Lời mở đầu
Từ khi biết được trang nhà ThangNghia.org (2016) phổ biến các tài liệu về Duy Dân của Lý Đông A, chúng tôi đã cố tâm nghiên cứu để tìm hiểu về giá trị của chủ nghĩa Duy Dân mà Lý Đông A đã có công xây dựng như một kho tàng quý giá cho dân tộc Việt.
Tuy nhiên sau 2 năm tham dự sinh hoạt với học hội Thắng Nghĩa, chúng tôi thấy rằng không hội đủ điều kiện để khai triển tư tưởng Lý Đông A theo quan niệm nhai lại chữ, cho nên mạo muội mở con đường mới mong rằng với hiểu biết có hạn về nhân sự và kiến thức, chúng tôi có thể khai phá (đem tư tưởng vào thực tế đời sống) chút đỉnh những khó khăn của những ai yêu nước Việt mà muốn mở một con đường mới cho dân Việt, không cộng sản, không tư bản, chỉ Duy Nhân. Và hy vọng sẽ có những nhân tài mới sẽ xuất hiện để tham dự công cuộc phát triển tư tưởng của Lý Đông A, một nhân tài lỗi lạc trong lịch sử cận đại của Việt Nam mà ít ai biết tới.
A.Tài liệu
Sau một thời gian vật lộn với các tài liệu trên trang nhà Thắng Nghĩa, chúng tôi có viết một loạt bài đánh giá hư thực của các tài liệu Lý Đông A. Lý do là các tài liệu thường được kết thúc bằng: "Thái Dịch Lý Đông A, XXXX tuổi Việt" hay "X.Y. Lý Đông A". Theo các nhân vật (đảng bộ, chi bộ) Duy Dân thì tài liệu được lưu truyền do sự sao chép của các nhân sự thân cận Lý Đông A. Tài liệu cô đọng, ít có giải thích, và có những chỗ khó hiểu, mâu thuẫn (đã trình bày trên trang nhà Ngàn Lau). Vì không có ấn chứng thủ bút của Lý Đông A nên không thể đánh giá là các đoạn văn, tài liệu là do Lý Đông A viết, sáng tác hay sự sao chép làm khó hiểu, mâu thuẫn. Có những tài liệu do người sau ghi lại, ký tên "Thái ABC". Sự kiện này được hiểu như truyền thống của nhà Phật: khi thầy là Thích Quảng A thì học trò theo thầy sẽ là Thích Quảng B, C, D... tương tự với Thích Tịnh X, Y, Z, Thích Minh E, D, F.... Nhưng cũng không thấy sự ghi lại của các nhân vật Duy Dân được Lý Đông A đọc lại và xác nhận.
Sau một thời gian cố công “nuốt” các tài liệu này cùng với một số sách viết về Duy Dân xuất bản tại hải ngoại (Mỹ), chúng tôi thấy rằng sự khai triển không có là bao nhiêu so với các tài liệu "gốc" trên trang nhà Thắng Nghĩa.
Sự kiện đưa đến câu hỏi: Những ai cố công khai triển tư tưởng Lý Đông A có nhìn thấy giá trị của chủ nghĩa Duy Dân cần phải phơi bày như thế nào để đến với quần chúng của thời 2000 mà Lý Đông A hy vọng hay chỉ vì kính trọng Lý Đông A mà không dám thay đổi từng chữ trong tài liệu (cho dù tối nghĩa)? Nếu chỉ là xào nấu lại mớ chữ "kỳ quặc" của Lý Đông A thì không lấy làm lạ sau gần 100 năm, tư tưởng Lý Đông A vẫn ở trong bóng tối? Đối với các người (Duy Dân) thì mọi sự diễn giải về Lý Đông A phải qua sự thẩm định của thành viên Duy Dân. Nhưng thực tế làm việc chung thì kết quả không đi đến đâu vì nhai chữ vẫn là nhai chữ (lý do sẽ giải thích bên dưới).
Trang nhà Thắng Nghĩa đã nhiều lần soạn lại các tài liệu trên với phần chú giải. Tuy có đem lại một chút sáng tỏ về các ngôn ngữ Hán-Việt nhưng vẫn không đem lại sự sáng tỏ toàn bộ về từng tài liệu và hệ thống tư tưởng Lý Đông A.
Do đó, chúng tôi thấy có nhiệm vụ viết lại từng tài liệu nói về tư tưởng Lý Đông A và diễn giải từng đoạn văn với ngôn ngữ hiện đại. Vì kiến thức giới hạn, có phần, đoạn chúng chỉ có thể giải thích với kiến thức thâu thập được và sẽ có phần, đoạn chúng tôi không hiểu và sẽ phải gác lại (bỏ ngỏ) để nếu có bậc cao minh nào vui lòng đóng góp thì sẽ điền vào chỗ trống nếu hợp lý.
Vì không xác định được tài liệu nào, hay đoạn văn nào là đến từ Lý Đông A nên chúng tôi đã phải liên kết qua những tài liệu đã có, để tìm sự độc đáo và như vậy kết luận, hợp lý với những nguyên tắc trong tài liệu khác hay thích hợp với tổng thể quan điểm triết học của Lý Đông A, chỉ có thể là từ Lý Đông A chứ không thể từ các nhân sự đã có công ghi chép.
Vì nếu có ai có khả năng gần bằng Lý Đông A thì mới có thể mạo nhận hay gán ép điều của mình viết là của Lý Đông A. Nhưng vì mỗi tài liệu nếu không để là Lý Đông A thì phải là Thái XZY nhưng không thấy có 2 tài liệu (hay nhiều hơn) do cùng một Thái XZY biên soạn.
Quan trọng nhất là phần nội dung của các tài liệu. Sự diễn giải từng phần, đoạn văn của tài liệu Lý Đông A có thể khiến chúng ta không đồng ý nhưng khi nhìn lại toàn bộ một tài liệu hay nhiều tài liệu thì chúng phải hợp nhất (hay tung hợp) theo đúng tinh thần Lý Đông A.
Thí dụ 1: Nếu tài liệu đoạn Xã Hội Biện Chứng Pháp thực sự do Lý Đông A viết ra thì nó phải được áp dụng và thành công trong các tài liệu, biến cố, vấn đề mà chúng ta sẽ gặp phải.
Thí dụ 2: Nếu tài liệu cơ năng & bản vị (hay bản vị học thuyết) là của Lý Đông A thì chúng ta phải thấy, và giải thích được sự áp dụng đó vào đời sống, vào các tài liệu khác của Duy Dân.
Nếu không, chúng là tài liệu giả (người khác viết thêm và gán cho là của Lý Đông A?)
Có những từ ngữ xuất hiện trong một tài liệu nhưng không hề thấy xuất hiện trong các tài liệu khác hay giải thích ý nghĩa của nó. Một nhân vật như Lý Đông A không thể viết có đầu mà không có đuôi hay râu ông nọ cắm cằm bà kia. Một khi các tài liệu như Sinh Mệnh Tâm Lý, Duy Nhân Cương Thường... cho thấy chiều sâu và rộng của tầm nhìn mà Lý Đông A đã vạch ra cho Duy Dân thì chẳng lẽ trong các tài liệu Lý Đông A lại dùng những từ ngữ vô nghĩa hay không có nguồn gốc?
Chính vì thế chúng tôi muốn viết lại các tài liệu của Lý Đông A với mục đích:
1. Người đọc của thời đại 2000 có thể hiểu và áp dụng.
2. Song song với phần/đoạn gốc {theo trang nhà Thắng Nghĩa 2016, sau này có thể thay đổi nhưng chúng tôi chỉ dựa theo bản 2016 vì không thể theo kịp sự thay đổi liên tục của trang nhà Thắng Nghĩa mà không biết giá trị thực hư hay nguồn (source). Có sự giải thích là từ trong nước do Đồng Nhân Học Xã gửi ra mà không có sự thẩm định giá trị của Đồng Nhân Học Xã cũng như vì sao thay đổi, cập nhật tài liệu mà vẫn đề là do Lý Đông A thủ bút. Chúng tôi cố gắng diễn giải theo hiểu biết của thời đại 2000. Phần nào không biết hay không thể giải thích, chúng tôi ghi nhận là không biết hay không giải thích được}.
3. Chúng tôi không được sống với Lý Đông A và không chấp nhận lối giải thích hay làm việc của những người Duy Dân đã gặp tại Mỹ. Như vậy khi viết lại tư tưởng Lý Đông A qua các tài liệu mà chúng tôi gọi là Lý Đông A 2022 (hoặc ghi tháng và năm dưới bài viết).
Thí dụ: Duy Nhân Cương Thường, Lý Đông A 2022. Hoặc Cơ Năng Hiến Pháp Diễn Giải 2022, Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải 2022.
Vì là vẫn còn trong tiến trình khai phá tư tưởng Lý Đông A, hôm nay hiểu một chút, vài tháng sau vỡ lẽ ra một chút khác. Cho nên sẽ có sự sửa đổi, cập nhật để làm sáng tỏ vấn đề chứ không phải giả mạo, tiếm danh hay thay đổi hệ thống tư tưởng Lý Đông A thành một thứ tư tưởng của một cá nhân hay tập thể để mưu cầu lợi ích riêng.
4. Lượng định giá trị của tư tưởng Lý Đông A qua các mối liên hệ trong các tài liệu đã có. Sự đối chiếu, dẫn chứng và lý luận của chúng tôi nhằm chú trọng đến cốt lõi của tư tưởng Lý Đông A hơn là những từ ngữ mà Lý Đông A (hay người ghi chép lại) đã sử dụng mà không dùng được vì thiếu giải thích hay không thể hiểu ý muốn của người đã viết.
5. Vì Lý Đông A đi tìm một hệ thống tư tưởng (chủ nghĩa) Cách Mạng có tính toàn diện, triệt để và hướng thượng cho nên tư tưởng Lý Đông A bao gồm nhiều mặt: triết học, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục ... trong khi người đời sau thường theo đuổi học thuật chuyên môn (chỉ một ngành) nên khó hấp thụ những gì Lý Đông A đã viết ra.
Đánh Giá Tài Liệu và Tư Tưởng Lý Đông A (P2)
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)
Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/07/danh-gia-tai-lieu-va-tu-tuong-ly-dong-a-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét