Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P3)

 

Tự nhiên, con người (cá thể), xã hội đối lập thống nhất

Tương quan giữa tự nhiên (thiên nhiên, luật tự nhiên trong đời sống, vạn vật), con người (cá thể) với xã hội (tập thể) từ thời sơ khai đến bây giờ luôn luôn là tương quan hữu tương (cùng có lợi); tuy có đối lập nhưng vẫn đạt được tính thống nhất vì lợi ích chung. Sự tồn tại của xã hội loài người chính ở có đối lập nhưng có thể thống nhất thay vì triệt tiêu.

Con người dựa vào thiên nhiên (đất trời, vũ trụ) để sống còn, nâng cao cuộc sống của chính mình. Thời ăn lông ở lổ, con người chọn đời sống du mục, dy chuyển theo thiên nhiên để sống. Nơi nào có cây trái, có thú rừng thì loài người di chuyển về nơi đó để dựa vào thiên nhiên hầu bảo đảm nhu cầu nhu yếu của chính mình. Thiên nhiên thì có luật của tự nhiên và rất tàn bạo. Nếu chỉ mong chờ thiên nhiên cho cái ăn, cái mặc thì sẽ có lúc thiên nhiên lấy đi cái ăn, cái mặc đó. Hoặc thú rừng mạnh hơn con người thì làm sao có thể săn được con thú mạnh khỏe hơn người?

Từ đó con người với bộ óc qua tự kỷ ở bên trên, đã phải biết kết hợp lại với nhau để thành nhóm -- hầu có thể cùng nhau săn một con thú, cùng nhau chia con thú vừa mới săn để mọi người cùng tiến (cùng có cái ăn) mà không phí phạm vật chất của thiên nhiên. Rồi con người biết cải tạo thiên nhiên, từ cuộc sống du mục chuyển sang cuộc sống định cư với tự mình sản xuất thực phẩm cho chính mình thay vì chờ đợi thức ăn từ thiên nhiên. Nền nông nghiệp xuất hiện để phục vụ cuộc sống định cư với những kỹ thuật thô sơ cho đến khi nền công nghiệp phát triển tạo ra sản phẩm càng ngày càng nhiều với sức lực lao động ít hơn so với thời xa xưa.

Rồi các nhóm người vẫn thấy sự đe dọa ở những nhóm khác cho nên nhiều nhóm người kết hợp lại để tạo thành bộ lạc, xã hội lớn hơn và quốc gia hình thành.

Trong tiến trình từ một cá nhân để thành lập một nhóm, bộ lạc hay quốc gia, con người luôn luôn đối diện với luật tàn bạo của tự nhiên như sinh-lão-bệnh-tử; bạo phát-bạo tàn; có nhân-có quả; quyền lợi cá nhân luôn luôn đi ngược lại quyền lợi của tập thể hoặc ngược lại. Tuy nhiên, một lần nữa -- dựa vào tính tự kỷ, con người đã biết cân bằng sự tàn bạo của tự nhiên để dung hòa cuộc sống cho tất cả mọi người. Tuy có đối lập bởi luật của tự nhiên, con người sẵn sàng dẹp bỏ tư lợi của cá nhân để cùng nhau xây dựng tập thể, xây dựng xã hội nhằm mục đích bảo đảm nhu cầu nhu yếu cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ một thành phần nào đó trong xã hội.

Tất cả các dân tộc trên thế giới đều trải qua tiến trình này. Đi ngược lại tiến trình này thì dân tộc đó sẽ bị dân tộc khác thôn tính, đồng hóa, hoặc bị hủy diệt. Lịch sử Việt với 1000 năm bị Tàu đô hộ nhưng vì biết đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của dân tộc, cha ông ta đã sẵn sàng đứng lên chống lại thế lực từ phương Bắc để giành lại quyền tự chủ, tự quyết cho chính bản thân và cả dân tộc Việt. Việt tộc hôm nay giới lãnh đạo thờ ơ, chỉ lo cho bản thân mà không cần quan tâm đến Việt tộc, đang bị Tàu thôn tính từ từ bằng những thái thú thời đại gốc Việt và tương lai Việt tộc có cơ hội bị đồng hóa nếu mọi người không thức tỉnh để tự chính mình giành lại quyền tự quyết cho mình và cả dân tộc mình, thay vì giao chuyện đó cho thái thú thời đại là đảng csvn.

Tự nhiên, con người và xã hội luôn luôn đối lập. Nhưng đối lập không có nghĩa là triệt nhau mà đối lập có thể trở thành hợp nhất để cùng nhau tiến hóa, sống còn. Trong cuộc sống luôn luôn có âm và có dương; cả hai đều cần nhau để dung hòa cuộc sống. Cho nên đây là nguyên lý cần phải nắm rõ để không phí phạm thiên nhiên và hủy diệt thiên nhiên để tình trạng ô nhiễm môi trường đang là đe dọa cho toàn thể các quốc gia trên trái đất này.

Tình trạng đối xử giữa các quốc gia hiện giờ, giữa các đại công ty với quốc gia khác đã không hành xử trong tinh thần đối lập thống nhất mà hành xử trong tinh thần của lợi nhuận, mạnh được yếu thua và không đặt Duy Nhân Cương Thường làm kim chỉ nam của ngoại giao, của thương mại. Nếu tiếp tục kéo dài thì đến một lúc nào đó, trái đất chẳng còn là nơi nuôi dưỡng con người kể từ khi loài người xuất hiện trên trái đất này.

Tinh thần và vật chất là hỗ tương nguyên nhân

Sự sống của con người có hai phần đó là vật chất và tinh thần. Hai yếu tố này tác động vào nhau để làm cho sự sống thăng tiến.

Vật chất tức là những cái có thể sờ mó được, cảm nhận được. Tinh thần là những cái bên trong của vật chất đôi khi có thể hiện hữu ra bên ngoài mà người khác có thể cảm nhận được. Hai nguyên tố này hiện hữu trong cuộc sống, trong con người của mỗi người. Vật chất được hiểu ở một nghĩa rộng lớn là bản thân của chính mỗi người. Cái thân thể của con người ngoài nhu cầu vật chất (thức ăn) để nuôi sống thì còn có mặt tinh thần (suy tư bên trong, kinh nghiệm cuộc sống) để từ suy tư đó, con người biết phối hợp sự suy tư của mình nhằm tạo ra vật chất tốt hơn, rẻ hơn, tiện lợi hơn với mục đích phục vụ đời sống của người.

Những cặp chữ sau đây nói lên tinh thần và vật chất: biết với làm, năng với lực, chất với lượng, tâm với vật, thể với dụng, tính với tình.

Biết với làm: từ cái biết, qua sự quan sát, qua kinh nghiệm bản thân để rồi cá nhân mới nghĩ đến làm như thế nào cho đạt được kết quả khi cộng cái biết (tri thức, bên trong, mặt tinh thần) để thực hiện việc làm qua bản thân (cá nhân) của mình để đạt hiệu quả mong muốn. Không có cái biết thì việc làm sẽ thất bại. Thí dụ muốn đi đến địa điểm A thì trước hết phải biết địa điểm A nằm ở chỗ nào, hướng nào và sẽ gặp trở ngại nào trước khi nghĩ đến phải dùng phương tiện nào để đi đến điểm A. Không biết điểm A mà muốn đi (làm) đến điểm A thì là một chuyện không tưởng.

Năng với lực: khả năng của một cá nhân (tổ chức) ra sao và làm bất cứ chuyện gì cũng cần có lực. Lực ở đây mang nhiều ý nghĩa về sức khỏe, tiền bạc, nhân lực để phối hợp hai nhân tố (năng với lực) hầu tạo sự thành công trong cuộc sống. Không hiểu khả năng của mình (công ty), không nhận định được khả năng của chính mình để rồi làm chuyện đi ngoài khả năng thì tốn tiền, sức lực vô ích. Trong khi hiểu khả năng của chính mình và xét lại lực của mình ra sao, từ đó phối hợp hai nhân tố này để đạt sự thành công trong cuộc sống.

Chất với lượng: hai yếu tố này tác động vào nhau. Muốn có một sản phẩm bền thì cần phải hiểu tương quan giữa hai yếu tố này. Thí dụ cần chất carbon bỏ vào sắt để tạo sắt cứng hơn. Nhưng nếu bỏ nhiều carbon vào thì sự cứng của sắt vẫn còn nhưng dễ bị gãy. Điều này cũng áp dụng trong tổ chức để biết dùng người hầu tạo tổ chức vững mạnh, phát triển đúng tầm vóc.

Tâm với vật: tâm trí của con người ảnh hưởng bởi những vật chất mà con người tiêu thụ để nuôi cơ thể. Khi con người dùng những chất kích thích để tìm “thiên đường” thì sẽ tạo cho tâm bị hỗn loạn. Tâm bị hỗn loạn thì lại nghĩ chất kích thích sẽ làm sự sung sướng đê mê lên tột đỉnh để rồi bị chết về những chất kích thích đó mà hội chứng Opioid ở Mỹ là thí dụ điển hình. Khi con người chỉ sống vì vật chất thì sẽ đưa tâm đến chuyện vì mình và không quan tâm đến môi trường, đến xã hội. Đây là hai nguyên tố để làm cho con người sống tốt hay xấu trong cuộc sống của bản thân. Phải hiểu tương quan giữa hai nguyên tố này để biết cân bằng tâm với vật nhằm tác động vào tâm -- đủ mạnh nhìn rõ vấn đề trong việc tiêu thụ những vật chất cho nhu cầu bản thân. Nếu tâm không đủ sáng thì sẽ bị các công ty dùng tâm lý để cho rằng những sản phẩm họ cung cấp là cái chúng ta cần trong khi thực tế chúng ta không cần đến nó.

Thể với dụng: phải biết thời thế, thể chất và vị trí của chính mình để biết ứng dụng vào đời sống của thực tế. Hình ảnh biết tương quan của thể với dụng này là hình ảnh trận đánh trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo. Biết thế mình yếu để áp dụng thế yếu trở thành mạnh -- đánh bại giặc phương Bắc hai lần, cùng một chiến thuật cắm cọc giữa lòng sông, dụ giặc vào lúc nước đang lên và khi nước rút xuống thì mở cuộc tấn công để giặc phải thua hai lần trên sông Bạch Đằng. Người lãnh đạo đất nước phải biết áp dụng Thể với Dụng để biết khi nào đánh, khi nào hòa hoặc khi nào cần thương thuyết vì quyền lợi của toàn thể.

Tính với tình: Tính của con người do trời sinh hoặc do sự tích trữ từ bên trong của bộ óc, cộng với những tác động bên ngoài, tạo ra tính của mỗi người. Cái tính đó luôn luôn bị tác động bởi cái tình trong đời sống hằng ngày. Một người tính thô lỗ nhưng trong tương tác, bởi cái tình cảm giữa những người tương tác, tính thô lỗ đó sẽ được giảm xuống để giữ tình cảm với những người chung quanh. Bởi cái tình cảm của những người chung quanh, từ một tính thô bạo, con người có thể điều khiển cái thô bạo đó thay vì để cái thô bạo điều khiển mình.

Nguyên lý tinh thần và vật chất hỗ tương nguyên nhân rất là quan trọng trong cuộc sống của Người. Phải hiểu và nắm vững để biết hòa hợp hai yếu tố này với mục đích tạo cho cuộc sống của bản thân được cân bằng. Khi bản thân cân bằng thì sẽ tác động vào xã hội theo nguyên lý ỷ tha-tự kỷ-động tha đã nói bên trên.

Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P4)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/07/nen-tang-tu-tuong-nhan-chu-p3/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...