Cơ Năng Hiến Pháp Cương Thường
Cơ Năng Hiến Pháp dựa vào cương thường của
loài người để phục vụ loài người. Bởi vì là cương thường của loài người, sẽ
không có vấn đề là nhân quyền ở Á Châu khác nhân quyền ở Hoa Kỳ, Âu Châu như một
số lý luận của các nhà độc tài trên thế giới mà Trung Cộng thường hay so sánh
cái gọi là nhân quyền của Tây Phương và nhân quyền của Trung Cộng.
Khi dựa vào cương thường của loài người thì sẽ
chấm dứt tình trạng một công ty đem sản xuất vào đất nước yếu kém để hủy diệt
môi sinh, môi trường sống của người dân trong nước yếu kém đó. Hành động vi phạm
môi sinh, ảnh hưởng môi trường sống của loài người, không cần biết thuộc quốc
gia nào, trên lãnh thổ nào - tức là đã vi phạm cương thường của quốc gia hay
nói xa hơn là cương thường của loài người. Luật của quốc gia đó có thể không có
luật môi sinh nhưng dựa trên luật thường tình (common sense) thì dù không có luật
môi sinh nhưng công ty làm ảnh hướng đến môi trường sống của người dân, của dân
tộc đó tức là đã vi phạm cương thường của loài người.
Cương thường đó là Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân
Sinh, và Nhân Chủ. Cái cương thường đó gọi là Duy Nhân Cương Thường làm căn bản
để thực hiện Cơ Năng Hiến Pháp phục vụ đời sống của Con Người sống trên quốc
gia đó.
Bởi đó là Duy Nhân Cương Thường cho nên cần
phải đặt hàng đầu trong Cơ Năng Hiến Pháp và là cái cần phải bảo vệ, phục vụ mà
cơ cấu của chính quyền từ trung ương đến địa phương phải chấp hành để toàn dân
trong quốc gia cùng có cơ hội, nghĩa vụ, bổn phận, và quyền lợi đóng góp công sức
vào tiến trình xây dựng đất nước hùng mạnh, hạnh phúc, và phú cường.
Bởi đó là Duy Nhân Cương Thường cho nên chính
sách ngoại giao với các quốc gia khác cũng phải dựa vào đó để quốc tế nâng đỡ
nhau cùng tiến hóa thay vì ngoại giao với chính sách mạnh được yếu thua như hiện
giờ.
Cơ Năng Hiến Pháp Thực Tế
Khi nói về cơ năng là nói đến những bộ phận
trong cơ thể con người hay bộ phận trong cơ cấu của chính quyền. Những bộ phận
này luôn luôn phải được trông coi, bảo quản để cho cơ thể hoặc cơ cấu của quốc
gia được hoạt động tốt đẹp nhằm mục đích phục vụ sự sống của Con Người, giảm bớt
khổ đau kéo dài hạnh phúc.
Nếu nhìn ở dạng con người thì cá nhân luôn
luôn thay đổi để phù hợp với thực tế của cuộc sống nhằm mục đích tạo hạnh phúc
cho chính mình và gia đình mình. Câu nói “liệu cơm gắp mắm” nói lên tính thực tế
của cuộc sống con người. Có nghĩa là khi mình không có tiền thì ăn uống đơn giản,
không cầu kỳ. Khi có gia đình thì trách nhiệm đối với gia đình sẽ gia tăng cho
nên những việc thời còn độc thân có thể làm được (thí dụ đi chơi khuya, ngủ
lang thang ở nhà bạn) thì không làm trong trạng thái có gia đình. Khi về già
thì không làm những việc quá sức của tuổi già đồng thời điều chỉnh cách ăn uống,
sinh hoạt cho phù hợp với tuổi già.
Ở trạng thái của Cơ Năng Hiến Pháp cũng giống
như trạng thái của bản thân con người – có nghĩa là phải thay đổi cho phù hợp với
cuộc sống thực tế của sinh hoạt quốc gia. Vậy thì cứ 10 năm (tiểu điều chỉnh)
phải xem lại sinh hoạt của quốc gia ra sao để điều chỉnh luật lệ, hiến pháp cho
phù hợp với thực tế của cuộc sống. Và cứ 30 năm sẽ có cuộc đại điều chỉnh các
luật lệ, hiến pháp của quốc gia phù hợp với thực tế của xã hội, với nhu cầu của
cuộc sống người dân. Đây chính là Cơ Năng Hiến Pháp sống thực, thay đổi và điều
chỉnh theo điều kiện của cuộc sống xã hội. Xã hội luôn luôn thay đổi cho nên
đòi hỏi Cơ Năng Hiến Pháp phải thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội
nhằm mục đích phục vụ công việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.
Có người cho rằng bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ là
bản Hiến Pháp sống. Thực tế thì bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ là bản Hiến Pháp chết,
khó thay đổi để phù hợp với thực tế bởi tinh thần đảng tranh ở liên bang lẫn tiểu
bang -- cho nên thay đổi bất cứ điều gì ở bản Hiến Pháp Hoa Kỳ vào thời đại
2000 là chuyện không tưởng. Hãy nhìn vào tu chính án thứ 27 của Hoa Kỳ, được đề
nghị vào ngày 25 tháng 9 năm 1789 và được thông qua ngày 5 tháng 5 năm 1992, mất
trên hai trăm năm để đạt số đông của tiểu bang thông qua tu chính án thứ 27
này. Dĩ nhiên sẽ có người lý luận rằng tu chính án này không quan trọng, chỉ ảnh
hưởng đến tiền lên lương của các nghị sĩ trong Quốc Hội. Vấn đề không phải là
quan trọng hay không quan trọng mà chứng minh là một tu chính án phải mất trên
200 năm để thông qua thì rõ ràng, cái bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ không thể nào gọi
là Hiến Pháp sống (living constitution)
Ai đã từng làm trong cơ cấu chính quyền đều
thấy thực tế là chuyện thay đổi luật về thuế hay bất cứ luật nào rất chậm chạp
trong khi đó đời sống của người dân, sự tiến bộ của kỹ thuật không ngừng thay đổi
mà các luật lệ hiện hành đã không đáp ứng được nhu cầu của thời đại bởi tinh thần
đảng tranh, sự vận động hành lang của các công ty lớn làm trì trệ trong việc sửa
đổi luật lệ. Các công ty không muốn sửa đổi luật vì sự thiệt hại của họ. Mà nếu
luật không sửa đổi thì tạo ra sự bất công trong luật đối với đa số thành phần sống
trong xã hội. Chưa kể các vị đại diện do dân cử bị các công ty mua chuộc hoặc
cơ quan vận động hành lang dùng ảnh hưởng của mình để luật được thông qua nhằm
mục đích phục vụ lợi ích của công ty là chính.
Chính vì nhìn được nhu cầu sửa đổi Cơ Năng Hiến
Pháp cho phù hợp với thực tế của thời đại, của cuộc sống người dân, Lý Đông A
đưa ra đề nghị 10 năm tiểu tu chỉnh và 30 năm đại tu chỉnh. Tuy nhiên nếu con
người thay đổi, kỹ thuật thay đổi quá lẹ thì thời gian thay đổi này có thể thay
đổi lẹ hơn để Cơ Năng Hiến Pháp có thể thay đổi hầu đáp ứng với nhu cầu của thực
tế. Cái quan trọng ở đây là một Cơ Năng linh động, thay đổi khi cần thiết và mục
tiêu của thay đổi là để phục vụ xã hội và con người tốt hơn.
Cơ Năng Hiến Pháp Hiệu Quả
Hiệu quả là kết quả của Cơ Năng Hiến Pháp
trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh. Hệ thống sinh hoạt của quốc gia
cũng như hệ thống sinh hoạt của cơ thể là hệ thống phức tạp, đòi hỏi sự nghiên
cứu bằng những dẫn chứng khoa học sát với thực tế để sinh hoạt quốc gia không
đi quá đà mà trở thành quá khích, từ đó có những chính sách đi ngược lại chủ
đích thiết kế và chấp hành nhân sinh.
Mỗi cá nhân chỉ giỏi trên một lãnh vực nào
đó. Nếu cái giỏi đó đặt đúng vị trí trong cơ cấu xã hội, trong bộ máy nhà nước
thì sẽ tạo ra những chuyên môn, chuyên ngành để phục vụ đời sống của quốc dân.
Cơ Năng Hiến Pháp chỉ đạt được hiệu quả khi được phân chia trách nhiệm, công việc
của từng bộ phận để trở thành chuyên môn, chuyên ngành trong việc thiết kế và
chấp hành nhân sinh.
Tài năng của một cá nhân nhưng thiếu Tam Nhân
(nhân bản, nhân tính, nhân chủ) thì cái tài đó nguy hiểm cho xã hội mà Hitler
là một thí dụ điển hình. Cho nên Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi mà Tam
Nhân được đặt là tiêu chuẩn để tham dự vào cơ cấu chính quyền ở những vị trí
quan trọng, có trách nhiệm đưa ra những chính sách ảnh hưởng đến đời sống của
quốc dân.
Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi những
con người sống trong quốc gia thấu hiểu được tinh thần Duy Dân, sống với tinh
thần Duy Dân để thực hiện Nhân Chủ. Từ đó sẽ tạo ra một xã hội Duy Dân và từ xã
hội Duy Dân sẽ tạo ra chính quyền Duy Dân qua cơ cấu Cơ Năng Hiến Pháp nhằm mục
đích phục vụ đời sống của quốc dân, xây dựng quốc gia hạnh phúc, hùng mạnh. Khi
mà chưa có một con người Duy Dân, xã hội Duy Dân thì Cơ Năng Hiến Pháp của Lý
Đông A vẫn có thể bị lợi dụng như bao Hiến Pháp khác đang có trên thế giới. Cái
tinh thần tự giác từ mỗi người sống trong xã hội là cái gốc trong sinh hoạt.
Nhưng cho dù xã hội Duy Dân với tinh thần tự giác cao thì Con Người, “khôn ba
năm dại một giờ” đủ sức mạnh trong một giờ dại đó để phá hoại tất cả những gì
đã xây dựng cả ngàn năm. Chính vì biết được bản chất thật của Con Người, Lý
Đông A đưa ra một Cơ Năng Hiến Pháp để cái dại một giờ đó -- nếu có xảy ra thì
không hủy hoại tất cả những gì đã xây dựng trong quá khứ.
Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi các cơ
năng được chia ra hai phần: Chính Trị Tổng Cơ và Hành Chính Tổng Cơ. Chính Trị
thuộc về quyền điều hành quốc gia. Nhưng cái quyền này cần lực và lực chính là
các cơ quan về bên Hành Chính tạo ra lực để các cơ quan bên Chính Trị có quyền
(gồm cả lực) để thực thi chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Có quyền nhưng
không có lực thì quyền đó chỉ là quyền ảo, quyền không thực. Giống như một anh
múa võ nhưng không có nội lực bên trong thì cũng một đường võ đó, người có lực
có thể hạ địch thủ còn người không có lực làm cho địch thủ cười. Đây cũng nói
lên tương quan giữa các cơ năng trong bộ máy lãnh đạo quốc gia là sự tương quan
cần thiết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thực hiện mục đích thiết kế và chấp hành
nhân sinh.
Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi cơ cấu
lãnh đạo quốc gia tạo ra được sự bình đẳng về cơ hội, nghĩa vụ, và quyền lợi
trong xã hội lẫn trong cơ cấu cầm quyền. Sự bình đẳng này không phải chỉ ở trên
mặt giấy tờ mà là sự bình đẳng trong thực tế của cuộc sống. Ở những nước dân chủ
mà Hoa Kỳ là thí dụ điển hình, tuy nói về bình đẳng cơ hội nhưng thực tế sự
bình đẳng này chỉ áp dụng cho một số thành phần nào đó trong xã hội. Thí dụ về
chuyện đi học đại học. Có những học sinh nghèo, cha mẹ không có tiền để lo cho
con học ở đại học cho dù đứa trẻ muốn học đại học. Sự cách biệt giữa người
nghèo và giàu tạo đã tạo ra bình đẳng cơ hội chỉ là hình thức chứ không có giá
trị thực tế. Cho nên sự bình đẳng về Cơ Hội, Nghĩa Vụ, và Quyền Lợi phải là thực
chứ không phải chỉ trên lý thuyết.
Cơ Năng Hiến Pháp Cơ Cấu
A. Duy Nhân Cương Thường
a. Nhu Cầu Nhu Yếu
b. Nhu Cầu Tự Chủ
c. Nhu Cầu Tinh Thần
B. Chính Trị Tổng Cơ
a. Tối Cao Quốc Thể
b. Tối Cao Lập Pháp
c. Phê Phán Công Đường
C. Hành Chính Tổng Cơ
a. Nghiên Cứu Bộ Phận
1. Nghiên Cứu Viện
2. Lập Pháp Viện
b. Chấp Hành Bộ Phận
1. Hành Chính Viện
2. Quan Chính Viện
c. Khảo Hạch Bộ Phận
1. Tư Pháp Viện
2. Kê Sát Viện
D. Hành Chính Phụ Cơ
a. Khu Vực
b. Tỉnh Trị
c. Huyện Trị
d. Hạt Trị
e. Xã Trị
E. Chính Trị Nguyên
Cơ
Người
viết sẽ trình bày từng phần một của Cơ Năng Hiến Pháp cơ cấu, diễn dịch theo từ
ngữ của thời đại, đưa ra phần nhận xét và đề nghị để những ai muốn nghiên cứu một
Cơ Năng Hiến Pháp tương lai của đất nước Việt có thể dựa vào đó, điều chỉnh cho
hợp tình, hợp lý của thời điểm hiện tại của đất nước. Những nhận xét và đề nghị
được nhìn vào thực tế tại Hoa Kỳ, kinh nghiệm sống của bản thân để đưa ra những
nhận xét cá nhân mang tính thực tế của hiện tại ở thời điểm 2021.
Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P6)
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch
4900)
Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/15/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p5/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét