Vị được áp dụng trong mọi thứ trong cuộc sống. Từ sự hình thành ra những sản phẩm cho đến xã hội, cơ cấu chính quyền đều nằm ở nguyên lý Cơ Năng và Bản Vị. Chỉ khi nào mọi người nhận diện ra được bản vị của chính mình và từ đó sẽ thấy được khả năng của chính mình ra sao để đóng góp cho đúng vị trí (cơ năng) của mình trong bộ máy xã hội. Đặt sai vị trí trong xã hội sẽ làm xáo trộn xã hội đó là sự thật. Bạn không thể nào chọn một ông bác sĩ đi làm ruộng bởi sẽ không đạt được hiệu quả cao bằng bác nông dân. Bạn không thể đem bác nông dân đi làm cương vị bác sĩ bởi sẽ giết người như chơi.
Thấu hiểu được nguyên lý Cơ Năng và Bản Vị để biết xét chính mình và xét toàn xã hội hầu biết sai trái chỗ nào để sửa chữa cho kịp thời. Thấu hiểu Cơ Năng và Bản Vị để thấy các bản vị của những quốc gia hợp lại thành bản vị thế giới và các quốc gia là những Cơ Năng trong tương quan của Bản Vị thế giới để có lối ứng xử phù hợp với Duy Nhân Cương Thường, không tạo ra sự xung đột, tranh chấp quyền lợi tài nguyên, thiên nhiên.
Cơ Năng và Bản Vị thể hiện trong sự hình thành hình hài của mỗi người, của vật chất. Thí dụ bản vị của mỗi cá nhân được kết hợp bằng nhiều Cơ Năng (tim, phổi, gan, óc, chân, tay …) trong cơ thể để tạo nên hình hài của cá nhân đó. Bản vị của chiếc xe được tạo nên bởi những Cơ Năng như bánh xe, thắng, đèn v.v… Đây là nguyên lý sống thực và được áp dụng trong cuộc sống loài người gồm cả cơ cấu của công ty và chính quyền.
Ỷ tha, tự kỷ, động tha
Đây là nguyên lý tác động giữa cá nhân với xã hội và ngược lại. Tác động này có thể là xấu và cũng có thể là tốt tùy theo tinh thần tự kỷ của cá nhân có đủ lực trong việc tu dưỡng để không bị cái xấu ở xã hội tác động vào chính bản thân mình.
Ỷ tha tức là dựa vào người khác để tự chính mình tự kỷ. Tự kỷ tức là mình tự hỏi ở chính mình, qua những quan sát, những tác động từ bên ngoài vào chính bản thân mình. Tự kỷ để hỏi chính mình là hành động nào thích hợp nhất mà không vi phạm Duy Nhân Cương Thường. Khi tự chính mình đã có suy nghĩ chín chắn để đi đến hành động đúng thì sẽ tạo động tha (tác động) ở những người khác, tức là hành động của cá nhân sẽ tác động vào tập thể.
Ngay từ sự hình thành những tế bào của một con người đã nhờ vào (ỷ tha) tinh trùng của người cha và cái trứng của người mẹ để từ đó tạo sự thụ thai. Sự thụ thai phải nhờ vào thân thể người mẹ, sự ăn uống của người mẹ để hình hài của một hài nhi được tạo thành. Và sự ra đời của đứa trẻ rời khỏi bụng mẹ nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Tất cả tiến trình từ lúc sinh ra, cho đến lúc trưởng thành và chết, mỗi cá nhân đều nhờ vào (ỷ tha) những người sống trong xã hội đó là luật thực tế của đời sống.
Sự nhờ vào đó ảnh hưởng đến sự xét lại (tự kỷ) ở chính bản thân để nhìn cái nào đúng, cái nào sai hầu tránh cái sai và thực hiện cái đúng phù hợp với Duy Nhân Cương Thường. Đây là một tiến trình của nội tâm để tự mình xét lại chính mình và tiến trình này ảnh hưởng đến cái gốc tu dưỡng ở tương lai của mỗi người. Giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng lớn gồm xã hội giáo dục, gia đình giáo dục, trường học giáo dục, tự giáo dục) đóng một vai trò rất lớn để phát triển hay hủy diệt khả năng xét lại (tự kỷ) của mỗi người.
Nhiều người Việt, thay vì tự xét chính mình khi ai đó lên tiếng phê bình thì lại dùng thành ngữ để biện minh việc làm của chính mình. Hai câu thành ngữ đã bị hiểu lầm mà chính người sử dụng không biết đấy là “đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy” hoặc “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Hai câu này đưa ra lối ứng xử trong sự lựa chọn. Bạn chọn áo cà sa hay bạn chọn áo giấy? Bạn chọn gần mực hay chọn gần đèn? Nếu bạn chọn “mực” hay chọn “ma” thì chắc chắn người bạn sẽ bị đen và bạn chỉ mặc áo giấy thôi chứ không thể nào đủ tư cách để mặc áo cà sa. Đó là sự lựa chọn chứ không phải sống đúng theo xã hội (nghĩa là xã hội đen, hoặc xã hội ma thì mình phải hòa vào đó để thành đen hay ma) để rồi biện minh cho hành động sai trái của mình. Dĩ nhiên có những trường hợp không có sự lựa chọn (thí dụ sống trong chế độ cộng sản mà sự nói dối, vô đạo đức trở thành bình thường) nhưng cha ông ta cũng có câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Câu nói đó được chứng minh tại sao một số người sống trong xã hội cộng sản nhưng họ đạt được tự kỷ cao để bản thân không dính bùn hoặc hôi mùi bùn, sẵn sàng lên tiếng chống lại cái ác dù biết rằng bản thân mình sẽ bị tù đày bởi đánh lên tiếng chuông thức tỉnh mọi người.
Tự xét (tự kỷ) lại mình để chính mình tạo ra bản vị của mình (xấu hay tốt) để tạo ra động tha (tác động vào xã hội), từ cái hình ảnh (xấu-tốt, thiện-ác) của cá nhân sẽ tác động vào xã hội. Những người không có sự tự kỷ, sẵn sàng xài bạc giả bằng những thông tin giả tung lên mạng xã hội sẽ tác động vào một số người thiếu bản năng tự kỷ để tin theo và tiếp tục phát tán những thông tin giả để làm loạn xã hội. Hình ảnh bạo động tại căn nhà Quốc Hội của Hoa Kỳ là thí dụ cho thấy tinh thần tự kỷ một cá nhân lãnh đạo không có, đưa thông tin giả về bầu cử gian lận để rồi sách động (động tha) một số đông, không có tính tự kỷ, tham gia vào cuộc bạo động, phản lại tinh thần dân chủ.
Nguyên lý Ỷ Tha, Tự Kỷ và Động Tha là nguyên lý của đời sống con người để tạo ra xã hội tốt hay xấu dựa vào tính tự kỷ của mỗi cá nhân trên tinh thần gốc (cái gốc của Tu Dưỡng) đã nói ở phần đầu. Cái chu kỳ của nguyên lý này luôn luôn xảy ra và tác động lẫn nhau và chỉ chấm dứt khi cá nhân không còn hơi thở trong cuộc sống.
Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P3)
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)
(1) https://www.youtube.com/watch?v=0_sU-Xf--vs
Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/01/nen-tang-tu-tuong-nhan-chu-p2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét