“Vấn đề trước hết hiện nay phải quan tâm hơn cả là Chính Trị và Cách Mạng. Hai điều nay là điều chính cốt, mà mọi người dân Việt phải thực hiện, lập nên một công cuộc cũng là điều phải định đoạt cho minh bạch kĩ càng.
Nói tới Chính Trị và Cách Mạng là phải nói tới Dân Tộc là vì bản vị bao giờ cũng là Dân Tộc. Mà công việc Chính Trị và Cách Mạng là phải phục vụ cho Dân Tộc. Ta cần biết làm thế nào để đứng được trên bản vị Dân Tộc đó” (1) .
Mở đầu bài viết này bằng đoạn trích trong Đường Sống Việt của cụ Lý Đông A. Đầu tháng 3 chúng ta đã tìm hiểu từ ngữ Cách Mạng là gì và cũng trong sự tìm hiểu đó, chúng ta nhận diện được nhu cầu cần phải có cuộc cách mạng cho dân tộc của thế kỷ hôm nay. Khởi đầu cuộc cách mạng phải bắt đầu từ bản thân, gọi nôm na là cách mạng bản thân. Nếu chúng ta không làm được cuộc cách mạng với chính bản thân thì sẽ không bao giờ có được cuộc cách mạng dân tộc xảy ra. Nếu có dân tộc cách mạng xảy ra (mà không làm cuộc cách mạng bản thân trước) thì cuộc cách mạng đó phải gọi là phản cách mạng (đảng csvn đã làm công cuộc phản cách mạng này bởi những người trong đảng csvn chưa bao giờ làm được cuộc cách mạng bản thân, bao gồm cả cá nhân ông Hồ Chí Minh) bởi khi Con Người, dù có thông minh cách mấy nhưng chỉ lấy Dân Tộc làm phương tiện để thực hiện chủ đích của bản thân, của đảng phái mà không xem dân tộc là bản vị để phục vụ thì đó là phản cách mạng chứ không phải là cách mạng.
Cuộc cách mạng bản thân phải khởi đầu bằng sự nhận diện từng vấn đề, từng từ ngữ, từng tư tưởng và phải loại bỏ những gì mà chúng ta đã tưởng là biết, là đúng để nhận diện rõ sự thật cho đúng bản chất của sự thật thay vì tin vào cái sự thật do chính người cầm quyền nhồi nhét vào trong đầu óc của chúng ta. Trong tinh thần đó, chúng ta hãy tìm hiểu rõ ý nghĩa của chữ Chính Trị.
Nhiều người tại Việt Nam cho rằng đừng nên tham gia vào việc Chính Trị. Đây chính là điều mà các nhà cầm quyền độc tài muốn và người Việt đã thực hiện ý muốn này, không phải là của chính mình, mà là của nhà cầm quyền độc tài csvn.
Từ ngữ Chính Trị được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau theo cái nhìn của cụ Lý Đông A. Trong tuyển tập Duy Dân Cương Thường, cụ Lý cho rằng “Chính trị là thiết kế và chấp hành dân sinh theo ba điều kiện: nhân đạo, nhân sinh, nhân cách”(2). Tuy nhiên, trong Đường Sống Việt, cụ Lý nhìn vấn đề rõ ràng hơn và cụ đưa ra bốn điểm chính khi nói về Chính Trị gồm có: Chính Trị Công Dân, Chính Trị Hằng Ngày, Chính Trị Phong Cách, Chính Trị Sinh Mệnh.
Chính Trị Công Dân
“Người là một động vật và hơn các động vật khác là người biết tổ chức đời sống mình, biết tìm cách làm tồn tại giòng giống mình. NGƯỜI, vì thế gọi là chính trị động vật. Chính trị xem đó là cái điểm đặc biệt biểu hiện rõ sự sống và giá trị con người của quốc gia. Làm người, nhất là làm quốc dân, phải đứng dậy phục vụ cho quốc gia, phải tham dự chính trị, vì không thế thì không bảo là hơn loài vật được”.
Con Người khác con vật ở chỗ là chúng ta biết tổ chức đời sống của chính mình. Ngay từ thời nguyên thủy, để chống lại sức mạnh của thiên nhiên và bảo tồn nòi giống, Con Người đã hợp quần với nhau để hợp thành một gia đình, một bộ lạc hầu giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau; nâng cao cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Hành động hợp quần với nhau để chống lại một con thú dữ, để săn bắt một con thú và chia thịt nhau cùng ăn -- đây chính là hành động của Chính Trị. Nếu không hợp lại với nhau thì làm sao một cá nhân có thể săn bắt một con thú có sức mạnh hơn Người? Chính sự hợp tác để bảo vệ lẫn nhau, đồng thời sự hợp tác giữa Nam-Nữ để giữ gìn nòi giống thì tất cả những sự hợp tác này đã bắt đầu từ thời nguyên thủy của loài người để tổ chức thành một xã hội đầy phức tạp của hôm nay.
Cho nên là một Công Dân của một quốc gia phải tham gia dự vào chính trị để phục vụ quốc gia (gồm cả chính mình) bởi mình là thành phần trong xã hội. Nếu xa lánh chính trị thì chẳng lẽ sinh hoạt an ninh của chính mình lại giao phó cho người khác hay sao? Chính thái độ chạy trốn chính trị của người Việt để rồi các nhà cầm quyền từ các thời đại đã thay phiên nhau xem dân như nô lệ với thời vua chúa là Thần Bất Tử Bất Trung. Ở thời đại hiện nay thì Trung Với Đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất), Hồng Hơn Chuyên. Có nghĩa là phải luôn luôn trung thành với đãng, đặt sự sống còn của đãng lên trên sự sống còn của dân tộc. Chuyên môn không cần thiết mà cái cần thiết là phải Hồng, nghĩa là phải luôn luôn tuân thủ và thực hành mệnh lệnh của đãng, cho dù mệnh lệnh đó là đàn áp chính dân tộc, giống nòi của mình.
Khi mà Công Dân không lên tiếng và sẵn sàng chấp nhận sự đàn áp của giới cầm quyền thì câu chuyện Trung Với Đãng, Hồng Hơn Chuyên sẽ tiếp tục xảy ra. Chuyện hối lộ, tham nhũng trong xã hội; chuyện đánh đập học sinh; chuyện mua quan bán chức; chuyện đấu tố những cá nhân không nằm trong đãng ra ứng cử vào cơ quan Quốc Hội; chuyện gia tăng giá cả điện, nước hoặc chuyện ra luật nếu vượt đèn vàng vẫn phải bị phạt tiền (để quan bỏ vào túi nhiều hơn) dù rằng luật này đi ngược lại lối hành xử của quốc tế, tất cả những chuyện bên trên xảy ra tại Việt Nam bởi đa số người Việt không tham gia vào Chính Trị mà giao phó chuyện này cho một số người, cho một đãng cầm quyền.
Có người cho rằng dân trí Việt thấp nên không thể tham gia vào Chính Trị. Đây chỉ là ngụy biện của giới cầm quyền. Thời nguyên thủy, dân trí thấp hơn thời đại của hôm nay, nhưng Con Người thời nguyên thủy vẫn tham gia vào Chính Trị để tổ chức đời sống của mình, bảo vệ đời sống của mình và bảo tồn sự tiến hóa của Con Người. Chính sự tham gia vào Chính Trị của Công Dân đã làm bộ mặt của xã hội ở những quốc gia dân chủ luôn luôn được thay đổi cho phù hợp với trào lưu nhân bản, tiến bộ của thời đại.
Chính Trị Công Dân được hiểu là Công Dân phải có cái quyền (và trách nhiệm) tham gia vào công việc Chính Trị, không phải để cầm quyền, để ăn trên nằm trước, để phục vụ đãng csvn -- mà là để “thiết kế và chấp hành nhân sinh”, để phục vụ người dân, phục vụ dân tộc trên một căn bản Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Chủ. Cái quyền này không thể nào bị những luật pháp ngăn cản bằng hình thức đấu tố, hay cần được sự giới thiệu của cơ quan ngoại vi của đãng cầm quyền.
Như đã nói bên trên, Chính Trị Công Dân đã có từ thời nguyên thủy của loài người. Và chính những Con Người thời nguyên thủy đã thực hiện Chính Trị Công Dân để biến một xã hội thô sơ thành một xã hội phức tạp, nhân bản hơn, quan tâm đến cuộc sống của người dân nhiều hơn. Chỉ khi nào chúng ta tham gia vào Chính Trị Công Dân thì lúc đó những luật lệ vô lý như vượt đèn vàng vẫn bị phạt sẽ không xảy ra; hoặc khi người dân đi biểu tình đấu tranh cho dân oan thì bị đi tù về tội gây rối trật tự công cộng sẽ chấp dứt bởi đây là bộ luật đi ngược lại quyền làm chủ của mỗi cá nhân.
Chính sự thờ ơ với chính trị, quan niệm chính trị là cầm quyền đã tạo ra một xã hội người dân chỉ là những người nô lệ cho giới cầm quyền. Và ngày nào chúng ta mãi mãi sợ hãi chính trị, không nhìn từ Chính Trị trên một góc nhìn Nhân Bản, Nhân Chủ thì đất nước và dân tộc mãi mãi lầm than.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 3 năm 2017
Dallas, TX
1. https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duongsongviet-version-layouted-may2016.pdf
Nguồn: https://nganlau.com/2017/04/01/chinh-tri-la-gi-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét