Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2025

Đảng Cách Mạng

Trong quá khứ chúng ta nghe nhiều về các đảng nhưng tất cả các đảng có bao giờ tự hỏi: đảng mình là đảng chính trị hay là đảng cách mạng? Bài viết này sẽ tập trung vào đảng cách mạng. Bài nói về đảng chính trị sẽ trình bày trong tuần tới.

Mục đích của cách mạng là thay đổi toàn diện và triệt để; nhưng không vì mục đích đó để xem thường mạng sống của Con Người, cho dù đó là mạng sống của đối thủ của mình.

Các cuộc cách mạng trên thế giới từ Ai Cập đến Tunisia kết quả ra sao? Hai đất nước này vẫn nằm ở vị trí “độc tài” dưới nhãn hiệu dân chủ. Tại sao thế? Câu trả lời có lẽ là cuộc cách mạng ở hai nước này không khởi đầu từ cái gốc mà chỉ bộc phát ở cái ngọn cho nên cuối cùng trở lại nền độc tài mới.

Để có một đảng cách mạng trước tiên phải có con người làm được cách mạng bản thân. Cuộc cách mạng bản thân để tự chính mình rèn luyện mình, kiềm hãm những cái Thâm-Sân-Si bởi ba cái này tạo ra hỗn loạn xã hội. Nói đơn giản khởi đầu của đảng cách mạng phải bắt đầu từ chính bản thân để chính mình kiện toàn tu dưỡng bản thân -- hầu tạo ra một nền tảng căn bản của đạo đức (lối ứng xử của Người) làm người.

Khi có nhiều con người có tu dưỡng, ngồi lại để thảo luận, tìm ra một tư tưởng làm nền tảng sinh hoạt của bản thân, của đảng cách mạng. Tư tưởng đó phải đặt Con Người làm gốc, dựa vào tương quan của Con Người để triển khai tư tưởng vào trong thực tế.

Những con người có du dưỡng đem những thảo luận về tư tưởng để tương tác với nhau hầu đánh giá thực-giả, khả năng, ý chí, cách làm việc -- để từ đó sắp xếp công việc cho phù hợp. Đây là tiến trình thử thách với nhau để đánh giá với nhau, tìm hiểu nhau, và xác định cái tư tưởng lựa chọn đó đúng hay sai, cần phải điều chỉnh ra sao.

Những con người có tu dưỡng tự chính bản thân phải lo được đời sống cho mình và gia đình. Nếu có khả năng làm ăn thương mại thì tạo ra công ty để giúp những cá nhân khác, giúp những người hàng xóm có công ăn việc làm. Đây là điểm chính của một đảng cách mạng. Không giải quyết được chuyện mưu sinh cho bản thân, cho những người đồng hành, cho những người hàng xóm gần gũi với mình thì đừng nói đến chuyện cách mạng.

Đảng cách mạng phải có một sơ đồ của một hệ thống chính quyền nhằm kiểm soát lẫn nhau. Nói tam quyền phân lập thì phải hình dung cái tam quyền phân lập đó ra sao, cái lổ hổng của tam quyền phân lập ra sao để kiện toàn nếu chọn tam quyền phân lập. Phải đặt câu hỏi, nếu tam quyền phân lập hợp tác để trở thành tam độc tài thì người dân dựa vào đâu để giải quyết chuyện đó? Nói chung dùng từ tam quyền phân lập không đủ để thuyết phục người khác khi mà không có một khung sườn để giải quyết vấn đề người xấu vào trong cơ chế tam quyền phân lập, và chính những người xấu hợp tác để trở thành một “độc tài” dưới danh nghĩa tam quyền phân lập.

Đảng cách mạng phải có một sơ đồ với hệ thống chính quyền ra sao, trách nhiệm của mỗi cơ năng như thế nào, thời gian phục vụ ra sao, người dân có cơ năng nào để xét lại những sai lầm của cơ cấu chính quyền đưa ra.

Đảng cách mạng nhìn vấn đề kinh tế ra sao? Một nền kinh tế tư bản hoang dã hay một nền kinh tế tư bản nhân bản? Một nền kinh tế xem thường thiên nhiên hay một nền kinh tế bảo quản thiên nhiên? Một nền kinh tế các công ty có trách nhiệm với sản phẩm trở thành phế thải hay một nền kinh tế cho các công ty tạo ra phế thải và xã hội phải gánh hậu quả của vật phế thải sau một thời gian sử dụng? Một nền kinh tế biết đủ hay vô đáy để tiếp tục thu vét từ xã hội cho cái giàu của chính bản thân?

Đảng cách mạng nhìn vấn đề giáo dục ra sao? Mục đích của giáo dục là gì?

Đảng cách mạng suy nghĩ gì về chuyện Tiền và Nhân sự? Có phương cách nào để đào tạo cán bộ trở thành những con người cách mạng luôn luôn quan tâm đến sự tu dưỡng bản thân? Làm sao tạo ra tiền và tìm người có khả năng? Có tiền và có người thì sẽ làm gì? Chương trình ngắn hạn, dài hạn ra sao? Có tiền nhưng biết sử dụng tiền cho hợp lý, bảo quản tiền bạc không bị lạm dụng hay biển thủ? Có người nhưng biết sử dụng người cho đúng khả năng, đúng công việc, và tôn trọng người hợp tác?

Đảng cách mạng thấy được sự tương quan giữa Triết Học, Sử Học, và Khoa Học? Đảng cách mạng làm việc trên tinh thần khoa học hay làm việc trên tinh thần nước đến chân mới nhảy?

Đảng cách mạng không cần phải phô trương và những cán bộ cách mạng sống, hòa hợp với đáy tầng, giúp đỡ đáy tầng chuyện cơ bản nhất là kinh tế, là giáo dục (hiểu ở một nghĩa rộng lớn chứ không phải là trường sở) mà không ai biết đó là cán bộ cách mạng.

Đây là bước chuẩn bị lâu dài, có thể 30 năm trước khi chính thức tuyên bố thành lập đảng cách mạng với cương lĩnh và chương trình hành động. Bước chuẩn bị này để xây dựng lực lượng gốc, xây dựng nền tảng trong công việc chuẩn bị cuộc cách mạng toàn diện và triệt để; cũng như xây dựng nền tảng để xây dựng lại hệ thống xã hội băng hoại, thất nhân thành một xã hội có trách nhiệm, có nhân tâm, nhân đức, nhân đạo, nhân tri, nhân trí, nhân lực, và nhân chủ.

Cách mạng không phải chỉ là trình bày qua vài trang giấy, cuốn sách, mớ nguyên lý hỗn độn, mơ hồ, ảo tưởng vì nếu cách mạng chỉ xảy ra đúng tại A mà không thành ở B thì phải xét lại. Cách mạng là sản phẩm của con người. Con người có suy nghĩ (tư tưởng) để biết đúng, sai. Con người cũng sống nhờ vật chất và hoạt động để tiến hóa. Vậy con người cách mạng phải có tu dưỡng qua suy nghĩ, lý luận. Cao điểm của lý luận là triết học.

Triết học Duy Vật thất bại vì gian dối, một chiều, che giấu khuyết điểm, tranh thắng bằng cách tiêu diệt đối lập. Cách mạng là thay đổi. Thay đổi như thế nào? Đi về đâu cần phải có lý luận, thử thách, ứng biến với hoàn cảnh; không phải độc tài, độc đảng (đóng) mà qua nguyên tắc (mở) để mọi người tham dự, góp ý thì đó là dân chủ. Và nếu là trách nhiệm chung để thay đổi tốt hơn thì không thể tiêu diệt lẫn nhau để sống. Cách mạng phải phân biệt Chính và Trị. Cách mạng cũng là kiến thiết (kinh tế). Khi thế giới chỉ có một môi trường sống thì tranh giành đất đai (lãnh thổ) hay tài nguyên vốn giới hạn không phải là chính sách kinh tế đúng đắn của một lý thuyết cách mạng.

Vài ý tưởng gợi ý cho một đảng cách mạng ở tương lai xây dựng tại Việt Nam, do chính những người sống tại Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của chính mình, gia đình mình, xã hội mình, đất nước mình, dân tộc mình. Người Việt ở ngoài Việt Nam chỉ đóng vai trò phụ, giúp đỡ ý kiến và vận động chính quyền sở tại nhằm đáp ứng nhu cầu mà đảng cách mạng trong nước cần để đẩy cuộc cách mạng đi đến thành công.

“Đảng cách mạng dùng phương tiện đấu tranh bí mật và từ dưới quần chúng đi lên…. Đảng cách mạng chủ đích lấy quần chúng, giác ngộ quần chúng cùng đứng lên sửa đổi và xây dựng xã hội với mình” (Lý Đông A)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 10 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2025/03/07/dang-cach-mang/

 

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Dân Chủ Là Gì?

Hình như người Việt chưa bao giờ tìm hiểu về sự thật của Dân Chủ là gì. Mọi người cứ nghĩ rằng dân chủ là chấp nhận đa đảng, người dân bỏ phiếu, đa số thắng thiểu số. Tất cả những vấn đề trên đúng nhưng chỉ là ngọn. Nếu chỉ nhắm vào ngọn mà không nhìn vào gốc thì nền “dân chủ” đó rất là nguy hiểm hoặc nền độc tài mới dưới cây dù “dân chủ”.

Có đa đảng chưa chắc đã dân chủ. Người độc tài sẽ dựng ra nhiều đảng khác nhau để gọi là đa đảng thì phải chăng đó cũng là dân chủ?

Người dân đi bỏ phiếu thì phải chăng ở những nước độc tài người dân cũng đi bỏ phiếu? Ở những nước tự do như Mỹ, ở Texas, những người cử tri độc lập không có quyền tham dự vào cuộc bầu cử sơ bộ (primary) nếu họ không chọn đảng, mà đã là độc lập thì tại sao phải chọn đảng? Phải chăng đây là cuộc chơi thiếu dân chủ bởi người cử tri độc lập không có quyền lựa chọn ông A (thuộc đảng X) cho chức vụ Thượng Viện và bà B (thuộc đảng Y) cho chức vụ Hạ Viện trong cuộc tranh cử sơ bộ?

Nếu cho rằng đa số thắng thiểu số thì dân tộc Kinh (đa số người Việt là dân tộc Kinh) bỏ phiếu chà đạp quyền sống của dân tộc Thượng tại Việt Nam thì phải chăng đó là dân chủ? Nếu các nước trên thế giới, dựng chuyện giả tạo để mục đích tôn tính một nước khác, qua Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bỏ phiếu đánh nước A với sự đồng ý 70% của thành viên Liên Hiệp Quốc thì phải chăng đó cũng là dân chủ?

Nếu cho rằng đa số thắng thiểu số, một cá nhân (thiếu nhân cách, nhân đạo, nhân sinh, sẵn sàng nói dối để đạt mục đích) chủ trương ma đạo và một cá nhân (có nhân cách, nhân đạo, nhân sinh, nói thật dù sự thật đau lòng) chủ trương nhân đạo được chọn ra tranh cử. Nhưng người chủ trương ma đạo, vì mục đích bất chấp thủ đoạn, vận động hành lang bằng những hứa hẹn quyền lực, tiền bạc, quyền lợi cho những người có thể bỏ phiếu trước cuộc bầu cử, kêu gọi những người cùng phe mình là số đông, bỏ phiếu để chọn mình và kết quả của sự vận động hành lang đó, người ma đạo thắng cử lãnh đạo tổ chức. Vậy thì đây có phải là hình ảnh của sinh hoạt dân chủ?

Nếu trong một đất nước chỉ có 66% số người (34% còn lại quyết định tẩy chay, không đi bầu) đi bỏ phiếu để tham dự cuộc bầu cử và người thắng cử đạt con số 40% trong số 66% thì phải chăng đây là sự lựa chọn của đa số trong tổng số 100%?

Đây là những câu hỏi đặt ra để người Việt quan tâm đến nền dân chủ ở tương lai cần phải thảo luận cho tận gốc của vấn đề. Tuy nhiên trước khi thảo luận với những câu hỏi đặt ra, mọi người phải tìm câu trả lời, Dân Chủ Dựa Trên Nền Tảng Nào?

Lý Đông A vào thời điểm 1940 đã nhận định “Dân Chủ phải lấy cái gốc Nhân Chủ”. Mà Nhân Chủ là sự Tự Giác để tự bản thân mình biết lối hành xử dựa vào nền tảng của Nhân Đạo, Nhân Sinh, Nhân Tâm, Nhân Trí, Nhân Tri, Nhân Cách, và Nhân Phẩm. Sự Tự Giác đó đòi hỏi tự bản thân phải biết Tu Dưỡng để thắng Tham-Sân-Si của chính bản thân thay vì để Tham-Sân-Si làm chủ Con Người của mình; để biến bản thân mình thành con Ma Tiền, Ma Quyền, Ma Danh, Ma Dâm. Ma của người chết không hại xã hội nhưng Ma của người sống làm hại đến xã hội.

Vậy thì trước khi thảo luận Dân Chủ thì người Việt cần thảo luận Nhân Chủ. Không đồng ý trên cái gốc của nền tảng Nhân thì tất cả những thảo luận về Dân Chủ chỉ là ngọn, sẽ không bao giờ giải đáp được bài toán của xã hội.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2025/01/01/dan-chu-la-gi/

 

 

Nhân Chủ Là Gì?

Nhân là Người. Chủ là mình làm chủ Con Người của chính mình.

Nhân Chủ được hiểu ở một nghĩa rộng lớn là sự tự giác, giác ngộ. Chưa có trường sở nào dạy sự tự giác hay giác ngộ. Cho nên Nhân Chủ là một sự cố gắng từ bản thân, khi nhận diện ra những Tham-Sân-Si có sẵn trong Con Người của mình; và thấy rằng những Tham-Sân-Si đó, nếu không kiềm chế sẽ tạo ra rối loạn cho bản thân và xã hội.

Tự giác để biết điều chỉnh bản thân hằng ngày, hằng giờ hầu có lối ứng xử với Người, với xã hội cho hài hòa thay vì là kích động của ham muốn, của bạo lực.

Muốn đạt được Nhân Chủ, cá nhân phải có sự tu dưỡng ở bản thân. Sự tu dưỡng đó để thấy rằng, một cá nhân, dù tài giỏi cách mấy, vẫn không làm được gì nếu không có sự giúp đỡ từ xã hội. Cá nhân nhờ vào xã hội để sống và tồn tại. Ngược lại xã hội nhờ cá nhân để mọi người trong xã hội cùng tiến.

Cá nhân và xã hội là hai thực thể luôn luôn có những xung khắc. Tuy nhiên xung khắc không có nghĩa là phải triệt tiêu lẫn nhau. Trái lại khi nhìn ra được sự xung khắc đó, mỗi cá nhân sống trong xã hội phải tự tìm ra giải pháp để giảm bớt sự xung khắc đó. Có những lúc quyền lợi cá nhân phải đặt dưới quyền lợi xã hội và ngược lại quyền lợi xã hội vẫn phải tôn trọng quyền lợi của cá nhân.

Thí dụ 1: Vì nhu cầu cuộc sống, cá nhân sản xuất một sản phẩm mà sản phẩm đó có hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong trường hợp này, nếu là một cá nhân có sự tự chủ, tự giác, sẽ không làm ra sản phẩm này mà tìm ra một sản phẩm khác để phục vụ xã hội và cuộc sống của chính mình.

Thí dụ 2: Vì nhu cầu của xã hội phát triển đường xá, một phần đất của tư nhân phải được mua lại để tạo ra phương tiện lưu thông. Nhưng không vì lợi ích của xã hội mà sự mua lại miếng đất từ tư nhân với giá rẻ mạt.

Tu dưỡng bản thân để thấy được sự nguy hiểm của mạng xã hội, từ đó không chia sẻ những hình ảnh, tin tức mà chính mình chưa kiểm chứng; hoặc chia sẻ những hình ảnh vì cảm tính thay vì là khách quan. Thời đại của AI (thông minh nhân tạo), một đoạn thu hình có thể là giả tạo chứ đừng nói đến một tấm hình. Một đoạn thu âm cũng có thể là giả tạo do AI dựng lên.

Tu dưỡng bản thân để không tôn sùng lãnh tụ, những người có bằng cấp, có tiền, có địa vị cao trong xã hội. Tất cả những hình ảnh trên chỉ là ngọn, là bề ngoài. Bên trong những Con Người đó mới là quan trọng. Họ có Nhân Tính, Nhân Cách, Nhân Phẩm, Nhân Tri, Nhân Tâm, Nhân Trí hay không mới là cái quan trọng của một Con Người. Một bác nông dân bình thường đôi khi có phẩm chất Người cao hơn vị bác sĩ vì ham tiền để lạm dụng chương trình phúc lợi xã hội cho người nghèo.

Tu dưỡng bản thân để biết được khả năng của chính mình, từ đó đặt mình vào đúng vị trí của xã hội. Ham muốn ai cũng có nhưng ham muốn mà không có khả năng, nếu không có sự tu dưỡng, sự ham muốn đó sẽ biến Con Người dùng ma đạo để đạt ham muốn đó. Chưa kể nếu có khả năng thì cái ham muốn đó mục đích để phục vụ ai? Xã hội hay chính bản thân mà thôi? Nếu phục vụ cho bản thân thì xã hội có bị thiệt hại hay không?

Tu dưỡng bản thân để biết sống thực, sống biết, sống đúng, và sống thiện. Đừng để bản thân ”sống’’ nhưng thực tế là sống giả, sống sai, sống ác, sống gian dối, sống làm nô tài.

Nhân Chủ là đều ai cũng có thể làm được qua sự tu dưỡng bản thân. Chủ đề tu dưỡng bản thân rộng lớn và dễ làm chứ không khó. Các bạn có thể vào đường link để tìm hiểu thêm. Chỉ khi nào hiểu được Nhân Chủ và đạt được tự giác -- thì lúc đó thực hiện dân chủ trên nền tảng Nhân Chủ sẽ đạt kết quả tốt hơn. Sẽ không có một lãnh đạo nào thiếu chữ Nhân được chọn vào vị thế lãnh đạo bởi người dân tự làm chủ được chính bản thân mình thì những trò tâm lý, mị dân, khẩu hiệu không lấy được lá phiếu của người dân.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2025/01/07/nhan-chu-la-gi/

 

 

 

Tự Do Là Gì?

Tự do là một vũ khí nguy hiểm, nếu không biết sử dụng thì sẽ làm hại đến xã hội.

Tự do trong suy nghĩ và hành động đã có từ thời nguyên thủy của loài người. Khác chăng là tự do thời nguyên thủy không có giới hạn trong khi tự do thời đại của thế kỷ 21 luôn luôn có giới hạn trong phạm vi của luật pháp cho phép. Luật pháp không thể nào đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường của loài người mà trong đó có quyền tự do.

Phải nhìn tự do là một vũ khí nguy hiểm để khi chính bạn sử dụng nó, bạn phải tự hỏi cái mình đang làm (suy nghĩ, hành động) có hại đến xã hội hay không và nếu hại thì mức độ nguy hiểm đó ra sao so với lợi ích của nó?

Tự do phải đi kèm với trách nhiệm. Tự do không đi kèm với trách nhiệm là một tự do thời nguyên thủy loài người, một tự do mà mọi người (thời nguyên thủy và hiện tại) thấy rằng nguy hiểm, cần phải loại bỏ. Từ đó loài người chấp nhận tự do đi kèm với trách nhiệm.

Tự do không cho phép bất cứ cá nhân nào nói dối, chia sẻ những sự kiện không có thật, hình ảnh không có thật qua mạng xã hội. Cái không thật đó sẽ hại đến nhiều người trong xã hội. Đây là hành động lạm dụng tự do, phá hoại xã hội chứ không phải thực hiện tự do.

Tự do ngoài trách nhiệm còn phải mang tính Nhân Bản, Nhân Sinh, Nhân Tâm, Nhân Đạo, Nhân Phẩm, Nhân Cách, Nhân Tri, Nhân Trí, Nhân Chủ. Những Nhân này là nền tảng của bất cứ tự do nào. Không có nền tảng này thì tự do là một nguy hiểm cho xã hội.

Thực hiện tự do với trách nhiệm và nền tảng Nhân luôn luôn có giá trả -- bởi tự do luôn luôn bị thách thức từ những nhà cầm quyền độc tài, giả dân chủ, lạm dụng dân chủ -- từ đó họ luôn luôn tìm đủ mọi cách đàn áp những ai thực hiện tự do.

Không ai, không một cơ chế nào có thể lấy quyền tự do của chính bạn. Tuy nhiên bạn có thực hiện quyền tự do của chính bạn hay không, trên nền tảng nào, với trách nhiệm nào là ở quyết định của bạn.

Tự do là tranh đấu từng ngày, từng giờ ở chính mình để tự mình có thể tự do hành xử hài hòa trong sinh hoạt của xã hội. Dùng Ma Đạo trong xã hội thì không thể nào gọi là thực hiện tự do bởi Ma Đạo sẽ tạo ra bất ổn cho xã hội.

Tự do đầu tiên và cuối cùng ở chính bạn.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2024 (Việt lịch 4903)

https://nganlau.com/2025/01/15/tu-do-la-gi/

 

 

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

  

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

Ghi chú NL: Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý thuyết mà không đem vào được trong đời sống thực tế. Bài viết này đem tư tưởng Duy Dân vào đời sống thực tế, chỉ rõ cho người đọc hiểu được thế nào gọi là nhất nguyên, thế nào gọi là đa nguyên dưới góc nhìn của Con Người. Đây chính là một trong những biện chứng, lý luận, nguyên lý sống của Con Người dưới góc nhìn của tư tưởng Duy Dân. Dĩ nhiên sẽ có người không đồng ý với lối giải thích Trinh-Bình-Hòa của tác giả đơn giản là tư tưởng Duy Dân là tư tưởng mở, được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau. Trinh-Bình-Hòa được tác giả diễn tả dưới góc cạnh qua kinh nghiệm thực tế bản thân để diễn giải ba chữ bên trên và cách diễn giải đúng vào thực tế đời sống của cá nhân tác giả, có thể vẫn chưa diễn đạt hết ý nghĩa của Trinh-Bình-Hòa nhưng không có nghĩa là sự diễn giải sai. Xin giới thiệu đến độc giả bài viết đem tư tưởng Duy Dân vào đời sống thực tế. 

Thể chế chính trị là một thành phần đại diện cho nhân dân để điều hành, cân bằng tất cả các phương diện đời sống xã hội, trước nhất là cho đất nước, sau là cân bằng giữa những quốc gia trên thế giới với nhau.

Lấy "nhất nguyên" là nguyên tắc, cương thường là những đặc tính và đặc định chung của xã hội loài người làm nền tảng cơ bản để nhìn nhận được sự phân tầng tự nhiên, để thấy được sự đa nguyên là đặc tính tự nhiên của xã hội loài người và cả thế giới tự nhiên.

Từ nhất nguyên để hiểu rõ về đa nguyên mới có thể xây dựng được một thể chế chính trị có nền tảng vững chắc. Nhất nguyên và đa nguyên phải hòa hợp nhưng không hòa tan, không hiểu mập mờ, lấy hai đặc định này làm nền tảng xây dựng đời sống xã hội, trong đó yếu tố quan trọng nhất là xây dựng cơ chế chính trị.

NHÂN LÀ NHẤT NGUYÊN - DÂN LÀ ĐA NGUYÊN. Đây là khái niệm cơ bản mà một chính phủ chuẩn mực phải nắm được cốt tủy và thực thi.

Nhân là nhất nguyên, có nghĩa là nhân loại phải có cùng những đặc điểm cơ bản, về chủng tộc, sinh sản, phát triển, trong quá trình sống đó, có sự liên kết thành các giềng mối gia đình, giềng mối xã hội. Có những quyền lợi và nghĩa vụ phải thực thi để có thể duy trì cá thể và tập thể, đó là đặc định, là đặc điểm chung cho loài người, không phân biệt chủng tộc và quốc gia, nên gọi là nhất nguyên.

Trong nhất nguyên đó, mỗi cá thể là một sự sống có tâm thức, mà tâm thức là sự phát triển riêng biệt, cho nên các cá nhân có sự khác nhau về nhận thức, sự khác nhau đó sẽ càng cách biệt khi các cá thể ở những địa phương khác nhau, ở những quốc gia khác nhau. Vậy nên mới hình thành nhiều thành phần, nhiều kết cấu về các cấu trúc phân bố trong xã hội, đó là điều căn bản để thấy được, trong cái chung, có cái riêng và ngược lại, nên nói, dân là đa nguyên là vậy.

Vậy nên, nhà nước là một thành phần quan trọng nhất để đại diện cho những thành phần "đa nguyên" của quốc gia thì không thể nào duy trì độc tài để điều hành được, đó là sai quy chuẩn ngay từ nền tảng. Lấy "nhất nguyên" để làm cốt tủy vì phải hiểu được đặc tính loài người là gì, từ đó mới hiểu rốt ráo quyền con người là thế nào, mới xây dựng một nền lập pháp cốt chỉ để bảo vệ quyền này. Hành pháp, tư pháp phải từ quy chuẩn này mà thực thi, trên nền tảng hiểu được dân là đa nguyên, phải linh động, rõ ràng và minh bạch.

Hiểu được đạo lý và tính chất tự nhiên của xã hội loài người, không khiên cưỡng áp đặt, từ đó áp dụng cho tất cả các phương diện khác của xã hội. Hiểu được con người là yếu tố trung tâm, tự làm chủ thân tâm. Con người hiểu được đời sống tự nhiên xung quanh mình, hòa hợp với thế giới tự nhiên chứ không phải triệt tiêu tự nhiên, để từ đó xây dựng đời sống phù hợp với các yếu tố trên. Đây chính là cốt tủy của một nền tảng Chính trị - Xã hội Nhân Chủ. Một xã hội tồn tại với đặc tính: Trinh - Bình - Hòa.

- Trinh: Sự trung trinh trong đời sống vợ chồng, sự trung kiên giữa con người với nhau trong đời sống xã hội.

- Bình: Sự công bình trong xã hội, con người được sống trong xã hội luôn được tạo điều kiện phát triển ban đầu như nhau, mọi luật lệ đều được áp dụng như nhau, không thiên vị. Mỗi cá nhân được tự do phát triển, khai phóng tinh thần tùy vào khả năng bản thân.

- Hòa: Là sự sống có sự hòa hợp, kết hợp với nhau để cùng phát triển. Sự phát triển dựa vào khả năng cá nhân, phân bố cấu trúc xã hội hài hòa, đa dạng về ngành nghề. Con người tự do chọn lựa, tự do phát triển nhưng vẫn có sự liên kết với nhau để phát huy hiệu quả hơn, chứ không phải phát triển dựa trên sự tranh đoạt, triệt tiêu lẫn nhau.

Nếu xã hội bảo đảm được ba đặc tính trên thì sẽ phát triển vượt bậc và đạo lý con người được gìn giữ, phát huy.

Một thể chế chính trị tồn tại chỉ vì tranh giành quyền lực với nhau, tranh thủ dùng chính trị để đoạt lấy quyền lợi cho đảng phái, cho cá nhân thì đó không gọi là thể chế chính trị, nó chỉ đơn thuần là kết cấu đời sống theo bản năng của động vật.

Huỳnh Thị Tố Nga

Oct 9, 2024

Nguồn từ FB của Huỳnh Thị Tố Nga

Nguồn: https://nganlau.com/2024/10/15/so-luoc-ve-nen-tang-nhan-chu/


Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài....

Nuôi Óc sinh nhân tài....

Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A)

Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám chủ tịch nước Tô Lâm đi ăn bò vàng về làm trò cười: cấm dân rắc tiêu theo nhịp điệu sóc Băm Bo. Khi lãnh đạo nước được sinh ra để làm nô tài thì cả nước có hy vọng tiêu vong vì nạn Tàu đô hộ. Người dân Việt có thể làm gì được khi "nhân tài" bỏ nước đi du lịch không về. Ngay cả dân lao động cũng tìm đường đi Tây, lấy Mỹ (Việt kiều). Vậy có thể nào nào nuôi Tâm để trở thành thiên tài cứu nước, duy trì nòi giống Việt? Thiên tài thì có nhiều loại mà Nguyễn Du đã nhắc khéo "chữ Tài liền với chữ Tai một vần" (chỉ có trong tiếng Việt). Nhưng trước khi nói về "Tài" là gì thì hãy nói về "Tâm". Nuôi Tâm mới có Tài.

Nuôi Tâm

Tác giả 3 câu vè đã không nói kỹ là "nuôi" có nghĩa là tu dưỡng, là lâu dài, là bồn gột rửa, là bách chiết thiên ma (chống cám dỗ), là giam bó để rèn luyện.... cái gì? Cái Tâm. Vậy "Tâm" là gì?

Phải biết Tâm là gì? Cây cỏ hay thú vật? Tròn hay méo? Dài hay ngắn? Cao hay thấp? Có tai, mắt mũi, miệng, tứ chi hay như cục đất? Có biết mới "nuôi", có ăn ở mới phát triển thành "Thiên tài". Nếu thất bại thì Thiên tài có thể chỉ là Nhân tài mà sẽ không phải Thiên tai?

Tâm? Mọi người đều có tâm nhưng tại sao khác nhau? Mọi người đều ăn để nuôi thân và tâm. Nhưng phải chăng "nuôi Tâm" là ám chỉ hình thức khác để rèn luyện tinh thần, khí chất, ý chí... như các nhà tu đã trải qua để đạt tình trạng viên mãn. Vì chỉ khi nào giải quyết được mọi vấn đề của bản thân thì mới có thể hiểu và cứu người khác. Vậy tìm Tâm ở đâu? Thuyết Duy Tâm có giải thích được Tâm là gì chăng? Nhà Phật nói rất nhiều về Tâm: "Tu Tâm dưỡng Tánh" nhưng "Tâm viên Ý mã"; Tâm như con vượn (khỉ) nhảy liên hồi, trong khi Ý (muốn) như ngựa chạy không ngừng. Bởi thế mới có "Tướng (tánh) tự Tâm sinh, Tướng tùy Tâm diệt" .... Câu chuyện An Tâm trong Phật học:

Khi Đạt Ma hỏi Huệ Khả: nhà người cầu gì?

Huệ Khả: Con tìm phương pháp an Tâm.

Đt Ma: Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.

Huệ Khả: Con không thấy tâm đâu cả.

Đạt Ma: Ta đã an tâm cho con.

Huệ Khả ngay đó liền đại ngộ. Vậy khi giác ngộ thì Huệ Khả thấy Tâm như thế nào? Có khác cái Tâm cũ hay vẫn là cục thịt trong đầu? Huệ Khả đã nuôi Tâm như thế nào để trở thành Nhị Tổ, kế thừa Đạt Ma, lãnh đạo Thiền Trung Hoa?

Rõ ràng "nuôi Tâm" không thể nào như nuôi heo, trồng cây... để qua một mùa là có kết quả. Nhà Phật luyện Tâm để giác ngộ (cái Thấy). Mở Huệ nhãn (giác ngộ, không phải là có con mắt thứ 3 giữa 2 chân mày là hiểu lầm tai hại) là cái nhìn bằng Tâm thuật (hiểu tức thì không qua dẫn chứng, mắt thấy, tai nghe). Luyện Tâm giống như nhà nghiên cứu, có mục đích, kế hoạch, phương pháp, kỷ luật để tập trung năng lực làm việc liên tục trong thời gian vô hạn. Khác biệt là đạt kết quả (Thiên tài) không phải để nổi tiếng, làm giàu hay chinh phục thế giới mà để cứu nhân, độ thế. Nhiều người lầm tưởng sinh con thông minh, là thiên tài thì sẽ là ABC mà quên đi mặt đạo đức. Tại sao Tâm có Thiện có Ác? Có ai chứng minh "Nhân chi sơ Tính bản thiện"? Hay chỉ vì Khổng tử nói vậy?

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P2)

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/08/15/nuoi-tam-sinh-thien-tai-p1/

 

 

 

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P2)

Hay Tâm chỉ là ký ức tồn trữ những dữ kiện trong đời sống mà chúng ta trải qua từ lúc sinh ra cho tới khi chết? Tâm chỉ tồn tại trong Thân hay ngoài Thân? Khi ngủ mơ (mê) thì Tâm ở trong hay ngoài Thân? Cái "thấy", cái "sợ" trong giấc mơ giống như những gì chúng ta thấy và sợ trong đời sống? Vậy chúng sẽ ảnh hưởng tới đời sống bạn ra sao sau cơn mê? Cơn mê trong Tâm (lúc ngủ) có ích lợi gì?

Muốn hiểu Tâm phải hiểu tiến trình Tâm ghi nhận tin tức từ bên ngoài vào Tâm vì Tâm không phải Óc (vật chất) mà là tinh thần. Nếu Tâm con nít như tờ giấy trắng thì ai "viết" những gì vào Tâm chúng để trở thành Thiện, Ác?

Còn những đứa trẻ nhớ về kiếp trước có phải Thiên tài hay không? Những Thiên tài (hay Thần đồng) về âm nhạc không phải chỉ là trí nhớ mà còn là cảm xúc, đam mê. Khoa học ngày nay nghiên cứu về não bộ con người để hy vọng làm sống lại não bộ các thiên tài đã qua đời hay tái chế biến (clone). Nhưng tái tạo não bộ chỉ là vật chất, còn tinh thần thì làm sao mà tái tạo (copy)?

Vậy thì chỉ có "nuôi" Tâm hay tu luyện, tu dưỡng. Cũng theo Phật học thì luyện Tâm thì Tâm phải tịnh. Môn phái Tịnh Độ Tông chuyên về Tịnh Tâm mà có mấy ai thành công? Hay thành công rồi im luôn vì không muốn liên hệ đến những chuyện đời? Mặt khác nếu Tâm phát Tánh (tính, tướng) thì khi đã có Tánh (Thiện, Ác) thì luyện (nuôi) Tâm có thay đổi Tánh hay không? Vấn đề là thời gian sẽ đòi hỏi bao lâu? 100 năm hay 1000 năm? Người xưa nói tu Tiên có thể sống ngàn năm? Vậy có thể làm Thiên tài được không? Sống lâu để làm gì nếu không luyện Tâm?

Trở lại tiến trình ghi nhận tin tức bên ngoài vào Tâm mà Phật học gọi là Thức (Duy Thức). Nhưng nếu Thức ghi nhận tin tức bên ngoài vào Tâm đều giống nhau thì tại sao Tâm ông A thích và lưu giữ nhưng Tâm bà B không thích và không giữ lại trong Tâm? Phải chăng vì Tâm khởi (phát sinh) yêu, ghét? Trong khi nhiệm vụ của Thức chỉ là chuyển tin tức từ A (căn) đến B (cảnh). Vì có con mắt nên có cảnh để nhìn. Vậy thì cũng theo Phật học, Tâm của trẻ vì vô minh nên theo Thập nhị nhân duyên (Vô minh duyên ra Hành, Hành duyên ra Thức, Thức duyên ra Danh sắc, Danh sắc duyên ra Lục nhập, Lục nhập duyên ra Xúc, xúc duyên ra Thọ, Thọ duyên ra Ái, Ái duyên ra Thủ, Thủ duyên ra Hữu, Hữu duyên ra Sinh, Sinh duyên ra lão tử). Trong tiến trình đó, đứa trẻ sẽ nuôi Tâm từ lúc nào?

Cha mẹ nào chẳng muốn con là Thiên tài? Tại Mỹ, cha mẹ mua cho con đủ thứ đồ chơi, hy vọng sẽ kích thích Thiên tài nổi dậy từ trẻ. Khi đi học thì trẻ được khuyến khích một giấc "mơ" (dream) nhưng chẳng nói "mơ" cái gì và như thế nào là tốt xấu. Có lẽ các nhà xã hội, chính trị và kinh tế hy vọng thu hoạch một vài nhân tài là đủ cứu chuộc thế giới cho dù 99.99% còn lại sẽ đi vào hủy hoại với giấc mơ sai lầm.

Có ai hỏi tại sao Thiên tài "cha mẹ" (đã có) không nuôi dưỡng và phát triển Thiên tài "con"? Cũng giống như trong Thiền đạo, chỉ có vị thầy đắc đạo mới đủ tư cách xác nhận đệ tử đạt đạo (đắc đạo). Vậy Thiên tài không phải muốn là được, nuôi là có. Bản chất (khi sinh ra: khí Tiên Thiên) là một mặt, mặt khác là sau khi sinh (khí Hậu Thiên) trong hoàn cảnh nào thì Tài năng được khai triển. Thử hỏi nếu thức ăn X hay phương pháp Y sẽ tạo ra Thiên tài thì Thiên tài sẽ đứng đầy chợ trời?

Mượn Phật học để giải thích: Thái tử Tất Đạt Đa có tiền kiếp đã là Phật (Tiên Thiên) nhưng tuy sinh ra trong hoàng cung, ông cũng phải trải qua khổ cực để tìm đường tu (Hậu Thiên) và đắc đạo. Đó là cuộc tranh đấu giữa Nghiệp (đường dài) và Mệnh (chu kỳ, giai đoạn). Nếu bạn Không chấp nhận "Nghiệp" hay "Mệnh" thì khó mà giải thích hay hiểu Thiên tài là gì, từ đâu đến, sẽ làm gì? Hãy tìm lại người nói câu "nuôi Tâm sinh Thiên tài" là Lý Đông A. Đọc Lý Đông A chúng ta hiểu gì? Ngoài phần ông biết mà chúng ta suy nghĩ cả đời cũng không biết thì phần mà ông viết ra chúng ta có thể hiểu là những gì?

Nhưng Thiên tài mà không gặp thời thì cũng chẳng làm được gì vì thiếu Nhân tài phụ lực. Vậy nếu phải chọn giữa một Thiên tài và nhiều Nhân tài để thay đổi xã hội thì bạn chọn cách nào? Nuôi Thiên tài đã không biết thì chỉ còn cách đào tạo Nhân tài. Lấy Lượng thay Phẩm? Cho dù biết rằng "Binh hồ tinh bất quý hồ đa". Vậy thì cuối cùng không biết "nuôi Tâm sinh Thiên tài, nuôi Óc sinh Nhân tài" thì cũng đừng “nuôi Thân sinh Nô tài". Làm người khó thay.

Nhìn góc cạnh khác, nếu "nuôi Tâm" được thì bạn muốn là Thiên tài như thế nào?

Thiên tài

Phải chăng thiên tài là biết hết mọi chuyện? Làm được mọi việc? Giá trị của thiên tài là gì?

Thiên tài không phải chỉ đánh giá ở sự thành công về tài mà còn về đức, ngay cả sự thất bại cũng có giá trị vì những đóng góp siêu việt, ảnh hưởng nhân loại về lâu dài.

Thiên tài không phải là Thần, Thánh có phép màu, làm đủ mọi chuyện theo ý dân. Thiên tài có giới hạn trong phạm vi đóng góp một vài lãnh vực (đã được nuôi để thực hiện cũng từ do Nghiệp và Mệnh) và vì nuôi (tu dưỡng) quá khó nên Thật thì ít mà Giả thì nhiều. Nói theo kinh tế thì vì nhu cầu đòi hỏi từ đa số dân mong có Thiên tài xuất hiện cứu độ chúng sinh nên kẻ thiếu đạo đức nhảy ra cung cấp Thiên tài giả như chúng ta thấy trong cộng đồng Việt Nam (Nhân điện, Thanh Hải, lãnh đạo chống CSVN ...). Điều kiện nào là cần và đủ để được gọi là Thiên tài? Tất nhiên là có Tài năng thuộc một (hay nhiều) lãnh vực, có mục đích tốt cho con người về lâu dài. Đó là Tài còn về Đức? Có những Thiên tài đóng góp rất nhiều cho nhân loại nhưng đời sống cá nhân rất bê bối. Bạn có đồng ý sự đổi chác để có Thiên tài dù phải chấp nhận cuộc sống cá nhân vô luân, trụy lạc, bê bối... của Thiên tài? Đó là "cần".

Vậy đâu là (đủ để gọi) Thiên tài thật sự? Hãy nhìn lại lịch sử loài người từ Đông sang Tây với những vĩ nhân được các quốc gia, dân tộc tôn sùng qua nhiều thế kỷ nhưng thực sự đối với bên ngoài (dân tộc, quốc gia khác) thì sao?

Thí dụ như Thành Cát Tư Hãn có thể nào là Thiên tài với các cuộc chinh chiến tư Đông sang Tây? Hay như Mao, Khổng Tử ... đối với dân Trung Hoa có thể là Thiên tài nhưng đối với các dân tộc lân bang, thế giới thì không đạt. Ngược lại, Lão Tử được biết đến qua Đạo Đức Kinh nhưng cả thế giới kim cổ phải chấp nhận là Thiên tài. Cũng như Leonardo Da Vinci là người có tài năng về nhiều mặt mà những đóng góp của ông sau nhiều thế kỷ vẫn được tôn trọng.

Kết

Vậy chuyên "nuôi Tâm sinh Thiên tài" chỉ là lời nhắn nhủ của tiền nhân để đừng "nuôi Thân sinh nô tài", chỉ cần cố gắng "nuôi Óc sinh nhân tài" là tốt lắm rồi. Cứ nhìn gương Chúa, Phật cứu nhân độ thế thuộc hàng Thiên tài thế nhưng có tín đồ nào "nuôi Tâm" để theo đâu? Nuôi là ý chí tự chọn để theo đuổi chứ không phải có người khác nuôi (giúp). Cứ nhìn sư Minh Tuệ (mới bắt đầu) đang nuôi Tâm đó mà thiên hạ đã chạy theo để được gì? Sao không sống như ông ta đang làm mà theo quỳ lạy làm gì? Nếu ông ta làm 5 điều cùng một lúc (hạnh đầu đà) thì bạn thử theo 1 điều thôi xem sao. Giả sử nuôi Tâm có 8 bậc thì hãy thử 101 trước đi.

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/08/15/nuoi-tam-sinh-thien-tai-p2/?preview_id=5642&preview_nonce=66cfb65fb7&_thumbnail_id=-1

 

 

 

Con Người hay Cơ Chế

Tựa đề bài viết này đã được đăng trên nganlau.com vào tháng 7 năm 2015. Vẫn với tựa đề trên, bài viết này nhìn vấn đề ở góc nhìn của người đấu tranh cho một Việt Nam Nhân Chủ, Tự Do và Phú Cường ở tương lai.

Những người đấu tranh cho một Việt Nam tương lai, hình như chưa bao giờ đặt ra vấn đề này. Chủ đề này rất là quan trọng bởi nếu không nhìn ra được vấn đề thì những người đấu tranh cho một Việt Nam tương lai có thể trở thành một “độc tài” kiểu mới dưới nhãn hiệu dân chủ mà nước Mỹ đã chứng kiến vào cuối năm 2020 với cao điểm của sự kiện 6 tháng 1 năm 2021.

Con Người của lịch sử

Trước hết phải nhìn vấn đề Con Người bởi Con Người đưa ra cơ chế. Mà nếu nhìn Con Người thì phải nhìn vào lịch sử của đất nước từ xa xưa cho đến nay.

Dưới các triều đại của Trần, Lê, Lý; Việt tộc đã có một thời hưng thịnh, an cư lạc nghiệp. Tại sao thế? Tại sao dưới một chế độ phong kiến, Việt tộc có một thời an cư lạc nghiệp nhưng đồng thời cũng dưới chế độ phong kiến đó, Việt tộc bị chiến tranh (Trịnh-Nguyễn phân tranh) và sự tàn bạo của các vua đối với quan thần cũng như dân chúng?

Nhìn lịch sử rõ hơn một tí thì các vua mang lại an cư lạc nghiệp cho người dân là những người có trái tim nhân bản, đặt lợi ích của đất nước, dân tộc, và người dân lên trên hết. Vua tôn trọng dân cho dù trong chiến tranh, vua hỏi ý kiến của dân là nên hòa hay nên đánh qua Hội Nghị Diên Hồng mà vua Trần Thánh Tông là thí dụ điển hình. Ai bảo thời phong kiến không có dân chủ? Phải chăng Việt tộc đã thực thi dân chủ ngay từ thời của vua chúa mà vì ngoại vọng nên chúng ta không nhìn thấy?

Nói thế không có nghĩa là Việt tộc không gặp thời đen tối của chế độ phong kiến. Khi vua ham chơi để quan thần lộng hành thì người dân sẽ chịu nhiều khổ đau. Mà vua ham chơi tức là vua chỉ nghĩ đến cái tôi, cái dục vọng mà không quan tâm đến đất nước, đến đời sống của người dân. Đó là lý do tại sao khi các triều đại đầu tiên, vua-quan đều quan tâm đến an cư lạc nghiệp cho người dân. Nhưng đến cuối các triều đại thì các vua-quan đều bị hủ hóa.

Con Người nếu không đặt chuyện tu dưỡng bản thân là ưu tiên trong cuộc sống thì sớm hay muộn, cá nhân đó sẽ bị tiền, quyền, dâm, danh làm họ hư hỏng. Đó là lý do giải thích tại sao các triều đại của cuối đời Lý, Lê, Trần -- có những vị vua và quan thần tồi bại để tạo ra loạn lạc, tranh giành quyền lực với nhau, làm cuộc sống của dân nhiều khốn khổ.

Con Người, đặc biệt người lãnh đạo, đóng vị trí rất quan trọng trong việc đem lại an cư lạc nghiệp cho tập thể người dân sống trong xã hội. Con Người Nhân Bản sẽ tạo ra những chính sách để phục vụ xã hội trong khi Con Người thiếu Nhân Bản sẽ dùng những chính sách để lừa người dân với mục đích chính là phục vụ quyền lợi bản thân (quyền và tiền).

Cơ Chế

Có người quan niệm rằng sự lạm quyền của người lãnh đạo là do cơ chế. Từ lý do đó, nhiều cơ chế được lập ra trong quá khứ để chuyện lạm quyền, độc tài không xảy ra.

Hãy nhìn về cơ chế, đặc biệt cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ được xem là kiểu mẫu của thời đại, một kiểu mẫu mới nhất so với cơ chế của khối Âu Châu.

Trên lý thuyết thì tam quyền phân lập của Mỹ nghe rất hay nhưng sau trên 200 năm thử nghiệm, cơ chế đó đã không kiểm soát được tình trạng đảng tranh, tình trạng không ai kiểm soát được ai bởi tinh thần đảng tranh của Mỹ đang ở tột đỉnh mà không thể nào thay đổi để trở về hiện trạng của thời thành lập nước Mỹ.

Thời thành lập nước Mỹ, những người dựng lên bản hiến pháp là những người có lòng tự trọng, tuy có sự khác biệt về ý thức hệ nhưng sẵn sàng gạt bỏ sự khác biệt để tạo ra một hiến pháp khả thi, áp dụng vào đất nước mới hình thành. Hiến pháp đó tuy có nhiều lổ hổng nhưng được bồi dưỡng bằng những thay đổi để đáp lại nguyện vọng của người dân. Đấy là cái thời tinh thần đảng tranh không cao lắm.

Ở cái thời điểm của thế kỷ 21, tinh thần đảng tranh với khẩu hiệu “còn đảng, còn mình” qua nhản hiệu dân chủ, hai đảng tìm cách chống nhau và dùng tâm lý để cử tri thay phiên nhau chọn hai đảng vào vị trí lãnh đạo từ khi đảng tranh được hình thành trong lịch sử của Mỹ.

Cơ quan tư pháp với tòa án Tối Cao Pháp Viện cũng đã vướng vào đảng tranh, xét xử lại những vụ án trước đó, thay vì tôn trọng án lịnh đã xử thì Tối Cao Pháp Viện phá án lịnh đó với lý do đơn giản là quyền của tiểu bang thay vì là quyền của người phụ nữ mà vụ phá thai là thí dụ điển hình.

Những người trong Tối Cao Pháp Viện không có một tổ chức nào, một cơ quan nào có thể kiểm soát những bản án sai trái của họ. Họ vi phạm đạo đức nhưng không có cơ quan nào kiểm soát ngoại trừ họ tự kiểm soát. Làm sao có công bằng khi tự chính cơ quan, có quyền cao nhất trong tư pháp, lại tự kiểm soát được mình? Mong chờ Quốc Hội đàn hạch (impeachment) các vị thẩm phán ở Tối Cao Pháp Viện hiện giờ là chuyện không tưởng bởi tinh thần đảng tranh.

Khi đắc cử các vị lãnh đạo tuyên thệ bảo vệ hiến pháp; thế nhưng ngày 6 tháng 1 năm 2021, những người bạo loạn tấn công vào Quốc Hội hơn hai tiếng đồng hồ, vị tổng thống tại nhiệm lúc đó, ông Trump, hoàn toàn im lặng không làm gì trước tình trạng tính mạng các dân biểu ở hai viện có thể bị nguy hiểm trước đám bạo loạn. Đây là thái độ ăn không được phá cho hôi với mục đích làm cuộc “đảo chính” dưới danh nghĩa của dân chủ.

Cái gọi là tam quyền phân lập đã được lợi dụng tối đa để phục vụ quyền lợi đảng thay vì quyền lợi của đất nước. Khi Con Người hư hỏng, vì mình, vì đảng mình thì không có một cơ chế nào có thể cản trở những điều mà họ muốn làm để thực hiện tham vọng của chính họ, của đảng họ. Khi hành pháp, lập pháp và tư pháp toa rập để phá hoại đất nước thì người dân hoàn toàn bó tay, không làm được gì. Chưa kể ý thức chính trị của người dân cũng theo tinh thần đảng tranh tạo ra hình ảnh dân chủ Mỹ đang ở thời kỳ đi xuống.

Kết

Lịch sử của loài người chứng minh những thời đại mà cuộc sống Con Người được an cư lạc nghiệp không phải vì cơ chế mà vì những người lãnh đạo có trái tim Nhân Bản, tôn trọng sự thật, có Nhân Cách, Nhân Tri, Nhân Trí, Nhân Chủ. Nói nôm na là những người lãnh đạo có tu dưỡng bản thân để đạt trình độ Nhân ở mức độ giác ngộ và phục vụ quyền lợi của người dân và đất nước.

Tuy nhiên lịch sử loài người cho thấy Con Người sẽ bị hủ hóa cho nên cần phải có một cơ chế để giải quyết chuyện hủ hóa thay vì chấp nhận sự hủ hóa.

Cơ chế do Con Người tạo ra. Cơ chế đó dựa trên nền tảng nào cần phải xét lại bởi cái nền tảng mà thiếu gốc thì cái nền tảng đó giả tạo. Tự Do Dân Chủ chỉ là ngọn. Nhân Bản Cương Thường (những nhu cầu của đời sống người cần có mà không cần biết sống ở đâu, quốc gia nào, dân tộc nào) là cái gốc để cơ chế được hình thành từ đó. Cơ chế được hình thành để bảo đảm cái Nhân Bản Cương Thường. Cơ chế đó phải có nền tảng của Nhân Bản Cương Thường.

Muốn bảo đảm Nhân Bản Cương Thường, cơ chế cần phải có hệ thống tuyển chọn, thanh lọc những người lãnh đạo thiếu Nhân Cách, Nhân Tri, Nhân Trí, Nhân Đạo, Nhân Ái, Nhân Sinh. Lãnh đạo gian dối, xem thường luật pháp thì phải có một cơ chế để trừng phạt những hành động đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Một cá nhân làm ăn thương mại giỏi không có nghĩa là cá nhân đó có tài để lãnh đạo đất nước bởi lãnh đạo thương mại hoàn toàn khác với lãnh đạo đất nước.

Cơ chế phải được thay đổi theo từng thời gian bởi cuộc sống Con Người thay đổi cho nên cơ chế của 200 năm trước chưa chắc thích hợp với sự thay đổi của Con Người hôm nay. Cơ chế đó phải đáp ứng và bảo đảm Nhân Bản Cương Thường không phải chỉ ở một quốc gia mà ở nhiều quốc gia.

Một người Việt ở thời đại 1940 đã nói đến cơ chế Duy Dân và dưới cơ chế đó, mỗi cá nhân phải tự chính mình làm chủ lấy mình (Nhân Chủ) và tự do phải đặt trên cái nền tảng Nhân Chủ đó.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 6 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/08/24/con-nguoi-hay-co-che-2/

 

 

 

 

 

 

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Cơ Chế Đan Quyền (P1)

 

Hiện nay chúng ta đang thấy sự suy thoái dân chủ của cơ chế Tam Quyền Phân Lập. Con người lập ra hiến pháp quy định cơ chế công quyền. Tuy có ý thức sửa đổi, bổ túc qua các tu chính án (amendment) nhưng theo thời đại, con người suy thoái. Hoặc là dân hay giới ưu tú (elite) lãnh đạo thay nhau củng cố nền dân chủ. Nhưng khi cả hai (dân, lãnh đạo) suy thoái thì cơ chế tam quyền phân lập trở thành tam quyền phân tán. Điển hình là sự chi phối của tôn giáo vào hệ thống tòa án. Một khi Tối Cao Pháp Viện (TCPV) dựa vào thành kiến tôn giáo để quyết định án lệ, rồi cũng chính TCPV phá án lệ của tiền nhân nhưng lại trả về các tiểu bang quyết định. Đây là hành động vô trách nhiệm của Tòa Liên Bang phán quyết để duy trì "hợp chủng quốc" thì lại trả về tiểu bang để mỗi tiểu bang có quyết định trái ngược nhau thì căn bản nhân quyền của hợp chủng quốc bị phá vỡ. Nhưng vì đặc quyền tại chức suốt đời (lifetime) nên dân không thể thay đổi cơ chế lẫn nhân sự.

Về mặt lập pháp, cơ chế lưỡng đảng tưởng chừng bền vững nhưng khi sắc dân thay đổi, các nhóm thiểu số dần dần trở thành đa số đe dọa sự chọn lựa ứng cử viên thì thành phần đa số (đang trở thành thiểu số) tìm cách duy trì thế lực chính trị bằng mọi thủ đoạn. Các khuynh hướng chính trị (kỳ thị, quá khích, cô lập) đã từng xuất hiện trước thế chiến II nay tái xuất để khủng bố các nhóm đối lập. Từ hạ tầng cơ sở, sự phân chia bản đồ bầu cử để chèn ép các nhóm thiểu số lan rộng dẫn đến xung đột, hỗn loạn, bất lực trong các cơ chế soạn luật từ tiểu bang đến liên bang. Các thế lực tôn giáo, kinh tế, ngoại bang âm thầm can thiệp vào các tiến trình bầu cử, soạn luật địa phương trên toàn quốc. Một mặt họ kêu gọi dân lo hưởng thụ, làm giàu, lơ là các sinh hoạt chính trị. Mặt khác lớp lãnh đạo lo củng cố địa vị, quyền lợi bản thân và phe đảng bằng cách o bế các nhà tài phiệt, tạo khó khăn cho dân nghèo có cơ hội bỏ phiếu thì nền dân chủ tất phải suy thoái. Khi người dân chạy theo kẻ mỵ dân, thiếu đạo đức, trách nhiệm thì sẽ nhắm mắt chọn kẻ mạnh, hứa hẹn đem lại tương lai tốt đẹp thì đó là con đường dẫn đến độc tài.

Ung thối từ cấp quận, hạt, tiểu bang lên tới cấp liên bang; cũng như từ các nhà lập pháp đến hành pháp; và cuối cùng là tòa án. Khi nhân tài không có thì sự tranh thắng để cầm quyền trở thành đảng tranh với tất cả thủ đoạn đen tối, dơ bẩn, thiếu đạo đức. Người dân không còn quan tâm đến quyền lợi quốc gia mà sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng cử viên hứa hẹn đúng nhu cầu cá nhân, phe nhóm. Ngay cả tầng lớp lãnh đạo tôn giáo cũng quên vai trò đạo đức để ủng hộ ứng viên mất tư cách miễn là giáo điều được đề cao.

Sự tranh luận về chính kiến không còn nữa khi nói láo trở một sự thật khác (alternative truth) và ngụy danh như là "tự do ngôn luận". Cũng như thủ thuật tung tin giả, chụp mũ, vu cáo bất kể bằng chứng tới mức độ cuồng tín, quá khích, đe dọa bạo động bất chấp hình phạt vì hệ thống tòa án bị ngộp bởi các vụ kiện, kháng cáo, điều tra kéo dài. Đó là chưa kể sự phá hoại của kẻ thù từ các quốc gia độc tài. Tất cả phát sinh từ hiến pháp thiết lập cơ cấu chính quyền không cân bằng. Tuy nói là do dân, vì dân, bởi dân nhưng đã giới hạn dân quyền qua bầu cử. Sau khi dân bỏ lá phiếu vào thùng phiếu là hết quyền. Tu chính án đầu tiên 1791 xác nhận quyền "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tụ họp và tín ngưỡng" nhưng chưa phải là Nhân quyền vì chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại. Và sự bạc đãi, đàn áp, bất công với người di dân, dân thiểu số vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc xác nhận 1948 nhưng hàng rào đã có từ mỗi quốc gia và Liên Hiệp Quốc không có lực để ép các nước tôn trọng nhân quyền. Khi quyền làm người bị bóp méo thì dân là tập hợp của người sẽ xây dựng xã hội, quốc gia như thế nào? (học thuyết bản vị).

Như vậy chúng ta thấy nền dân chủ Tây phương xây dựng trên một nền tảng từ trên xuống. Giai cấp ưu tú của xã hội sáng tạo "dân chủ" như trường hợp cách mạng Pháp 1789. Khi nền quân chủ thối nát, dân nghèo bất mãn kết hợp với giới trí thức nổi loạn lật đổ vương quyền nhưng cơ chế dân chủ chưa thành hình và xung đột xảy ra giữa các nhóm (đảng) tham dự cách mạng. Cuối cùng Nã Phá Luân đưa Pháp trở lại chế độ quân chủ. Đa số các cuộc cách mạng chỉ là lật đổ chế độ mà không chuẩn bị cái gì sẽ thay thế. Nếu thành công như cách mạng Mỹ 1775 thì sau đó nền dân chủ thành lập từng bước như một cuộc thí nghiệm với tinh thần thực nghiệm dựa trên Tâm Lý học hơn là Triết Học. Khi phân biệt giáo quyền với chính quyền, các nhà sáng lập nước Mỹ nghĩ rằng sẽ tránh được xung đột như đã xảy ra tại Âu Châu giữa Giáo hoàng và vua các nước. Tuy nhiên chính quyền vẫn phải dựa vào giáo hội về mặt đạo đức và xã hội. Khi chọn khẩu hiệu "tin vào thượng đế" hay tuyên thệ nhậm chức trên thánh kinh là yếu điểm của nền dân chủ Mỹ.

Phân quyền tưởng chừng canh chừng được nhau đã trở thành con quái vật bất khả xâm phạm khi tầng lớp lãnh đạo (đảng chính trị) từ từ đổi màu như loài tắc kè (chameleon) theo thời cuộc. Lớp người có đạo đức bị thay thế bởi kẻ mỵ dân chủ và lưỡng đảng thay vì đối lập thống nhất đã trở thành đảng tranh. Cùng với sự xuất hiện của mạng xã hội đưa con người vào mê trận của tin giả, trong khi giới truyền thống mất tiếng nói vì bị các nhà tài phiệt mua và khống chế. Sự tranh giành quyền lợi của các tập đoàn tư bản cấu kết với chính trị gia bất tài mà tham vọng đã tạo sự chia rẽ trong quần chúng để thủ lợi. Sự bổ nhiệm các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã bị lũng đoạn khi các Thượng Nghị Sĩ không tôn trọng tiền lệ để chọn nhân tài. Cán cân công lý đã nghiêng ngả. Đã đến lúc phải tìm một cơ chế mới cho sinh hoạt dân chủ.

Khi tam quyền phân lập trở thành ba vua nắm quyền 3 mặt bất kể lẽ phải khi dựa vào tôn giáo để diễn dịch Hiến Pháp theo ý riêng. Trong lúc đó giới truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình) bị tràn ngập với tin giả từ mạng xã hội và mắc kẹt về tài chính (qua quảng cáo của các công ty, kỹ nghệ) dẫn đến sự lệ thuộc vào các tập đoàn tư bản khiến tự do báo chí trở thành công cụ của giới tư bản đè bẹp tiếng nói từ người dân. Sự tranh luận, thảo luận, lý luận để tìm sự thật không còn nữa khi chính giới lãnh đạo chính trị các cấp dựa vào tin giả để biện minh, lấp liếm sự thật. Phê bình là ranh giới của cương thường (trật tự) để bảo vệ sinh hoạt dân chủ vì hỗn loạn thì nền dân chủ sẽ bị tiêu diệt. Tâm lý học đã được sử dụng tối đa để lôi kéo người dân chú ý mặt kinh tế trong khi sinh hoạt chính trị được giới lãnh đạo hứa hẹn thỏa mãn bất kỳ nhu cầu nào quan trọng với cử tri để lấy phiếu mà không hề có giải pháp cho quốc gia. Sự chia rẽ càng sâu đậm thì quyền lực của giai cấp lãnh đạo càng mạnh. Đó là lý do chúng ta cần Đan Quyền.

Đan Quyền là hệ thống xen kẽ giữa giữa lớp lãnh đạo và đáy tầng (quốc dân, công dân). Phác họa sơ đồ về Đan Quyền khá phức tạp, cho đến nay chưa có sơ đồ nào khả dĩ diễn tả sự liên hệ trong Đan Quyền. Sự trình bày qua bài viết còn khó khăn hơn tuy nhiên vẫn phải cố gắng.

Hệ thống Đan Quyền thể hiện qua Cơ Năng Hiến Pháp, có thể thay đổi 10, 30 năm và được tu chỉnh với nhiều thành phần tham dự, kiểm soát lẫn nhau, không có tuyệt đối ưu thế hay tại vị suốt đời. Các bộ phận, viện có lãnh đạo do Quốc Trưởng chọn và Trung Tâm Hội Nghị (TTHN) phê chuẩn. Các viện, bộ làm việc cho cả phía Quốc Trưởng (lãnh đạo) lẫn Trung Tâm Hội Nghị (dân). Phần hành chính độc lập (cung cấp dịch vụ) với cả Quốc Trưởng lẫn Trung Tâm Hội Nghị.

Cơ Chế Đan Quyền (P2)

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

Cơ Chế Đan Quyền (P2)

 

Đan quyền chia chính quyền làm 4 phần                                                                                                         

-Giáp (Chính trị tổng cơ)

 

A.Tối cao quốc thể (Tổng Thống hay Quốc Trưởng =T1)

-do Quốc Dân hội nghị chọn = QD1.

-Kiểm soát bởi Phê Phán viện = PP1 và Kê Sát Viện= KS1.

 

B. Tối cao lập pháp (Quốc Hội =D1):

-Do Quốc Dân đoàn tuyển công dân tầng cử Trung Tâm Hội Nghị = QD1

-Phê chuẩn T1, bộ trưởng

-Tổ chức Quốc Dân đoàn (xã, hạt, huyện, tỉnh)

-Tham dự & tu chỉnh kế hoạch quốc gia.

-Phê chuẩn luật do Lập Pháp Viện đề ra.

 

C.Phê Phán Công Đường

-Do D1+ KS1

-Kiểm soát Trung Tâm Hội Nghị ,QD1 & T1

-Đề nghị tu chính Hiến Pháp nhưng không quyết định

 

D. Chính trị phù bật

-Chỉnh lý cơ +T1

-Tham quân cơ + T1

 

-Ất (Hành chính tổng cơ)  

 

A. Nghiên Cứu Bộ:

-Nghiên Cứu Viện (tự tuyển)

-Lập Pháp Viện  (T1 + D1)

 

B.Chấp Hành Bộ:

-Hành Chính Viện (T1 +D1)

-Quan Chính Viện (T1 chọn)

 

C. Khảo hạch bộ

-Tư Pháp Viện (Dân-Quân-Hình luật)

-Kê Sát Viện (+QD1)

 

-Bính (Hành chính phụ cơ)

 

A.Khu vực quốc phòng

 

B.Tỉnh: tỉnh trưởng+T1

-Trung Tâm Hội Nghị (tỉnh) tham chính.

 

C.Huyện:

-Trung Tâm Hội Nghị (Huyện) nắm quyền

-Dân cử Huyện trưởng+ T1

 

D.Hạt

-Trung Tâm Hội Nghị (Hạt) nắm quyền

-Huyện trưởng cử Hạt trưởng+ T1

 

E.Xã

-Trung Tâm Hội Nghị (Xã) nắm quyền

-Xã trưởng do dân cử, Huyện trưởng giám sát+ T1

-Đinh (Chính trị nguyên cơ)

 

-Công dân đoàn tổ chức Trung Tâm Hội Nghị hành xử quyền Lập Pháp.

 

-Các Trung Tâm Hội Nghị chịu mệnh từ Công Dân đoàn.

 

-Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị là toàn quốc dân.

 

-Xã chính dân đoàn là ý chí & quyết nghị sau cùng việc nước, quốc phòng.

 

-Quốc dân Trung Tâm Hội Nghị soạn thảo, Quốc dân Công đoàn quyết định thi hành.

 

Nhìn vào tổ chức của Đan Quyền, chúng ta thấy có 4 cột trụ: Giáp-Ất-Bính-Đinh. Tương tự như hệ thống chính trị Tây phương: Giáp (Chính Trị tổng cơ) là hoạt động có tính chính trị. Trong khi Ất (Hành Chính tổng cơ) là những bộ phận lo về hành chính, chuyên môn mà nhân sự do T1 (tổng thống, quốc trưởng) chọn với sự chấp nhận, phê chuẩn của D1 (quốc dân Trung Tâm Hội Nghị). Sự khác biệt là D1 phục vụ cho cả hai phía giới lãnh đạo chính trị (đảng chính trị) và D1 (các tầng lớp Trung Tâm Hội Nghị các cấp do dân tham dự). Như vậy kiến thức chuyên môn không còn là độc quyền của giới ưu tú để áp đảo dân đen. Cả T1 và D1 đều tham dự từng bước và vì thế mà gọi là Đan quyền.

Đồng thời sự hiện diện của Phê Phán Công Đường (như là bộ phận kiểm soát Chính Trị Tổng Cơ cũng như những án lệnh được Tối Cao Pháp Viện bên Tư Pháp Viện phán xét nhưng sai trái cần phải nhìn lại) do dân chọn được thay đổi nhân sự thường xuyên, kiểm soát cả T1 lẫn D1 và luật pháp. Phê Phán Công Đường có trách nhiệm như toà án (phán xét, phê bình) lẫn với giới truyền thông để phân xử và minh bạch mọi sinh hoạt trong nước. Bính là Hành Chính phụ cơ rải theo trung ương đến địa phương. Khu vực quốc phòng để riêng. Tỉnh và huyện do T1 và D1 phối hợp: Tỉnh (huyện) trưởng do T1 chọn điều hành, Trung Tâm Hội Nghị nắm quyền (như Lập Pháp của Tây phương nhưng lại không làm luật mà bộ phận làm luật là Lập Pháp Viện, từ bên Hành Chính Tổng Cơ). Nhưng cấp Hạt lại do Huyện trưởng đề cử qua Trung Tâm Hội Nghị địa phương. Đến cấp Xã thì lại do dân cử (phải chăng đây là lý do "đáy tầng"?).

Căn nguyên chính trị là "Đinh". Người dân từ Xã tham dự Xã chính dân đoàn. Nếu hiểu "Quốc dân là mọi người. Công dân là những người có tiêu chuẩn tham gia chính trị" thì mọi người dân đều tham gia việc nước (cá nhân có quyết tâm là chuyện khác). Cấp cao nhất là Quốc Dân Trung Tâm Hội Nghị làm việc ngang hàng với Quốc Trưởng. Quốc Trưởng có thể là đảng viên đảng ABC nhưng dân thì không. Quy chế thay đổi và tham dự Trung Tâm Hội Nghị không cho phép dân (nếu là đảng viên) có thể thao túng các quyết định của Trung Tâm Hội Nghị từ cấp dưới (xã) lên trên (toàn quốc). Lập Pháp Viện cũng là bộ phận làm luật do T1 chỉ đạo và D1 phê chuẩn tránh được tình trạng Quốc Hội làm luật trói tay Hành Pháp hay Hành Pháp yêu cầu mà Quốc Hội không làm. Tương tự như vậy, Hành Chính Viện phụ trách các nhu cầu pháp luật, chính sách quốc gia, không lệ thuộc T1 hay D1. Các bộ phận chính quyền theo Đan Quyền không bị áp lực chính trị của đảng cầm quyền chi phối cho dù là Hành Pháp hay Lập Pháp.

Như chúng ta thấy "Chính Trị Tổng Cơ" (lãnh đạo) là chính nhưng kèm theo là "Chính Trị Nguyên Cơ" (nhân dân). "Hành Chính Tổng Cơ" (trung ương) là các bộ phận chuyên môn được kèm theo bởi "Hành Chính Phụ Cơ" (các cấp địa phương). Nguyên tắc "tung hợp" được áp dụng để từng bước sinh hoạt của chính quyền các cấp, lãnh vực đều có sự tham dự của giới lãnh đạo, chuyên gia và nhân dân.

Khuyết điểm của Đan Quyền vẫn là dân. Mọi người dân có chấp nhận Duy Nhân Cương Thường (Nhân Bản Cương Thường) hay không? Người dân có tích cực tham gia từ cấp xã lên tới quận, hạt, huyện, tỉnh với nhu cầu tham dự sinh hoạt nghị hội các cấp thường xuyên -- có thể là trở ngại cho sinh kế cá nhân, gia đình. Công dân có chấp nhận nền giáo dưỡng nhân bản để đào tạo các nhân vật lãnh đạo có tu dưỡng và điều hành quốc gia theo hướng "Bình Sản Kinh Tế"

Đan quyền phối hợp sự kiểm soát, kềm chế lẫn nhau giữa Quốc Trưởng, Trung Tâm Hội Nghị và Phê Phán Công Đường (cũng do từ Công Dân đoàn cử ra). Quốc trưởng bổ nhiệm các Bộ, viện trưởng (nội các) nhưng do Trung Tâm Hội Nghị đồng ý. Cả quốc trưởng lẫn Trung Tâm Hội Nghị chịu sự phê phán từ Phê Phán Công Đường. Phê Phán Công Đường thành viên do Trung Tâm Hội Nghị và Kê Sát Viện chủ tuyển. Đan quyền đặt Lập Pháp Viện (làm luật) là cơ quan chuyên môn (làm luật) và được Trung Tâm Hội Nghị phê chuẩn. Do đó các "đại diện nhân dân" trong Trung Tâm Hội Nghị (cho dù thay đổi thường xuyên) cũng không thể ra luật với lỗ hổng (loophole) hay có lợi cho các nhóm vận động (lobby). Và các nhà "lập pháp" (quốc hội) không có chuyện trì hoãn việc soạn, ban hành luật khi cần thiết hay uy hiếp Hành Pháp về ngân sách vì Phê Phán Công Đường kiểm soát các đạo luật. Soạn luật với kẽ hở (loophole) và cập nhật hóa các đạo luật lỗi thời là hai khuyết điểm của Quốc Hội trong hệ thống tam quyền. Lơ là việc soạn luật để chạy theo lợi ích cá nhân (xuất ngoại, vận động tài chính ...) là sự lạm quyền mà cử tri bất lực nếu muốn ngăn chận. Lập pháp viện của đan quyền trở thành nhiệm vụ hành chính: làm vì nhu cầu (giữa T1 đề nghị và D1 chấp thuận với sự phê bình của Phê Phán Công Đường) không vì phe nhóm (đảng).

Trong khi đó Tư Pháp Viện (tòa án) coi cả dân, quân và hình luật, độc lập với Quốc Trưởng. Kê Sát Viện (thanh tra) làm việc với Trung Tâm Hội Nghị và độc lập với Quốc Trưởng. Kê Sát Viện làm việc giám sát, thẩm định, cũng như luận tội về luật pháp, các nhân viên ở các cấp hầu tránh sự lũng đoạn trên mặt nhân sự cũng như chính sách.  Tuy rằng Quốc Trưởng chung quyết các án Tư Pháp, Kê Sát Viện nhưng nếu Quốc Trưởng không đồng ý điểm ABC mà Phê Phán Công Đường không bác bỏ và Trung Tâm Hội Nghị vẫn chấp nhận thì mới chứng tỏ "dân"làm chủ (có thực quyền quyết định). Như vậy cơ quan thi hành (giám sát, xử) luật xét cả dân sự lẫn quân sự sẽ tránh được sự kiện tòa án quân sự xử khác tòa dân sự vì XYZ (khi nhân quyền như nhau). Sức mạnh quân đội vẫn do dân kiểm soát (tránh việc Quốc Trưởng dùng quân đội đảo chính chính quyền dân cử). Tư pháp trong Đan Quyền tránh được xung đột giữa Tòa và bộ Tư Pháp (hành pháp). Khi sự phê bình (Phê Phán Công Đường) đến từ dân (những tiếng nói từ bên ngoài để Phê Phán Công Đường xét lại bản án hoặc chính sách của quốc gia). Cơ quan thanh tra (Kê Sát Viện) và xử án (Tư Pháp Viện) làm việc với dân (Trung Tâm Hội Nghị) là sự phối hợp giữa ý dân và chuyên gia. Sự giám sát (thanh tra) trở thành bộ phận riêng không còn là thuộc từng bộ. Như vậy tránh được tình trạng vị Bộ Trưởng áp chế việc thanh tra trong nội bộ để che giấu các hành vi phạm pháp. Khi Tư Pháp Viện hoạt động như bộ phận hành chính độc lập thì Hành Pháp (T1) không can thiệp được. Sự kiện bộ quốc phòng tiêu xài ngân sách không có hồ sơ (trường hợp quân đội Mỹ tại Iraq) mà Quốc Hội truy xét không có kết quả. Trong Đan Quyền thì Kê Sát Viện và Trung Tâm Hội Nghị có khả năng ngăn chận những xung đột đảng phái, hướng chính trị trong chính quyền thường làm tê liệt chính quyền, cản trở việc thi hành luật pháp. Khi thành viên Trung Tâm Hội Nghị có nhiệm kỳ giới hạn (2 lần tiên nhiệm, mỗi nhiệm kỳ là 4 năm, tổng cộng ba nhiệm kỳ là 12 năm) bị kiểm soát bởi Phê Phán Công Đường, không dính vào doanh nghiệp, không làm luật mà chỉ được phê chuẩn sẽ tránh bị mua chuộc bởi bên ngoài.

Bộ phận Quan Chính Viện để đưa ra những tiêu chuẩn tuyển chọn người vào vị trí lãnh đạo quốc gia, phải có đủ những tiêu chuẩn tài, đức chứ không như cơ chế tam quyền của Mỹ không đặt nặng tài và đức để rồi khi được bầu vào cơ chế thì mặc sức phá tan nền dân chủ đã từng có trên 200 năm.

Bất kỳ cá nhân nào nắm giữ quyền hành (càng cao và càng lâu) dễ có khuynh hướng lạm quyền. Bị hủ hóa (biến chất) lâu hay mau tùy trình độ tu dưỡng của mỗi cá nhân. Mục đích của Đan Quyền là kiểm soát từng bước thi hành quyền hạn mọi lãnh vực từ người chủ xướng (lãnh đạo) đến dân (Trung Tâm Hội Nghị) qua giới chuyên gia (các viện, bộ) dưới sự kiểm soát, phê bình (Phê Phán Công Đường và Kê Sát Viện). Khi "quyền" bị giới hạn thì "lợi" cũng giảm theo. Có như vậy tài nguyên thiên nhiên không bị khai thác quá đáng, phí phạm và gây ô nhiễm. Sự phát triển có thể chậm nhưng so sánh giữa "nhanh" để rồi di hại về sau khi các công ty khai thác kiếm lời rồi bỏ chạy để lại gánh nặng cho địa phương và chính quyền. Không "lợi" quá đáng thì kẻ xấu không nhảy vào chính quyền để lũng đoạn. Kinh tế thị trường không "tự do" để kiếm lời (thịnh vượng) và lũng đoạn chính quyền. Phải chăng đó là mục đích của Bình Sản Kinh Tế?

Một khi "quyền" (chính trị ) được kiểm soát bởi đáy tầng (người dân) thì "lợi" (kinh tế) sẽ như thế nào? Đó là mục đích của Bình Sản Kinh Tế. Để có thể chấp nhận Bình Sản Kinh Tế thì phải đi qua Tu Dưỡng, qua Sinh Mệnh Tâm Lý, Duy Nhân Cương Thường (Nhân Bản Cương Thường), Cơ Năng Hiến Pháp... và sẽ được thảo luận trong bài viết khác.

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

 

Đảng Cách Mạng

Trong quá khứ chúng ta nghe nhiều về các đảng nhưng tất cả các đảng có bao giờ tự hỏi: đảng mình là đảng chính trị hay là đảng cách mạng? Bà...