3. XUÂN THU
Thời đại
Khi nói đến Xuân Thu, người ta
thường nghĩ đến Xuân Thu chiến quốc là thời đại loạn của nước Trung Hoa. Người
làm chính trị thường nhìn vào Thời-Thế để tranh bá đồ vương nhưng người dân thường
thì lại không muốn tang tóc. Chỉ khi nào người lãnh đạo biết Thời-Thế, được sự ủng
hộ của quần chúng thì sẽ làm nên lịch sử. Thời-thế có thể ám chỉ hoàn cảnh của
một dân tộc, quốc gia nhưng thời đại là tình trạng quốc tế. Từ phong kiến chuyển
sang thuộc địa, thời kỳ chính trị khu vực đã chuyển sang toàn cầu với chủ nghĩa
thực dân. VN dưới thời Pháp thuộc đã không ý thức được hoàn cảnh quốc tế nên lạc
đường vào chủ nghĩa cộng sản.
LĐA đã nhắc đến "gió
đáy" và "sóng đáy" ("Gió đáy" như lời kêu gọi của
thành phần lãnh đạo và "sóng đáy" như là sự hưởng ứng của quần chúng
kết thành từng đợt sóng nổi lên xóa tan...) như điều kiện cần và đủ để vượt qua
chủ nghĩa duy vật cho dù là tư bản hay vô sản. Câu hỏi đặt ra là: Kinh tế là mạch sống. Cho dù LĐA đề nghị bình sản nhưng liệu
phe vô sản (muốn trở thành tư bản) và phe tư bản (không muốn thụt lui thành
"bình sản”) có chịu ngồi yên hay không?
Chiến tranh
Chiến tranh là cao điểm của tranh
chấp chính trị lên đến cực độ. Chiến tranh đôi khi chỉ là tranh chấp quyền lực,
lãnh thổ của các phe phái trong nước vì lý do sắc tộc, tôn giáo… nhưng khi độc
lập thì họ không đủ khả năng điều hành cơ chế chính quyền và đó là những quốc
gia thất bại (failed state). Khi phải đối đầu với thế lực bên ngoài, các nhà
lãnh đạo thường đưa ra những chiêu bài kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng
dân tộc, giành độc lập… nhưng chiến tranh không phải cách mạng. Cách mạng đòi hỏi
kiến thiết như LĐA đã đưa ra trong chủ nghĩa Duy Dân. VN là một nước nhỏ, yếu
mà chiến tranh là thiệt hại, vậy người lãnh đạo phải nghĩ kỹ trước khi tham dự
cuộc chiến vì không phải chỉ có chiến tranh mà còn chiến hậu. Mấy ai đi vào cuộc
chiến mà nghĩ rằng hậu sau đó sẽ như thế nào?
Nói đến chiến tranh là tiêu hao
nhân lực, vật lực. Chiến tranh có những quy luật riêng của nó. Chiến tranh đi với
mục đích chính trị khác với chiến tranh đi với mục đích cách mạng. Cuộc chiến
quy ước khác cuộc chiến du kích, nổi dậy. Các nhà lãnh đạo phải ý thức khi đã
khởi cuộc chiến thì không dễ xoay chiếu hay dập tắt mà phải nhìn thấy "chu
kỳ hoàn tất" của cuộc chiến nếu không muốn sa lầy.
Chiến hậu
Chiến hậu có phải hậu chiến
không? Có người nghĩ đó là những việc làm sau chiến tranh; xây dựng lại những đổ
nát, thiệt hại của cuộc chiến. Nhưng phải chăng đó là điều tất nhiên, vậy hậu
quả của chiến tranh là gì? Vết thương tinh thần, xã hội, kinh tế… đòi hỏi một
chính sách thích hợp từ phía chính quyền. Đó là những cuộc chiến sau chiến cuộc,
không có quân đội tham dự, không có vũ khí, không có chiến tuyến nhưng người
dân vẫn chịu tổn thất. Nhưng giới lãnh đạo vẫn phải nhìn xa hơn: Những xung đột
lịch sử từ khu vực tiến lên vùng, miền (thí dụ: Âu Châu) rồi với phát triển kỹ
nghệ dẫn đến phát triển quân sự.
Xung đột của thế chiến I dẫn đến
thế chiến II. Từ tranh chấp phát triển kinh tế (cách mạng kỹ nghệ) đưa đến
tranh chấp tài nguyên thiên nhiên (chiếm thuộc địa), tranh chấp ý thức hệ (quốc
xã, duy vật, cộng sản, tư bản). Từ Tu Dưỡng Thắng Nhân đi qua cuộc cách mạng
Duy Dân để đi đến Giáo Dưỡng chế độ là một vòng xoắn có nút tết (hay kết) để ngăn chận sự lạc đường gây ra cuộc chiến khác, để rồi
"lịch sử lại tái diễn" hay di hận (trường hận) về sau.
Phục hoạt
LĐA viết về sự phục hưng của dân
Việt. Đây không phải là câu trả lời của một cá nhân. Đây phải là câu trả lời
chung của mọi người dân Việt. Khi nào chúng ta sẽ có câu trả lời?
Thắng nghĩa
Không thể nói về Thắng Nghĩa là sẽ
có Thắng Nghĩa. Thắng nghĩa là Lẽ Sống trên Lẽ Thật. Đường Sống trên Đường Thật.
Chủ trương thời đại không đủ để con người sống no đủ, sáng suốt. Cách mạng,
chính trị (sau cách mạng) và kiến thiết phải thống nhất dựa vào tinh thần và luật
tắc để hiểu biết, nắm giữ, vận dụng. Thắng nghĩa phải nắm giữ được thực thể trước
khi ra trận (cái phần thắng đã có trong tâm). Cái thắng trong chiến tranh mà
thua trong hòa bình (kiến thiết) chỉ vì thiếu sự hướng thượng của Khoa-Triết-Sử.
Nếu hiểu Thắng Nghĩa từ "Bồ
Đề Thắng Nghĩa" thì phải có Bồ Đề Tâm (Tâm Bồ Tát) mới gọi là Thắng Nghĩa.
Đọc tài liệu LĐA thấy nói đến "viên mãn", "đạt ma",
"pháp thể hợp tướng"... đó là trình độ của Bồ
Tát Thắng Nghĩa chứ không phải tước hiệu
dùng cho việc khen tặng nhau. Và trình độ đó cũng không phải chỉ là theo học một
khóa "nhập thất" năm bữa, nửa tháng của những giáo hội mất truyền thống
để có "chứng chỉ" treo tường.
Thắng Nghĩa là những lý tắc tiếp
cận vượt hơn những hiện tượng bên ngoài để nhận chân bản chất sự việc, nhằm nhập
dụng trong thực tiễn. Thắng Nghĩa được vận hành trong muôn mặt đời sống: Tu dưỡng, triết học, chính trị, văn nghệ… như một phương
cách góp phần trong công cuộc cứu quốc, tồn chủng, và xây dựng một quốc gia Việt
Nam mới.
Thắng nghĩa đế[1] còn là Thực tại tối thượng, thắng nghĩa đế không phải từ
trên trời rớt xuống, không phải từ dưới đất chui lên; vì nó là Thực tại tối thượng
nên Thắng Nghĩa bắt nguồn từ cuộc sống này; vì nó quyện trong đời sống nên mặc
dù là Chân lý tuyệt đối nhưng nó là Chân lý sống động.
Thắng Nghĩa không phải là Chính Nghĩa tất thắng – giải thích như vậy là diễn nôm (lấy chữ
Nghĩa với chữ Thắng gộp lại), há đã thắng như thế nào nếu không muốn nói là tự
huyễn hoặc chính mình?! Và thực tế là
đã thắng được bao nhiêu lần trong lịch sử suốt mấy chục năm qua?! Thắng Nghĩa
càng không phải là “Chủ nghĩa vượt thắng” bởi vượt thắng các chủ nghĩa khác để
làm gì trong khi chưa tự thắng được chính mình? Đó có phải là cái tinh thần của
Thắng Nghĩa không, một khi Thắng Nghĩa đặt ra không phải là để “thắng-thua”!
Thắng Nghĩa phải có Thắng Nhân. Thắng Nhân không phải người máy
(robot), ai bảo sao làm vậy mà hoàn toàn không có chính kiến bản thân, không có
sự dẫn dắt bởi chính lương tri đương sự. Sự Tu Dưỡng của Thắng Nhân sẽ như thế nào? Tiệm giáo thì quá lâu.
Đốn giáo thì không phải ai cũng học được?
Tam dân
"Tam dân chủ nghĩa"? Đọc
sử Trung Hoa, ai cũng biết do Tôn Văn đưa ra. Tôn Văn là một nhà ái quốc, là
bác sĩ ông đã mất tuổi trẻ học thuốc. Khi lòng yêu nước nổi dậy, ông muốn làm
cách mạng. Nhưng đối đầu với Chủ Nghĩa Duy Vật thì trên mặt lý thuyết, Tam Dân
đã không đủ chiều sâu, lý luận để phản bác Duy Vật. Trên thực tế, sự tàn bạo của
Lenin và Stalin gom đủ thứ độc ác của phương Tây đưa sang Trung Hoa phối hợp những
thủ đoạn của các bạo chúa Nhà Tần đến nhà Thanh.
Trong khi nền văn hóa, đạo đức của
Trung Hoa suy đồi vì chính sách ăn chơi trụy lạc mà người Hán đã dùng để Hán
hóa các chủng tộc xâm lăng Trung Hoa (Mông Cổ, Kim, Thanh).
Đạo Lão, Lão Tử đã bỏ Trung Hoa
ngay lúc ban đầu. Đạo Phật đến Trung Hoa, sau 5 đời cũng đã suy tàn khi Huệ
Năng bỏ về phương Nam. Và đạo Chúa đến Trung Hoa với thuốc phiện và cuộc xâm
lăng.
Tam Dân chủ nghĩa đã không có đất
đứng và dân Trung Hoa chưa có một ngày thực tập và sống với chế độ dân chủ. Nền
tảng xã hội thối nát của chế độ phong kiến là mồi ngon cho đảng cộng sản vươn
lên với chiêu bài "công-nông", "đoàn kết giới vô sản"....
Lòng yêu nước của Tôn Văn không đủ để chống lại Quốc Tế Cộng Sản và triết học
Duy Vật.
Để lôi cuốn quần chúng trong mọi
cuộc biến động, các nhà chính trị, đảng phái thường đưa ra các lý thuyết mỵ
dân. Nếu người dân không nỗ lực tìm hiểu bản chất của nhà lãnh đạo, của lý thuyết
thì sẽ đưa dân tộc và quốc gia đến thảm họa.
Dân chủ
Dân chủ phát sinh từ xã hội con
người. Con người có phần tốt (tính thiện) và phần xấu (tính ác). Để hợp tác xây
dựng xã hội, con người cần phát triển tính tốt, ngăn chận tính xấu. Nhưng học
cái tốt thì lâu mà học cái xấu thì nhanh.
Dân chủ biến thành chủ nghĩa cá
nhân khi con người lơ là việc tu dưỡng bản thân thì xã hội hỗn loạn. Loài người
đi từ lầm lạc này chồng chất lên sai lầm khác. Khi "tinh thần và vật chất không còn đối lập thống nhất" nữa
cũng như "hỗ tương nguyên nhân" không còn là "tự kỷ nguyên nhân"
nữa thì con người vẫn nhân danh Thượng đế, hòa bình, hạnh phúc...để giết nhau
mà gọi là xây dựng tự do, dân chủ, công bằng.
Cộng sản
Trên mặt lý thuyết, chủ nghĩa Duy
Vật là một triết học không hoàn tất. Trên thực tế chủ nghĩa Duy Vật được đổi
tên thành chủ nghĩa Xã Hội hay Cộng Sản bởi những cai thầu chính trị lợi dụng
lòng yêu nước của dân tộc và tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc của người dân để
thực hiện cuộc cách mạng vô sản và thao túng quyền lực. Khi nhóm đa số
(Bolshevik) tiêu diệt nhóm thiểu số đến người cuối cùng tương lai của một chế độ
độc tài chuyên chính thành hình dựa trên giả dối, tàn bạo và ngu dân.
Con người dưới chế độ cộng sản được
biến thành nô lệ kiểu mới, có quyền công dân nhưng mọi hoạt động theo chỉ thị của
đảng. Xây dựng xã hội theo khuôn mẫu, kế hoạch của đảng. Chống kẻ thù hay bắt
tay với kẻ thù tùy khi nào đảng muốn. Đảng luôn luôn đúng, tốt nhưng lãnh đạo bởi
những người có khả năng thống trị bộ máy tàn bạo đó.
Khi giới cai trị (lãnh đạo) và giới
bị trị (quần chúng) còn bất đồng ý kiến về những vấn đề xã hội thì "thời đại
Xuân Thu" của loài người vẫn còn những xung đột tiếp diễn cho đến khi chủ
nghĩa Duy Dân được thực hiện với Bình Sản Kinh Tế.
Bình quân
Chủ nghĩa bình quân như LĐA phê
bình cho thấy quan niệm loại bỏ giai cấp trong xã hội và giúp con người sống
không bị thiếu thốn (sinh tồn không gian) đã không luận đến lịch sử hay nguyên
lý triết học hay khoa học mà chỉ sử dụng tính thực tiễn và cai trị cứng rắn.
LĐA đâu ra để nhắc nhở trong thời đại Xuân Thu đã có những nhà chính trị muốn
tìm lối đi tắt để cai trị xã hội thay vì phải tu dưỡng bản thân (khó khăn và
lâu dài) mà hiểu Sinh Mệnh Tâm Lý còn khó hơn.
Vì không có tư tưởng triết học,
tinh thần khoa học và kiến thức sử học, các nhà chính trị phù thủy đã xử dụng
chiêu bài để tranh quyền dưới danh nghĩa cách mạng. Nhắc đến chủ nghĩa Bình
Quân LĐA muốn ám chỉ các nhà chính trị xôi thịt muốn cầm quyền nhưng thiếu thực
tài và coi việc cai trị đất nước như trò hề: Giản dị và mau lẹ là xong hết.
Kết luận: Như vậy
Xuân Thu là một bài học rất dài, không phải chỉ là thời Xuân Thu bên Tàu mà là
của cả thế giới xáo trộn cần được nhìn với nhiều góc cạnh để tìm ra căn nguyên
và đối chiếu với con đường của Duy Dân có thực sự giải quyết những vấn nạn của
con người và xã hội.
Và để thực hiện Duy Dân thì không
phải ca tụng LĐA, thắng nghĩa, bình sản kinh tế là xong. Nếu chưa hiểu cái
"ngoài lý" của Duy Dân thì không nên làm cách mạng đáy tầng vì lý
không thông thì không thể "tung hoành nhất quán" được.
@ Nhân Chủ
Tháng 4 năm 2020 (Việt lịch 4899)
[1]
Chữ
“đế” trong trường hợp này, có nghĩa là: Chân lý (truth). Theo triết học Trung
quán của Phật giáo Đại thừa, Thắng Nghĩa đế là chân lý tuyệt đối, hay sự thật
chân thực đưa đến giác ngộ. Khác với Thắng Nghĩa đế là Thế Tục đế, Thế Tục đế
là chân lý quy ước, hay sự thật tương đối của thế giới hiện tượng. Cả hai chân
lý/sự thật này cùng tồn tại trong thế gian. Phật vì chúng sinh mà giảng pháp,
chứ Phật không đi giảng pháp cho các “thánh nhân”. Nương theo chân lý thế tục
mà Phật giảng về sự thật chân thực, nhằm giúp chúng sinh phân biệt giữa hai sự
thật ấy - mà giác ngộ. Thắng Nghĩa đế còn là gì? – Là Thực tại tối thượng (the
last of all), là một trong hai phương diện (cùng Thế Tục đế) của thực tại mà
thôi. Thắng Nghĩa đế có bốn bậc: Thế gian Thắng nghĩa; Đạo lý Thắng nghĩa; Chứng
đắc Thắng nghĩa; Thắng nghĩa Thắng nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét