Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

Chính Trị Là Gì (P2)?

 

Khi đã xác định là chuyện tham gia vào Chính Trị là quyền của một Công Dân, quyền của Con Người -- thì cụ Lý phân tích thêm cái tham gia vào Chính Trị đó đơn giản qua phần Chính Trị Hằng Ngày.

Chính trị hằng ngày là gì? “Chính trị không phải là công việc cao siêu ghê gớm, lớn lao, khó khăn, xa lạ. Chính trị ở ngay trong đời sống hàng ngày của mình, ở ngay cơm áo. Đói rét mà chịu một bề, nhục nhã mà cúi đầu im lặng, không biết đứng dậy đòi lấy sự sống còn, mà xếp đặt cho quốc gia được no ấm; đó là hại cho mình và hại cả dân chúng, tức là phản mình và phản dân chúng.” (1)

Từ ngữ Đói Rét phải hiểu ở một nghĩa sâu rộng không đơn thuần là thiếu ăn, thiếu mặc. Bởi cuộc sống hàng ngày của Con Người nói chung và người Việt nói riêng, không phải là đủ ăn, đủ mặc mà còn nhiều nhu cầu khác. Nếu chỉ đủ ăn, đủ mặc để rồi yên lòng, không tham gia vào chính trị thì cuộc sống của chúng ta đâu hơn gì con bò, con trâu? Bởi trâu, bò chỉ cần đủ ăn là xong, không đòi hỏi gì nữa. Ngày hôm sau con bò - trâu có thể bị giết để người ăn thịt thì con bò - trâu cũng chẳng lo âu. Nhưng Con Người thì không đơn giản như thế. Đây chính là sự khác biệt giữa Người và Vật. Và từ ngữ Con Người đã nói lên nhu cầu của Con Người ngoài cái ăn, cái mặc còn có những nhu cầu khác gồm có cả tinh thần; gồm có cái lo lắng cho tương lai của con cái, của dân tộc; gồm có cả những quyền tự do căn bản mà ngay thời nguyên thủy của loài người mọi người đã có; gồm có cả an ninh cho chính bản thân, gia đình và giống nòi Việt; gồm có cả môi sinh nước, không khí, biển sạch, thức ăn sạch, xã hội sạch (minh bạch), chính quyền minh bạch (rõ ràng trong ngân sách chi tiêu và chịu sự kiểm soát của người dân).

Nói chung tất cả những sinh hoạt hàng ngày của chính mỗi cá nhân trong xã hội phải được chính những thành phần trong xã hội đó quan tâm. Nếu chúng ta không quan tâm để lo cho cái cuộc sống hàng ngày của chính mình thì chính chúng ta đã phản lại chính mình và dân tộc mình.

Cuộc đấu tranh của dân Hà Tĩnh trong đầu năm 2017 để đi bộ đến tòa án kiện công ty Formosa nhưng đã bị nhà cầm quyền csvn ngăn chận bằng cách -- không cho các công ty xe chở người dân đến tòa án. Khi người dân quyết định đi bộ thì công an ngăn cản và đánh đập. Cái thái độ im lặng của các chủ xe để đứng về phía nhà cầm quyền; cái thái độ của công an đánh dân chúng khi mà dân chúng Hà Tĩnh thực hiện quyền tự do Con Người của chính mình, đòi công ty Formosa bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất trong vụ làm biển ô nhiễm -- thì hành động của nhà cầm quyền, cũng như của các công ty xe, cũng như sự im lặng của cơ quan báo chí trước hành động phản dân, hại nước này -- thì số đông người dân Việt vẫn tiếp tục không tham gia vào chính trị mà cứ phó mặt cho nhà cầm quyền csvn làm gì thì làm.

Sự im lặng đáng sợ này chứng tỏ người Việt đã khước từ cái quyền tham gia vào chính trị hàng ngày của chính mình, chấp nhận làm nô lệ cho cái đãng cầm quyền, chấp nhận sự đàn áp thô bạo trên đồng bào của chính mình và xem đó không phải là chuyện của mình -- do dù chính mình đang ăn cá độc, do dù chính mình bị ảnh hưởng bởi môi trường biển xấu (trực tiếp hay gián tiếp) vào đời sống kinh tế của chính mình mà vẫn im lặng không trực tiếp tham gia vào chính trị, thay đổi cuộc sống hàng ngày của chính mình.

Câu hỏi đặt ra là nhà cầm quyền cấm hay chính thái độ im lặng của đa số người dân cho nên nhà cầm quyền tiếp tục đi ngược lại nguyện vọng của người dân? Có lẽ chính thái độ im lặng của người dân đã đưa đến quyết định của nhà cầm quyền là đàn áp người dân Hà Tĩnh, đàn áp những ai lên tiếng đòi biển sạch, đòi bồi thường từ công ty Formosa. Nếu 30 triệu người dân lên tiếng thì liệu nhà cầm quyền csvn có đủ lực lượng công an để trấn áp 30 triệu người? Nếu 30 triệu người Việt thực hiện chuyện chính trị hàng ngày đòi hỏi môi trường sạch, một chính quyền minh bạch thì liệu đãng csvn sẽ đàn áp 30 triệu người trên? Chính một anh công an đàn áp người dân Hà Tĩnh đã nói là nếu số người gia tăng thì lực lượng công an khó mà đàn áp được số đông.

Câu nói của cụ Lý Đông A hơn 70 năm trước vẫn còn hiện hữu trong dân tộc Việt của thế kỷ 21 này. “Đói rét mà chịu một bề, nhục nhã mà cúi đầu im lặng, không biết đứng dậy đòi lấy sự sống còn, mà xếp đặt cho quốc gia được no ấm; đó là hại cho mình và hại cả dân chúng, tức là phản mình và phản dân chúng”. Đau đớn thay cho dân tộc Việt. Chỉ vì nhìn sai từ Chính Trị mà quên đi cuộc sống của chính mình, không dám đứng lên để giành lại quyền được sống của chính mình và dân tộc mình.

Không thể nào tiếp tục không tham gia vào chính trị khi mà chính cuộc sống của chúng ta đã bị xáo trộn. Không thể nào không tham gia vào chính trị khi giống nòi Việt đang tiếp tục bị phương Bắc làm ô nhiêm môi trường để giết hại giống nòi Việt. Không thể nào tiếp tục im lặng trước thái độ đàn áp của giới cầm quyền csvn.

Chính Trị Phong Cách.

Chính Trị theo cái nhìn của cụ Lý không ngừng ở hai điểm tầm thường trên. Trái lại cụ Lý nhìn vấn đề Chính Trị ở phương diện Nhân Luân, Nhân Cách và Quốc Cách. Nói chung cái Chính Trị phải là để phục vụ Con Người, những người dân sống trong quốc gia đó để thể hiện văn hóa, văn minh của một dân tộc, của một quốc gia.

Chính trị ở ngay sự giữ gìn lấy phong hoá, trình độ sống phải đúng đường của mình. Phải bảo vệ lấy luân lí, cái lẽ sống xứng đáng của con người gọi là Nhân Luân. Cũng cần phải cố lấy lại cái cốt cách, sự cư xử giao thiệp trang trọng của con người, gọi là Nhân Cách, thì mới mở rộng, làm cho ăn sâu được công đức ở nơi quốc dân. Như thế mới mong đạt được mục đích chính trị. Sự sống không có cốt cách con người, nhất là cái Quốc Cách, như thế thì không có gì sáng sủa đẹp đẽ, xứng đáng, không đưa người ta đến đâu, mà trái lại có thể làm hại được nữa; đó cũng là phản dân chúng.”

Văn hóa của một dân tộc, của một xã hội được nhìn qua được lối ứng xử của người dân trong nước ra sao. Người dân biết tôn trọng luân lý Con Người, sẵn sàng đứng lên chống lại cái ác, cái sai trái; sẵn sàng chấp nhận sống thiệt thòi để sống xứng đáng là một Con người có Nhân Luân (đạo lý, luân lý căn bản của Con Người là phải đứng về kẻ yếu khi kẻ yếu bị kẻ mạnh hiếp đáp, khi kẻ mạnh đàn áp thô bạo kẻ yếu). Từ thái độ sống có luân lý để phản ảnh ra cái cử xử văn minh của Con Người, của Dân Tộc mà cụ Lý gọi là Nhân Cách. Và nếu nhiều người sống đúng với Nhân Cách của mình thì sẽ tạo ra Quốc Cách, tức là cách hành xử của một quốc gia đối với dân tộc mình, đối với nhân loại.

Tại sao thời đại nguyên thủy, còn người hợp lại với nhau để thành lập bộ lạc (xã hội ở phương diện rộng lớn với nhiều bộ lạc) với mục đích gì? Mục đích để bảo đảm sự đối xử giữa Con Người với Con Người không như thời nguyên thủy cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua. Khi bộ lạc hình thành thì cuộc sống của những Con Người dưới bộ lạc đó được văn minh hơn, lối hành xử nhân đạo hơn, không thể cướp giựt tài sản, đánh đập người khác một cách tự nhiên như thời nguyên thủy khi mọi người sống rời rạc. Lúc đó (thời nguyên thủy) an ninh bất an, ai mạnh sẽ thắng, ai yếu sẽ thua. Nhưng người mạnh rồi có lúc sẽ yếu, cho nên sẽ bị kẻ mạnh khác cướp lấy tài sản, sinh mạng của mình. Chính vì thế mà Con Người thời nguyên thủy đã tụ họp lại với nhau thành từng bộ lạc để bảo vệ lấy nhau; để gia tăng sức sống trong luân lý, kiến tạo một nền văn minh mới; văn minh bộ lạc với luật lệ rõ ràng, luân lý rõ ràng với sai-trái, phải-quấy, thiện-ác.

Nhìn giống nòi Việt hiện giờ thì cái văn minh hiện có tại đất Việt là gì? Đây là một nền văn minh của thời nguyên thủy, mạnh được yếu thua. Đây là nền văn minh lạc hậu mà trong đó mọi người sống còn thua Con Người nguyên thủy. Thua ở điểm nào? Thua ở điểm là Con Người nguyên thủy thấy được sự bất an của cuộc sống cho nên hợp lại thành bộ lạc để bảo đảm sự bất an trong cuộc sống; đồng lòng sống trong một luân lý được những người trong bộ lạc đặt ra để cùng nhau bảo vệ tài sản, sinh mạng của tất cả thành viên trong bộ lạc đó; không ai có thể cướp giựt tài sản và lấy sinh mạng của người khác trong cái bộ lạc đó. Rõ ràng Con Người thời nguyên thủy đã hơn xa người Việt của hôm nay. Hãy tạm gác chuyện so sánh người Việt hôm nay với 4 ngàn năm văn hiến trước đó mà chỉ cần so sánh người Việt với thời Con Người nguyên thủy, cái thời ăn lông, ở lỗ. Phải làm sự so sánh này để đánh giá chính xác cái văn minh hiện có trên đất Việt hôm nay.

Đừng nghĩ rằng với Iphone, Bphone, với xe đẹp là sự văn minh. Đó chỉ là bề ngoài của cuộc sống chứ không nói lên cái văn minh đích thực của một Con Người, của một dân tộc, của một quốc gia. Văn minh là cái ứng xử giữa Con Người với Con Người. Nếu sự ứng xử giữa Con Người với Con Người vô nhân, vô đạo, vô tình, vô cảm thì đấy không phải là văn minh mà là một xã hội thú mang lốt con vật Người. Chỉ có những con thú mới sẵn sàng cắn giết đồng loại của mình. Chỉ có những con thú mới có thể quay lưng lại với đồng loại của mình.

Chúng ta có can đảm để nhìn nhận sự thật trên hay chúng ta vẫn tự ti mặc cảm để rồi đem ra cả ngàn lý do viện dẫn cho lối ứng xử tàn bạo của người Việt đối với người Việt hôm nay? Cần phải nhấn mạnh rằng lối ứng xử này không phải chỉ xảy ra ở VN mà xảy ra ở các nước khác, nơi mà có người Việt sinh sống, tuy rằng mức độ trong nước và ngoài nước khác nhau nhưng tựu chung, lối ứng xử của người Việt hôm nay quá tàn bạo, quá vô luân.

Hãy mạnh dạn vượt lên và xóa bỏ những suy nghĩ không lành mạnh trong vấn đề Chính Trị. Phải hiểu Chính Trị một cách đơn giản là “thiết kế và chấp hành dân sinh”. Sự thiết kế này không ai hiểu và biết nhiều bằng chính bản thân của mỗi thành viên trong xã hội. Chính vì thế chúng ta phải tham gia vào chính trị, không thể chạy trốn, không thể để người khác quyết định cuộc sống chính mình.

Chính Trị Là Gì (P3)?

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 3 năm 2017

Dallas, TX

1.       https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duongsongviet-version-layouted-may2016.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2017/04/01/chinh-tri-la-gi-p2/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...