Đặc tính xã hội (hay quốc gia)
1. Nhiều cá nhân
Xã hội được hình thành từ nhiều cá nhân. Những cá nhân này có những đặc tính của Người như đã nói ở phần P1. Từ những đặc tính đó, những cá nhân hợp lại thành xã hội để cùng nhau giải quyết những đặc tính của người.
Xã hội được hình thành là điều bắt buộc phải xảy ra bởi không ai có thể tự sống một mình mà không cần sự giúp đỡ của xã hội. Thời đại nguyên thủy của loài người là thời đại của mạnh được yếu thua bởi mạnh ai nấy lo cuộc sống của chính mình mà không quan tâm đến cuộc sống của người khác. Tuy nhiên khi nhìn ra được đặc tính của Người, với ưu và khuyết điểm, Con Người kết hợp để thành xã hội, cùng nhau bảo vệ, nâng cao cuộc sống của bản thân và của toàn xã hội.
Khi Con Người sống trong xã hội thì Con Người phải có trách nhiệm với xã hội. Bất cứ quyền tự do nào của Con Người phải kèm theo trách nhiệm với xã hội. Nếu quyền tự do kinh doanh mà làm ảnh hưởng đến môi trường sống của xã hội thì đã thiếu trách nhiệm với xã hội. Sự kiện một số người trong gia đình báo với cơ quan FBI về người thân của mình tham gia vào cuộc đảo chính hụt vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 tại căn nhà Quốc Hội Hoa Kỳ cho thấy tinh thần trách nhiệm của Con Người đối với xã hội được đặt cao hơn tình cảm gia đình. Không thể nào vì tình cảm gia đình mà bao che những điều sai trái có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, cơ chế dân chủ của xã hội.
Nếu một cá nhân không trải qua sinh hoạt nhóm để thảo luận trước khi ra công chúng để trình bày quan điểm của mình thì dễ gây xung đột vì chưa được trao đổi qua nhiều góc cạnh. Đó là trường hợp ích kỷ, nông cạn: chỉ muốn đạt được điều mình muốn mà không cần biết ý kiến người khác, hay nguồn gốc vấn đề, hay toàn diện (tổng thể) của vấn đề.
Tiếc thay con người chỉ có 24 giờ/ngày để sống mà lại phí thời giờ trong ăn chơi hưởng thụ thay vì quan tâm đến vấn đề xã hội. Họ giao phó trách nhiệm cho đại diện dân cử (hay thầy giáo, cảnh sát, sở xã hội) và khi không vừa ý thì phản ứng thô bạo.
2. Chính Trị
Xã hội được hình thành từ nhiều con người. Bộ máy xã hội muốn hoạt động tốt cần phải có một bộ máy điều hành gọi là chính quyền. Bộ máy chính quyền này mục đích chính là làm chính trị hiểu theo nghĩa bình dân đấy là “thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Nói nôm na là điều hòa các tương quan giữa người với người, các nhu cầu của mọi người sống trong xã hội để mọi người cùng tiến. Những bộ máy chính quyền biết quan tâm đến cuộc sống của người dân ngày xưa gồm cả thời kỳ phong kiến, tạo ra cuộc sống an cư lạc nghiệp mà thời Lý, Trần, Lê là thí dụ điển hình.
Thực tế thì đa số bộ máy chính quyền từ xưa đến nay, mục đích chính để tranh giành quyền lực, quyền lãnh đạo mà không quan tâm đến đời sống của người dân. Sự xuống cấp của các triều đại Trần, Lê, Lý là thí dụ cho thấy khi lãnh đạo (nhà vua) không quan tâm đến cuộc sống của dân mà chỉ lo bản thân, trụy lạc thì triều đình sẽ sụp đổ. Hình ảnh đảng tranh của Mỹ hiện giờ là thí dụ thực tế. Hai đảng tranh giành ảnh hưởng và sẵn sàng đóng cửa cơ cấu chính quyền với mục đích làm giảm uy tín đảng cầm quyền để có thể dùng tâm lý mua lá phiếu của người dân cho kỳ bầu cử sau đó.
Khi những người giàu có đóng thuế thấp hơn những người nghèo mà cơ cấu chính quyền không giải quyết thì rõ ràng những người cầm quyền không quan tâm đến ngân sách quốc gia, cuộc sống của người dân mà chỉ quan tâm đến những công ty giàu có, những cá nhân giàu có bởi họ có ảnh hưởng đến chính sách, luật lệ của quốc gia qua nhóm vận động hành lang, qua những sư đoàn luật sư kiện cáo để đạt cái họ muốn bằng giá trả của những người dân thấp cổ bé miệng.
Khi quyền tự do cá nhân đặt lên trên quyền lợi của tập thể, giới lãnh đạo xem thường khoa học để không ngăn chặn ảnh hưởng của bệnh dịch COVID-19 với những sắc lệnh cấm các công ty, cơ cấu chính quyền địa phương, trường học trong việc bắt buộc mang khẩu trang mặt và chích ngừa. Điều lạ là họ tuyên truyền đó là sự lựa chọn cá nhân trong vấn đề đeo khẩu trang hay chích ngừa nhưng trái lại họ lại lấy cái quyền lựa chọn cá nhân của những người phụ nữ mang thai. Nếu hành động phá thai chỉ giết hại một hài nhi thì hành động chống chuyện mang khẩu trang mặt, chích ngừa hoặc bán súng làm giết hại đến nhiều người nhưng giới lãnh đạo im lặng, không làm gì mà lại ủng hộ cái quyền tự do cá nhân này, không đặt trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, xã hội.
Nhiệm vụ duy nhất của chính quyền là “thiết kế và chấp hành nhân sinh” để bảo vệ an ninh về mặt y tế, tinh thần, giáo dục, kinh tế, quyền công dân trong một tinh thần có trách nhiệm với tập thể. Chính sách “thiết kế và chấp hành nhân sinh” phải được nhìn trên phương diện tổng thể nhằm phục vụ số đông quần chúng trong xã hội và không làm thiệt hại đến môi trường sống cho thế hệ tương lai. Có những chính sách để phục vụ thiểu số (thí dụ chính sách ưu đãi dành cho dân tộc thiểu số vùng núi) nhưng chính sách đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến cái đa số thì vẫn có thể chấp nhận dù rằng mục đích chính là cho một thiểu số trong xã hội.
3. Bộ máy cầm quyền
Để thực hiện chuyện chính trị thì cần phải có một bộ máy lãnh đạo làm chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Những người nằm trong vị trí cầm quyền có tác động rất lớn vào đời sống của người dân cho nên bộ máy lãnh đạo cần phải lựa chọn, đạt tiêu chuẩn không những về khả năng lãnh đạo, chuyên môn; mà gồm cả tư cách, nhân cách, đạo đức tương tác giữa người với người trong xã hội.
Người giỏi thương mại không có nghĩa là cá nhân đó giỏi về chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh bởi đây là hai chuyên nghiệp khác nhau. Một bên thương mại nghĩ về lợi nhuận cho bản thân hoặc công ty; một bên là để phục vụ xã hội trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh. Ngoại trừ cá nhân vừa làm thương mại nhưng đồng thời tham gia vào các hoạt động xã hội thì có thể có đủ bản lãnh trong việc làm thiết kế và chấp hành nhân sinh.
Bộ máy cầm quyền từ những con người cho nên phải có một hệ thống tuyển chọn, phát hiện, thanh lọc, để những thành phần lãnh đạo có đầy đủ phẩm hạnh về đạo đức ứng xử, hành xử trong bộ máy cầm quyền nhằm mục đích phục vụ cho xã hội thay vì phục vụ quyền lợi cá nhân, hay quyền lợi của đảng mà hình ảnh bộ máy cầm quyền của Mỹ là thí dụ điển hình.
Bất cứ cá nhân lãnh đạo nào đặt quyền lợi của cá nhân, của đảng phái lên trên quyền lợi của xã hội thì phải được bộ máy cầm quyền phát hiện để đào thải những cá nhân lãnh đạo hư hỏng đó. Bất cứ cá nhân lãnh đạo nào trong xã hội mà đi nói những điều không có thật hoặc kích động bạo lực thì cá nhân đó phải đào thải ra khỏi bộ máy cầm quyền chứ không thể tiếp tục cầm quyền bởi sẽ nguy hiểm cho xã hội khi lợi dụng bộ máy cầm quyền để thực hiện chuyện bạo lực mà hình ảnh Trump kêu gọi mọi người đảo chính trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 là thí dụ điển hình.
Lãnh đạo xã hội (hay cầm quyền) không phải ai cũng làm được. Phải là người có tâm huyết, học tập và chuẩn bị. Đa số vì tham vọng quyền lợi hơn là thực tâm muốn xây dựng xã hội (đất nước, con người). Trong sinh hoạt dân chủ thì ý dân là ý Trời nhưng làm sao để người dân có ý thức (dân trí) thì lại là chuyện khác (giáo dục). Nhìn vào hệ thống giáo dục, nhà giáo (educator) thì sẽ biết con người (người dân), xã hội đi về đâu.
Kêu gọi con người chuyển hóa (như các nhà truyền giáo) đã xảy ra hàng thế kỷ nhưng bản chất con người dễ bị cám dỗ bởi vật chất, hưởng thụ cho nên sự chuyển hóa chỉ có thể xảy ra từ chính bản thân mỗi con người mà không thể nhờ cậy tôn giáo vì chính các nhà đại diện tôn giáo cũng biến chất.
4. Tổ chức xã hội dân sự
Ngoài bộ máy cầm quyền thì các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh. Những tổ chức xã hội dân sự này hoạt động trong cuộc sống của người dân cho nên hiểu rõ những nhu cầu cần thiết của người dân. Chính sự hiểu rõ này, các tổ chức xã hội dân sự trực tiếp giúp cho bộ máy cầm quyền những đề nghị thực tế hầu có chính sách áp dụng vào trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sự tương tác giữa các tổ chức xã hội dân sự và chính quyền là sự tương tác để đạt hiệu quả cao, thực tế trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.
Thay vì trực tiếp tham gia vào chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh thì những ai quan tâm về xã hội có thể tham dự vào các tổ chức xã hội dân sự để giáng tiếp đóng góp công sức vào việc xây dựng xã hội tốt đẹp và cũng là cơ hội để tập luyện hầu tạo kinh nghiệm trước khi trực tiếp tham dự vào bộ máy cầm quyền. Cho nên vị trí của các tổ chức xã hội dân sự phải được đánh giá cao và bộ máy cầm quyền luôn luôn tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự hiện hữu, hoạt động trong tiến trình thiết kế và chấp hành nhân sinh ở dạng tổng thể nhằm giúp mọi người cùng tiến trên mọi lãnh vực.
Giống như bộ máy cầm quyền có những cơ chế để loại bỏ thành phần hủ hóa của người cầm quyền thì các tổ chức xã hội dân sự cũng phải có những cơ chế tự đặt ra hoặc do chính quyền đặt ra để tránh tình trạng các tổ chức xã hội dân sự lợi dụng sức mạnh của tổ chức mình nhằm làm ảnh hưởng đến chính sách của quốc gia mà chính sách đó có hại đến số đông sống trong xã hội.
Khi đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ... ngày càng phức tạp bởi tin tức, kỹ thuật, giao thông... thì con người cần phải nỗ lực cân bằng đời sống tâm lý và sinh lý, tinh thần và vật chất vì cơ thể con người vẫn chỉ là bộ óc và thân thể bẩm sinh. Như vậy xã hội cần chính quyền. Chính quyền cần thu thuế để điều hành xã hội, điều hòa sinh hoạt kinh tế. Nhưng người dân chỉ thích "làm giàu" (kinh tế) mà không thích đóng thuế, yêu cầu cắt giảm vai trò của chính quyền (ở đây chỉ nói xã hội dân chủ, không nói xã hội độc tài, cộng sản) thì tương lai con người như thế nào? Các tổ chức xã hội dân sự cần phải giải thích rõ cho người mình phục vụ nắm rõ được trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội (hoặc bộ máy cầm quyền) và ngược lại trách nhiệm của xã hội đối với cá nhân bởi chỉ khi nào hiểu được trách nhiệm này thì hai khối này mới có thể hợp tác để mọi người cùng tiến.
Nếu chính quyền và người dân không đồng ý giải quyết vấn đề khí hậu, môi sinh, khai thác thiên nhiên... thì trái đất sẽ cạn kiệt. Thiên tai sẽ hủy diệt nhân loại thì chẳng có chính quyền hay tôn giáo nào chống đỡ nổi.
Nhưng vai trò và nhiệm vụ của chính quyền cũng không thể giải quyết mọi vấn nạn xã hội mà cần sự hợp tác của các tổ chức xã hội dân sự. Tôn giáo có thể giúp phần nào nhưng đôi khi cũng là trở ngại (kỳ thị tôn giáo) mà hình ảnh tiểu bang Utah giao trách nhiệm giúp người nghèo khó cho nhà thờ Mormon; nhưng khi người nghèo khó cần sự giúp đỡ thì người lãnh đạo tôn giáo chỉ giúp đỡ nếu vào đạo Mormon, còn không vào thì chỉ giúp một lần duy nhất. Các tổ chức xã hội dân sự cố gắng trám vào chỗ trống nhưng cho tới khi nào mỗi cá nhân tự chủ để điều hành cuộc sống bản thân mà không tạo gánh nặng cho xã hội (trừ những người tàn tật, khuyết tật, hoặc già yếu) thì chúng ta sẽ cần bao nhiêu loại tổ chức xã hội sự để phục vụ con người cố tình "ăn hại"?
5. Tôn giáo
Con người ngoài nhu cầu nhu yếu còn có nhu cầu tinh thần. Tôn giáo phục vụ tâm linh trên lãnh vực tinh thần. Khác với các tổ chức xã hội dân sự, tôn giáo phải hoàn toàn tách rời ra khỏi bộ máy cầm quyền bởi lịch sử chứng minh tôn giáo và chính quyền luôn luôn có sự bất đồng trên lãnh vực quyền hành trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.
Đây là lý do tại sao Hiến Pháp Mỹ tách rời tôn giáo ra khỏi chính quyền (dù thực tế tôn giáo có ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền). Sự điều hành tôn giáo trên mặt tinh thần do các tôn giáo tự đặt ra. Tuy nhiên vì sống trong xã hội, các lãnh đạo tôn giáo phải có trách nhiệm với xã hội và theo đúng luật pháp của xã hội.
Những vụ sách nhiễu tình dục trẻ em trên thế giới với sự bao che của các lãnh đạo tôn giáo ở quá khứ cho thấy người lãnh đạo tôn giáo đã không đặt trách nhiệm của một Con Người đối với xã hội là ưu tiên hàng đầu. Những giáo dân cũng phải có trách nhiệm với xã hội khi phát hiện bất cứ lãnh đạo tôn giáo nào vi phạm luật pháp thì phải lên tiếng chứ không thể im lặng để người phạm tội tiếp tục vi phạm luật pháp. Nên nhớ giáo dân có trách nhiệm không những với tôn giáo của mình mà gồm cả trách nhiệm đối với xã hội mình đang sống; trách nhiệm với xã hội phải đặt lên trên trách nhiệm với tôn giáo khi cả hai có sự tương phản.
Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật thời đại 2000s thì con người phải ý thức rằng tôn giáo chỉ là sản phẩm của thời đại cổ xưa khi tôn giáo được dùng để giải thích các hiện tượng thiên nhiên, xã hội.... Ngày nay phương tiện truyền thông, khoa học tối tân thì con người phải hiểu tôn giáo một cách khoa học hơn. Hãy xét lại thực chất căn bản của tôn giáo: Phải chăng các vị sáng lập tôn giáo đều muốn con người (loài người) sống lương thiện, thành thật, yêu thương nhau? Vậy thì có gì để các nhà "đầu tư" tôn giáo lải nhải qua hàng thế kỷ mà vẫn không thay đổi được con người, vẫn còn chiến tranh, xung đột, kỳ thị? Phải chăng sai lầm vẫn nằm ở mối tương quan giữa người và người?
Kết Luận
Những ai quan niệm tu dưỡng thắng nhân là điều quan trọng trong tiến trình tự giáo dục thì cần phải nắm rõ đặc tính của Người và Xã Hội để biết cách ứng xử trong đời sống xã hội với mục đích chung là tôn trọng, cùng nhau tiến bộ chứ không phải mạnh được yếu thua.
Hiểu những đặc tính bên trên tức là hiểu người. Và cũng với đặc tính bên trên tự bản thân có thể hiểu ở chính mình để đặt mình vào đúng vị trí của bộ máy xã hội. Chỉ khi nào chính mỗi người sống trong xã hội đặt đúng vị trí thì bộ máy xã hội mới hoạt động hữu hiệu, đạt hiệu quả cao; kéo dài hạnh phúc, rút ngắn khổ đau.
Điều này có thể thực hiện ở chính bản thân. Nhưng trong tương lai, những điều này cần phải áp dụng vào hệ thống giáo dục bởi không phải ai cũng có kỹ năng tu dưỡng thắng nhân trên một tinh thần trách nhiệm với chính bản thân và xã hội.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 1 năm 2022 (Việt lịch 4901)
Nguồn: https://nganlau.com/2022/04/24/tu-duong-thang-nhan-quan-he-nguoi-voi-nguoi-p2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét