Huyết hoa ngoại lý
Lời mở đầu
Tại sao Lý Đông A (LĐA) lại đặt tựa là Huyết Hoa, hoa máu? Hoa là vẻ đẹp của thiên nhiên. Máu là sinh chất của con người. Cả hai tượng trưng cho sức sống. Một khi con người phải đổ máu là sự hy sinh, có thể mất mạng. Nhưng vì mục đích gì mà phải hy sinh mạng sống. Tại sao cái đẹp (hoa) phải nhuộm máu?
Chúng ta biết LĐA sinh ra ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo của VN. VN đứng trước ngã tư đường: Thế giới chiến tranh lần thứ hai. Theo phe Đồng minh thì Pháp là kẻ đô hộ, chia cắt đất nước ra làm 3 miền. Theo Nhật thì chủ nghĩa quốc xã coi Nhật là chủng tộc ưu việt thì sẽ coi dân Việt như thế nào? Lịch sử VN đang ở ngã tư đường sau hàng trăm năm Trịnh-Nguyễn phân tranh, Tây Sơn nổi lên. Chiến tranh chống nhà Thanh xâm lăng. Cần Vương, Văn Thân chống Pháp với những kẻ nội phản bắt đầu xuất hiện. Sự xâm nhập của Thiên Chúa giáo vào VN khi đạo đức xã hội suy đồi….
Tất cả cũng chưa nguy hiểm bằng sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản. Tuy dựa vào triết học Duy Vật, bộ mặt sự thực của những người VN theo đuổi cái gọi là "cách mạng vô sản" chỉ là thuần túy tham vọng tóm thâu quyền lực toàn thế giới, chủ trương bạo lực sẽ toàn thắng. Từ Nga với chiêu bài đấu tranh giai cấp. Truyền sang Tàu được cộng thêm sự tàn ác của 5000 năm phong kiến, chủ nghĩa bành trướng của Hán tộc mượn màu đấu tranh giai cấp Công - Nông tràn sang VN.
LĐA thấy tất cả những nguy hiểm đó để đưa ra chủ nghĩa Duy Dân như một giải pháp.
Khi LĐA mượn lời của Hải Thượng Lãn Ông để nhắc nhủ "đọc sách tìm nghĩa không khó, hiểu được lý mới khó mà hiểu ngoài lý còn khó hơn". Vì hoàn cảnh gấp rút không cho phép LĐA viết nhiều hay tìm người huấn luyện. Những người đến với LĐA là những người lớn tuổi nôn nóng giải quyết vấn đề VN, lập đảng chống Việt Minh mà LĐA biết là không phải thời cơ thuận tiện. Sự kiện lập đảng rồi giải tán chỉ là tìm người để trao truyền tư tưởng của ông cho hậu thế vì phe quốc gia không thể chống lại phe Cộng đang lên. Chuyện Tu dưỡng Thắng Nhân là lâu dài (và đối với người lớn qua tuổi thành niên thì khó mà rèn luyện). Do đó LĐA chỉ viết ngắn gọn và nhắn hậu thế hãy tìm hiểu ý nghĩa ngoài lý của ông vì LĐA hiểu nếu không tu dưỡng thì không thể hiểu ngoài lý được.
Thế nào là hiểu ngoài lý?
Khi nào thì nên tìm đến cái hiểu ngoài lý?
Làm sao biết trong những cái ngoài lý, cái nào nên dùng, cái nào không?
Ngoài lý có thể là những gì LĐA không nói hay đã nói đến nhưng thế hệ sau phải nghĩ khác, có thể ngược lại những gì LĐA đã nói. Nếu vậy thì có gì trái ngược với Chủ Nghĩa Duy Dân không? Bởi vì nếu suy luận phù hợp với biện chứng pháp, với thời đại 2000 thì có dám bỏ những gì LĐA đề nghị để theo "đáy tầng"?
Vậy lời nhắn nhủ "hiểu ngoài lý" của LĐA nằm ở đâu trong những tài liệu ông để lại? Huyết Hoa.
Những phần LĐA đưa ra trong Huyết Hoa ai đọc cũng hiểu nghĩa. Nhưng "Lý" của nó là gì? Tại sao LĐA sắp xếp như vậy? Vô tình hay cố ý? Và ngoài những cái "Lý" thì ẩn ngữ (message) toàn bộ của Huyết Hoa sẽ là gì?
LĐA đi vào cách mạng khi còn trẻ, tuy có biệt tài, ông cũng chỉ là một cá nhân. Một cuộc cách mạng không thể chỉ do một người thực hiện. Và thời thế 1940-1945 thì VN chỉ có bấy nhiêu người. Những con người của thời thế đó không phải là những người mà LĐA mong đợi qua Sinh Mệnh Tâm Lý hay Tu Dưỡng Thắng Nhân. Những con người đó, đa số, là lớn tuổi hơn LĐA và có nhu cầu hành động vì tình hình VN lúc bấy giờ. LĐA biết tư tưởng của ông sẽ không thể thực hiện trong hoàn cảnh đó. Vì thế ông viết những tài liệu Duy Dân để lại cho hậu thế. Trong đó có Huyết Hoa.
Huyết Hoa được trình bày như con đường đi vào cách mạng của những ai sẵn sàng, mong muốn đi tìm cuộc cách mạng cho VN.
Nhưng thế nào là "sẵn sàng"? LĐA đã đối diện với các nhân vật tham dự cuộc đấu tranh chống cộng sản và thực dân. Ông không thể từ chối sự tham dự của họ. Sự thành lập đảng Duy Dân cũng là miễn cưỡng nếu LĐA đã viết "tổ đảng" thì ông cũng biết là sẽ không thể thực hiện được trong giai đoạn đó. Vậy người đi sau, trong một giai đoạn khác, có làm tốt hơn không?
Muốn có cách mạng, phải có con người cách mạng (rất may lý thuyết thì LĐA đã đưa ra rồi). Vậy tìm đâu ra? Làm sao nhận diện?
Đó là mục đích của các bài học 1)Huyết Hoa, 2)Xuân Thu, 3)Sử Hồn, 4)Bông Lau, và 5)Hỡi Ơi Tâm Lý Thần Linh Học.
Tất cả như một tuyển tập các bài thi để thử thách các thí sinh (con người cách mạng). Có thể dùng (hay chọn) một đề tài hay nhiều. Thí sinh càng trả lời được nhiều đề tài phù hợp với tinh thần LĐA thì càng có khả năng học tập và thực hiện tư tưởng Duy Dân. Tiếc thay giám khảo phải là nắm được tư tưởng LĐA và điều này hầu như không có.
Dĩ nhiên có nhiều người đọc Huyết Hoa, nhưng có người đọc chơi cho biết, nhưng cũng có người đọc để đi tìm lại bản thân. Ai có thể đi từ "tự kỷ" đến "ỷ tha" và "động tha". Đó là những người cần trả lời những câu hỏi "ngoài lý" của Huyết Hoa.
1. HUYẾT HOA
Cách mạng
Vậy khi nói đến Cách Mạng, LĐA có ngụ ý gì?
Khi cuộc sống (sinh mệnh) của con người, xã hội đã quá lầm lạc, suy đồi thì phải cần có cuộc cách mạng để thay đổi toàn diện vì những thay đổi vá víu của chế độ, xã hội không đưa dân tộc ra khỏi cơn mê hoang đường. Vì vậy đọc Duy Dân (hay tư tưởng LĐA) sẽ không thấy gì lạ ngoài ngôn ngữ khó hiểu, nếu bạn không có tinh thần (hay ý muốn) cách mạng.
Bởi vì cách mạng là thay đổi của xã hội tới mức cùng cực. Trong những xung đột gay gắt của con người tất có đổ máu. Đổ máu như thế nào? Tắm máu, trả thù, tận diệt 3 đời kẻ thù như người cộng sản đã thực hiện? Nhưng tất cả không giải quyết được những bế tắc xã hội, chính trị, kinh tế… và vòng tròn vô tận tiếp nối. Cách mạng đến bao giờ? Cách mạng thường trực như người cộng sản tuyên bố chỉ là khủng bố để đi đến độc tài chuyên chính.
Vậy cách mạng khởi từ đâu? Chuẩn bị cách mạng, LĐA gọi đó là Huyết Thai.
[câu hỏi:
-Bạn nghĩ thế nào là cách mạng?
-Bạn nghĩ gì về một cuộc cách mạng cho VN trong tương lai?
-Bạn (muốn/sẽ/có thể) đóng góp gì trong cuộc cách mạng như vậy (hay tương lai VN)?]
Huyết thai
LĐA đã nói đến những con người (không ngụ ý trai hay gái) phải cưu mang tâm sự về dân tộc, xã hội, đất nước để vượt lên trên những suy nghĩ thường tình của con người trước cuộc sống. Để có tư tưởng kết thành hệ thống cho bản thân (sinh mệnh hệ thống) rồi đi tới một xã hội biện chứng và thiết lập bản vị, cương thường, hiến pháp phải mất một thời gian dài mà chưa chắc đã đạt tới. Có thai, nhưng liệu có biết đứa con (tinh thần) sau này sẽ đi vào đời như thế nào? Phật hay Ma?
Thai tượng trưng cho sự cưu mang (tâm sự) trằn trọc suy nghĩ nhưng người mẹ mang thai thì có ngày sanh con nhưng người cưu mang một cuộc cách mạng thì không thể đẻ non (làm bậy, làm bừa) chỉ không có phương thức giải quyết thích hợp các bế tắc đương đầu. Nếu huyết thai chỉ sự thành lập cơ thể con người thì trong cách mạng chỉ sự thành hình của tư tưởng qua Tu Dưỡng và Sinh Mệnh Tâm Lý.
Huyết nụ
Tại sao "Huyết nụ"?
Huyết thai là chỉ về ưu tư tinh thần (suy nghĩ, tư tưởng), có tinh thần sẽ tạo nên vật chất (hành động). Nụ là chỉ sự đang thành hình. Nếu các nhà chính trị hoạt đầu chỉ nói mà không làm thì làm sao biết được? Hãy hỏi "huyết nụ" của họ là gì? Như thế nào? Kết tụ từ bao giờ?
Còn nói và làm thì sẽ làm như thế nào? Làm sao phân biết chân, giả?
Cái đề uẩn 5000 ngàn năm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của VN sẽ được các nhà "cách mạng" thời đại nhắc tới như thế nào? Thử hỏi các ông ấy "kết nụ" như thế nào? Lập chính phủ lưu vong? Soạn thảo Hiến Pháp Đệ Tam Cộng Hòa? Đó không phải là "nụ hoa" cách mạng. Đó chỉ là những trái mìn nổ chậm của hoang tưởng.
Đã từng có hậu duệ của Duy Dân mượn màu cờ "Vạn Thắng" để tung – hoành (mà không có hợp) tại hải ngoại 1980-1990.
Vậy đâu là lý? Đâu là ngoài lý?
Lý là Sinh Mệnh Tâm Lý, Tu Dưỡng Thắng Nhân. Khi đạt được rồi thì đi vào Chìa Khóa Thắng Nghĩa. Một khi đã Sống biết, Sống đúng, Sống thực thì khi gặp đồ giả thì cái ngoài lý sẽ hiện lên. Và bằng biện chứng pháp sẽ loại dần những kẻ (hay ý kiến) ăn hại, chơi bạc giả, phi cách mạng, bất cách mạng....
Bồ đề
Bồ đề là chuyện ông Phật, ai cũng biết cội bồ đề, tâm bồ đề. Theo LĐA thì đó là cuộc cách mạng xã hội bằng tư tưởng triết học mà tôn giáo (Phật giáo) chỉ là nhu cầu tạm thời cho giới cùng khổ. Giới cầu học phải hiểu Tâm bồ đề không phải Duy Tâm mà là đại nguyện bồ tát thể hiện của Tánh Không (vô ngã) cứu độ chúng sinh và đó là ý nghĩa của "Bồ đề đệ nhất Thắng Nghĩa bất diệt". Năm lời nguyện của Duy Dân có khác gì các nguyện của bồ tát? Nguyên tắc "toại kỳ sở nhu, tận kỳ sở năng…" có khác gì giới nguyện của bồ tát "ba bộ y, khất thực, cứu độ chúng sinh trước khi thành phật"?
Hiểu ngoài lý, theo LĐA, là người Duy Dân không thể theo đuổi sự tu tập lâu dài như vậy để gọi là Thắng Nghĩa? Vì tất cả lý đã trở về "Tánh Không". Tánh Không chính là Tự Tính, cái gọi là nhất nguyên tuyệt đối. Là sự giải thoát vĩnh viễn của chư Phật. LĐA không ngụ ý đó. Thắng Nghĩa của LĐA chỉ là nắm vững Tánh Không để phục vụ tha nhân. Đó là bồ đề Tâm của Thắng Nghĩa.
Lý giải này không nói thẳng ra vì sẽ đụng chạm đến tôn giáo khác. Nhưng nếu hiểu các tôn giáo khác cũng có nguyện vọng phục vụ tha nhân thì sự khích động kỳ thị tôn giáo chỉ là âm mưu của các tay hoạt đầu chính trị, tôn giáo.
Mà tánh Không đã được coi như "Giả danh, Duyên khởi, Trung đạo" (xem Tánh Khởi và Duyên Khởi. Nguyễn Văn Hai, USA) phải chăng đó là cái LĐA nói đến "phủ định phủ định" trong xã hội biện chứng pháp?
Câu rút
Có những câu hỏi được dừng lại để thành những tự vấn mà người trong cuộc cần điền thêm phần trả lời của mình, hậu quả của chiến tranh lương-giáo thời bình Tây sát Tả là bài học nhãn tiền cho dân tộc.
Câu rút có nghĩa là thập giá, là trên dưới trời đất và người hai bên đan chéo vào nhau. Triết lý của ngàn năm vinh quang và khổ đau thể hiện qua biểu tượng câu rút là đây. Tự do, bình đẳng, bác ái hay ruộng đất, hòa bình và bánh là mong muốn tối hậu của con người. Nguyên gốc của mọi thứ là tuyệt vời, chỉ có con người bất toàn mượn danh thần thánh hay dục vọng phe đảng làm lấm lem lý tưởng. JESUS chỉ muốn nối kết người với người trong cùng trời đất, Pháp quốc không đại diện cho cho JESUS, há một nhóm người có thể hành xử thay cho trời? Sinh ra trong máng cỏ sống nhà người thợ mộc, JESUS là một mảng của đáy tầng sống giữa chốn nhân gian. Đường đến với trời không thể qua tháp chuông cao vời vợi, người khó ấm lòng người giữa giáo đường mênh mông. Hình hài JESUS đã trĩu xuống khi thập giá được dựng lên là hình ảnh đáng suy ngẫm cho những người muốn chọn con đường đứng giữa vòng anh em để giải thoát con người.
Mặc Địch
Mặc gia lừng danh thời Chiến quốc, sánh ngang vai Nho gia. Người ấy chủ tính thuần phác, không chuộng thói lòn cúi cửa công hầu, chỉ mong người đời bớt cảnh cạnh tranh mà thôi chém giết. Mặc Địch không chỉ nói suông mà còn là người thực thi đến cùng tấm lòng yêu thương mọi người, bất kể quốc tịch. Hình ảnh Cầm Hoạt Ly và hơn 300 người đệ tử khác của Mặc Tử, cầm chắc khí giới giữ thành giúp nước Tống chờ đợi cuộc xâm lăng của Sở đã vang danh thời Chiến Quốc. Nói dễ làm khó, lời nói hay luôn đi đôi với tinh thần hy sinh. Anh em Mặc Địch bước vào nước sôi lửa bỏng để thi hành nhiệm vụ, mà không một lời từ chối. Kiêm ái với người khắc kỷ với mình là vậy. Đụng phải bụng sân si của đám hủ nho đời sau mà không được ghi chép tỏ tường vậy suốt hai ngàn năm.
Sách Lã Thị Xuân Thu chép, Địch này đo mình mà mặc áo, lường bụng mà ăn cơm, tự ví với khách manh (dân tự do), chưa dám cầu làm quan.... Mặc là kẻ sĩ áo vải.... Cái gương yêu chuộng hòa bình bênh vực kẻ yếu thế của ông ấy, quả là ít người sánh được. Ước mong của Mặc Địch nói lên được nỗi lòng của đáy tầng, suốt ngày lam lũ nơi ruộng đồng chăm cây lúa non, trước lo gia đình sau giúp miếng ăn cùng trăm họ, không màng địa vị tôn quý. Cực chẳng đã gặp thế nước đang đảo điên mà bàn đến chiến tranh bạo động, hướng cạnh tranh ôn hòa đôi bên cùng sống giúp tiến mà kết ước liên minh là mơ ước tối hậu thật khó giải bày. Có người đời sau, tại Lời Giới Thiệu cho sách Duy Nhân Cương Thường (xuất bản năm 1969) đem sánh Thư ký trưởng với Khổng Khâu thời Xuân Thu mà quên mất Mặc Địch, tức chứng tỏ chưa hiểu cái chí của người đi trước, cũng là một điều đáng băn khoăn vậy. Từ muôn năm, đáy tầng luôn ở vị trí chót không bao giờ với tới được cảnh vinh hoa phú quý nhưng luôn là những nạn nhân đầu trước binh đao loạn lạc. Thượng tầng thiếu kết nối với đáy tầng, những anh hùng áo vải thường quay lưng lại với cảnh cơ hàn năm xưa. Chẳng mấy ai hiểu cho nỗi thống khổ này, Mặc Địch được tuyên dương “người đầu [tiên] nện gót ra cứu đời” là vậy. Đang trong đêm mong sao trời mau sáng.
Hoa tháng năm
Tại sao LĐA nhắc đến hoàn cảnh lịch sử này của nước Mỹ? Sự kiện người di dân Mỹ (từ Âu Châu) đến tân lục địa, đã có người da đỏ cư ngụ, với danh nghĩa tìm tự do, thoát áp bức của cựu thuộc địa với Vương quyền và Giáo quyền để khai sáng một quốc gia mới tự do, bình đẳng … nhưng để làm những điều tốt đẹp đó họ (di dân) đã làm nhưng điều xấu để lại muôn đời: Sự tiêu diệt người da đỏ và khai thác nô lệ người da đen. Sự kiện này là điều LĐA muốn nhắc nhở trong mọi cuộc cách mạng phải có hy sinh. Nhưng sự hy sinh cao quý đó không thể là sự đổi chác để hủy diệt sự kiện nhân bản khác.
Cũng như sự xây dựng nước Mỹ hùng cường, ra tay cứu thế giới qua hai lần thế chiến cũng từ những người di dân. Nhưng khi trở thành siêu cường thì giới lãnh đạo đã tạo "giai cấp": Công dân Mỹ (thông hành = passport) có uy tín vượt lên trên các nước khác và đồng thời coi rẻ, khinh thị, chèn ép những người di dân đến sau mà thực tế chỉ vì lợi nhuận kinh tế chứ không thực sự vì nhân quyền vì bản chất của nền kinh tế tư bản là bóc lột.
Do đó, bài học Hoa Tháng Năm nhắc nhở giới lãnh đạo cách mạng về giá trị con người và lịch sử. Học tất cả các bài học lịch sử của thế giới để tránh những thảm cảnh tái diễn.
Bastille
Ai đã từng tìm hiểu lịch sử Pháp trong thời kỳ này đều thấy hoàn cảnh xã hội, tôn giáo, vương quyền … dẫn đến sự thức tỉnh của toàn dân Pháp. Nhưng sự tranh quyền của các phe phái trong cuộc cách mạng để cuối cùng khiến Napoleon đưa vương quyền trở lại. Vậy cách mạng phải ý thức nếu sai lầm sẽ đưa dân tộc sa lầy chứ không phải tiến lên (vì thế LĐA mới đòi hỏi hướng thượng). Bài học về sự tham dự của toàn bộ quần chúng, sự tranh chấp của tầng lớp lãnh đạo. Khi cách mạng chỉ là sự bùng nổ mà thiếu chuẩn bị, tổ chức (điều hành), tư tưởng (kiến thiết) thì cách mạng thành công trên lãnh vực thay đổi quyền lãnh đạo chứ không phải là cách mạng thực sự để giải quyết cuộc sống của con người sống trong quốc gia đó.
Đừng cho rằng cứ lật đổ chế độ cũ rồi sẽ tính sau hay tin rằng khi nhân dân đồng tâm tham dự cách mạng là sẽ giải quyết được tất cả khó khăn. Trong mọi cuộc biến động luôn luôn có những thành phần cơ hội chủ nghĩa sẵn sàng cướp cơ hội.
Vậy đừng lấy một biểu tượng cách mạng (phá ngục, lật đổ vương quyền) mà cho là sự thành công. Phải xét tư tưởng hay lý thuyết cách mạng có dẫn đến sự thay đổi toàn diện, hướng thượng và triệt để hay không.
Khi lý thuyết không đầy đủ, cán bộ không nắm vững thời thế và tổ chức không chặt chẽ thì sẽ rơi vào cảnh đầu voi đuôi chuột.
Lịch sử VN đã có Hội Nghị Diên Hồng nhưng là dưới sự lãnh đạo của vua quan nhà Trần, đặc biệt là Hưng Đạo Vương. Ngày nay, người Việt cũng mong chờ một Diên Hồng nhưng tìm lãnh đạo ở đâu?
Hô hào cách mạng, nhưng cách mạng không phải là đảo chánh. VÀ đảo chánh tuyệt đối không phải là cách mạng.
Lý thuyết và tổ chức cách mạng đòi hỏi một thời gian dài thử thách. Không có huấn luyện (giáo dục) thì mọi chuyện chỉ là cầu may. Thời - thế không phải chỉ là ngẫu nhiên (chờ thời) mà là "Khả năng và Tất năng" như LĐA đã nói.
Tháng mười
Là người VN chịu thảm họa cộng sản thì không thể không biết nguồn gốc Chủ Nghĩa Cộng Sản phát sinh từ cuộc cách mạng tháng Mười ở Nga. Sự xuất phát Duy Vật biện chứng, đấu tranh giai cấp và sự kiện Đệ Tam quốc tế tiêu diệt Đệ Tứ quốc tế để giữ độc quyền khai thác chiêu bài quốc tế vô sản là những bài học phải biết. Đó là một cuộc cách mạng có lý thuyết, có tổ chức nhưng không có con người. "Cứu cánh biện minh cho phương tiện" được sử dụng để che dấu tội ác.
Thánh Hùng
Cuộc đấu tranh bất bạo động của Thánh Gandhi khiến thế giới phải khâm phục. LĐA cũng biết Hồ Chí Minh không thể theo con đường của Thánh Hùng vì chủ trương của cộng sản là bạo lực cách mạng, cách mạng thường trực. Đưa hình ảnh Gandhi ra, LĐA chỉ dùng để nhắc nhở "huyết hoa" không phải chỉ là con đường duy nhất giành độc lập, tự chủ (tự do và dân chủ) mà còn con đường khác: Con đường bất bạo động. Cũng như Duy Dân, đó mới thể hiện sự Tu Dưỡng Bản Thân cũng như các luật tắc Duy Dân.
Nhắc đến Ấn Độ là một nước lớn với hệ thống tôn giáo phức tạp, xã hội phân chia đẳng cấp mà Gandhi vẫn có thể kêu gọi cuộc đấu tranh bất bạo động để giành độc lập đã chứng tỏ những xảo thuật chính trị dựa trên tranh chấp tôn giáo, đấu tranh giai cấp (như cộng sản xử dụng) để thực hiện cái gọi là cách mạng chỉ là phi cách mạng. Điều này chứng tỏ LĐA đã suy nghĩ qua về bất bạo động để ngăn ngừa sau này có những kẻ bất cách mạng kêu gọi đấu tranh bất bạo động như là chiêu bài để chia rẽ dân tộc khi đối diện trước nhu cầu đòi hỏi sự thay đổi của đất nước. Lý do? (xem Chu Tri Lục).
Sương mai
Sương mai? Đó là sự biểu hiện của tinh khiết, sự chớm nở, bắt đầu của một ngày (một thế hệ, cơ hội), một thời đại…. Xấu hay tốt là tùy theo sự chuẩn bị của đêm hôm trước, của hạt giống đã gieo trồng từ năm tháng đã qua. Con đường đã mở ra trước mặt của một ngày mới: Phải lên đường. Sống hay chết, nô lệ hay tự do. “Phải đấu tranh mới giải quyết được lý tưởng". VÀ con người sống phải có lý tưởng. Hay chỉ là thây ma biết hưởng thụ?
Phải chăng "Chân-Thiện-Mỹ" là mục tiêu tối hậu của con người? hay "Chân-Thiện-Nhẫn" mới đúng? Bởi đối nghịch của Chân là giả dối, hư ngụy. Đối nghịch của Thiện là Tà Ác. Giả dối, hư ngụy, Tà Ác đều là có hại cho con người, cho xã hội; dẫn đến xung đột, hủy diệt. Nhưng còn cái Đẹp? Thực sự cái Đẹp có tối cần thiết như "Chân" và "Thiện" hay không? Xấu hay đẹp là sản phẩm của thiên nhiên, tự nhiên, của con mắt (sắc giới) vì người mù nào có cần xấu đẹp nhưng họ vẫn cần Chân và Thiện. Cái Đẹp còn có thể là đầu mối của tranh chấp, ghen tuông, chiếm đoạt … gây xáo trộn xã hội.
Quán tưởng
Con người vốn "tâm viên, ý mã" nên bảo rằng Quán Tưởng là một điều khó. Mà quán tưởng cái gì?
Quán tưởng về con người, cuộc sống, sinh mệnh (cái mà LĐA gọi là "Tính, Tâm, Thân, Mệnh”). Những con người sống không thắc mắc, không quan sát, không ưu tư, không đức tin... sống mà tinh thần và vật chất không đối lập thống nhất thì chỉ là sinh vật, không phải con người. Do đó mà LĐA mới đưa ra Nhân đạo, Nhân tính, cương thường (xem thêm Nhân Luận của Lê Hữu Khóa) thì mới xây dựng Duy Dân. Cách mạng Duy Dân chẳng có gì là ghê gớm. Đó chỉ là sự quán tưởng của con người quan tâm đến xã hội, dân tộc, nhân loại.
Cho nên cộng sản cũng nói đến nhân loại nhưng sử dụng bạo lực để cưỡng ép con người sống theo chế độ phi nhân. Tư bản cũng nhân danh con người phát triển kinh tế, khoa học, thương mại… nhưng sử dụng tâm lý để bóc lột và giam hãm con người trong cuộc sống thác loạn của hưởng thụ, tiêu thụ qua sự bóc lột, hủy hoại con người và thiên nhiên.
Muses
Muses được hiểu là nghệ thuật. Người làm nghệ thuật có hai phái đó là nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Tùy theo góc nhìn để đánh giá vấn đề nhưng người làm nghệ thuật không thể nào chỉ vì nghệ thuật bởi nếu nghệ thuật mà không có nhân sinh thì nghệ thuật đó có thể là một con quỷ hủy diệt nhân sinh.
Mà nghệ thuật vị nhân sinh phải phản ánh đúng sự thật của đáy tầng, của sự thật, của cuộc sống. Người làm nghệ thuật không thể nào vì nhu cầu sống để phục vụ bộ máy tuyên truyền của ai đó, tổ chức nào đó, đảng hay chính quyền nào đó. Nghệ thuật phải có lý tưởng của nghệ thuật. Lý tưởng đó là để phục vụ xã hội, dựa trên nền tảng cương thường nhân loại để đem những hình ảnh của cuộc sống hướng thượng vào nhạc, vào sách, vào tranh hầu tạo ra một xã hội hướng thượng, sáng tạo trong hướng thượng nhằm mục đích phục vụ nhân sinh. Nghệ thuật không thể nào sách động đáy tầng sống thác loạn, vô luân -- chỉ để hưởng thụ mà không quan tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội đang sống.
@ Nhân Chủ
Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)
[1] Chữ “đế” trong trường hợp này, có nghĩa là: Chân lý (truth). Theo triết học Trung quán của Phật giáo Đại thừa, Thắng Nghĩa đế là chân lý tuyệt đối, hay sự thật chân thực đưa đến giác ngộ. Khác với Thắng Nghĩa đế là Thế Tục đế, Thế Tục đế là chân lý quy ước, hay sự thật tương đối của thế giới hiện tượng. Cả hai chân lý/sự thật này cùng tồn tại trong thế gian. Phật vì chúng sinh mà giảng pháp, chứ Phật không đi giảng pháp cho các “thánh nhân”. Nương theo chân lý thế tục mà Phật giảng về sự thật chân thực, nhằm giúp chúng sinh phân biệt giữa hai sự thật ấy - mà giác ngộ. Thắng Nghĩa đế còn là gì? – Là Thực tại tối thượng (the last of all), là một trong hai phương diện (cùng Thế Tục đế) của thực tại mà thôi. Thắng Nghĩa đế có bốn bậc: Thế gian Thắng nghĩa; Đạo lý Thắng nghĩa; Chứng đắc Thắng nghĩa; Thắng nghĩa Thắng nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét