Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Quan hệ Người với Người (P1)

 

Bước kế tiếp trong tiến trình tu dưỡng bản thân để thắng với chính Con Người mình thì phải tìm hiểu rõ quan hệ giữa Người với Người. Tại sao phải tìm hiểu quan hệ này? Bởi đây chính là đầu mối của sự bất hòa trong xã hội chỉ vì Tham-Sân-Si và đưa đến chiến tranh. Mà hiểu rõ quan hệ này để biết quý trọng mọi người và biết cách ứng xử trong từng trường hợp hầu tạo ra một xã hội hài hòa, mọi người cùng tiến bộ.

Đặc tính của Người

1.  Khác biệt cá tính, tài năng

Đã gọi là người thì trăm người mười ý. Ngay cả cùng một ý thì chưa chắc những người cùng một ý đó có quan điểm giống nhau ở mọi vấn đề. Sự không giống nhau này bởi từ khi được sinh ra, mỗi người lớn lên trong một môi trường khác nhau, cộng với sự bẩm sinh của Tâm tạo cho sự khác biệt của từng người cho dù sống trong một môi trường.

Theo Duy Thức học thì tiến trình thu thập dữ kiện bên ngoài du nhập vào mỗi cá nhân đi theo "Tâm-Ý-Thức": (1) Thức là ngũ quan (tai, mắt, mũi, miệng ...) thu nhận các dữ kiện bên ngoài trong cuộc sống hàng ngày; (2) Ý là sự suy diễn (yêu, ghét, nối kết các dữ kiện với nhau, cho là xấu, tốt...); (3) Tâm là kho chứa các dữ kiện mà cá nhân muốn, thích, chấp nhận. Đây là sự kiện đem đến khác biệt giữa người và người tuy rằng cùng học một bài học hay biết cùng một câu chuyện nhưng mỗi người sẽ suy diễn theo ý, kinh nghiệm riêng.

Do đó để hiểu mọi người trong xã hội thì phải hiểu bản thân trước. Những giới hạn của Tâm-Ý-Thức vì khả năng giới hạn của ngũ quan, của Ý, của Thức.... Cùng là một bức tranh (hay cảnh thiên nhiên) nhưng có người thấy đẹp, người không. Cũng là một câu chuyện có người thấy hay, có người không thích. Cũng là một món ăn, có người khen ngon, có người coi thường.

Trong bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ có câu nhận định mọi người được sinh ra đều bình đẳng. Trên mặt lý thuyết là vậy nhưng thực tế khi con người được sinh ra, sự bất bình đẳng đã xảy ra trước khi sinh, sau khi sinh và đến lúc chết sự bất bình đẳng vẫn tiếp tục xảy ra. Hãy lấy vài thí dụ để chứng minh nhận định này.

Thí dụ 1: Hai cá nhân được sinh ra, một người bị bệnh bẩm sinh thiếu một tay, một người có đầy đủ tay chân. Cả hai cá nhân này đã có sự bất bình đẳng về thể xác.

Thí dụ 2: Cùng thí dụ một, khi lớn lên, người bị thiếu một tay có đầu óc thông minh bẩm sinh hơn người có đầy đủ chân tay cho dù cả hai lớn lên trong một môi trường, học cùng một trường học, gia đình có khả năng tài chính giống nhau. Đây là sự khác biệt (bất bình đẳng) ở sự thông minh do bộ óc hoặc do tiền kiếp (nếu ai đó tin vào tiền kiếp).

Chính sự bất bình đẳng này tạo ra sự hiểu biết khác nhau của mỗi người. Hiểu được vấn đề này tập cho chúng ta tánh biết im lặng, không tranh cãi với người mà mình biết rằng họ chỉ hiểu đến mức đó và không thể hiểu xa hơn nữa cho dù có giải thích bằng đủ lý luận, chứng cớ. Có những người chỉ một câu nói, câu bình luận cho một đề tài nào đó, người khác có thể nhận ra tầm nhìn, tầm hiểu biết của cá nhân đó ra sao. Đó là lý do tại sao có những bình luận trên mạng xã hội, nhiều người im lặng bởi đó là cách tốt nhất hầu đối phó với người thiếu chiều sâu ở tâm thức.

Im lặng không có nghĩa là chịu thua, bó tay. Im lặng chỉ là tạm thời ngưng đối thoại để tìm ra nguyên nhân sâu xa của người đối thoại về kiến thức, tâm lý để giải tỏa từng bước một. Đây là một trở ngại cho những vấn đề cần giải quyết cấp thời mà tiến trình giải tỏa lại đòi hỏi thời gian. Xin xem bài Tu Dưỡng Thắng Nhân: Im Lặng để hiểu rõ đề tài này.

2.  Sự nương tựa nhau

Tương quan giữa Người là tương quan hai chiều (hỗ tương), cần thiết để tạo sự sống còn cho mọi người. Tương quan này luôn luôn xảy ra và chỉ chấm dứt khi chúng ta nằm xuống, hoặc chỉ chấm dứt khi chúng ta sống đơn phương ở một nơi nào đó không có người thứ hai.

Từ lúc chúng ta nằm trong bụng mẹ, chúng ta đã nương tựa vào người mẹ để trưởng thành cho đến khi được sinh ra. Người mẹ nhờ vào người khác trong việc sản xuất thực phẩm để người mẹ có ăn, có chất dinh dưỡng nuôi chúng ta. Trong lúc sinh ra, chúng ta nhờ sự giúp đỡ của nhiều người trong bệnh viện để việc sanh nở của người mẹ suôn sẻ. Trong tiến trình từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, chúng ta dựa vào xã hội để giáo dục chúng ta thành con người tốt hơn hầu đóng góp công sức xây dựng xã hội tốt đẹp hơn ở tương lai.

Ngay cả một cá nhân có tài năng bẩm sinh vẫn phải nương tựa vào những người khác để có thể đem tài năng đó giúp xã hội. Thí dụ một cá nhân có sáng kiến chế tạo ra cây bút chì thì để cây bút chì thành sản phẩm cung cấp cho nhu cầu của xã hội, tiến trình sản xuất cây bút chì có rất nhiều người tham dự (xin đọc Tôi, Cây Bút Chì để thấy sự tương quan giữa những con người rõ hơn). Phải nắm rõ nguyên lý này để đừng có tính ỷ lại chỉ bởi vì mình tài giỏi hơn người.

3.  Sự tác động vào xã hội

Mỗi con người không những nương tựa vào người khác nhưng đồng thời cũng tác động vào người khác (xã hội) để mọi người cùng tiến hóa. Sự tác động này thể hiện qua hành động, suy nghĩ, lời nói. Một đứa bé chưa trưởng thành (chưa 18 tuổi) vẫn có thể tác động vào những người chung quanh do những suy nghĩ trưởng thành mà người lớn tuổi hơn phải học hỏi. Cái lý luận “áo không mặc qua khỏi đầu” của người Việt cho thấy tinh thần cả vú lấp miệng em. Đừng nghĩ rằng đứa trẻ dưới 18 tuổi không dạy người lớn điều gì. Vấn đề là người lớn có chịu lắng nghe trẻ hay không. Khi lắng nghe thì sẽ thấy có nhiều vấn đề mà người lớn tuổi phải học hỏi từ người trẻ tuổi.

Sự tác động này có hai chiều hướng hoàn toàn khác nhau. Có tác động xấu và tác động tốt tùy theo suy tư của mỗi người. Chính lối suy nghĩ của mỗi người tạo ra hành động và hành động này sẽ được nhiều người làm theo. Nếu là tốt thì mang lợi cho xã hội. Nếu là xấu thì xã hội bất an. Thí dụ: hành động nói dối, nói những điều không có thật trong bầu cử năm 2020 ở Mỹ -- để kết quả đưa đến sự nổi loạn tại căn nhà Quốc Hội chỉ bởi vì một lời nói không có bằng chứng của người lãnh đạo nước Mỹ.

Nắm được nguyên lý này để hiểu rằng mỗi hành động, mỗi việc làm, mỗi lời nói của chúng ta đều tác động vào xã hội. Đó là lý do tại sao người xưa thường nói “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

4.  Sự tác động vào thiên nhiên

Chúng ta đang đối diện khủng hoảng môi trường chỉ bởi vì nhiều người không quan tâm đến thiên nhiên và nghĩ rằng thiên nhiên là vô tận. Vũ trụ có thể là vô tận nhưng tài nguyên thiên nhiên thì không vô tận nếu con người không biết bảo quản thiên nhiên hiện có.

Từ khi có sự xuất hiện loài người trên trái đất này, thiên nhiên đã nuôi dưỡng con người. Thiên nhiên cung cấp cây trái, thú rừng cho người ăn. Nhưng cây trái và thú rừng không phải là vô tận cho nên con người tổ chức trồng trọt, chăn nuôi để tiếp tục tạo ra thức ăn mà không dựa hẳn vào thiên nhiên bởi thiên nhiên không đủ cung cấp nhu cầu của loài người khi loài người càng ngày càng gia tăng trên trái đất này.

Thiên nhiên cung cấp khoáng sản, lâm sản, thổ sản, hải sản để gia tăng cuộc sống của con người. Tuy nhiên vì lợi nhuận, các công ty và người tiêu thụ, không biết giới hạn thế nào gọi là đủ để rồi cứ tiếp tục khai thác thiên nhiên làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của thiên nhiên gồm cả không khí, nước là hai nhu cầu cần thiết của con người. Đã đến lúc cần phải xét lại tác động này để điều chỉnh trước khi quá trể. Đừng vì quyền lợi kinh tế để làm ô nhiễm không khí, nước, rừng; cuối cùng khí hậu thay đổi do tác động của con người chứ không phải tác động của thiên nhiên.

5.  Nhu cầu Con Người

Tất cả mọi giống dân đều là Con Người từ gốc người Homo Sapiens. Đã là Con Người chúng ta đều có cùng một nhu cầu nhu yếu tối thiểu đó là thức ăn, phát triển giống nòi, chỗ cư trú, được hạnh phúc, được an ninh cho bản thân nói riêng và cho toàn dân tộc nói chung. Ăn những món ăn nào thì không bàn ở đây bởi cái ăn mang tính văn hóa, tập tục ở từng quốc gia nhưng nói chung mọi người cần ăn để sống, để có đủ sức phát triển giống nòi. Mọi người cần có một nơi để cư trú và mong muốn được hạnh phúc trong cuộc sống với sự bảo đảm an ninh nhưng không mất quyền lợi của một công dân hay quyền của một Con Người.

Chính những nhu cầu trên đưa Con Người thời nguyên thủy ngồi lại để thành lập xã hội được gọi là bộ lạc, quốc gia. Ngồi lại để thực hiện những nhu cầu của con người trong một phạm vi xã hội rộng lớn để cùng tác động lẫn nhau, đem lại hạnh phúc đến toàn thể chứ không phải một thiểu số nhỏ như thời ăn lông ở lổ. Cho nên sự xuất hiện bộ máy điều hành xã hội gọi là chính quyền để bảo đảm những quyền lợi, quyền căn bản mà con người đã có ở thời nguyên thủy trong một trật tự xã hội để tránh tình trạng mạnh được yếu thua của thời hoang dã loài người.

Không một dân tộc nào muốn bị thôn tính từ một dân tộc khác. Không một dân tộc nào muốn chiến tranh. Đây chính là điểm chung của Con Người. Mọi chiến tranh đều khởi đầu bằng cơ cấu chính quyền, vận động (hay sách động) quần chúng với danh nghĩa là bảo vệ an ninh lãnh thổ để gây chiến nhằm mục đích phá tài sản và chiếm tài nguyên thiên nhiên của nước khác. Đây chính là thực tế từ ngàn xưa cho đến hôm nay chỉ bởi vì Con Người trên thế giới này chưa nắm rõ những đặc tính của Người trên cái nhìn nhân bản.

Chính Tham-Sân-Si dẫn đến chiến tranh. Chúng ta không thể nào diệt được Tham-Sân-Si trong mỗi con người; tuy nhiên, chúng ta có thể đều hòa Tham-Sân-Si để biết sống thật, sống đơn giản, sống vì mọi người thì mới có một thế giới không chiến tranh. Đây là vấn đề không đơn giản nhưng không có nghĩa là không làm được. Trước hết cần phải nhận diện những tương quan giữa con người, những đặc tính của con người để hầu có một nền giáo dục nhân bản không những trên một quốc gia mà trên toàn thế giới thì lúc đó nền hòa bình của thế giới mới có cơ hội xảy ra.

6.  Nhu cầu giúp đỡ

Như đã xác định ở phần 1, con người ngay từ thuở đầu sinh ra là đã có sự bất bình đẳng. Chính sự bất bình đẳng này xã hội cần có một cơ chế tạo cho mọi người có cơ hội, điều kiện và khả năng để vươn lên trên con đường sống của Người. Trong phạm vi xã hội sẽ có người luôn luôn yếu kém về thể chất mà không thể thực hiện công việc xã hội giao phó thì trách nhiệm của xã hội phải giúp đỡ cá nhân đó trong cuộc sống trên một tinh thần đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ chứ không phải lợi dụng sự yếu kém của bất cứ ai đó nhằm mục đích trục lợi cho bản thân mà thực tế xảy ra hằng ngày trong cuộc sống.

Thí dụ người bị tàn tật, không thể làm được chuyện gì thì xã hội phải có trách nhiệm bảo đảm những nhu cầu nhu yếu của con người được đầy đủ cho người tàn tật này. Đây không phải là cưu mang của xã hội mà là trách nhiệm của xã hội đối với cá nhân kém khả năng về thể lực mà mục đích chính là tạo cho mọi người cùng tiến hóa, cùng đạt hạnh phúc của cuộc sống.

Những người về già không có khả năng lao động cũng cần sự quan tâm bởi tiến trình đóng góp cho xã hội của những cá nhân đó đã chấm dứt thì đáp lại sự đóng góp đó, xã hội phải có trách nhiệm đối với những người già khi mà khả năng tự sống, tự lo của người già đã không còn nữa.

7.  Nhu cầu y tế

Sinh, Lão, Bệnh, Tử là tiến trình mà mọi người đều phải trải qua. Người Việt thường có câu phòng bệnh hơn trị bệnh. Có nghĩa là phải luôn luôn đi kiểm tra sức khỏe để khi phát hiện ra triệu chứng của bệnh để chửa trị trước khi quá trễ. Mà muốn làm được chuyện này, y tế phải là nhu cầu của cuộc sống và xã hội phải có trách nhiệm lo y tế cho mọi người.

Điều này đã không thực sự xảy ra ở nhiều quốc gia, gồm cả Mỹ. Ở Mỹ nếu bạn không có bảo hiểm và phát hiện bạn bị bệnh ung thư, bạn không có tiền thì đừng mong các bệnh viện sẽ giúp bạn trị căn bệnh bạn có. Bạn chỉ chờ khi căn bệnh phát tác (đau sắp chết) đến lúc bạn phải vào nhà thương thì lúc đó bệnh viện mới giúp bạn để thoát khỏi cơn phát tác đó nhưng sẽ không tiếp tục giúp bạn điều trị sau đó nếu bạn không có tiền và không được nhận trợ giúp của chương trình của chính phủ. Một đất nước giàu có mà số người không có bảo hiểm rất cao thì đó là đất nước giàu có với hệ thống y tế siêu đẳng chỉ để phục vụ người có tiền.

Nhu cầu y tế phải được đánh giá bằng với các quyền căn bản của con người mà bộ máy quản trị đất nước phải bảo đảm cho mỗi người dân sống trên đất nước đó. Đây là phần trách nhiệm của cơ cấu cầm quyền đối với người dân mà không phân biệt giàu nghèo.

8.  Trách nhiệm với xã hội

Nếu xã hội hay bộ máy cầm quyền có trách nhiệm với cá nhân thì cá nhân phải có trách nhiệm với xã hội. Bất cứ quyền lợi nào người dân muốn cần phải đi kèm theo với trách nhiệm của bản thân đối với chính mình và với xã hội.

Cá nhân muốn đường xá an toàn, lưu thông tiện lợi thì phải làm nhiệm vụ đóng thuế để chính phủ có tiền lo những phương tiện công cộng phục vụ xã hội. Dùng phương tiện của công cộng lấy từ tiền thuế của người dân mà chính bản thân của mình, làm ra tiền nhưng lại trốn thuế thì đã không nghĩ đến trách nhiệm với xã hội.

Trách nhiệm với chính bản thân là tự mình phải kiềm chế Tham-Sân-Si của chính mình để không đi quá đà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác nói riêng và xã hội nói chung.

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Quan Hệ Người với Người (P2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/04/24/tu-duong-thang-nhan-quan-he-nguoi-voi-nguoi-p1/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...