Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Huyết Hoa Ngoại Lý (P5)

 

5. Tâm Lý Thần Linh Học

Tại sao Lý Đông A (LĐA) viết Huyết Hoa? Huyết Hoa nói lên điều gì? Trước hết hãy lược qua những gì LĐA đề cập trong Huyết Hoa .

Huyết Hoa nói đến những cuộc cách mạng làm biến chuyển thế giới. Phần Sử Hồn nói đến thời thế qua chiến tranh, phục hoạt trong những giai đoạn lịch sử. Phần Xuân Thu nói đến những giai đoạn của lịch sử và những chế độ cai trị do con người tạo nên. Phần Bông Lau nói đến VN, con người và dân tộc với cuộc cách mạng cần thực hiện.

Phần quan trọng nhất của Huyết Hoa có lẽ là phần "Hỡi ơi Tâm Lý Thần Linh Học." và đó là trọng tâm của bài viết này.

Trong các tài liệu LĐA để lại, LĐA nói về con người (Duy Nhân, Sinh Mệnh Tâm lý, Tu Dưỡng), dân tộc (Duy Dân), triết học (chủ nghĩa Duy Dân), làm việc (chìa khóa công việc), kinh tế (bình sản kinh tế) nhưng LĐA không nói đến tôn giáo.

Theo cái nhìn của LĐA thì tâm lý con người ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Chúng ta đã thấy tư bản và cộng sản đã dùng tâm lý để không chế con người và xã hội ngày nay.

Thời xưa khi khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, giới lãnh đạo đã dùng tôn giáo để vận dụng con người, khép xã hội vào trật tự dưới quyền uy của Thần Thánh, Thượng Đế.

Chúng ta hãy phân tích cái nhìn của LĐA.

Đường sống và đường biết

"biết là cứu cánh của nhân sinh", phải biết mới sống thực tế. Vậy biết gì?

A. Biết về nguyên thủy (gốc gác, căn nguyên) của sự vật và của bản thân.

B. Biết về cứu cánh của con người: Sống để làm gì? Sống với ý vị gì? Sống như vậy thì chết về đâu?

C. Biết chân tướng (thực tướng) của bản thân, của sự vật, đâu là chân lý (sự thực tối hậu)?

Khi chân lý được giải thích theo từng tôn giáo đã cột con người vào hệ thống tôn giáo và con người trở thành nô lệ của ảo tưởng do những kẻ lãnh đạo tôn giáo đặt ra.

Theo LĐA thì sống là tự giác, làm chủ ngã tối viên mãn nơi tự mình.

"Viên mãn" là chữ nhà Phật có ý nghĩa tròn đầy. Khi sự hiểu biết thông suốt có nghĩa là từ khởi thủy đến chung cuộc là một vòng tròn (như luân hồi, nhân quả). Sự hiểu biết này không bị tà kiến xâm nhập (như sự lôi cuốn, hành diện, bám víu, ấm ức, băn khoăn theo đuổi...). Viên mãn tựa như đã đi qua mà không vướng bận. Biết mà như quên. Cho dù có sự dấy động của sự kiện, nhân vật cũng không ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của bản thân.

Sống và biết là hai vế đi đôi dành cho con vật cũng như con người.

Cái biết của con vật là cái biết tự nhiên để sống còn. Thí dụ con vật phải biết tự săn bắt, tự hái cây trái để ăn. Nhưng khi không còn con vật nào tồn tại, không còn cây trái nào tồn tại, con vật sẽ chết bởi cái biết của con vật chỉ là biết tự nhiên để sinh tồn.

Cái biết của con người là cái biết của thực tế. Cái thực tế đó đã làm thay đổi nền văn minh của nhân loại từ thời ăn lông ở lổ chuyển sang nền nông nghiệp, công nghiệp thô sơ đến hiện đại của hôm nay. Cái biết của con người là cải tạo thiên nhiên để phục vụ đường sống của người. Biết là trục chính để tạo ra đường sống của người. Cái Biết đồng thời hủy hoại đời sống của người mà sự sáng tạo ra những quả bom nguyên tử là thí dụ điển hình.

Cái biết thì vô hạn cho nên hiểu biết của hôm nay trở thành lỗi thời ở tương lai khi mà thế hệ tương lai tìm ra giải pháp tốt hơn cái biết của hôm nay.

Cái biết của con người không đơn thuần là để sống cho chính mình mà cái biết đó cần phải thống nhất (hợp lý) với những sự sống còn của người khác trong xã hội. Cái biết đó để thấy tự mình, dù tài giỏi cách mấy, vẫn phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác để cùng nhau sống còn, tiến hóa.

Mà để biết ở tự mình thì phải có sự tu dưỡng. Tu dưỡng để tự mình biết được Tính, Tâm, Thân, Mệnh của mình để đặt đúng vị trí của chính mình vào xã hội, sửa đổi mình để trở thành một cá nhân sống có trách nhiệm với xã hội mình đang sống bằng lý tưởng, hành động trong cái Biết. Tu dưỡng để chính mình nhận diện được những người giả Biết để lừa gạt những người chung quanh cho lợi ích của cá nhân.

Thần linh và tâm lý

Khi con người không trả lời được những vấn đề xảy ra trong cuộc sống thì tâm lý phát sinh tâm lý gán sự kiện đó cho thần linh. Hoặc là để trốn tránh trách nhiệm về sự hiểu biết của mình. Hoặc để mưu đồ khép chặt con người vào một tín ngưỡng nhằm mục đích sai khiển, điều khiển khối nhân sự trong việc điều hành xã hội, quốc gia.

Theo LĐA thì "bản lai thần linh với tâm lý là một thể sống tối viên mãn"  bao trùm "vía, phách, lý trí và đạt ma". Nếu tâm lý cơ cấu kiện toàn thì nhân cách, sinh mệnh hệ thống sẽ thống nhất.

Để chống lại ảnh hưởng của "tiềm di mặc hóa, tự kỷ ám thị (trói buộc), tinh thần thôi tróc" thì phải biết "tự do ý chí, tự kỷ ám thị (bồi dưỡng), độc lập, độc hành".

Tâm lý con người không ít thì nhiều bị ảnh hưởng bởi đời sống chung quanh. Một xã hội sinh hoạt theo kiểu mạnh được yếu thua, vô nhân tính thì niềm tin vào con người mất đi. Khi niềm tin mất thì tâm lý sống thác loạn nổi lên hoặc dựa vào thần linh (tôn giáo) nào đó để bám vào đó mà sống.

Nhưng niềm tin vào tôn giáo chỉ là một trong những phương tiện để tự mỗi người lắng đọng hầu tìm lối thoát cho chính mình, trở lại cái tự mình. Chúa, Phật cũng đã dùng sự lắng đọng ở chính tự mình để tìm ra lối thoát cho bản thân và chỉ lại cho người đời sau. Chúa, Phật không giúp con người tự giải thoát (ngộ) mà chỉ giúp con người phương tiện. Nếu con người không biết sử dụng phương tiện đó để tự mình vươn lên mà bám vào phương tiện, tin theo những người lãnh đạo tôn giáo thì chính con người đã tự bán đi cái nhân chủ của mình cho thần linh (tôn giáo) hay cho cá nhân nào đó.

Hoàn cảnh với người ta

Con người sống chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh xã hội từ nhỏ. Nếu xã hội suy đồi thì khi trưởng thành con người đủ khả năng để thay đổi, có vượt lên để chống lại những ảnh hưởng xấu mà thực hiện cuộc cách mạng cho xã hội? Do đó con người phải thực hiện cuộc cách mạng bản thân: Phát hiện phạm trù Người nơi bản thân, "cái tối cao và vĩ đại nhất là TA".

Chỉ khi nào mỗi cá nhân vượt lên trên tinh thần tôn giáo, hiểu rằng tôn giáo chỉ là một trong nhiều phương tiện để tự mình nắm lấy vận mệnh của chính mình thì môi trường xã hội có xấu đến đâu vẫn không ảnh hưởng đến tâm lý, lối ứng xử của mình. Cái tinh thần Nhân Chủ ở tự mình luôn luôn bắt đầu ở chính tự mình và cái tinh thần đó tiếp tục trau giồi, cảnh giác để không bị những nhà lãnh đạo chính trị lẫn tôn giáo dùng tâm lý dẫn dắt, lợi dụng cho lợi ích của chính họ.

Nhân sinh và Nhân tử

"Biết là trục của sống, mà học là cửa của biết". Sống để làm việc qua ba hạng người: Quyết tâm, thực hành, trí giả. Phải hiểu mình thích hợp với khí chất gì thì mới quyết định cách làm của mình. Một lãnh tụ phải có 3 đức tính: Là nhà lý luận, hành động và tổ chức. Dạy người với cần học là một công việc "đồng đạo đối lưu"

Là "thanh niên phải biết đạo sống, đạo chết với đạo học, phải biết kiến lập một sinh mệnh hệ thống độc lập và siêu nhiên cho tự mình" vì đời sống vốn là một chuyến đi có dự định kế hoạch để đạt tới một dự định mục tiêu, hoàn thành một dự định ý nghĩa và giá trị cho nhân sinh.

Một khi cái biết là trục của sống thì cái học cũng phải do cho đến tận cùng của sự biết qua tổ chức của lý trí, tình cảm và ý chí.

Sống và chết là hai vế của vấn đề. Có người sống nhưng thực sự đã chết. Có người chết nhưng vẫn còn sống. Sống phải đi đôi với cái Biết và từ cái Biết đó tạo ra cách ứng xử với chính mình, với người chung quanh để khi mình chết vẫn để lại sự kính trọng, tài sản tinh thần cho đời sau hầu phát triển cái tinh thần, cái Biết của người sống Biết nhưng không còn hiện hữu ở cõi đời.

Sống Biết là tự mình luôn luôn trau giồi tri thức của chính mình để hiểu được tự mình hầu điều chỉnh những cái không tốt, phát triển những cái tốt để tự mình làm chủ lấy chính mình, tạo ra tinh thần Nhân Chủ. Sống Biết không có nghĩa là mình có bằng cấp này nọ tức là mình Biết hơn nhiều người khác và xem thường tri thức của người khác. Sống Biết để hiểu rằng tất cả những người sống trên trái đất này có những cái họ giỏi hơn chính mình và mình phải cúi đầu, lắng nghe học hỏi từ họ mà không kể trình độ, tuổi khác.

Lý tưởng và phản tỉnh

Theo LĐA thì người chết không mang gì đi được ngoài nghiệp quả tinh thần: Ý chí. Ý chí là bộ mặt của lý tưởng bản thân. LĐA chia ra (1) Sinh mệnh tầng: Sinh lý sinh hoạt. (2) Nhân cách tầng: Nhân cách sinh hoạt. (3) Lý tưởng tầng: Sinh hoạt văn hóa và chính trị. Tất cả để thực hành nghiệp: (1) Thực hành nghiệp. (2) Quyết đoán nghiệp. (3) Sáng ý nghiệp.

Muốn tự mình có ý chí và lý tưởng phải biết phản tỉnh. Phải biết đi từ sự thực hiện nơi bản thân rồi tới thực hiện xã hội, dân tộc. Lúc thanh niên chính là lúc lập chí.

Một số người cho rằng mình sống có lý tưởng. Nhưng lý tưởng thì có hai loại. Lý tưởng chỉ sống cho chính mình, không quan tâm đến xã hội. Lý tưởng sống cho mình và mọi người thì không những lo cho mình mà lo cho cả xã hội. Thành ra ai nói là tôi sống có lý tưởng phải luôn luôn thức tỉnh (phản tỉnh) để xem xét cái lý tưởng của mình là lý tưởng (giả) thuộc loại cá nhân chủ nghĩa hay thuộc loại lý tưởng (thật) cho mình và mọi người.

Ngay cả những cá nhân sống có lý tưởng cho mình và cho mọi người, lịch sử đã chứng minh, khi đạt được cao điểm của lý tưởng đó, cá nhân trở thành hủ hóa chỉ bởi vì không dùng cái tri thức phản tỉnh để phát hiện cái hủ hóa của chính mình.

Sống vì lý tưởng tốt sẽ tạo ra quả tốt. Quả tốt tạo ra danh vọng, tiền tài. Nếu không có sự phản tỉnh để tự mình đừng để danh vọng, tiền tài làm chết đi cái lý tưởng ban đầu đã có. Đó chính là người sống Biết.

Phật với Ma

Ma là vô minh, ngu dốt. Phật là đại giác sáng suốt. Sống là thực hiện nơi tự mình mới là biết sống, là tự mình tự do giải thoát, tự tại, vô úy, vô ngã ... khi chủ ngã đạt đến một phương châm sống hướng thượng  để thực hành đại nguyện.

Phải biết triệt để rồi mới có lòng muốn thực hành. Người Việt phải hiểu thấu cái "đề uẩn" tối thiêng liêng của nòi giống thì mới vận dụng được lịch sử để phục hưng dân tộc.

Muốn phục hưng dân tộc phải phục hưng cá nhân. Cái trình tự "kim đan hoán cốt" là biến cải đời người để có một khí lực cho mỗi cá nhân Việt.

Phật và Ma là hai thế giới khác biệt theo suy nghĩ bình thường của mọi người. Tuy nhiên có ai thấu hiểu Tâm Phật và Tâm Ma hiện hữu ở trong chính mỗi con người mà nếu không có sự tự tu dưỡng ở chính mình thì Tâm Ma sống trong suy nghĩ, hành động mà chính cá nhân đó hoàn toàn không biết đó là Tâm Ma.

Những nhà sáng lập tôn giáo mà Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Chúa Jesus Christ đã từng bị ma quỷ quyến rũ nhưng sức mạnh của Tâm Phật và Tâm Chúa ở chính họ đã đánh đuổi được Tâm Ma ra khỏi sự quyến rũ đó. Con người có thể làm được điều mà Phật và Chúa đã làm -- tức là luôn luôn tự mình thức tỉnh hầu phát hiện Tâm Ma để loại bỏ và phát triển Tâm Phật (Chúa) để thực hiện cuộc sống Biết trong xã hội. Phải Biết để nhận diện Tâm Phật, Tâm Ma ở chính mình và ở những người khác để giúp họ thoát khỏi sự quyến rũ của Ma ở trong chính họ.

Cõi phúc và dây oan

LĐA đã đem cái kinh nghiệm tu dưỡng của mình ra công hiến cho mọi người:

1. Trung tâm giáo dưỡng:

a. Lập chí chí thành

b. Tính -Tâm-Thân- Mệnh

2. Lịch sử sinh hoạt

a. Sống với giai đoạn của lịch sử

b. Nhận thức lịch sử dân tộc

c. Cảm ứng lịch sử dân tộc

d. Lấy dân tộc làm trung tâm

3. Tiềm tại tu dưỡng

Hỏi để biết. Biết để làm, không phải để nói.

Hạnh phúc và đau khổ là ở chính tự mình. Quá trình để cảm nhận hạnh phúc hay cảm nhận đau khổ là quá trình của thời gian chứ không phải một sớm một chiều cái hạnh phúc hay cái đau khổ đến với chúng ta.

Để có đủ ăn, bác nông dân phải thức khuya dậy sớm để chăm lo từng cọng lúa, cọng rau trong một thời gian vài tháng, vài tuần nhằm mục đích tạo ra thức ăn cho chính bản thân và nuôi xã hội. Nếu bác nông dân siêng năng cộng với tri thức hiểu biết của mình, đến mùa gặt hái, lúa sẽ nhiều, rau sẽ tốt. Ngược lại nếu bác nông dân lười biếng, ỷ lại, giao phó cho thiên nhiên thì đến mùa gặt hái kết quả không như sự mong muốn của bác. Hạnh phúc hay đau khổ là ở chính hành động của bác nông dân trong kết quả của mùa gặt hái.

Tu dưỡng bản thân là một quá trình dài, từ lúc sinh ra cho đến lúc nằm xuống thì sự tu dưỡng mới chấm dứt. Tự tu dưỡng xem ra không phải ai cũng làm được nhưng nếu quyết tâm thì mọi người có thể làm được ở chính mình. Lập chí -- chí thành là vậy.

Lấy óc mà chữa bệnh óc

LĐA muốn nói gì ở đây? Sự hoạt động của con người lấy tinh thần làm then chốt. Cho nên muốn hiểu rõ sự sinh tồn của cá nhân và xã hội cần phải biết sự kết cấu của bộ não là tinh, khí, thần qua sự tu dưỡng bản thân để thiết lập một chủ ngã có thể chất vững bền rồi mới thiết lập hệ thống lý trí, tình cảm, ý chí và từ đó đi đến một nhân sinh quan, nhân tử quan trong khuôn khổ văn hóa thời đại mà LĐA gọi là: Thận vững, tim trong, óc sáng, mình nhẹ, tay mạnh. Có như vậy mới có đóng góp cho dân tộc và nhân loại.

Người say rượu không nghĩ là mình say. Người điên không nghĩ là mình điên. Người không có tu dưỡng cũng không hề nghĩ mình thiếu tu dưỡng. Tất cả đều hình thành từ chính trong khối óc của con người. Một khối óc bệnh hoạn thì điều trước tiên phải biết được sự bệnh hoạn đó ra sao để tìm cách trị cái óc trước và đó cũng là tiến trình của tu dưỡng.

Bồn gột rửa

A. Sự thanh lọc (gột rửa) về lịch sử qua tâm lý về tổ tiên, nguồn gốc.

B. Sự thanh lọc (gột rửa) về cá nhân, xã hội, dân tộc, giai cấp, thế hệ hiện tại.

C. Sự thanh lọc (gột rửa) về tương lai qua sinh hoạt.

D. Sự thanh lọc (gột rửa) về quyền lợi, lịch sử và dân tộc, lập trường vượt lên trên những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để vạch ra một hướng đi có căn bản, chủ trương tất thắng mà LĐA gọi là thắng nghĩa.

E. Mấu chốt để tạo tin tưởng trong thời hiện đại qua nhân tình, thế thái.

F. Tạo niềm tin trong tương lai qua sự thực hiện chữ tín (niềm tin) trong Nhân cách, Học thuật, thời sự mà không bị mê hoặc bởi ly gián, nghi trệ... mà LĐA gọi là Tâm thông.

Khởi đầu của sự tu dưỡng là thay đổi cái nhìn sai trái, cục bộ mà chính mình đã bị tiêm nhiễm ở xã hội, môi trường đang sống. Thay đổi cái nhìn cũng vẫn chưa đủ mà phải kèm theo hành động để tự mình sửa cái sai trái của mình, đặt ra phương cách để tự mình sống có lý tưởng, hành động cho lý tưởng sống Biết đó, và có cái nhìn tổng thể. Đây là tiến trình rất là khó khăn cho những người tuổi đã trưởng thành nhưng vẫn có thể đạt được nếu quyết chí để thực hiện chuyện tu dưỡng.

Đài hy sinh

Theo LĐA thì hy sinh không không phải là giáo điều của tôn giáo mà là sự tất yếu của sự sống và chết. Hy sinh trong cuộc sống chỉ là giá phải trả cho sự thành công của lý tưởng, của đại nguyện mà mỗi cá nhân đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại.

Tu dưỡng tức là hy sinh. Loại bỏ những tư tưởng ăn sâu vào tiềm thức của cá nhân không phải là chuyện dễ -- thành ra làm hành động loại bỏ tức là hy sinh. Loại bỏ cuộc sống ăn chơi, hưởng thụ, quên người là sự hy sinh bởi đâu ai dễ gì bỏ được cái đang có cho dù cái đang có đó là giả, là vô nhân. Sự hy sinh về tinh thần, vật chất trong tu dưỡng đôi khi vẫn chưa đủ mà người có tu dưỡng sẵn sàng hy sinh cả mạng sống nếu sự hy sinh này là cần thiết để cứu quốc tồn chủng.

Phần nhận xét

LĐA xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy còn trẻ ông có kiến thức rất rộng và sự hiểu biết sâu xa. Không ai biết ông đã đọc những sách gì tại Liễu Châu nhưng qua những tài liệu Duy Dân cho thấy ông biết về tư tưởng nhà Phật, Lão (Âm Dương), Đông Y, Dịch Lý, và rất nhiều sách vở từ Tây phương [chi tiết này thể hiện trong tài liệu Thiết Giáo]…. Dĩ nhiên ông am tường về triết học và tâm lý học để có thể nhận định về Thần Linh học cũng như thuyết Duy Vật (chủ nghĩa cộng sản) và chủ nghĩa tư bản đã dùng tâm lý học để vận dụng con người chạy theo vật chất cho dù bị ép buộc (cộng sản) hay “huyễn dụ”- dụ dỗ người ta chạy theo những thứ vật chất huyễn hoặc (tư bản).

LĐA đã viết Huyết Hoa như một bản đồ chỉ dẫn cuộc cách mạng Duy Dân qua kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới. Nếu cộng sản bài trừ tôn giáo như thuốc độc. Tư bản tách biệt tôn giáo ra khỏi hệ thống chính trị. Nhưng bản chất, trình độ con người vẫn chạy theo tôn giáo để tìm sự an toàn cho tâm hồn (nhất là tại các nước nhược tiểu).

LĐA đã nhìn thấy vấn đề tâm lý đó và đưa ra "Sinh Mệnh Tâm Lý" và Tu Dưỡng Thắng Nhân từ con người, dân tộc đến nhân loại. Chỉ khi nào con người hiểu biết và làm chủ vận mệnh mình (chính kỳ sở mệnh) để thực hiện Duy Nhân Cương Thường thì cuộc cách mạng Duy Dân mới xây dựng xã hội, dân tộc qua bình sản kinh tế và hòa bình nhân loại mới trường tồn.

Không ai nói LĐA là một nhà tu nhưng những gì ông viết và để lại cho thấy chỉ có thể là nhà tu, có nhân cách mới có thể thực hiện những gì gọi là Duy Dân.

Nhưng thực sự nếu trở thành nhà tu thì bạn có thể cứu thế được hay không? Khi chưa cứu nổi một dân tộc, một quốc gia mà đã ôm cả thế giới thì bao giờ mới xong?

Nếu tôn giáo chỉ kêu gọi yêu thương, đùm bọc, từ bi, bác ái với con người thì sao chính con người không thể tự thực hiện cá nhân với cá nhân (người với người) mà phải núp dưới bóng tôn giáo để rồi trở thành một thế lực đe dọa của xã hội?

Chính vì vậy, LĐA đã chỉ ra "tâm lý thần linh học" và "hỡi ơi!" cho thấy sự thất vọng về tôn giáo đã đem lại cho loài người. Điều này có nghĩa con người (cá nhân) phải tự vực mình dậy mà đi, đốt đuốc lên mà soi đường, phấn đấu để xây dựng bản thân (tu dưỡng) chứ đừng mong đợi sự cứu giúp, bao che của tôn giáo mà thông thường chỉ là miệng lưỡi của các nhà lãnh đạo tinh thần mà thực sự là quyền lợi vật chất. 

LĐA đã nhìn thấy nếu con người không thể làm chủ bản thân mà phải dựa vào một thế lực (tôn giáo chính trị) là đã đánh mất chủ thể, chủ ngã và không thể đóng góp vào một xã hội dân chủ, bình đẳng, hài hòa vì các thế lực tôn giáo, chính trị sẽ tiếp tục bành trướng gây xung đột. Do đó LĐA đã viết về Giáo Dưỡng, Cương Thường và Cơ Năng để con người lấy đó làm "chìa khóa công việc" mà xây dựng xã hội. Xã hội biện chứng pháp của Duy Dân sẽ là nền tảng của mọi lý luận, phân biệt những ngy biện, giả trá, xuyên tạc của các thế lực muốn cai trị con người qua tư tưởng.

LĐA đã nhìn thấy trước sự suy thoái của các tôn giáo thời đại: Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo… tất cả chỉ dẫn đến xung đột, quyền lực, ngự trị, chiếm đoạt và xây dựng tài sản, vật chất.  Đó là lúc con người phải đứng lên để nhận trách nhiệm mà LĐA gọi là "gió đáy" để thực hiện cuộc cách mạng Duy Dân, chỉ vì con người, loài người chứ không vì đảng phái, chính quyền hay thần quyền.

Cũng vì thế mà LĐA đã đưa ra Cơ Năng Hiến Pháp để thực hiện đan quyền mà mọi công dân sẽ tham dự trong việc điều hành quốc gia.

Thực hiện một cuộc cách mạng đòi hỏi sự lãnh đạo cách mạng. LĐA đã từng nói đến "cách mạng gốc". Có ai hiểu là gì? Con người cách mạng phải có giáo dưỡng, nắm "sinh mệnh tâm lý", lịch sử, thời thế mà LĐA gọi là Huyết Nụ, chờ ngày nở hoa, hoa cách mạng. Vậy thì lý tưởng cách mạng phải có gốc (lịch sử), có thời kỳ ươm mầm mà LĐA lấy điển hình là cờ lau tập trận. Người quan tâm đến dân tộc, xã hội không thể là người chờ đến khi trưởng thành, có địa vị, bằng cấp, chức tước mới nói chuyện cách mạng. Cách mạng là sự ôm ấp hoài bão, sự hy sinh bản thân cho xã hội vượt lên trên tất cả mơ ước của thế gian thường tình để trở thành vô ngã, khi tự kỷ đi đến ỷ tha và trở thành động tha: Hành động cho người, vì người, không còn vì bản thân nữa.

LĐA đã nhìn thấy tinh thần với vật chất là hỗ tương nguyên nhân, vận động với kết hợp là hỗ tương nguyên nhân nghĩa là con người phải vươn ra xã hội để đóng góp vào sự thay đổi xã hội. Khi sự phát triển bị ngăn chặn bởi các thế lực đã có sẵn sẽ bị dồn nén cho đến lúc bùng nổ: Đó là cách mạng. Vậy yếu tố chính là tâm lý con người có chuẩn bị cho giai đoạn đó hay không?  Tâm lý con người đã được vận dng từ lâu để giải thích những hiện tượng mà kiến thức con người chưa thể giải quyết thỏa đáng. Từ đó phát sinh tôn giáo. Các nhà sáng lập tôn giáo đều có mục đích tốt nhưng khi tôn giáo trở thành hệ thống thì phát sinh tính quan liêu, bao cấp và qua thời gian, tôn giáo trở thành thế lực tranh dành ảnh hưởng với vương quyền, thế quyền và biến chất.

Để thực hiện cuộc cách mạng thực sự cho con người và loài người LĐA cho rằng cá nhân phải làm chủ tâm lý bản thân, không thể nương tựa vào bất cứ thế lực thần quyền nào. Vì khi có niềm tin khác biệt sẽ dẫn đến tranh chấp, xung đột.

Là con người triết học và cách mạng, LĐA phải thấy những vấn đề của lịch sử dẫn đến cuộc cách mạng như đã viết trong Huyết Hoa và tương quan giữa tâm lý con người, xã hội, thiên nhiên đã dẫn đến thần quyền (tôn giáo). Theo thuyết Bản Vị-Cơ Năng thì mỗi dân tộc, quốc gia có bản vị-cơ năng riêng cần phải được cải thiện trước khi tiếp xúc với quốc gia, dân tộc khác để tránh hiểu lầm, xung đột. Và tôn giáo (do người sáng lập có mục đích cho con người, loài người) đã vượt lên trên dân tộc, quốc gia. Nhưng trước khi các dân tộc, quốc gia tự tu chỉnh (hay giáo dưỡng) mà chỉ phát triển theo chủ thuyết cộng sản, tư bản… thì phối hợp với tôn giáo chỉ là thảm họa. Đó là chưa nói đến các nhà lãnh đạo độc tài, các nhà lãnh đạo tôn giáo biến chất, hủ hóa.

Vậy trở lại với LĐA thì con người phải có tu dưỡng, chế độ phải có giáo dưỡng để nắm vững "sinh mệnh chủ thể, sinh mệnh hệ thống, sinh mệnh cơ cấu" để có Nhân Chủ (Duy Nhân) thì mới có dân chủ (Duy Dân) và nếu thực hiện cuộc cách mạng mới thực sự cho con người, vì người mà không phải khoác áo tôn giáo: Giải phóng con người (theo bất cứ giáo điều nào).

Vậy lấy óc mà chữa bệnh óc, LĐA đã chỉ ra con đường vạch mặt những nhà lãnh đạo giả, phản cách mạng, bất cách mạng qua tâm thuật. Chỉ có thuật trừng tâm mới chỉ ra những kẻ bán chúa, phản dân tộc.

Nếu tôn giáo chỉ là khuyên bảo con người sống với tình thương, từ bi, bác ái ... thì tại sao con người không tự chính mình thực hiện mà phải chờ đợi các bậc lãnh đạo tôn giáo lên tiếng? Tiếc thay (ngày nay) đa số chỉ là kẻ xài bạc giả (nói mà không làm). Một khi con người tự giác (như LĐA đã nói) thì tôn giáo sẽ đi về đâu? Phải chăng tôn giáo chỉ là hình thức để che dấu quyền lực và nô lệ con người qua từ ngữ giải thoát, tình thương?

Tôn giáo không làm được (sự tự giác nơi bản thân). Chỉ có con người mới làm được.

Nếu nhìn xa hơn, chúng ta có thể thấy LĐA dẫn chúng ta đi trở lại những gì mà các bậc sáng lập tôn giáo đã đi qua: (1) Sống và biết sống. Đừng phí phạm kiếp làm người. (2) Thần linh chỉ là vấn đề tâm lý, bạn có thể may mắn "thấy" (Thần, Thánh, Chúa, Phật...) nhưng đó là chuyện riêng của bạn. Đem chuyện bạn "thấy" ra kể cho người khác (không thấy) để làm gì? Thu tiền? Lập giáo hội? Xây đền thờ? Đó đâu phải là những gì đấng tối cao muốn. Vì (3) hoàn cảnh của bạn không phải là hoàn cảnh của người ta (không tu, chỉ lợi dụng để làm giàu, làm chính trị) chỉ vì con người không hiểu lẽ (lý) sống (4) Nhân sinh và Nhân tử: Tham sống, sợ chết. Do đó con người cần có (5) lý tưởng và phản tỉnh để biết mình đang làm gì, đi về đâu trong cuộc sống hiện tại. Khi con người sinh ra, không Thiện, không Ác nhưng khi lớn lên thì phải chọn lựa cuộc sống (6) Thiện (Phật lành) hay (Ma) Ác. Và từ đó con người tạo (7) cõi phúc và dây oan. LĐA đã dẫn chúng ta đi từ (1) đến (7) để thấy đó là tất cả cái gọi là "Tâm lý thần linh" chỉ là sự phát xuất từ óc con người. Và để thoát khỏi vòng vây "tôn giáo" thì chỉ có (8) lấy óc (sự học hỏi, tu dưỡng) để chữa bệnh óc (mê tín, chịu sự sai bảo của kẻ khác).

Muốn vậy chỉ có con đường lên (9) bồn gột rửa (tu dưỡng) và chấp nhận sự (10) hy sinh.

Gột rửa thật khó khăn mà hy sinh thì vô vàn. Những nhà tu thường kêu gọi như vậy để trở thành Thánh (Phật) nhưng thực sự họ không làm (hay làm không được) và trở thành Ma. Con người bề ngoài vẫn là người nhưng bên trong, bộ óc đã thành Ma. Do đó đa số các nhà chính trị, cách mạng khi còn đấu tranh thì rất lý tưởng nhưng khi thành công, cầm quyền thì biến chất vì gột rửa chỉ bên ngoài.

Ý thức được sống và chết (nhân sinh, nhân tử) của một đời người chỉ là những gì hắn đóng góp cho xã hội, không phải những gì hắn chiếm đoạt được từ xã hội trong cuộc sống. Khi đã biết "toại kỳ sở nhu" để "tận kỳ sở năng", đem tài năng đóng góp cho dân tộc, xã hội thì đó là sự hy sinh cho lý tưởng mà Chân-Thiện là cõi phúc. Hy sinh như vậy thì không phải lên tiếng thề nguyện (vào đảng) mới là hy sinh mà tự hành động đã là hy sinh rồi.

Là người biết thời-thế, LĐA biết không thể thực hiện cách mạng nếu không có con người cách mạng. Con người cách mạng biết Tu Dưỡng và nắm Sinh Mệnh Tâm Lý chứ không phải chạy theo tôn giáo để lấy phiếu.

Phải chăng đó cũng là lý do LĐA đã "biến mất" sau biến cố Nga My?

 

@ Nhân Chủ

Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...