Khi viết về Sinh Mệnh Tâm Lý (SMTL), Lý Đông A (LĐA) đã nhấn mạnh đó là tư tưởng chỉ huy sống và sống với chết là một. Vì là một thể hữu cơ (sinh -thành- hoại- diệt) sinh mệnh cá thể gắn chặt với xã hội (dân tộc, tập thể) và vũ trụ (thiên nhiên). Khi tư tưởng (linh hồn = tâm lý) kết hợp với thể hữu cơ (thân xác = sinh mệnh) và từ đó cơ năng (sinh lý) phát khởi. Thắng Nghĩa triết học dựa vào đó để chỉ ra con đường Thắng Nghĩa với những nguyên lý đáy tầng không qua súng đạn, bạo lực, dối trá (cộng sản) … hay cám dỗ, tham vọng, hưởng thụ (tư bản) mà qua tâm lý học Thắng Nghĩa.
Ý nghĩa chung của nhân sinh, xã hội và văn hóa (tương giao giữa người và người) là căn bản luật tắc của cuộc sống con người (nhân sinh) qua sử quan (nhìn về quá khứ) để tiến tới tương lai (cứu cánh của sinh mệnh) qua giá trị của công năng (sức lao động, làm việc, sáng tạo) và hiệu lực (có thực sự đem lại tự do, hòa bình, nhân quyền, nhân bản…).
SMTL chỉ ra Sinh Mệnh (SM) chủ thể, SM hệ thống và SM cơ cấu dựa trên (1) Âm-Dương (tình yêu, gia đình) và từ đó đời sống (2) kinh tế: khoa học-kỹ thuật, (3) đời sống xã hội thành hình.
Từ các biến chuyển của Tâm lý, Sinh lý bên trong mỗi cá nhân mà chúng ta (mỗi cá nhân) phải tìm hiểu, quan sát (tự quan sát là bắt đầu và kết thúc của giáo dục) để biết tiến trình chuyển trong tâm thức của con người từng giây từng phút và biến chuyển từ suy nghĩ (tư tưởng) sang hành động: Tính-Tâm-Thân-Mệnh. Và từ cá nhân biểu hiện qua cơ năng của xã hội: Đức tầng –Nghiệp tầng –Tri tầng.
SMTL đưa ra phương pháp học lý để giúp cá nhân nhận định về những nhân vật lãnh đạo (chính trị, tôn giáo, xã hội, kinh tế, giáo dục…) là thiên tài hay chỉ là thiên tai (đại họa cho con người, dân tộc).
Và cũng để soi sáng những giả trá, hư ngụy -- SMTL chỉ ra những hoạt động tâm lý và sự thực (chân lý) đều dựa trên sinh mệnh (cuộc sống). Nếu cái gọi là tâm lý hay sự thực đi ngược lại sinh mệnh thì dù có giả danh dưới bất kỳ hiến pháp, luật pháp nào cũng chỉ là ngụy biện. Khi tâm lý con người có thể nói ngược, nói xuôi và chân lý (mọi người đều xác nhận) như yêu chuộng hòa bình, tự do đã không thể chối cãi thì việc chấp nhận mâu thuẫn (đưa đến xung đột, bất an... ) cho thấy tâm lý ngụy tạo của cá thể thành hình cho dù cá nhân cố tình chối bỏ vì con người không thể tìm kiếm hòa bình nếu không sống hòa bình. Cũng như con người không thể tìm thấy hạnh phúc nếu không sống hạnh phúc.
Nếu qua SMTL mà cá thể vẫn không nhận diện được dục vọng, tham vọng từ bản thể tâm lý thì phải đi trở lại cuộc cách mạng tâm lý để nhìn lại tính Thiện- Ác trong tâm, Hợp lý hóa xung động: tự xác định thế nào là hợp cho chính mình rồi phổ biến trong xã hội. Dĩ nhiên sẽ có xung đột và Hợp lý hóa nhu yếu để giảm cường độ xung đột cho đến mức độ không còn xung đột để có thể chấp nhận trong xã hội, tập thể (bình quân, bình đẳng).
Nhưng để tránh những tâm lý ngụy biện, SMTL đặt đạo đức tiêu chuẩn: Trinh – Bình – Hòa. Cá thể chỉ có thể nói một lần =TRINH (nói thực, không cần phải đặt tay trên Kinh thánh mới tuyên thệ nói thật) và cũng chỉ có thể phản bác (phủ định) một lần mà thôi. Tại sao chỉ một lần?
Chúng ta sống trong thế giới Nhị nguyên: Âm –Dương , Trời –Đất , Phải – Trái , có –không …. Nhưng không thể liên tục phủ định sẽ không còn là BÌNH: một CÓ đối với một KHÔNG . Và cũng không HÒA: khi người giàu, giàu mãi và người nghèo, nghèo mãi tất sẽ có xung đột.
Vậy SMTL đòi hỏi sự giáo hóa: chí trung hòa –chí đạo đức –chí luơng tri để xây dựng và mưu cầu hạnh phúc.
Đồng thời SMTL cũng đưa ra chính trị tiêu chuẩn: sống tiến hóa, sống vui mạnh, sống giản dị. Có gì cần thay đổi trên những tiêu chuẩn như vậy chăng?
SMTL cũng đưa ra Thiên tính (chủ quan) và SM cơ cấu phù hợp với khách quan, thời gian và không gian trên căn bản: Tính nghiệp – Tình nghiệp và Ý nghiệp. Những ai không chấp nhận triết học Đông Phương về khoa học huyền bí (tử vi, lý số, tướng pháp, nghiệp, luân hồi… ) thì khó mà chấp nhận ý nghiệp của LĐA dựa trên thuyết Duyên khởi (nhà Phật). Nhưng nếu qua thật SMTL giúp người học Duy Dân hiểu con người sinh ra giống nhau nhưng có nhiệm vụ trong cuộc sống khác nhau và không thể lợi dụng những khả năng /tất năng để gây hại cho con người, loài người và đó cũng là mục đích của triết học Thắng nghĩa và vì thế nên gọi là Duy Dân.
Như vậy biết SMTL, chúng ta có thể biết cá nhân chúng ta đang đối diện (lãnh đạo chính trị, tôn giáo, hợp tác làm ăn, đồng hành trong sinh hoạt…) là người như thế nào, có thể làm việc tới đâu, khả năng có đúng như lời nói…. Đó là xây dựng niềm tin giữa những cá thể, và có những cá thể như vậy chúng ta mới có thể xây dựng xã hội theo một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để như đã vạch ra trong Duy Nhân Cương Thường, Chu Tri Lục…
TCL
VA 12-11-2017
Nguồn: https://nganlau.com/2018/02/15/biet-sinh-menh-tam-ly-de-lam-gi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét