c. Phê Phán Công Đường
Ở những quốc gia dân chủ trên thế giới thường
hay tổ chức theo dạng phân quyền. Tuy nhiên, nếu Hành Pháp, Lập Pháp, và Tư
Pháp đưa ra những bộ luật nhằm mục đích phục vụ lợi ích của các công ty thì người
dân hoàn toàn không có tiếng nói để điều chỉnh cái sai trái của những quyết định
từ tòa án đến hành pháp, lập pháp. Khi các cơ quan đại diện dân cử có những quyết
định sai lầm thì người dân phải chờ đợi kỳ bầu cử sau để chọn người khác vào cơ
cấu cầm quyền với hy vọng có thể thay đổi luật lệ sai lầm trên. Và khi những
người đại diện dân cử không giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm thì
người dân hoàn toàn không có một cơ cấu nào để nói lên tiếng nói của mình, để
điều chỉnh những sai trái của cơ cấu nhà nước gồm cả quyết định của tòa án tối
cao.
Dưới cơ chế Duy Dân, người dân có một bộ phận
riêng biệt để kiểm soát những cơ cấu trong chính quyền nhằm điều chỉnh những
quyết định sai lầm của các cơ quan hành chính lẫn chính trị trong cơ cấu nhà nước.
Chính vì thế mà cơ cấu Phê Phán Công Đường là một cơ quan để người dân thực hiện
chuyện điều chỉnh những sai lầm trong cơ cấu nhà nước nằm bên chính trị. Trong
khi Kê Sát Viện kiểm soát về mặt hành chính.
1. Phê Phán là quyền phản tỉnh của quốc dân trên sự nắm giữ vận mệnh của
mình. Đây chính là Chính Trị Phê Phán.
Vận mệnh của chính mình phải được hiểu là vận
mệnh của toàn thể quốc gia chứ không hẳn một cá thể. Tương quan giữa cá nhân và
tập thể là tương quan của đối lập thống nhất. Nghĩa là quyền lợi của cá nhân
tuy có khác với quyền lợi của tập thể nhưng có thể cùng nhau hợp tác để cùng
nhau tiến bộ. Quốc gia được hình thành với nhiều cá nhân sống trong quốc gia đó
cho nên vận mệnh của mình tức là vận mệnh của quốc gia chứ không phải là riêng
của mình. Mà khi đã gọi là vận mệnh của quốc gia thì quyền lợi của cá thể luôn
luôn đặt dưới quyền lợi của quốc gia (tập thể).
2. Phê Phán Công Đường là cơ quan tối cao cho quyền phản tỉnh, quan sát và
phê phán những quyết định của các cơ cấu nhà nước có ảnh hưởng đến đời sống của
người dân.
3. Phê Phán Công Đường là cơ quan siêu việt bất khả xâm phạm.
Cần phải hiểu bất khả xâm phạm mang ý nghĩa
là không được quyền giải tán cơ cấu này. Những người nằm trong cơ quan này vẫn
phải hành xử theo luật lệ của quốc gia và bị kiểm soát của cơ quan Kê Sát Viện
bên Hành Chính Tổng Cơ.
4. Nhân sự trong Phê Phán Công Đường từ các các cá nhân sinh hoạt chính trị
trực tiếp ở các cấp đề cử lên vào cơ quan này với số người từ 300 đến 500 người.
Tuổi từ 55 trở lên và 70 trở xuống. Nếu là những người trong dân chúng, không
phải là cá nhân sinh hoạt chính trị trực tiếp, thì phải là người có đạo đức
cao, do Trung Tâm Hội Nghị cùng với Kê Sát Viện tuyển chọn và tuổi từ 60 trở
lên và 75 tuổi trở xuống trong lúc tại chức.
Lại một lần nữa, những chức vụ này tuổi đặt
ra rất là cao. Có thể nói rằng, những cá nhân được tuyển chọn vào trong cơ cấu
Chính Trị Tổng Cơ đều phải có sự suy nghĩ chính chắn để không có những quyết định
sai lầm trong vấn đề thiết kế và chấp hành nhân sinh. Trên lãnh vực phê phán
đòi hỏi cá nhân phải có đủ kinh nghiệm cuộc sống, có đủ tri thức và chuyên môn
để sự phê phán phản ảnh được thực tế hầu cải cách luật pháp nhằm mục đích phục
vụ lợi ích của người dân sống trong quốc gia. Cho nên cần phải lập ra từng ban,
từng bộ phận để làm chuyện phê phán trong cơ cấu nhỏ từ đó đem ra cả Phê Phán
Viện để trao đổi, thảo luận trước khi đưa những phê phán ra trước công chúng để
có sự thay đổi cho phù hợp với nguyện vọng và thực tế của người dân.
5. Quan tuyển hạn 1/3, dân tuyển hạn 2/3.
Đoạn này có thể diễn dịch là 1/3 nhân sự
trong Phê Phán Công Đường là từ những người sinh hoạt chính trị trên toàn cấp
(Công dân tầng) và 2/3 là người từ các đoàn thể xã hội dân sự hoặc những người
có đức độ cao, có đủ khả năng nhìn được vấn đề, có khả năng lý luận, quan sát
và phê phán.
6. Mỗi nhiệm kỳ là 10 năm.
Trong phần này hoàn toàn không nói đến những
người vào cơ quan này được làm bao nhiêu nhiệm kỳ. Tuy nhiên nếu dựa vào số tuổi
ấn định bên trên thì có lẽ chỉ có một nhiệm kỳ duy nhất, không thể có thêm nhiệm
kỳ 2 vì sẽ không phục vụ hết nhiệm kỳ 2. Vị trí Quốc Trưởng và Quốc Hội được cho liên nhiệm (thêm
một hoặc hai liên nhiệm) nhưng ở Phê Phán Công Đường thì không nhắc đến sự liên
nhiệm. Cho nên được hiểu là tối đa thời gian phục là 10 năm để tránh tình trạng
quá bảo thủ hoặc quá cấp tiến trong vấn đề phê phán sự sinh hoạt trong cơ cấu
chính quyền.
Vấn đề đặt ra là sự tuyển chọn người vào cơ
quan này trong thời kỳ chuyển tiếp từ một cơ chế độc tài sang cơ chế Duy Dân
thì nếu những người được tuyển chọn vào cơ chế này không đủ khả năng thì ai, cơ
quan nào có nhiệm vụ loại bỏ cá nhân đã chọn sai lầm từ lúc đầu? Câu hỏi này sẽ
được trả lời trong phần Những Thiếu Sót Trong Cơ Năng Hiến Pháp ở gần cuối bài
viết.
Một câu hỏi khác là vào thời kỳ chuyển tiếp
đó, nếu không có người đủ khả năng, trình độ, đức độ để vào trong Phán Công Đường
hầu thực hiện chuyện phê phán, kiểm tra cơ cấu chính quyền thì phải giải quyết
ra sao?
7. Mười năm sẽ có một kỳ đại hội. Mỗi ba năm sẽ có một kỳ tiểu hội. Mỗi ba
năm sẽ có một hội nghị thường trực.
Mục đích mở đại hội là gì? Tiểu hội và hội
nghị thường trực cho cái gì? Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương lai cần phải
bàn thảo. Phải chăng 10 năm mở đại hội để duyệt xét lại Hiến Pháp để đề nghị
thay đổi cho phù hợp với thực tế mà Quốc Hội đã đề nghị trước đó? Có người
ngoài tham dự vào các kỳ hội họp này hay không và nếu có thì khả năng như thế
nào để có thể tham dự?
Vấn đề nhân sự được đưa vào cơ quan này cần
phải duyệt xét để 10 năm có đại hội xảy ra thì 2/3 người trong cơ quan vẫn còn
tại nhiệm thay vì là những người mới bởi chỉ có 10 năm phục vụ. Cho nên cứ mỗi
3 năm thì 1/3 số người trong cơ quan này phải thay đổi vì đã hết nhiệm kỳ 10
năm.
Nếu thay thế toàn bộ nhân sự sau 10 năm hoặc
luôn luôn có 2/3 số người cũ thì ưu điểm,
khuyết điểm của hai sự lựa chọn đó ra sao? Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương
lai, khi đưa Cơ Năng Hiến Pháp này vào thực tế cần phải suy nghĩ tìm câu trả lời.
8. Đại hội nhiều nhất là một tháng.
Đại hội một tháng thì quá nhiều hay không và
dĩ nhiên dính dáng đến phần 7 là để làm gì?
9. Quốc Trưởng phải báo cáo, chịu huấn giới (khuyên bảo) trước kỳ đại hội
của Phê Phán Công Đường.
Nếu Quốc Trưởng nghe lời khuyên bảo nhưng
không làm gì thì Phê Phán Công Đường giải quyết như thế nào? Nếu Quốc Trưởng
không làm thì phải chẳng Phê Phán Công Đường sẽ đưa qua bên Lập Pháp Viện để
xóa những việc hay hứa hẹn của QT với ai đó? Nếu luật bị quần chúng kêu gọi
thay đổi và Phê Phán Công Đường xem xét và đồng ý thì sẽ đưa qua Lập Pháp Viện
sửa đổi và Quốc Hội thông qua, Quốc Trưởng ký thành luật mới. Cần phải ghi rõ
phần này để xác định rõ mục tiêu và quyền lực của Phê Phán Công Đường có giá trị
thực tế.
10. Dân chúng được quyền tự do dự thính trong kỳ đại hội.
Số người tham dự là bao nhiêu? Cần phải có giới
hạn số người trong vấn đề dân chúng tham dự và khả năng của người tham dự ra
sao. Có thể trực tiếp truyền hình để mọi người dân thấy được sinh hoạt trong kỳ
đại hội ra sao.
11. Mỗi 30 năm sẽ tổ chức khoáng trương hội nghị trong vòng 3 tháng. Trong
kỳ đại hội này, đề nghị tu cải Hiến Pháp khi 4/5 người dự đại hội đồng ý.
12. Các kỳ hội phải có 2/3 người đến họp mới được bàn thảo công việc.
Dưới một cơ chế Duy Dân, mỗi người có tinh thần
trách nhiệm rất cao trong sinh hoạt đời sống của chính mình và xã hội. Cơ chế cầm
quyền của Duy Dân phải có những Con Người mà tinh thần trách nhiệm luôn luôn đặt
ở vị trí cao hơn thường dân. Cho nên khi các cuộc họp mà chỉ có 2/3 người thì
phải chăng những người được bầu vào các cơ quan quan trọng của chính quyền đã
không xứng đáng để giữ trách nhiệm đó? Ngoại trừ lý do bệnh hoạn, không thể nào
chấp nhận một cơ quan của chính quyền chỉ có 2/3 người tham dự để giải quyết những
vấn đề cần phải giải quyết.
13. Quyền hạn của Phê Phán Công Đường:
13.1 Mỗi lần hội
nghị xét các án hành chính tố tụng.
13.2 Xét các án hiến
pháp tố tụng trong kỳ tiểu hội.
Phần 13.1 & 13.2 là phần mà các bản án đã
được Tư Pháp Viện xử lý nhưng không công bằng, tạo nhiều nghi vấn nên Phê Phán
Công Đường phải xét lại bởi người dân không đồng ý với bản án từ bên Tư Pháp Viện
gồm cả tòa án tối cao. Nếu đúng như thế thì phải chăng Phê Phán Công Đường là tiếng nói cuối cùng của
các vụ án hành chính và hiến pháp? Nếu quyết định của Phê Phán Công Đường sai
thì ai sẽ lên tiếng điều chỉnh? Và nếu đây là nơi cuối cùng quyết định (vì cơ
quan này có quyền giải thích Hiến Pháp)
thì số phiếu cho vụ kiện tụng là con số nào, đa số thắng thiểu số hay đòi hỏi
2/3 tổng số người trong cơ quan này đồng ý? Nếu
hội nghị xảy ra bao nhiêu lần trong tháng hay cơ quan này làm việc cũng
như những cơ quan khác 5 ngày trong tuần? Hoặc cơ quan này làm việc một khoảng
thời gian nào đó trong năm để giải quyết những vấn đề mà cơ quan này có trách
nhiệm? Đây là những câu hỏi mà thế hệ tương lai phải xem để đưa vào trong cơ
năng hiến pháp cho rõ ràng hơn.
13.3 Bình luận những
chính sách của quốc gia, kiểm thảo tình thế, và đưa kiến nghị hưng cách trong kỳ
đại hội.
13.4 Đại hội của
Trung Tâm Hội Nghị phải xin phép lệnh của Phê Phán Công Đường.
Tại sao khi Quốc Hội mở đại hội phải xin phép
Phê Phán Công Đường? Và nếu Phê Phán Công Đường không chấp nhận cho Trung Tâm Hội
Nghị mở đại hội thì ai sẽ là người đứng ra giải quyết chuyện này? Phải chăng Tư
Pháp Viện sẽ xử nếu vấn đề này xảy ra? Hay điều lệ này vô lý cần phải loại bỏ bởi
nhu cầu của Trung Tâm Hội Nghị cần phải mở đại hội mà Cơ Năng Hiến Pháp đã nói
thì tại sao phải xin phép? Thế hệ tương lai phải giải quyết vấn đề này với hiện
tình của thực tế.
13.5 Được bí mật hội
nghị khi có những vấn đề quan trọng của quốc phòng, quân sự.
Tại sao Phê Phán Công Đường có quyền này, để
làm gì khi mà Phê Phán Công Đường chỉ làm việc phê phán, kiểm soát chính quyền
thôi? Đây là một điều vô lý vì trách nhiệm của Phê Phán Công Đường không phải
là điều hành quốc gia mà chỉ là giữ nhiệm vụ kiểm soát những cơ quan trong bộ
máy Chính Trị Tổng Cơ lẫn Hành Chính Tổng Cơ. Có thể đoạn này không phải do LĐA
viết cho nên đề nghị bỏ phần này.
13.6 Được quyền đề
nghị tu chỉnh Hiến Pháp nhưng không được quyết định tu chỉnh. Đề nghị tu chỉnh
Hiến Pháp chỉ được thông qua khi 4/5 người dự khoáng trương hội nghị đồng ý.
Đây là phần đại tu chỉnh hiến pháp sau 30 năm
và những tu chỉnh của 10 năm có thể xem lại để thêm hoặc loại bỏ dưới góc nhìn
của Phê Phán Công Đường. Cần phải nhấn mạnh là bất cứ chuyện tu chỉnh hiến
pháp, dù đề nghị từ cơ quan này hay từ bên Quốc Hội, những đề nghị này sẽ đưa qua
bên Lập Pháp Viện để những nhà chuyên môn về luật đánh giá, trao đổi giữa các
viện trước khi bản tu chỉnh được sự đồng ý của Phê Phán Công Đường và Quốc Hội
để được Quốc Hội thông qua và Quốc Trưởng ký vào bản tu chỉnh đó đem áp dụng
vào thực tế. Lập Pháp Viện là trái độn để giải quyết sự xung khắc giữa đề nghị
từ bên Quốc Hội và đề nghị của Phê Phán Công Đường để cả hai bên đi đến một sự
đồng thuận cho các tiểu tu chỉnh hay đại tu chỉnh Hiến Pháp.
Điều 13.6 cho thấy chuyện tu chỉnh Hiến Pháp
là chuyện quan trọng cho nên phải có sự đồng ý của 4/5 số người trong cơ quan.
Dù cơ quan này có quyền giải thích hiến pháp nhưng lại không có quyền thông qua
cho nên cơ quan này dựa vào Quốc Hội để thông qua bản hiến pháp tu chỉnh. Một
hình thức kiểm soát lẫn nhau trong Cơ Năng Hiến Pháp.
13.7 Được quyền kiểm
thảo các pháp luật đã ban hành.
13.8 Được quyền giải
thích Hiến Pháp
Trong tài liệu Duy Nhân Cương Thường có nhắc
đến Xu Mật Viện có quyền giải thích Hiến Pháp. Không thể nào có hai cơ quan
khác nhau giải thích hiến pháp. Vì Phê Phán Công Đường có quyền đề nghị tu cải
hiến pháp cho nên cũng là cơ quan có quyền giải thích hiến pháp, hợp lý hơn là
Xu Mật Viện, cơ quan trợ giúp Quốc Trưởng.
13.9 Được quyền
đàn hạch toàn quốc trên dưới do Quốc Hội chấp hành.
Cần phải nhấn mạnh ở đây là sự đàn hạch những
người lãnh đạo ở các cấp trung ương đến lãnh đạo xã, huyện, tỉnh, thành phố, hạt.
Đây là những cá nhân có ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia cho nên có thể bị
đàn hạch khi cần thiết. Câu hỏi đặt ra là sau khi đàn hạch và quyết định loại bỏ
cá nhân đó thì cơ quan có đồng ý thực hiện chuyện thay thế người hay không? Nếu
không thì Phê Phán Công Đường sẽ làm gì? Phải chăng Kê Sát Viện và Tư Pháp Viện
sẽ tham dự để giải quyết những xung đột này hay khi Phê Phán Công Đường đã thực
hiện đàn hạch và cho là có tội thì cá nhân đó tự động bị đuổi ra vị trí cầm quyền?
Đây là những câu hỏi đặt ra để thế hệ tương lai làm sáng tỏ hơn.
13.10 Được truy hạch các Quốc Trưởng cũ.
Đây là quyền rất cần thiết bởi nếu vị Quốc
Trưởng sau khi hết nhiệm kỳ bị phát hiện là vi phạm luật trong lúc tại nhiệm
thì Phê Phán Công Đường có quyền để trút phế tất cả những quyền lợi mà vị Quốc
Trưởng được hưởng và nếu cần phải đi tù vì đã vi phạm luật trong lúc tại nhiệm.
d. Chính Trị Phù Bật
Đây là cơ quan phụ giúp Quốc Trưởng trong việc
điều hành quốc gia. Cơ quan này giống như nội các của một vị Tổng Thống.
1. Cơ quan này còn gọi là Xu Mật Viện. Nhân sự lãnh đạo trong cơ quan này
do Quốc Trưởng đề nghị và Quốc Hội tuyển chọn. Vị lãnh đạo này gọi là Tổng Lãm
tuổi từ 45 cho đến 65, nhiệm chức sẽ chấm dứt ở tuổi sau tuổi 65.
Vấn đề tuổi chấm dứt nhiệm kỳ cần phải xem
xét lại. Thời đại hôm nay con người sống rất thọ. Cho nên giới hạn tuổi chấm dứt
là 65 thì nên xem lại có hợp lý hay không. Con số 70 nghe hợp lý hơn. Tuy nhiên
đây chỉ là đề nghị cá nhân.
2. Xu Mật Viện có quyền giải thích quốc sách. Có quyền đề nghị lên Quốc
Trưởng 6 vị lãnh đạo của 6 viện bên Hành Chính Tổng Cơ và Quốc Hội tuyển chọn.
3. Tổ chức Xu Mật Viện gồm có:
3.1 Dân Tộc Cộng
Hòa Tán Dực Hội. Đây là những hội đoàn chuyên môn trên nhiều lãnh vực dưới sự vận
động của Xu Mật Viện để tạo ra chính sách giúp Quốc Trưởng.
3.2 Đảng Tổng Bộ.
Đây là những thành phần đại diện cho các đảng phái sinh hoạt trong xã hội. Đây
chính là những đảng phái gọi là công đảng chứ không phải là tư đảng như các đảng
phái chính trị ở các nước dân chủ trên thế giới hiện giờ. Công đảng được hiểu
là những chính sách của đảng đặt ra không phải để phục vụ đảng mà là để phục vụ
quyền lợi của dân tộc trên cái nhìn tổng thể chứ không phải trên cái nhìn của đảng
tính. Xu Mật Viện vận động các đảng, lấy ý kiến để có một chính sách quốc gia
toàn diện, tổng thể.
Đây là điểm duy nhất mà các tài liệu LĐA nói
đến vị trí của đảng. Mặc dù trong tài liệu Tổ Đảng có nói đến hình thức sinh hoạt
của đảng (trong thời gian đó) nhưng hoàn toàn không nói vị trí của đảng trong
cơ cấu cầm quyền. Vài tài liệu nói về đảng viên Duy Dân cần đi vào quần chúng
nhưng hoàn toàn không nói nhiều về vị thế của đảng trong bộ máy cầm quyền. Xu Mật
Viện là cơ quan duy nhất, có một đơn vị tập họp tất cả các đảng phải để có thể
tư vấn cho quốc gia. Khi mà mỗi con người trong cơ chế Duy Dân có tu dưỡng cao
thì đảng không phải để cạnh tranh cho chuyện lãnh đạo mà đảng chỉ là một trong
những sinh hoạt của xã hội, như các tổ chức xã hội khác với mục đích chung là
xây dựng một xã hội lành mạnh, cùng nhau tiến chứ không phải chỉ một thành phần
trong xã hội. Cho nên cái nhìn về đảng đối với LĐA tức là công đảng. Mà đã là
công đảng thì không còn tinh thần đảng tranh như ở Hoa Kỳ. Nhưng để đạt đến
công đảng thì phải có những con người Duy Dân biết đặt lợi ích xã hội lên trên
lợi ích cá nhân, đảng phái. Mà để có một con người Duy Dân thì phải có một nền
giáo dục đào tạo ra những công dân có tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia
đình và xã hội mà không để những trách nhiệm đó làm hại đến thành phần khác
trong xã hội. Lý Đông A cũng có nói về giáo dục trong tài liệu Thiết Giáo.
3.3 Chính Lý Cơ gồm
có:
3.3.1 Cơ quan thống kê (Chủ Kế) lo về sổ sách, thống kê các con số
trong sinh hoạt của quốc gia từ lao động, kinh tế, đến tài chính để dựa vào đó
mà Quốc Trưởng có chính sách khả thi, thực tế với tình hình hiện tại của đất nước.
Ngoài ra cơ quan này cũng thực hiện các cuộc điều tra, nghiên cứu, khảo hạch để
có những đề nghị thực tế giúp Quốc Trưởng trong việc lãnh đạo quốc gia.
3.3.2 Cơ quan nguyên tắc (Chủ Pháp) lo về khởi thảo đề án, kế hoạch,
nghi thức, nguyên tắc luật pháp và vận dụng hành chính trong sinh hoạt của quốc
gia.
3.3.3 Cơ quan nhân sự (Chủ Viên) chăm lo về việc nhân sự và động viên
nhân lực. Mục đích bồi dưỡng và ổn định hành chính.
Ba cơ quan trên
thi hành hội nghị chế độ nhằm phục vụ việc giáo dưỡng văn hóa, động viên nhân lực
toàn quốc hay bộ phận.
3.3.4 Cơ quan tham mưu (Chủ Binh). Cơ quan này tương đương với Bộ Quốc
Phòng hay Ngũ Giác Đài của Hoa Kỳ trong coi việc kế hoạch, hành binh và quân đội.
Công việc này gồm cả chính sách quân dịch cho toàn bộ quốc dân trên 18 tuổi.
3.3.5 Cơ quan mậu dịch (Chủ Công). Đây là cơ quan trông coi về nguyên tắc
kỹ thuật trong việc sản xuất, phân phối, mậu dịch, kinh tế, của quốc gia để đạt được hiệu quả của tam
phân (phân công, phân mệnh, phân lợi) trong quốc gia.
3.3.6 Cơ quan đất đai (Chủ Địa). Đây là cơ quan quản trị đất đai, tài sản
chung của quốc gia để phục vụ trên lãnh vực an ninh đồng thời cải tạo đất đai
phục vụ nền kinh tế của quốc gia. Cơ quan cũng lo về phần nghiên cứu từng địa
phương trên lãnh vực sản xuất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của quốc gia
trong đời sống của quốc dân.
3.3.7 Cơ quan ngoại giao (Chủ Khách). Đây là cơ quan lo về chính sách
ngoại giao đối với các nước khác.
Bảy cơ quan này trong Xu Mật Viện là bộ xương
sống của quốc gia chính trị tối cao thiết kế, đồng thời là nhân tố tất yếu cho
kế hoạch chính trị, quốc gia chính trị đại kế. Mục đích là thực hiện dân tộc
nhân chủng kiến thiết và sinh hoạt kiến thiết. Những cơ quan này có thể thêm bớt
để đáp ứng nhu cầu của thực tế. Vẫn còn thiếu cơ quan an ninh tình báo trong nước
và ngoài nước mà thế hệ tương lai cần phải xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với
thực tế xã hội.
4. Tham Quân Cơ là cơ quan thuộc lãnh vực quân đội giúp Xu Mật Viện và Quốc
Trưởng lên lãnh vực an ninh quốc phòng. Cơ quan này gồm có 5 quân đội chủ lực
và độc lập: Bộ binh, hải quân, không quân, tiềm thủy quân, và lực lượng đặc biệt.
Ngoại trừ tiềm thủy quân, các đơn vị quân đội đều có lực lượng không quân cho
chính mình mà không lệ thuộc vào không quân. Quốc Trưởng tự chọn người tài giỏi
vào giữ chức vụ lãnh đạo 5 đơn vị quân đội này.
Thí dụ: hải quân gồm có tàu chiến nhưng đồng thời có lực lượng không
quân riêng cho chính hải quân, dưới sự chỉ huy của lực lượng hải quân.
Tuy rằng Xu Mật Viện phục
vụ Quốc Trưởng nhưng vẫn lệ thuộc vào 6 viện bên Hành Chính Tổng Cơ. Mọi kế hoạch,
hoạch định về thiết kế và chấp hành nhân sinh không đơn thuần do Xu Mật Viện
quyết định mà cần có sự tham khảo từ 6 viện. Đây chính là hình thức gọi là Đan
Quyền (quyền được đan chéo nhau, mang tính độc lập nhưng phải lệ thuộc nhau vì
quyền lợi chung). Sẽ giải thích thêm về ý nghĩa Đan Quyền ở gần cuối bài viết.
Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P12)
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch
4900)
Nguồn: https://nganlau.com/2021/12/07/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p11/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét