Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P8)

5.7 Được quyền ban hành giới nghiêm khi có sự đồng ý của Quốc Hội.

5.8 Được quyền tuyên chiến, hòa, đình khi được sự đồng ý của Quốc Hội.

5.9 Được quyền ân xá, đặc xá, hay chung quyết (phán quyết cuối cùng) các án từ Tư Pháp Viện hay Kê Sát Viện.

Quyền này (5.9) cần phải xem xét lại để Quốc Trưởng không thể lạm quyền. Nếu vì quyền này, Quốc Trưởng kêu ai đó làm những chuyện trái luật để có lợi cho vị thế cầm quyền của vị Quốc Trưởng và cá nhân này bị truy tố thì phải chăng Quốc Trưởng không thể có quyền ân xá cho cá nhân này? Hoặc quyền ân xá không thể nào dành cho những thân nhân, bạn bè, ủng hộ viên của Quốc Trưởng bởi đây là xung đột quyền lợi và sẽ dễ tạo ra sự lũng đoạn cơ cấu nhà nước khi quyền này không ghi rõ chi tiết và những điều kiện được ân xá, đặc xá, hay chung quyết. Sự ân xá của Tổng Thống Trump chứng tỏ là quyền ân xá đã bị lạm dụng và Quốc Hội và tòa án Hoa Kỳ không làm gì được cho sự lạm dụng ân xá này. Cho nên thế hệ tương lai cần phải bàn thảo điều luật để Quốc Trưởng có thể thực hiện điều này nhưng đồng thời tránh sự lạm dụng. Nếu bị lạm dụng thì dưới cơ chế Duy Dân, Phê Phán Công Đường sẽ thực hiện chuyện phê phán và đàn hạch (impeachment).

Một vấn đề nữa cần phải quan tâm, luật pháp cho chuyện ân xá cần phải rõ ràng là quyền được ân xá có được áp dụng cho những người bị luận tội nhưng chưa ra tòa? Mà nếu chưa ra tòa thì chỉ bị nghi ngờ chứ chưa phải bị tội. Vậy nếu chỉ bị nghi ngờ mà quyền ân xá áp dụng cho cá nhân này thì phải chẳng đã sai trái, một hình thức khuyến khích cá nhân này vi phạm tội ở tương lai? Và liệu vị Quốc Trưởng tự ân xá chính bản thân mình? Nếu Quốc Trưởng có quyền tự ân xá chính mình thì sẽ tạo sự khuyến khích cho Quốc Trưởng làm bậy. Cho nên chuyện tự ấn xá cho bản thân, gia đình mình hay người đã từng làm việc cho Quốc Trưởng không bao giờ có thể xảy ra bởi sẽ tạo cơ hội lũng đoạn hệ thống Duy Dân. Chuyện ân xá phải qua một cơ quan độc lập duyệt xét chuyện ân xá của Quốc Trưởng hợp pháp hay xung đột quyền lợi. Nếu xung đột quyền lợi thì sự ân xá này sẽ vô hiệu nghiệm.

Nếu Quốc Trưởng được quyền có tiếng nói cuối cùng từ các án từ ở bên Tư Pháp Viện hay Kê Sát Viện thì có hai trường hợp xảy ra. (1) Án lệnh từ bên Tư Pháp Viện và Kê Sát Viện sai trái cho nên Quốc Trưởng có quyền sửa đổi án lệnh này. Trường hợp này hợp lý không có gì bàn cãi. (2) Tuy nhiên nếu án lệnh đúng nhưng không như ý muốn của Quốc Trưởng và từ đó Quốc Trưởng dùng quyền này để đi ngược lại án lệnh thì cơ quan nào có quyền điều chỉnh án lệnh này? Dưới cơ chế Duy Dân thì Phê Phán Công Đường lên tiếng để điều chỉnh cho đúng sự việc.

Có người cho rằng quyền này thể hiện sự phong kiến của vua chúa ngày xưa cho mình cái quyền được ân xá, đặc ân. Hơn nữa quyền này dễ tạo ra sự lạm quyền, xem thường pháp luật. Nếu luật pháp đã xử mà Quốc Trưởng can dự, ân xá người bị tội thì phải chăng cái quyền này đã xem thường nạn nhân? Sự ân xá, dưới sự kiểm soát của một cơ quan độc lập để tránh tình trạng Quốc Trưởng lợi dụng quyền này như hình ảnh của ông Trump, cần phải được thảo luận sâu rộng ở tương lai mà thế hệ tương lai cần phải quan tâm nếu thấy rằng cần cho Quốc Trưởng quyền này.

5.10 Được quyền tuyển bổ các chức vụ lãnh đạo các cấp cơ quan trong Xu Mật Viện; ngoại trừ chức vụ Tổng Lãm và các vị lãnh đạo ở 6 viện trong Hành Chính Tổng Cơ, Quốc Trưởng chỉ được đề nghị tuyển chọn với sự đồng ý của Quốc Hội. Tuy Quốc Trưởng có quyền đề nghị nhưng không có quyền sa thải sau khi những cá nhân đó đã được Quốc Hội thông qua.

Đây cũng giống bộ máy Hành Pháp của Hoa Kỳ, một số chức vụ phục vụ bộ máy Hành Pháp phải được sự chấp nhận của Quốc Hội. Cái hay ở đây là Quốc Trưởng không có quyền đuổi những người đã được Quốc Hội thông qua -- ngoại trừ những người được đề nghị vi phạm luật pháp và được cơ quan (Kê Sát Viện hoặc Phê Phán Công Đường) khác thực hiện chuyện đàn hạch và sa thải với sự đồng ý của Quốc Hội. Chuyện này tránh tình trạng mà cơ cấu Hoa Kỳ xảy ra dưới chính quyền của Trump. Bộ Trưởng Tư Pháp không thực hiện ý nguyện của Trump cho nên ông ta bị đuổi (hay tự động từ chức) để thay thế người có khả năng phục vụ ý nguyện của Trump. Chuyện các bộ trưởng là phục vụ quyền lợi của quốc gia chứ không phải phục vụ quyền lợi của vị lãnh đạo (tổng thống hay quốc trưởng).

Trong các tài liệu của Lý Đông A được ghi lại, phần này cho rằng chỉ có vài cơ quan bên Hành Chính Tổng Cơ là do Quốc Trưởng tự lựa chọn. Cũng trong các tài liệu cho rằng chức Tổng Lãm (người đầu lãnh đạo Xu Mật Viện) là do các lãnh đạo ở từng khu vực trong Xu Mật Viện bầu ra. Tuy nhiên trên cái nhìn tổng thể, người viết cho rằng chuyện chọn người cho sáu viện bên Hành Chính Tổng Cơ phải do Quốc Hội chấp nhận và do Quốc Trưởng đề nghị thì mới tránh được sự chọn người trung thành với Quốc Trưởng. Ngay cả chuyện chọn Tổng Lãm vẫn phải có sự chấp thuận của Quốc Hội.

5.11 Được quyền triệu tập Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội) thường kỳ hay lâm thời.

Quyền này mục đích là gì và tại sao cần có quyền này? Chuyện Quốc Hội là một sinh hoạt độc lập thì tại sao Quốc Trưởng có quyền này để triệu tập Quốc Hội? Người viết bài này cho rằng đây là quyền không nên có bởi nếu đây là quyền để Quốc Trưởng tuyên bố, báo cáo hoạt động quốc gia mỗi năm thì phải chăng phải có sự yêu cầu của Quốc Hội để Quốc Trưởng trình bày những hoạt động trong năm và chương trình sẽ làm trong tương lai? Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương lai cần phải tìm câu trả lời.

5.12 Được quyền đề nghị chính sách, ngân sách với Quốc Hội. Ngân sách quốc gia do Lập  Pháp Viện soạn thảo để trình lên Quốc Trưởng và được Quốc Hội chấp thuận trước khi trở thành luật do Quốc Trưởng ký.

Về chuyện ngân sách quốc gia cần phải có luật để bắt buộc cơ cấu chính quyền cân bằng ngân sách chứ không thể xài tiền một cách vô tội vạ như Hoa Kỳ. Không thể nào dùng tiền bạc để mua phiếu thông qua ngân sách bằng cách cho tiền ở những địa phương mà người đại diện của địa phương đó nằm trong vị thế cầm quyền để mua phiếu thông qua ngân sách. Đây là hình thức gọi là pork project để có sự đồng ý của dân biểu, thượng nghị sĩ thông qua ngân sách.

5.13 Được ban tặng huy chương cho các cá nhân trong chính quyền, quân đội và thường dân.

5.14 Được có những quyền hạn khác do quy định của Quốc Hội.

5.15 Quốc Trưởng đề cử người trong Xu Mật Viện để phụ giúp Tổng Lãm (người đầu lãnh đạo đầu đàn của Xu Mật Viện). Xu Mật Viện trực tiếp phụ giúp Quốc Trưởng trong việc điều hành quốc gia.

5.16 Quốc Trưởng công bố các luật pháp từ bên Lập Pháp Viện sau khi Trung Tâm Hội Nghị thông qua luật đồng thời công bố pháp lệnh (executive order) trong việc điều hành quốc gia.

Vấn đề đặt ra là nếu pháp lệnh do Quốc Trưởng đặt ra để giải quyết những vấn đề khẩn cấp mà luật pháp chưa có. Nếu pháp lệnh này sai, phục vụ quyền lợi của Quốc Trưởng và có hại đến những thành phần khác trong xã hội thì Phê Phán Công Đường và Kê Sát Viện sẽ có toàn quyền để kiểm soát sự lạm dụng này của Quốc Trưởng. Đây là điểm hay mà cơ cấu dân chủ ở Hoa Kỳ không có, khi mà vị tổng thống Hoa Kỳ quyết định lấy tiền của Bộ Quốc Phòng xây tường giữa biên giới Hoa Kỳ-Mễ bằng pháp lệnh, Quốc Hội chống vì số tiền của Quốc Hội cho Bộ Quốc Phòng không thể nào dùng vào việc xây tường, thực hiện lời hứa tranh cử của tổng thống. Thế nhưng Tòa Án Tối Cao của Hoa Kỳ đồng ý với quyết định tổng thống mà không ai làm được gì cho dù đây là quyết định sai trái, vi phạm ngân sách quốc gia do Quốc Hội phê chuẩn.

6.  Những điều nghiêm cấm Quốc Trưởng

6.1 Không được từ chức trong nhiệm kỳ ngoại trừ bị chết, bị bệnh. Khi vắng mặt sẽ do Hành Chính Viện Trưởng tạm thay thế 6 tháng.

Thế hệ tương lai cần phải xem xét lại quyền không được từ chức trong lúc tại nhiệm. Khi quan niệm tự mình làm chủ lấy chính mình thì nếu vị Quốc Trưởng biết rằng mình làm chuyện gì đó sai phạm không xứng đáng để tiếp tục nhiệm vụ Quốc Trưởng, hoặc thấy mình không đủ khả năng để đảm nhiệm sau một thời gian thử thách nhiệm vụ thì chuyện từ chức là chuyện cần thiết vừa đáp ứng nhu cầu cá nhân của vị Quốc Trưởng, vừa phục vụ quyền lợi của quốc gia bởi khi vị Quốc Trưởng tự thấy mình không còn hữu hiệu trong việc điều hành quốc gia thì phải cho vị Quốc Trưởng cái quyền từ chức đó. Đây chính là thực hiện tinh thần Tự Kỷ, Ỷ Tha, và Động Tha trong Duy Dân. Có nghĩa là tự chính mình thấy được khả năng của mình làm việc không hiệu quả thì tinh thần tự giác để xin từ chức và Quốc Trưởng phải có cái quyền từ chức. Không hiểu tại sao LĐA lại đặt vấn đề này ra trong cơ cấu Duy Dân mà mỗi con người tự làm chủ lấy chính mình, với tinh thần tự giác cao thì không có chuyện không được quyền từ chức. Có thể người ghi lại đã viết sai.

Một vấn đề khác là nếu vị Quốc Trưởng vi phạm luật pháp, cương thường của cơ quan, lạm dụng quyền hạn của mình thì ai sẽ có quyền trút phế Quốc Trưởng? Dĩ nhiên điều này hiếm khi xảy ra nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Có ai nghĩ rằng người dân Hoa Kỳ dưới chế độ dân chủ bầu ra một vị tổng thống thiếu nhân cách, tư cách và nói láo một cách rất tự nhiên không thua vẹm. Cho nên khi vị Quốc Trưởng vi phạm luật pháp thì sự đàn hạch từ Phê Phán Công Đường có thể đưa vị Quốc Trưởng thoái vị bởi đây là một chức vụ đòi hỏi một nhân phẩm đạo đức cao và cái nhân phẩm đạo đức đó luôn luôn có chứ không phải chỉ dựa vào quá khứ. Ngay cả Kê Sát Viện cũng có thể thực hiện chuyện chỉ trích, đàn hạch tư cách của Quốc Trưởng và nếu cần đề nghị Phê Phán Công Đường thực hiện chuyện cách chức Quốc Trưởng.

6.2 Không được giải tán Trung Tâm Hội Nghị (Quốc Hội). 

Nhiệm vụ, trách nhiệm và những điều được làm, không được làm của Quốc Trưởng rất là tổng quát, không chi tiết. Đây chỉ là khung đề nghị của LĐA và thế hệ tương lai phải suy xét để điều chỉnh, thêm bớt cho phù hợp với thực tế trong tiến trình hình thành một Cơ Năng Hiến Pháp cho một nước Việt tương lai.

Một vấn đề nữa là cần phải có luật nghiêm cấm Quốc Trưởng đưa người thân của mình vào bộ máy cầm quyền bởi sẽ tạo ra một hình ảnh của gia đình trị; lạm dụng quyền hành để đưa người vào bộ máy nhà nước và có thể làm lũng đoạn bộ máy nhà nước. Hình ảnh gia đình Trump được đưa vào Tòa Bạch Ốc để làm việc là bài học kinh nghiệm cho thế hệ tương lai khi nhìn một Cơ Năng Hiến Pháp hầu có những luật lệ khả thi, nghiêm cấm chuyện này xảy ra.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P9)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/24/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p8/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...